4. Trong lúc Trương Phát Khuê đang loay hoay tìm “người lãnh đạo mới” đó thì Lương Hoa Thịnh rồi Hầu Chí Minh(1) báo cáo với Trương về một người tù đặc biệt đang bị giam ở nhà tạm giam của Ban chính trị thuộc Chiến khu IV. Trương Phát Khuê đích thân đi gặp ông Hồ.
“Ông Hồ tạo ra ấn tượng tốt đối với Trương Phát Khuê”(2). “Qua nói chuyện với ông, Trương Phát Khuê nhận thấy ông có những năng lực đáng kể và lòng hăng hái chống Pháp”(3). “Khả năng Hán học của ông Hồ gây ấn tượng đối với Trương Phát Khuê… Ông nói năng nhẹ nhàng, vừa nói vừa vuốt râu. Ông luôn giữ điềm tĩnh và làm việc tích cực”(4). Đúng là “một chiến sĩ cách mạng rất tài năng” (un militant révolutionnaire très capable)(5), “một người rất tốt” (a very good man)(6), khác xa những thủ lĩnh quốc gia trong Đồng minh hội: “Mục tiêu mà ông Hồ thực sự tranh đấu là nền độc lập hoàn toàn [chữ nghiêng trong nguyên tác] cho đất nước của ông, một từ mà không có bất cứ thủ lĩnh nào của Đồng minh hội sử dụng cả”(7). Trương Phát Khuê đi tới kết luận: “Lực lượng Việt Nam duy nhất có thể hợp tác với Trung Hoa [trong công cuộc chống phát xít Nhật] sẽ là những người của ông Hồ Chí Minh, chứ không phải là những người quốc gia trong Đồng minh hội”(8) vì “chỉ có những cán bộ Việt Minh của ông Hồ mới có thể cung cấp được những tin tức tình báo đáng tin cậy về lực lượng và sự di chuyển của quân Nhật ở sườn phía nam của Trung Hoa trên đất Việt Nam”(9).
Ba mươi năm sau, biết bao vật đổi sao dời, nhưng trong Hồi ký kháng chiến (K’ang chan hui i lu) đăng trên tuần báo United Review xuất bản ở Hồng Kông năm 1962, Trương Phát Khuê vẫn giữ những nhận định ban đầu về ông Hồ: Đó là “một người đầy nghị lực và làm việc tích cực”, có “kiến thức về các sự kiện trên thế giới sâu rộng hơn” những thủ lĩnh quốc gia, lại biết nhiều ngoại ngữ như “tiếng Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp”(10).
Trương Phát Khuê gửi công văn lên Ngô Thiết Thành, Bí thư trưởng Quốc dân đảng Trung Hoa, ca ngợi “Hồ Chí Minh là người có nhiều phẩm chất tốt đẹp, trung thực và chân thành”(11), yêu cầu trả tự do cho ông Hồ để ông giúp họ Trương trong việc cải tổ Đồng minh hội.
Ông Hồ phản ứng như thế nào trước đề nghị của viên tư lệnh Chiến khu IV?
Như ông đã viết trong bài Nạp muộn (Buồn bực):
“Hoàn cầu chiến hỏa thước thương thiên…
Ngục lý nhàn nhân nhàn yếu mệnh”
(Giữa lúc lửa chiến tranh trên trái đất nóng chảy cả trời xanh
Thì ở trong tù, người nhàn lại nhàn quá đỗi).
Chỉ khi nào được tự do thì ông mới cùng “Tráng sĩ tương tranh phó trận tiền” (Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận) được, mới có thể thực hiện hai mục đích của chuyến đi: vận động các nước Đồng minh viện trợ và công nhận Việt Minh là một thành viên của phe dân chủ chống phát xít.
Về việc tham gia cải tổ Đồng minh hội, ông Hồ bác bỏ ý kiến hẹp hòi của một số Việt kiều đòi tẩy chay tổ chức này để nó chóng sụp đổ. Ông nói: “Không vào [Đồng minh hội] là sai rồi… Chúng [Trung Hoa Quốc dân đảng] mở cửa cho ta vào nắm quần chúng, sao ta lại quay đi?... Ta phải lợi dụng khả năng ấy. Phải vào [Đồng minh hội] mà biến tổ chức địch thành tổ chức ta… Lý lẽ của ta đúng, lập trường của ta rõ [khiến] quần chúng cũ của chúng cũng bỏ chúng, theo ta”(12).
