HV141 - Thời sự & Suy ngẫm

50 năm đã trôi qua, từ buổi sáng trên quảng trường Ba Đình, nhân dân ta nghe Tổng bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn - lời thề của Đảng, của dân tộc thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ. Hôm nay, chúng ta nghe diễn văn của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh soi sáng con đường đi tới tương lai của dân tộc Việt Nam”. Giọng của Tổng bí thư vang lên rắn rỏi, nhiều chỗ nhấn, nhiều chỗ xúc động, như muốn truyền tất cả tâm huyết của mình, lý tưởng của mình vào bài diễn văn, thấu tới tâm can toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc. Lâu lắm, chúng ta mới nghe một bài diễn văn súc tích, khái quát sâu sắc những nhiệm vụ lịch sử của Đảng, của Tổ quốc như thế. Chuyện của 50 năm, chuyện của ngày nay và chuyện của mai sau vô cùng phong phú, phức tạp và trọng đại, không dễ nói. Nhưng bài diễn văn đã làm nổi bật lên những vấn đề lớn đó, soi sáng nhiệm vụ và con đường phía trước. Những thành tựu vĩ đại. Những cống hiến lớn lao của Hồ Chí Minh cho dân tộc, cho thời đại và cho nhân loại. Những điều cơ bản trong tư tưởng của Người. Lời thề kiên định của chúng ta hôm nay. Những tự hào và những day dứt, trăn trở trước những gì chúng ta chưa làm được…, mà nếu không kiên quyết, kiên trì ngăn chặn, đẩy lùi sẽ đe dọa tới vận mệnh của Tổ quốc, sự sống còn của chế độ và vai trò lãnh đạo của Đảng… Thấm nhuần phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta quyết tận dụng tốt nhất thời cơ, vận hội, hóa giải kịp thời những nguy cơ và vượt qua mọi khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh theo tâm nguyện của Người”.

Tổng cục Thống kê tính toán lại (đây cũng là lệ thường quốc tế) là từ năm 2010 đến 2017, GDP của ta tăng 25,4%, bình quân đầu người thực tế là 3.000 USD/năm.

Năm nay, GDP của Việt Nam, theo nhiều nguồn tin và cách tính, có thể lên cao hơn so với dự đoán. Tình hình kinh tế tuy gặp nhiều trở ngại, vẫn tiếp tục đà đi lên, Việt Nam vẫn là nước có tốc độ phát triển cao nhất (ở Đông Nam Á và cả thế giới - vào loại nước đang phát triển - có thu nhập trung bình).

Thời sự nóng nhất của ta hiện nay vẫn là vấn đề bãi Tư Chính và sự xâm nhập trái phép của tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc. Mưu đồ và ý định thì đã rõ, ta và thế giới đã lên án nhiều quá rồi. Chung quy họ chỉ bám vào cái đường lưỡi bò tự vẽ chết tiệt để mà giành biển, giành tài nguyên, cản trở chúng ta cùng với các đối tác khai thác khác. Người ta đánh giá trữ lượng dầu khí ở đấy lên tới 2.500 tỉ USD. Điều đó càng kích thích lòng tham vô đáy của những kẻ bá quyền. Lại thêm âm mưu khống chế con đường vận chuyển hàng hải và hàng không ở biển Đông, đẩy các nước khác ra ngoài khu vực để độc chiếm. Điều được nói quá nhiều là sự thiếu cơ sở thực tế, cơ sở lịch sử, cơ sở pháp lý của nhà cầm quyền Trung Quốc, cả thế giới đều thấy rõ như vậy. Đặc biệt là những nước như Mỹ, châu Âu, Úc, Ấn Độ, Malaysia… lời ngay đông mặt trong ngoài, nhưng Trung Quốc cứ khăng khăng những lập luận yếu ớt, cũ rích không thuyết phục được ai. Cả thế giới đều thấy “Trung Quốc lộ rõ mưu toan chiếm đoạt toàn bộ trữ lượng dầu khí của Việt Nam qua hành động đưa tàu hải cảnh và tàu cần cẩu áp sát vùng duyên hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam” (Daily Express, Anh). Trung Quốc còn ngang ngược đổ tội cho Việt Nam xâm chiếm bãi Tư Chính của họ, gây sức ép buộc ExxonMobil của Mỹ từ bỏ dự án Cá Voi Xanh ở vùng biển Việt Nam (cách bờ biển Việt Nam 88km, trữ lượng 150 tỉ m3).

