HV142 - Sự kiện Vịnh Bắc Bộ qua lời kể của trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh

Những năm cuối đời, khi tuổi vượt ngưỡng tám mươi, trung tướng Hoàng Nghĩa Khánh thường ghé cơ quan tôi, ông chỉ muốn đề cập tới một vấn đề mà ông cho rằng có dấu ấn sâu đậm nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông, đó là sự kiện Vịnh Bắc Bộ. Đây chính là bài học lớn cho sự nghiệp giữ nước hôm nay và cả mai sau.

Sự kiện Vịnh Bắc Bộ xảy ra vào tháng 8-1964, Hoàng Nghĩa Khánh đang là trung tá, trưởng phòng tác chiến A của Bộ Tổng tham mưu, là phòng chuyên trách bảo vệ miền Bắc. Vào những năm 1960, sau phong trào Đồng khởi ở Bến Tre, quân và dân ta trên khắp miền Nam đã đánh bại cuộc chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ và tay sai, địch đã có âm mưu phá hoại miền Bắc bằng hải quân và không quân. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương ra chủ trương không để địch mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Đây là vấn đề có tầm chiến lược, kìm chân địch để miền Bắc yên bình, tạo thêm lực lượng, sản xuất hàng hóa, lương thực, thực phẩm chi viện cho miền Nam. Đó là chủ trương vô cùng sáng suốt của Đảng. Bộ Tổng tham mưu nhận định, đế quốc Mỹ và tay sai luôn muốn dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, thực tế chúng đã tung nhiều toán biệt kích nhảy dù xuống các vùng miền núi, những toán người nhái xâm nhập ven biển bị ta tóm gọn, có tên khai đã thấy sơ đồ tập kích, đánh phá miền Bắc bằng máy bay, nên cần phải rất thận trọng trong mọi tình huống, cảnh giác cao độ, không để địch tạo cớ mở rộng phạm vi cuộc chiến tranh. Bên cạnh đó, chúng ta đã có phương án tác chiến khi địch leo thang ra Bắc, trận địa pháo phòng không khắp nơi luôn sẵn sàng chiến đấu, tổ chức mạng lưới phòng không dân nhân rộng khắp. Lực lượng dân quân du kích, tự vệ được luyện tập sử dụng vũ khí bắn máy bay và tàu chiến địch. Nhưng trên đại cục, chúng ta phải tránh được các tình huống khi địch khiêu khích tạo cớ mở rộng chiến tranh.

Được quán triệt phương châm tránh xung đột khi địch cố tình gây hấn, khiêu khích như vậy, nhưng có lúc trong tình huống cấp bách ứng xử vẫn thiếu sáng suốt. Vào khoảng 19 giờ ngày 2-8-1964, lúc ấy trung tá Hoàng Nghĩa Khánh đang cùng thượng tá Trần Văn Nghiêm, vừa được đề bạt Cục phó Cục Tác chiến, trực ban ở sở chỉ huy, nhận được điện của thượng tá Đoàn Bá Khánh, Tham mưu phó Bộ tư lệnh Hải quân, báo cáo có một khu trục hạm của Mỹ đã vào hải phận nước ta đang vòng lên hướng đảo Cát Bà, xin ý kiến xử lý của Bộ Quốc phòng. Thượng tá Trần Văn Nghiêm nhanh chóng báo tin nóng này lên Bộ Tổng tham mưu, lúc ấy thiếu tướng Trần Quý Hai, Phó tổng tham mưu trưởng, đang trực chỉ huy. Nghe báo cáo, thiếu tướng Trần Quý Hai đáp liền: “Cách xử trí thế nào à? Tàu địch vào hải phận của ta thì phải đánh chớ còn chờ gì nữa?”. Thiếu tướng Trần Quý Hai nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến trường Bình Trị Thiên với chức vụ Đại đoàn trưởng 325, đại đoàn đầu tiên của quân đội ta, sau đó được điều về Bộ Quốc phòng giữ chức Phó tổng tham mưu thứ nhất, là một cán bộ chỉ huy có bản lĩnh cao, uy tín lớn trong tác chiến. Được lệnh của thiếu tướng Trần Quý Hai, ngay lập tức trung tá Hoàng Nghĩa Khánh chuyển lệnh cho thượng tá Đoàn Bá Khánh trực chỉ huy Bộ tư lệnh Hải quân là Bộ Tổng tham mưu đã đồng ý đánh. Bộ tư lệnh Hải quân lập tức cho hai tàu phóng lôi do đồng chí Nguyễn Văn Bột, phân đội trưởng, chỉ huy ra đuổi tàu địch. Phát hiện tàu ngư lôi của ta, hai tàu khu trục Mỹ USS Maddox và USS Turner Joy liền chạy về phía đông đảo Hòn Mê thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa. Tàu của ta phóng hai quả đạn vào tàu địch nhưng bị trượt. Hai tàu khu trục Mỹ bắn vào tàu ta khiến một chiếc bị thương nặng. Tàu địch nhanh chóng tẩu thoát ra hải phận quốc tế.

