Nhân kỷ niệm 70 năm truyền thống Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (thành lập từ năm 1949 mang tên Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc), Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có một bài phát biểu quan trọng.
Tôi, một “phó thường dân”, chưa từng được bước chân vào trường Đảng cao cấp, trộm nghĩ rằng thật khó khăn khi tiến hành giảng dạy và học tập ở trường trong hoàn cảnh hiện nay. Do vậy mà có tình trạng lười học lý luận - chính trị; có tình trạng học để lấy bằng, đủ chỉ tiêu quy định khi làm “quan chức”. Muốn khác, thì trình độ học viên được tuyển phải là những người ưu tú, giảng viên phải là những người ưu tú và chương trình học cần cải tiến, đổi mới thích hợp với tình hình thực tế của thế giới và trong nước. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn phải là xương sống của chương trình, kiến tạo cho học viên trước hết là phương pháp luận. Nhưng như Nguyễn Ái Quốc đã có nhận xét, chủ nghĩa Mác chưa tổng kết phương Đông (có lẽ mới chỉ đề cập đến Ấn Độ). Vì thế, việc tăng cường kiến thức phương Đông Việt Nam, nhất là triết học có cốt lõi đạo đức học mà Hồ Chí Minh là người tiếp nhận tuyệt vời.
Trường Đảng, trường đào tạo cán bộ lãnh đạo cao cấp, trước hết là trường đào tạo đạo đức, đào tạo con người. Kiến thức Đông Tây, nhân loại, rốt cuộc biến thành thực hành, không phải lý thuyết suông. “Thanh kiếm lý luận phải được tôi rèn trong lò lửa của thực tiễn” như K. Marx nói.
Hiện nay, chúng ta đang thiếu quá nhiều cán bộ có trình độ, có tâm huyết, có lý tưởng… Việc đào tạo cán bộ cao cấp không thể chỉ là hình thức và không chỉ là vào đó để cho “oách”, cho oai, mà học một chữ phải làm một chữ. Đây là một sự nghiệp to lớn, cần đầu tư suy nghĩ, nghiên cứu nhiều. Thầy giỏi, trò giỏi, học nghiêm túc, học để hành đó là những nét cơ bản mà trường hướng tới.