Tranh cãi chuyện này là quá nhàm, chúng ta thử nói qua một phương diện khác của vấn đề. Đó là việc một nước có một nền văn hóa văn minh lâu đời như Trung Quốc, một nước từ cổ xưa đã biết đặt đạo lý lên hàng đầu(*) lại có thể hành động như vậy. Trung Quốc vốn trải qua một thời kỳ chiếm hữu nô lệ (Ân Thương Chu trước Công nguyên), rồi trải qua một giai đoạn quân chủ - phong kiến rất dài 2.000 năm cho tới tận năm 1911 Tân Hợi - cách mạng thắng lợi mới kết thúc. Cái phương thức sản xuất địa chủ - tá điền - địa tô, cái phương thức sản xuất châu Á ấy, ngự trị lên tư duy của người Trung Quốc. Thiên triều, thiên tử thực tế là những tên chúa đất lớn thống trị xã hội Trung Hoa. Trung Quốc không bước qua thời kỳ Phục hưng (Renaissance), thời kỳ vĩ đại nhất của lịch sử nhân loại, theo K. Marx đó là thời kỳ giai cấp tư sản phất ngọn cờ chống lại lãnh chúa phong kiến, giáo hội, giải phóng cái tôi và khám phá thế giới, phát triển kinh tế bằng tất cả các thời đại trước cộng lại. Đó là một thời đại giải phóng tư duy, giải phóng con người. Trung Quốc không “phục sinh” trong cuộc cách mạng vĩ đại đó. Vì thế, tuy nói là tiến lên chủ nghĩa xã hội, thực tế tư duy của họ còn nặng chất quân chủ - thiên triều, áp đặt, áp bức các dân tộc nhỏ theo thói quen ngàn xưa của các “con trời”. Vì thế mới xảy ra chuyện nổi lòng tham, bất chấp đạo lý, bất chấp pháp lý, vô pháp, vô thiên để mưu chiếm biển Đông. Đã là trời thì họ muốn tự mình làm luật cho thiên hạ.

Nhưng thời đại đã khác, thiên hạ không dễ nghe theo ý chỉ của thiên triều. Mỹ thì không nói làm gì, Mỹ phản đối mạnh mẽ bằng những lời rõ ràng và đanh thép nhất về những hành động của Trung Quốc, tuy chưa có hành động gì nhiều. Sắp tới đây, chúng ta chờ đợi chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước ta đến Hoa Kỳ. Hy vọng là trong chuyến thăm đó quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ sẽ được nâng cấp. Trên cơ sở đó, Mỹ sẽ tăng cường đầu tư vào việc khai thác dầu khí ở biển Đông, Mỹ sẽ phải có hành động để bảo vệ những dàn dầu khí khai thác ở đấy, trên lãnh hải Việt Nam theo luật pháp quốc tế. Đến chừng ấy thì liệu Trung Quốc làm được gì? Nga là nước đã hợp tác khai thác dầu với Việt Nam ở bãi Tư Chính từ những năm 1980 và đã đưa đến những lợi ích to lớn cho cả hai bên. Hiện nay công ty Rosneft đang hợp tác với ta khai thác dầu ở đấy. Trong tình thế hiện nay, Nga và Trung Quốc đang liên minh để chọi Mỹ. Nhưng ý đồ gạt Nga ra khỏi biển Đông, Trung Quốc khó thực hiện được.

Vừa rồi ở Hội nghị ASEAN tại Bangkok, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có đề nghị Ngoại trưởng Nga S. Lavrov rút giàn khoan của Rosneft, nhưng câu trả lời của Lavrov là “không”. Tổng thống Putin còn gửi thư khen động viên Rosneft, ý là cứ ở yên đấy và tiếp tục công việc. Nga có thể đưa tàu đến đó để bảo vệ lợi ích của mình, tại sao không và nếu thế thì Trung Quốc làm gì? Anh sẽ đưa tàu sân bay đến biển Đông, điều đó làm Trung Quốc tức tối, nhưng tức tối cái gì khi người ta làm đúng theo luật pháp quốc tế; biển Đông chưa bao giờ, chưa một giây nào là của Trung Quốc. Nó là của tất cả các nước. Còn trong vòng 200 hải lý tính từ bờ biển ra là của Việt Nam. Liên kết ngành công nghiệp dầu khí của mình với các cường quốc có lẽ là biện pháp tốt nhất để duy trì một số dự án khai thác trong “đường 9 đoạn”.