Tàu khu trục Maddox

Trung tá Hoàng Nghĩa Khánh báo cáo diễn biến cuộc tập kích của tàu khu trục Mỹ lên phó tổng tham mưu trưởng và nhận được chỉ thị phải đến ngay đơn vị vừa tham gia chiến đấu xem xét tình hình để rút kinh nghiệm. Sau khi đến tận nơi nắm diễn biến cụ thể cuộc tập kích, trung tá Hoàng Nghĩa Khánh trở về và được lệnh gặp thượng tướng - Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng, báo cáo sự việc. Khi cuộc tập kích diễn ra, tổng tham mưu trưởng đang công tác ở phía Nam, Quân khu 4; được tin, ông về Hà Nội ngay trong đêm. Nghe xong, tổng tham mưu trưởng biết là sự việc không dừng lại ở đợt tập kích chớp nhoáng liền đi trực thăng xuống Hải Phòng, ra tận vị trí Mũi Chùa để nghe bộ đội Hải quân thuật lại việc tàu khu trục Mỹ từ hạm đội 7 tiến vào lãnh hải nước ta. Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng là người luôn điềm tĩnh dù trong trường hợp chiến tranh khốc liệt nhất. Giờ đây, trong tình huống vô cùng căng thẳng do sai lầm của một số cán bộ tác chiến nhưng khi gặp cán bộ, chiến sĩ tham gia đánh tàu khu trục Mỹ, tổng tham mưu trưởng khen ngợi, biểu dương tinh thần dũng cảm trước kẻ thù và nhắc nhở lần sau cần thận trọng khi xử lý mọi tình huống địch cố tình gây hấn để tạo cớ mở rộng phạm vi cuộc chiến. Tổng tham mưu trưởng còn chỉ đạo thêm về cách đánh tàu chiến địch là phải phóng ngư lôi, bắn súng phải nhắm bên hông, đón đầu, mới tiêu diệt được mục tiêu, bắn vuốt đuôi là khó trúng. Từ bờ biển Hải Phòng nhìn ra khơi, nét mặt tổng tham mưu trưởng trầm ngâm hồi lâu, hình như ông đã nhận thấy điều bất thường sẽ xảy ra sau khi chúng ta nổ súng đuổi tàu địch. Cho tới khi trực thăng cất cánh được một lúc, tổng tham mưu trưởng mới nói với cán bộ tác chiến cùng đi: “Ra lệnh dùng tàu phóng lôi đánh tàu địch trong tình hình ta còn hạn chế về lực lượng và chủ trương không để chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, là sai lầm. Cơ quan tác chiến của bộ và của hải quân làm tham mưu cho cấp trên là không đúng với phương châm lớn có tính chất chiến lược của Đảng ta. Cách đánh tàu địch của bộ đội hải quân ta lại quá đơn giản”. Ngày hôm sau, Bộ Chính trị chỉ thị phải kiểm điểm sự kiện vừa qua một cách nghiêm túc. Trong khi cuộc họp kiểm điểm đang căng thẳng thì Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng điện sang trực ban tác chiến: “Địch vừa la lối rằng tàu ta đã khiêu khích tàu chúng ở hải phận quốc tế. Johnson đã phát lệnh đánh trả đũa. Báo động cho tất cả hệ thống phòng không toàn miền Bắc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu”. Cơ quan tình báo quân đội cũng điện báo tin Tổng thống Mỹ Johnson vừa ra lệnh trả đũa miền Bắc. Tình hình diễn ra đã hết sức nghiêm trọng rồi. Sở chỉ huy tác chiến Bộ Tổng tham mưu trở nên nhộn nhịp, các phương tiện liên lạc tập trung chuyển điện khẩn báo động sẵn sàng đánh máy bay, tàu chiến địch đến quân chủng Phòng không - không quân, Hải quân, Công an vũ trang, Công an nhân dân và các lực lượng trên toàn miền Bắc. Vũ khí, khí tài phòng không nhanh chóng được đưa ra trận địa dự phòng, các cơ quan quân sự phân phát súng bắn máy bay cho dân quân du kích tận làng xã, tự vệ các công nông trường. Tiếp đó là lệnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp chuyển tới tất cả các đơn vị về nhiệm vụ tác chiến, công tác bảo vệ nhân dân, đưa đồng bào những nơi dự kiến địch đánh phá đi sơ tán. Cả miền Bắc nóng lên báo động cấp 1.