Nhận được yêu cầu của Trương Phát Khuê, Trung ương Quốc dân đảng Trung Hoa và Chính phủ Trùng Khánh đồng ý. Robert Shaplen có lẽ không chính xác khi viết: “Họ Trương ra lệnh thả ông Hồ khỏi nhà lao Liễu Châu, làm như vậy mà không nói cho Tưởng Giới Thạch biết”(13).
Trong khi đó, Ben Kiernan cho biết “các viên chức Mỹ cùng tham gia việc thương lượng để trả tự do cho ông Hồ”(14). Archimedes L.A. Patti viết cụ thể hơn: trong mùa hè và mùa thu năm 1943, những đại diện của Cơ quan tình báo chiến lược Mỹ OSS ở Trùng Khánh thương lượng thông qua các kênh ngoại giao và quân sự để ông Hồ được tự do. Họ đã “thảo luận với các viên chức Cơ quan thông tin về chiến tranh OWI và Tòa đại sứ [Mỹ] và họ đồng ý cố gắng để đảm bảo một cách chính thức việc trả tự do cho ông Hồ và dàn xếp để ông hợp tác [với họ]”(15).
Ngày 10-9-1943, ông Hồ ra khỏi nhà tạm giam, về làm việc ở Ban chính trị Chiến khu IV. Thượng úy Bành Đức, công tác tại Ban chính trị, nhớ lại: Một hôm, tướng Hầu Chí Minh, quyền chủ nhiệm Ban chính trị, “dặn riêng làm thêm mấy món rồi cùng đi với ông già bị giam giữ vào nhà ăn, lại mời một vài khoa trưởng cùng ăn cơm với ông già. Lúc thì giam giữ ông già, lúc lại đối xử với ông như thượng khách, thật là chuyện lạ lùng.
Chẳng bao lâu có người tiết lộ cho biết ông già là nhà cách mạng Hồ Chí Minh của Việt Nam. Sau đó, không còn thấy ông già bị giam giữ nữa, chỉ thấy ông ngày ngày cùng ăn cơm với nhân viên trong Ban chính trị, có lúc còn gọi thêm một vài nhân viên cấp dưới đến cùng ăn, nói cười vui vẻ. Mọi người gọi ông là “Cụ Hồ” (Hồ lão bá). Cụ Hồ sống rất giản dị, thường mặc bộ quân phục bằng vải thô, đi đâu cũng chỉ đi bộ”(16).
Thấy ông Hồ chỉ mặc một bộ quần áo đã bạc màu, tướng Hầu Chí Minh biếu ông hai bộ quân phục mới. Ông Hồ cảm ơn rồi nói: “Những cái này để dành cho các tướng sĩ đang đánh Nhật ở tiền phương. Tôi mặc thế này là đủ rồi”(17).
Tiến sĩ King C. Chen bình luận: “Ông Hồ đã thành công trong việc thay đổi địa vị của mình, từ một người tù trở thành một đồng minh”(18) của Trương Phát Khuê.
Trong hai tháng đầu tiên, ông Hồ làm việc nhiệt tình, đưa ra nhiều sáng kiến hợp lý, biến Đồng minh hội từ một đoàn thể yếu ớt, nội bộ lủng củng thành một tổ chức có quy củ. “Các thủ lĩnh quốc gia trở nên lu mờ khi so sánh với ông Hồ”(19) nên Trương Phát Khuê cử ông Hồ làm Phó chủ nhiệm Đồng minh hội. Các thủ lĩnh quốc gia không hài lòng nhưng không dám cãi lời họ Trương.
Không muốn làm việc ở Ban chính trị Chiến khu IV, ông Hồ viện cớ phải thường xuyên tiếp xúc với Ban chấp hành và hội viên Đồng minh hội, đề nghị chuyển đến trụ sở của Đồng minh hội, số 2 đường Ngư Phong, thành phố Liễu Châu. Họ Trương không có lý do gì để không đồng ý (23-11-1943).
Nhờ những đóng góp tích cực và sáng tạo của ông Hồ, Đồng minh hội đã có thể mở hội nghị trù bị vào cuối tháng 2-1944.
