HV142 - Tản Đà - nhà thơ ngông yêu nước

Tản Đà (1889-1939) tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, quê làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội). Cha ông là Nguyễn Danh Kế, đậu cử nhân thời Tự Đức, từng làm tri huyện, tri phủ, án sát, nên Tản Đà được “tập ấm”, thường gọi Ấm Hiếu. Mẹ ông là một đào nương nổi tiếng tài sắc ở phố Hàng Thao, Nam Định, lấy lẽ thứ ba cụ án Kế. Năm ấm Hiếu lên 3 tuổi thì cha mất, sau đó mẹ ông trở lại nghề cũ. Từ bấy giờ ông được người anh cùng cha khác mẹ là giáo thụ Nguyễn Tài Tích nuôi dưỡng.

Tản Đà từng thi hỏng luôn hai khóa ở trường Nam (trường thi Nam Định). Sau lần hỏng thi khoa Nhâm Tý (1912) thì ông mới thôi nghề khoa cử:

Bởi ông hay quá ông không đỗ

Không đỗ ông càng tốt bộ ngông

(Tự trào, sau hỏng thi trường Nam)

Lúc này, Tản Đà có dịp đọc các tân thư của Trung Quốc dịch văn hóa Âu châu. Sự nghiệp làm báo của Tản Đà bắt đầu được khơi gợi những ý tưởng mới từ đây. Trong thời kỳ này, Tản Đà được người anh rể là Nguyễn Thiện Kế, từng là tri huyện Tùng Thiện và Phúc Thọ của xứ Đoài, vốn là một nhà thơ trào phúng nổi tiếng, lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong trào yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ 20, tác động mạnh mẽ đến hồn thơ của Tản Đà. “Cái sinh nhai quốc văn của mình có hơn 10 năm nay, thực từ trong lúc thanh niên, có quan huyện Nguyễn Thiện Kế phát đoan, dẫn đạo” (Giấc mộng lớn).

Tác phẩm đầu tiên của Tản Đà là những bài tản văn đăng ở Đông Dương tạp chí năm 1915. Văn của Tản Đà ngay từ khi ra mắt công chúng đã nổi tiếng ngay, đến mức Đông Dương tạp chí phải mở riêng một mục “Tản Đà văn tập” để chuyên đăng tải văn của ông.

Và suốt từ đó cho đến năm 1939, là năm Tản Đà mất, ông đã sáng tác một khối lượng đồ sộ gồm đủ loại thơ, văn, truyện, ca kịch, các làn điệu dân ca, từ khúc, diễn ca, dịch văn học cổ điển Trung Quốc như thơ Đường, Kinh thi, chú giải Truyện Kiều… Hiện nay, giới khoa học đã sưu tập được khoảng trên 30 tác phẩm các loại của ông. Điều thú vị lạ lùng là Tản Đà vốn là người học chữ Nho theo lối học cử nghiệp, thế mà ông viết văn xuôi, làm thơ lại rất mới, rất sắc sảo, được dư luận đương thời đánh giá cao.

Tản Đà là người thích mơ mộng, và có một trí tưởng tượng rất phong phú trong Giấc mộng con, Giấc mộng lớn. Song nhiều khi mơ mộng, tưởng tượng chỉ là những yếu tố thi pháp trong cá tính sáng tạo của tác giả. Và điều đó không hề làm giảm giá trị phản ánh hiện thực xã hội và ý nghĩa phê phán của tác phẩm. Trường hợp tiểu thuyết Thần tiền chẳng hạn, là như vậy.

Tuy nhiên, trong nhiều bài văn ngắn, tùy bút, bút ký, nghị luận, ngọn bút Tản Đà có khi chẳng cần bóng gió mà đả kích trực diện vào bọn quan lại bất lương, vào tầng lớp trên vô liêm sỉ, đồng thời tỏ ý bênh vực những người nghèo khổ, lương thiện, ca ngợi lòng yêu nước thương nòi. Ông thường tự gọi đó là “văn vị đời”, chẳng hạn như các bài Cảnh nhà nghèo lấy vợ, Cảnh túng tiền đi vay… là những tác phẩm như vậy.

Trong lĩnh vực thi ca, thơ Tản Đà cũng vậy, là thứ thơ có bản sắc, bản lĩnh riêng, không lẫn vào đâu được. Mở đầu cuốn Thi nhân Việt Nam, trong bài Cung chiêu anh hồn Tản Đà, hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết những lời hết sức trân trọng: “Đôi bài thơ của tiên sinh ra đời từ hơn 20 năm trước, đã có một giọng phóng túng riêng. Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa”. Trước đó, trong tuần báo Ngày nay (số ra ngày 17-6-1939) Xuân Diệu cũng đã viết: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại”. Quả vậy, rõ ràng Tản Đà đã là nhà thơ có tư tưởng cách tân, có nhiều tìm tòi sáng tạo và mạnh dạn vượt ra ngoài khuôn sáo cũ:

Lá đào rơi rắc lối Thiên thai

Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi!