Đúng 12 giờ 30 phút ngày 5-8-1964, máy bay Mỹ ném bom xuống Bãi Cháy - Quảng Ninh. Bộ đội phòng không, dân quân tự vệ Quảng Ninh đã đánh trả quyết liệt. Tiếp đó Bộ Tổng tham mưu nhận được tin máy bay địch đánh phá bến phà sông Gianh, thị xã Đồng Hới và khu vực tiếp giáp cầu Hiền Lương; các đơn vị phòng không, biên phòng và dân quân vừa đánh máy bay vừa đề phòng chúng xua quân vượt tuyến. Một lát sau, Sở chỉ huy tác chiến Bộ Tổng tham mưu nhận được tin bộ đội phòng không và tự vệ Bãi Cháy - Quảng Ninh đã bắn hạ máy bay Mỹ, bắt sống một tên phi công. Trung tá Hoàng Nghĩa Khánh chạy lên phòng họp Bộ Quốc phòng, nơi đang kiểm điểm những người ra lệnh nổ súng vào tàu khu trục Mỹ. Trên sân nhà Con Rồng, trung tướng Song Hào đi lại có vẻ bực bội lắm. Trong phòng họp mọi người đang chất vấn đồng chí Nghiêm về sự việc diễn ra. Khi nghe tin đồng chí Khánh báo cáo ta bắn rơi một máy bay, nhiều người hỏi rằng có đúng không? Chắc chắn bắt được phi công Mỹ chưa? Lúc này trung tá Khánh thấy mình quá nôn nóng, vội vàng khi chưa kiểm tin thật chắc chắn, nếu báo cáo sai thì lỗi nặng, nên vội chạy về kiểm chứng. Vừa vào phòng tác chiến thì nhận được tin bộ đội phòng không và dân quân tự vệ Bãi Cháy bắn rơi 3 chiếc máy bay, phi công Mỹ tên là Alvarez đã được giải về căn cứ hải quân. Đây là tên phi công Mỹ đầu tiên bị bắt trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Quân khu 4 điện ra đã bắn cháy 4 chiếc. Trung tá Khánh hỏi lại đã chắc chưa? Trực ban tác chiến các đơn vị trả lời chắc chắn trăm phần trăm. Trung tá Khánh mừng rỡ chạy nhanh lên phòng họp báo cáo tin tức quan trọng ấy. Cả phòng họp cười vang. Sau đó hai cán bộ cao cấp cục tác chiến lên phòng làm việc của đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo. Nghe xong, đại tướng còn hỏi lại đơn vị nào bắn rơi máy bay? Rồi đại tướng dùng điện thoại điềm tĩnh hỏi Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân, Hải quân và Quân khu 4 về cụ thể cách oanh tạc của máy bay Mỹ, chủng loại máy bay và các đơn vị đã hạ máy bay, bắt phi công. Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân báo cáo với đại tướng chiếc máy bay đầu tiên bị bắn rơi ở Bãi Cháy là máy bay A4, tên phi công Alvarez đã được đưa về vị trí an toàn để các nhà báo và các hãng thông tấn trong và ngoài nước tiếp xúc.