Tại hội nghị, sau khi trình bày những chuyển biến trên thế giới từ khi thế chiến thứ hai nổ ra, ông Hồ nhấn mạnh: các cường quốc không còn phân biệt theo chế độ tư bản hay chế độ cộng sản, đã liên kết với nhau thành phe Đồng minh chống phát xít; ngay tại Trung Hoa, hai chính đảng lớn nhất là Quốc dân đảng và Đảng Cộng sản cũng hợp tác kháng chiến chống Nhật cứu nước. Ông kêu gọi mở rộng Đồng minh hội để tập hợp tất cả các đảng phái trong và ngoài nước cùng nhau chống ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, đồng thời góp phần vào cuộc chiến đấu chống chủ nghĩa phát xít của thế giới. Đại hội sắp tới chỉ mới quy tụ đại biểu các đảng phái Việt Nam ở Trung Hoa, nên đề nghị đổi tên “Đại hội đại biểu toàn quốc của Đồng minh hội” thành “Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng ở hải ngoại của Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội”. Trong tương lai, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đồng minh hội sẽ tiến hành ở Việt Nam, do Việt Minh đăng cai tổ chức tại khu căn cứ của Việt Minh, bao gồm đại biểu các đảng phái trong nước và hải ngoại.
Các thủ lĩnh quốc gia sợ mất quyền kiểm soát đại hội nên bác bỏ ý kiến đó, nhưng “tướng Trương Phát Khuê đồng ý với những cảm nghĩ cao quý đó [của ông Hồ] và mời ông Hồ xúc tiến kế hoạch triệu tập Đại hội của Đồng minh hội vào cuối tháng 3[-1944]”(20). Các thủ lĩnh quốc gia đành phải nghe theo.
Đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại của Đồng minh hội được tổ chức tại Liễu Châu từ ngày 25 đến 28-3-1944.
Trong tham luận đọc trước đại hội, ông Hồ nhấn mạnh: “Không có một sức mạnh thống nhất của cả nước, không có sự giúp đỡ mạnh mẽ của bên ngoài, công cuộc vận động giải phóng khó mà thành công được… Cho nên, tôi hy vọng rằng: Đồng minh hội, sau hội nghị này, có thể thực sự chấn chỉnh lại nội bộ, thực sự đoàn kết được các lực lượng cách mạng Việt Nam ở nước ngoài, thực sự kết hợp thành một khối với các lực lượng cách mạng ở trong nước”(21).
Các đại biểu các đảng phái quốc gia chiếm đa số tại đại hội nên ông Hồ chỉ được bầu làm ủy viên dự khuyết, “nhưng ngay sau đó ông đã trở thành ủy viên chính thức”(22) của Ban chấp hành gồm 7 người, chắc chắn là do sự can thiệp của Trương Phát Khuê, người muốn “đưa ông vào giới lãnh đạo Đồng minh hội”(23). Vì ông là người hoạt động tích cực nhất và hiệu quả nhất trong số các ủy viên, được Trương Phát Khuê tín nhiệm nhất, nên một số nhà viết sử như Robert C. Golston, Jean Lacouture, Joseph Buttinger… xem ông là “người chỉ huy” (director), “người đứng đầu” (head) của Đồng minh hội(24). Lê Hồng Sơn (đại biểu của Hội Giải phóng, một đoàn thể của Việt kiều yêu nước ở miền Nam Trung Hoa do Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức) cũng được bầu vào Ban chấp hành.
Vui mừng trước thành công của đại hội, Trương Phát Khuê biếu mỗi ủy viên Ban chấp hành và mỗi ủy viên Ban kiểm soát 5.000 quan kim. Trong khi các ủy viên các đảng phái quốc gia hân hoan nhận tiền, chỉ có ông Hồ và Lê Hồng Sơn gửi lại một nửa số tiền để tặng “cho các tướng sĩ Trung Quốc đang chống Nhật ở tiền phương”(25). Trương Phát Khuê và các quan chức Quốc dân đảng Trung Hoa rất cảm kích trước cử chỉ cao thượng đó của hai nhà cách mạng họ Hồ và họ Lê.