Với sức mạnh của mình, mưu chước của mình, Trung Quốc có thể chẹn họng được một số nước e ngại họ - ta đã biết. Nhưng điều đó không làm thay đổi cục diện và gần như cả thế giới sẽ tẩy chay âm mưu của Trung Quốc. Và thực ra, Trung Quốc không hùng mạnh, không áp đảo được như người ta tưởng. Trung Quốc có những chỗ nhược rất cơ bản. Đó là một đế chế đông dân, kinh tế phát triển nhanh nhưng nay đã tụt lại, bắt đầu suy thoái. Tài nguyên không nhiều, tài nguyên nước càng thiếu. Nước các sông Hoàng Hà, Trường Giang đang cạn kiệt, và dân Trung Quốc đang thiếu nước, cộng với nạn ô nhiễm do khói bụi nặng nề đến mức Thủ tướng Chu Dung Cơ có lần đã tính tới chuyện dời đô Bắc Kinh. Tình hình Trung Quốc không yên và càng ngày sẽ càng xuất hiện những vấn đề mới. Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng là những ví dụ. Ngày nay, mỗi người dân Trung Quốc mỗi ngày chỉ có thể mua nửa lạng thịt lợn (và đang phải xuất kho dự trữ chiến lược), chiến tranh thương mại Trung - Mỹ nổ ra, hàng loạt xí nghiệp bỏ chạy khỏi Trung Quốc, ô nhiễm và thiếu nước…, dù tăng cường quân sự dễ dầu gì đánh nhau. Cho nên, hòa bình, thương lượng, làm ăn lương thiện, mở rộng dân chủ, không tập trung quyền lực vào tay một số người, vào tay một người, đó sẽ là điều tốt đẹp cho Trung Quốc. Chiếm biển Đông mà làm gì, “của phi nghĩa có bao giờ được chầy” như cụ Nguyễn Trãi nhà ta nói.

Ông bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu đô la, ông chủ tịch Đà Nẵng làm thất thoát hơn 22.300 tỉ đồng. Ông phó chủ tịch TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín và đồng phạm bị truy tố vì tội câu kết với Vũ Nhôm để xẻ thịt khu đất vàng số 15 Thi Sách… Các quan chức một thời nấp trong bóng đêm làm những việc hại nước hại dân. Ngày nay, lòi mặt gian, quyền lực mất, danh dự mất, con cháu và tổ tiên xấu hổ. Nhưng sự lỏng lẻo của luật pháp và sự quản lý yếu kém đã làm cho quyền lực dẫn đến đồi bại, tối mắt vì lòng tham vị kỷ, họ để lương tâm tự sát, họ muốn con em mình đi học ở các nước phát triển Âu - Mỹ, ăn tiêu vung vinh, nhưng để làm gì, họ xây nhà đồ sộ, sống vương giả giữa nhân dân mà không chút động lòng. Chợt nhớ bài thơ của nhà thơ Chế Lan Viên “Để cho”. Nhà thơ vào loại lớn nhất của thời đại, để lại hàng ngàn bài thơ cho hậu thế mà sống nghèo khổ, bệnh tật lúc cuối đời. Nhưng ông nói mình ráng có một cái chết tỏa hương thơm. Và quả đúng như thế thật. Thơm thối là không thể lẫn. Ngày nay, đạo đức xã hội, con người văn hóa xuống cấp nghiêm trọng, không dễ gì vực lên được, nếu không quyết liệt chống tham nhũng, cải tổ giáo dục, xây dựng lại cái nền tảng đạo đức cho cả xã hội. Trong sự nghiệp đó, văn học nghệ thuật có một vai trò tích cực không thể thay thế nhưng sao chúng ta có vẻ lặng im quá lâu thế nhỉ?!

Tháng 10 này, Ban chấp hành Trung ương sẽ họp Hội nghị, chắc sẽ có những quyết sách quan trọng. Các bạn chờ xem nhé!

 

19-9-2019

 

_____

(*) Khổng Tử: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ” 朝聞道, 夕死可矣 (Sớm nghe được đạo lý, chiều chết cũng cam).

HỒN VIỆT