Đại tướng biểu dương tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ phòng không, biên phòng, dân quân du kích, tự vệ và nhắc nhở cảnh giác cao độ hơn nữa, địch sẽ oanh tạc cả vào ban đêm với mức độ ngày càng tàn bạo hơn. Đại tướng nhắc các đơn vị chú trọng đến công tác bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Sau đó, đại tướng điện lên báo cáo với Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng tin quân và dân ta đã hạ máy bay Mỹ và bắt sống phi công.

Ngày đầu máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời miền Bắc đã bị trừng trị đích đáng với 7 chiếc máy bay rơi tại chỗ. Đài Tiếng nói Việt Nam truyền thông tin ấy đến đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, đồng thời lên án hành động hung ác của đế quốc Mỹ đã đánh bom, bắn rốc két vào nhiều khu vực làng mạc, khiến nhiều người dân chết và bị thương. Đây là tội ác man rợ, trời không dung, đất không tha. Chúng ta khẳng định nếu địch điên cuồng đánh phá miền Bắc chúng sẽ rước thêm thất bại nặng nề. Chúng ta kêu gọi Mỹ hãy lập tức ngưng đánh phá miền Bắc, để chấm dứt chiến tranh bằng đàm phán.

Nhưng đế quốc Mỹ đã khước từ lời kêu gọi chính đáng của chúng ta, sự kiện Vịnh Bắc Bộ chính là cái cớ để Johnson vận động Quốc hội Mỹ chấp thuận tấn công miền Bắc nước ta. Ngày 7-8, Quốc hội Mỹ ra nghị quyết “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Ngay sau đó, quân Mỹ mở chiến dịch Sấm rền, huy động phần lớn lực lượng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc trên diện rộng.

Để rồi, qua 8 năm leo thang ra miền Bắc, gần 4.000 máy bay Mỹ bị bắn rơi, hàng trăm tên phi công bị bắt sống, số thiệt mạng tan xác giữa không trung, trên rừng đại ngàn, giữa biển khơi không tính xiết. Kết thúc leo thang bằng cuộc tập kích B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12 năm 1972 với 34 pháo đài bay bị tan xác, hàng chục phi công bị bắt làm tù binh. Và, cuối cùng Tổng thống Mỹ Richard Nixon tuyên bố thất bại, dừng ném bom miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán để ký bản Hiệp định Paris, cuốn cờ về nước. Sau này trong hồi ký, qua các bài phát biểu, các tổng thống Mỹ Johnson, Nixon, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara… đều công nhận xâm lược, đánh phá miền Bắc Việt Nam là sai lầm lớn, gây nên tổn thất lớn cho quân đội Mỹ.

Cuộc xâm lược nào cuối cùng cũng thất bại thảm hại. Sự kiện Vịnh Bắc Bộ xảy cách đây đã 55 năm, từ đó tới nay các nhà nghiên cứu lịch sử đã đề cập, phân tích nhiều về sự kiện này. Đối với chúng ta, sự kiện Vịnh Bắc Bộ vẫn còn nguyên giá trị cho sự nghiệp bảo vệ đất nước hôm nay.

TP. Hồ Chí Minh, 9-2019

NGUYỄN QUỐC TRUNG