Sau đại hội ở Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây), ông Hồ chỉ đạo tiến hành Đại hội Phân hội Vân Nam của Đồng minh hội ở Côn Minh ngày 2-7-1944. Ba trong tổng số 5 ủy viên Ban chấp hành Phân hội là hội viên Hội Giải phóng. Sau đại hội, Dương Tử Giang, một ủy viên khác của Ban chấp hành, vốn là đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, đã rời bỏ đảng của mình để gia nhập Hội Giải phóng, nâng tỷ số người của Hội Giải phóng lên 4/5. Điều này cho thấy lời nói của ông Hồ “Lý lẽ của ta đúng, lập trường của ta rõ [khiến] quần chúng cũ [của các đảng phái quốc gia] cũng bỏ chúng, theo ta” được chứng minh là chính xác.
Sau thành công của các đại hội, Trương Phát Khuê càng tin tưởng ở tài đức của ông Hồ. Theo nhà sử học Mỹ William J. Duiker, “vào lúc này, Trương Phát Khuê đã dứt khoát cho rằng Hồ Chí Minh là sự lựa chọn tốt nhất để lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Nhật của người Việt Nam”(26).
5. Ông Hồ không bao giờ quên công cuộc giải phóng dân tộc đang chờ ông ở quê hương.
Tại một hội nghị của Đồng minh hội, vấn đề đưa cán bộ về nước để tổ chức kháng chiến chống Nhật được nêu ra. Theo Hoàng Văn Đào - đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng đã nói ở trên - “trước hội nghị, mọi yếu nhân các đảng phái quốc gia đều làm lơ”(27). Tất cả đều chọn ở lại Trung Hoa vì dù sao cũng an toàn và an nhàn hơn là về nước, sống trong chiến khu đầy gian khổ và hiểm nguy. Trương Phát Khuê nhận định: họ “không được nhân dân ủng hộ [nên] không dám về Việt Nam”(28). Nhà sử học Mỹ Bernard B. Fall mỉa mai: Họ “ở lại Trung Hoa, chờ ngày chiến thắng Nhật”(29). Đến lúc đó, khi không còn kẻ thù nữa, họ mới chịu về nước để đòi ghế trong Chính phủ liên hiệp và trong Quốc hội.
Hoàng Văn Đào viết tiếp: trong hội nghị đó, “duy có ông Hồ Chí Minh giơ tay xin xung phong” về nước(30). Các thủ lĩnh quốc gia “không ai phản đối khi các phần tử Việt Minh tình nguyện trở về với những hiểm nguy ở Đông Dương đang bị Nhật chiếm đóng”(31).
Trương Phát Khuê báo cáo lên Chính phủ Trùng Khánh: “Qua những lần nói chuyện với ông Hồ và qua các bài viết của ông, ông có kiến thức chính xác về chủ nghĩa Tam dân [của Tôn Dật Tiên] và hiểu rõ chính sách kháng Nhật [của Trung Hoa]… Để ông tiếp tục ở lại Trung Hoa sẽ không có lợi cho Trung Hoa, để ông về lại Việt Nam không có hại cho chúng ta”(32). Một lần nữa, thay mặt Tưởng Giới Thạch, Viện trưởng Viện Hành chính Trương Trị Trung đồng ý để ông Hồ về Việt Nam lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Nhật.
“Vào đầu tháng 8[-1944], bất chấp những lời oán trách của những người không cộng sản [trong Đồng minh hội], Trương Phát Khuê để cho ông Hồ hoàn toàn tự do hoạt động và hứa để cho ông có thể về Việt Nam sớm”(33). “Trương đã đồng ý cấp cho ông Hồ một hộ chiếu có thể nhập cảnh nhiều lần vào Trung Hoa”(34).
Ngày 9-8-1944, ông Hồ cùng 18 thanh niên Việt Nam (từng được huấn luyện quân sự ở Quảng Tây) rời Liễu Châu về nước theo ngả Long Châu và Tĩnh Tây. Khác với chuyến đi tháng 8-1942 trong bí mật, ngày nghỉ đêm đi, chuyến về lần này diễn ra công khai: 19 người Việt Nam mặc quân phục của Chiến khu IV, tay cầm hộ chiếu, vai mang ba lô đựng thuốc men, súng đạn… Nếu nhớ lại tâm trạng bi thiết của ông Hồ trong cảnh ngục tù:
Vô tội nhi tù dĩ nhất tải
Lão phu hòa lệ tả tù thi
(Thu dạ)
(Không có tội mà bị giam một năm nay
Già này hòa nước mắt viết thơ tù)
thì hình ảnh đoàn chiến sĩ cách mạng trên đường hành quân về nước lúc này thật hùng tráng biết bao!
