Thành phố Đà Nẵng gồm có 6 quận và 2 huyện, trong đó có huyện đảo Hoàng Sa. Huyện đảo Hoàng Sa nằm về phía Đông Bắc, ở vị trí 15045’ đến 17015’ vĩ độ Bắc và 1110 đến 1130 kinh độ Đông. Hoàng Sa cách thành phố Đà Nẵng 315km, cách đảo Lý Sơn (tên cũ là cù lao Ré) 222,4km, kéo dài 366km từ Bắc xuống Nam và 176km từ Đông sang Tây. Quần đảo Hoàng Sa chiếm một diện tích mặt biển rộng trên 292.600km², diện tích nối trên mặt biển của hơn 20 hòn đảo và bãi đá nối rộng hơn 10km².
Trên quần đảo Hoàng Sa hầu như chưa có người ở. Các đảo, ngoài đá còn có các loại thực vật như dừa nước, cây phong ba, cây bàng quả vuông… Đông đảo nhất là các loài chim biển, hải thủy sản… Một nhà thơ đã có phác thảo cho con:
Trên đảo có gì khó kể với con
Cây dừa nước cổ đeo cườm, trĩu quả
Chịu bão tố nên có tên dừa đá
Cây bàng quả vuông to đến dị kỳ
Ốc tai voi như cối đá biết đi
Đông vui nhất là loài chim biển…

Một trong rất nhiều bản đồ cổ của Trung Quốc không hề có Hoàng Sa, Trường Sa
Qua những di chứng lịch sử và biến chuyển chính trị, quần đảo Hoàng Sa đã khẳng định Việt Nam có chủ quyền của mảnh đất này từ thế kỷ 17, từ thời chúa Nguyễn. Qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng… cho đến năm 1938, quần đảo Hoàng Sa được cơ cấu hành chính thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Thời nước ta thuộc Pháp, ngày 30-3-1938, vua Bảo Đại đã ký Dụ số 10 chuyển quần đảo Hoàng Sa thuộc về địa phận hành chính tỉnh Thừa Thiên. Tháng 6-1939, Jules Brévié, Toàn quyền Đông Dương, ra Nghị định số 3282 chia quần đảo Hoàng Sa làm thành hai bộ phận để tiện cho việc cai trị gồm nhóm phía Đông là sở địa lý An Vĩnh và nhóm phía Tây là sở địa lý Nguyệt Thiềm. Sau Hiệp định Genève, đất nước ta chia làm hai miền. Chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam đã ra sắc lệnh số 174/VN ngày 17-7-1961 đặt sự quản lý quần đảo Hoàng Sa với tên mới là xã Định Hải trực thuộc huyện Hòa Vang của tỉnh Quảng Nam. Tiếp đó, ngày 21-10-1969, Tổng trưởng Nội vụ của chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 709/BNV sáp nhập xã Định Hải vào xã Hòa Long thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Tín. Sau ngày thống nhất đất nước, ngày 11-12-1982 Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định số 194/HĐBT nâng quần đảo Hoàng Sa thành huyện Hoàng Sa trực thuộc địa phận tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Năm 1997 khi tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, theo Nghị định số 07/CP ngày 23-1-1997 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, huyện đảo Hoàng Sa thuộc sự quản lý hành chính của thành phố Đà Nẵng.
Ngược dòng lịch sử, theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Hoàng Việt dư địa chí (không đề tên tác giả), Phủ biên tạp lục của nhà bác học Lê Quý Đôn… và nhiều tài liệu lịch sử khác thời triều Nguyễn đều đề cập đến quần đảo Hoàng Sa. Các vị vua nhà Nguyễn đã cắt cử nhiều đội quân với hàng chục chiếc thuyền ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ cắm mốc chủ quyền và khai thác hải sản. Họ chủ yếu là những dân binh thuộc cù lao Ré, vì nơi đây gần quần đảo Hoàng Sa nhất, cách nhau hơn 200km. Ngoài những nhiệm vụ trên, các đoàn dân binh ra Hoàng Sa còn có nhiệm vụ thu vớt hàng hóa, súng đạn, vàng bạc… của các tàu thuyền phương Tây bị đắm ở xung quanh quần đảo Hoàng Sa.
Ở thời các vua nhà Nguyễn, nhà nước đã thành lập các đội hùng binh Hoàng Sa như: hùng binh Hoàng Sa tuần tra biển, hùng binh Hoàng Sa giữ trại, hùng binh Hoàng Sa giữ kho, hùng binh Hoàng Sa chài lưới, đoàn thuyền xuất phát từ cù lao Ré với câu ca:
Hoàng Sa đi có, về không
Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi
Một số chánh đội, phó đội đã hy sinh trong những chuyến đi đó và đã được đặt tên cho một số hòn đảo ở Hoàng Sa như đảo Hữu Nhật (Nguyễn Hữu Nhật), đảo Quang Anh (Phạm Quang Anh)… Đó là những tượng đài để tri ân tưởng niệm những người đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa đã mãi mãi không trở về.
Từ thời chúa Nguyễn, cách đây gần 500 năm, hằng năm dân hai làng An Vĩnh và An Hải thuộc huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi vào các ngày 14 và rằm tháng 3 âm lịch đã tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội kéo dài trong 10 ngày để tưởng nhớ những người con quê hương đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa không bao giờ trở về. Lễ hội Khao lề thế lính Hoàng Sa gồm hai phần: Khao lề và Tế thế lính.
Khao lề là bữa tiệc lớn mà đã mấy trăm năm nay người dân đảo Lý Sơn tổ chức để đưa tiễn các hùng binh Hoàng Sa trước ngày họ ra đi cùng những con thuyền biển khơi. Họ đi làm nhiệm vụ thay cho làng xã đối với vua chúa và lớn hơn là đối với Tổ quốc. Những đơn vị hùng binh Hoàng Sa lênh đênh ngoài biển khơi với nhiệm vụ xác lập chủ quyền lãnh hải, thì hàng ngàn người ở Lý Sơn trông theo và chờ đợi sau khi thuyền rời bến.
Tế thế là hoạt động chuyển giao sau hằng năm cho những đội hùng binh khác lên đường làm nhiệm vụ, dù những đoàn hùng binh đợt trước có về hay không. Các tráng đinh cù lao Ré tiếp tục lập các đội hùng binh mới lên đường thay thế. Đêm hôm trước khao lề, sáng hôm sau tế thế. Lễ tế sống những người ra đi gồm có cầu siêu, chúc tụng và tiệc tùng. Lễ tế thế nhằm rước các anh linh hùng binh Hoàng Sa từ âm linh tự về đình và khấn vái, đọc văn tế…
Đến nay, theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi, đã sưu tầm được 5 bản văn tế Khao lề thế lính Hoàng Sa bằng Hán Nôm. Bốn bản trước được tìm thấy ở đảo Lý Sơn. Bản mới được tìm thấy ở thôn Gia Hòa (xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), do ông Đinh Công Thang, 88 tuổi, còn giữ suốt 200 năm qua, gia đình ông từng làm nghề thầy cúng đã hơn bốn đời.