Nửa năm tiên cảnh

Một phút trần ai

Ước cũ duyên thừa có thế thôi

Đá mòn rêu nhạt

Nước chảy hoa trôi

Cái hạc bay lên vút tận trời

Trời đất từ nay xa cách mãi

Cửa động

Đầu non

Đường lối cũ

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi

(Tống biệt)

Trong thời buổi mà thơ niêm luật gò bó đang còn phổ biến, thì lối thơ như bài Tống biệt này của Tản Đà quả thật là mới. Song cũng đúng như các tác giả Thi nhân Việt Nam đã nhận xét: “Cái dáng điệu ngang tàng chúng tôi thường thấy ở các nhà thơ xưa, ở tiên sinh không bao giờ có vẻ vay mượn”. Đó chính là cái ngông riêng của Tản Đà:

Vùng đất Sơn Tây nảy một ông

Tuổi chưa bao nhiêu văn rất hùng

Sông Đà núi Tản ai hun đúc

Bút thánh câu thần sớm vãi vung…

(Tự trào)

Khi làm chủ báo lúc viết mướn

Hai chục năm dư cảnh khốn cùng

Ngày xuân như ngựa, đầu xanh bạc

Chán cả giang hồ, hết cả ngông.

(Tiễn ông Công lên trời)

Đi liền với ngông là say, nhưng đó là cái say vì nhân thế, vì cảnh đời:

Say sưa nghĩ cũng hư đời

Hư thời hư vậy say thời cứ say

Đất say đất cũng lăn quay

Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười.

(Lại say)

Nhưng bao trùm và sâu lắng trong hồn thơ Tản Đà vẫn là cái điệu buồn man mác, nhưng cũng chỉ riêng có ở Tản Đà. Và đây cũng chính là bài thơ buồn nổi tiếng mà ông đã chọn để mở đầu các giờ giảng văn ở trường Hồng Bàng, Hà Nội - bài Cảm thu, tiễn thu:

Từ vào thu đến nay

Gió thu hiu hắt

Sương thu lạnh

Trăng thu bạch

Khói thu xây thành

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh

Sông thu đưa lá bao ngành biệt ly

Nào người cố lý tha hương

Cảm thu ai có tư lường hỡi ai

Ngông, buồn, nhưng thực tế Tản Đà không phải là con người thoát ly, nhắm mắt trước thời cuộc. Thơ ông không hiếm những bài hướng vào hiện thực xã hội, bộc lộ tình cảm yêu nước thương nòi:

Này những ai, này những ai,

Có nghe rằng việc thủy tai

Tỉnh Bắc, tỉnh Đông, cùng tỉnh Thái

Ruộng ngập nhà chìm thây chết trôi

Lệ đầy vơi, tình chia phôi

Bồng bế con thơ bán khắp nơi

Năm hào một đứa trẻ lên sáu.

Cha còn sống đó, con bồ côi.

(Khuyên người giúp dân lụt)

Tản Đà thương dân đồng thời cũng ghét bọn tham quan ô lại hại dân, hại nước:

Cũng phường dối nước quân ăn cắp

Cũng lũ tân dân giống hại đàn

Lạnh lẽo hơi sương tòa tạp chí

Lệ ai giàn giụa với giang san

(Cảm đề)

Chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong trào yêu nước những năm đầu thế kỷ 20, Tản Đà có những vần thơ cảm khái nói đến các anh hùng dân tộc, nói đến dân vong quốc, nói đến nòi giống Tiên Rồng… thể hiện tư tưởng yêu nước một cách kín đáo. Tiêu biểu cho dòng thơ này của Tản Đà đó là bài Thề non nước, bài thơ đã trở thành bài hát ru con của các bà mẹ Xứ Đoài từ lúc người viết bài này còn thơ ấu:

Nước non nặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Nhớ lời nguyện nước thề non

Nước đi chưa lại non còn đứng không

Non cao những ngóng cùng trông

Suối tuôn dòng lệ chờ mong tháng ngày

Xương mai một nắm hao gầy

Tóc mây một mái đã đầy tuyết sương

Trời tây ngả bóng tà dương

Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha

Non cao tuổi vẫn chưa già

Non thời nhớ nước, nước mà quên non!

Dù cho sông cạn đá mòn

Còn non còn nước hãy còn thề xưa

Non cao đã biết hay chưa

Nước đi ra bể lại mưa về nguồn

Nước non hội ngộ còn luôn

Bảo cho non chớ có buồn làm chi

Nước kia dù hãy còn đi

Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui

Nghìn năm giao ước kết đôi

Non non nước nước chưa nguôi lời thề.

Tản Đà là nhà thơ thân thương của Xứ Đoài như ông đã tự nhận “Tôi là người gì? Ở phía nam Đông Á, ở phía bắc Việt Nam, ở phía tây Bắc Kỳ, một người làm văn ở tỉnh Sơn Tây vậy!” (Giấc mộng lớn). Nhưng thực sự Tản Đà đã vượt khỏi “Đà giang Tản Lĩnh nước non quê” như Nguyễn Tuân đã nhận xét: “Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy; trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ, mà làng văn làng báo xứ này ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”(*).

_____

(*) Các bài thơ dẫn trong bài viết đều lấy từ Tuyển tập Tản Đà, NXB Văn học, Hà Nội, 1986. Câu nhận xét của Nguyễn Tuân cũng trích trong Tuyển tập Tản Đà, tr.480.

GS-TS KIỀU THU HOẠCH