Chỉ một tuần lễ sau, ngày 16-8, quân Nhật bắt đầu tấn công Quế Lâm và Liễu Châu, đến ngày 11-11 thì chiếm hai địa phương này. Tướng Trương Phát Khuê phải dời hành dinh của mình sang Bách Sắc (cách Liễu Châu 400 dặm về phía tây). Chỉ có Lê Hồng Sơn, Trương Trung Phụng và Bồ Xuân Luật cùng theo về Bách Sắc, còn các ủy viên khác di tản xa hơn, sang Vân Nam hay Quý Châu và hoạt động rất rời rạc.
Nhà nghiên cứu Chester Cooper nhận định: từ đó, “ông Hồ theo đuổi đường lối riêng của mình”(35), không liên quan gì đến Trương Phát Khuê nữa.
Các nhà nghiên cứu ở Viện Quan hệ quốc tế của Việt Nam nhận xét: “Trong thời gian ở Liễu Châu, do có quan hệ với Trương Phát Khuê, ông Hồ đã làm quen với một số sĩ quan Mỹ”(36) trong các tổ chức OWI, OSS và AGAS.
Tiến sĩ William J. Duiker cho biết: “Trong những tháng sau khi ra khỏi nhà giam (tháng 9-1943), ông Hồ xây dựng tình hữu nghị và tin cậy với các sĩ quan Mỹ trong chi nhánh Liễu Châu của OWI”(37). Đặc biệt sau thành công của Đại hội Đồng minh hội, “khả năng của ông Hồ trong lãnh vực tình báo và chiến tranh du kích được OSS ở Trung Hoa biết đến”. Vì vậy, “vào giữa năm 1944, các viên chức OSS và AGAS tiếp cận ông Hồ với ý định tổ chức một mạng lưới tình báo ở Đông Dương”(38). Tuy nhiên, vì một số lý do, việc triển khai ý định này bị hoãn tới đầu năm sau.
Theo một số tác giả nước ngoài như King C. Chen, Daniel Hémery, Archimedes L.A. Patti…, vào cuối năm 1944 ông Hồ có đến Côn Minh (tỉnh Vân Nam), ở đó “ông thành công trong việc tiếp xúc chặt chẽ với bộ tham mưu Mỹ tại Trung Hoa”(39). Tháng 8-1944, William R. Powell, viên chức của OWI, đến gặp William Langdon, Tổng lãnh sự Mỹ ở Côn Minh, để xin cho ông Hồ một thị thực nhập cảnh vào nước Mỹ. Theo lời của Powell, ông Hồ là “một người Trung Hoa sinh ở Đông Dương” nhưng lại không có hộ chiếu của cả Đông Dương lẫn Trung Hoa, nên Langdon phải xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Ngoại giao Mỹ(40).
Thông tin này chưa được tác phẩm Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử của Viện Hồ Chí Minh ghi nhận. Ngay cả khi ông Hồ không đến Côn Minh, ông cũng chỉ đạo các đồng chí của ông tiếp xúc với các quan chức Mỹ ở đó. Tác giả Patti kể tiếp:
“Ngày [18] tháng 8-1944, với sự giúp đỡ của nhiều sĩ quan OSS và OWI ở Côn Minh, Đông Dương Độc lập Đồng minh hội(41) gửi thư cho Đại sứ Mỹ [Clarence E. Gauss]”. Ba người ký tên dưới bức thư - Phạm Việt Tử, Vương Minh Phương và Tống Minh Phương - “mong nước Mỹ giúp đỡ họ trong cuộc đấu tranh vì độc lập và cho họ cơ hội chiến đấu bên cạnh các nước Đồng minh chống Nhật”.
Cùng ngày, một sĩ quan OSS trao thư ấy cho Tổng lãnh sự Langdon với lời bình luận rằng “các nhà cách mạng Việt Nam… hiện nay có tinh thần cao… [và] cho rằng việc Mỹ ủng hộ sự nghiệp của họ là điều tất nhiên”.
“Được OSS thúc giục, ngày 8-9-1944, Langdon đã gặp nhóm người viết bức thư. Với tư cách là người phát ngôn [của nhóm], Phạm Việt Tử nói họ kêu gọi cảm tình của nước Mỹ, [Việt Minh] muốn đưa hội viên của họ đứng về phía các nước Đồng minh chống Nhật, Việt Minh có một kế hoạch hành động để thực hiện mục đích này nếu được Mỹ cung cấp vũ khí và viện trợ”. Phạm Việt Tử “đề nghị Langdon khuyên Chính phủ Mỹ nhấn mạnh quyền tự trị của nhân dân Việt Nam”. “Langdon cam kết với các vị khách rằng ông sẽ chuyển quan điểm của họ về Chính phủ Mỹ”(42).
Những tiếp xúc bước đầu của ông Hồ và các đồng chí của ông đã phát triển thành sự hợp tác Việt - Mỹ trong năm 1945, năm quyết định trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
_____
(1) Tướng Lương Hoa Thịnh làm chủ nhiệm Ban chính trị thuộc Chiến khu IV. Sau khi Lương Hoa Thịnh thăng chức phó tư lệnh Chiến khu IV, tướng Hầu Chí Minh thay ông làm quyền chủ nhiệm.
(2), (7), (8), (10), (11), (18), (28), (32) King C. Chen, Vietnam and China 1938-1954, Princeton University Press xuất bản, New Jersey, 1969.
(3), (20), (22), (26), (33), (34), (37) William J. Duiker, Ho Chi Minh - A life, NXB Hyperion, New York, 2000.
(4), (6), (19) Pierre Brocheux, Ho Chi Minh - A Biography, Cambridge University Press xuất bản, New York, 2007.
(5) Philippe Devillers, Histoire du Vietnam de 1940 à 1952, NXB Seuil, Paris, 1952.
(9) George McT. Kahin, Intervention: How America Became Involved in Vietnam, NXB Alfred A. Knopf, New York, 1986.
(12) Hoàng Quang Bình, “Ở Vân Nam”, trong Bác Hồ, nhiều tác giả, NXB Văn học, Hà Nội, 1975.
(13) Robert Shaplen, The Lost Revolution, NXB Harper & Row, New York, 1966.
(14), (23) Ben Kiernan, Viet Nam: A History from Earliest Times to the Present, Oxford University Press, New York, 2017.
(15), (38), (40), (42) Archimedes L.A. Patti, Why Vietnam?, University of California Press xuất bản, Berkely, 1980.
(16) Hoàng Tranh, Hồ Chí Minh với Trung Quốc (Phạm Tú Châu dịch), trong Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1993.
(17), (25) Viện Quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, NXB Sự thật, Hà Nội, 1990.
(21) Hồ Chí Minh - Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập III.
(24) Robert C. Golston, The Vietnamese Revolution of 1945, NXB The Bobbs-Merrill Company, Indianapolis, 1972; Jean Lacouture, Ho Chi Minh: A Political Biography, NXB Vintage Books, New York, 1968; Joseph Buttinger, Vietnam: A Dragon Embattled, New York, 1967, tập I.
(27), (30) Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc dân đảng, Sài Gòn, 1970.
(29), (31) Bernard B. Fall, The Two Viet-nams, NXB Frederich A. Praeger, New York, 1966.
(35) Chester L. Cooper, The Lost Crusade, NXB Dood, Mead & Company, New York, 1970.
(36) Viện Quan hệ quốc tế, sđd. OWI (Office of War Information) là Cơ quan thông tin chiến tranh. AGAS (Air Ground Aid Section) là Cơ quan cứu trợ các phi công bị nạn.
(39) Daniel Hémery, Ho Chi Minh: De l’Indochine au Vietnam, NXB Gallimard, Paris, 1990.
(41) Vì các nước Âu Mỹ chỉ biết Đông Dương, chứ không biết quốc hiệu Việt Nam nên Việt Nam Độc lập Đồng minh hội (tức Việt Minh) phải đổi thành Đông Dương Độc lập Đồng minh hội.