HV143 - Cuba, nhìn tận mắt

Đầu tháng 11 năm 2019, nữ phóng viên đặc biệt của báo Sự thật Thanh niên (Nga) DARIA ASLAMOVA đã có chuyến sang thăm Cuba - “Hòn đảo Tự do” và đã có những ghi nhận thú vị...
 

Cuba hiện lên trước mắt bạn như giữa một cơn bão: Những hòa sắc lạ chưa bao giờ thấy, tiết tấu của những điệu nhảy, những bài ca (có cảm giác ở nơi này lúc nào cũng là ngày chủ nhật), mùi vị quen thuộc của tỏi sống và tỏi phi, mùi thum thủm của cống rãnh trong phố, mùi thuốc lá… Đêm sập xuống, bạn có thể nghe thấy tiếng những chiếc giường gỗ cọt kẹt và tiếng rên rẩm sung sướng của tình yêu. Còn sớm mai tinh mơ là tiếng gọi nhau tới các quán cà phê.

Những người đàn ông Cuba mái tóc đã ngả bạc vẫn luôn luôn sôi nổi, hào hứng khi kể chuyện yêu đương. Họ tất bật, bận rộn tại các quán rượu hay trong những vòng nhảy tại các bãi discotec. Tình yêu và tình dục ở xứ sở này không bao giờ bị gạt đẩy sang lãnh vực đạo đức.  

Phụ nữ Cuba ở lứa tuổi nào cũng đầy sức quyến rũ. Ngay ở các vùng quê xa xôi, các bà đã luống tuổi vẫn giữ được vẻ sạch sẽ, diêm dúa.

Cái nghèo ở Cuba hiển hiện ở khắp mọi nơi, nhưng không một ai trên mảnh đất này bị đói (điều khác với nhiều nước vùng châu Mỹ La tinh). Dù những mối đe dọa luôn luôn rình rập và khó khăn còn chồng chất, ở Cuba chủ nghĩa xã hội vẫn tồn tại. 


1. Dưới thời nhà độc tài Fulgencio Batista (nắm quyền sau cuộc đảo chính vào năm 1952), hòn đảo Cuba là chốn ăn chơi thác loạn nhất trên trái đất này. Chỉ tính riêng tại thủ đô La Habana với vài triệu dân đã có tới vài trăm nhà thổ và 22.000 gái điếm. Nổi tiếng là tệ nạn điếm gái chưa tới tuổi vị thành niên. Có tới 90% trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm. Mafia của Mỹ đã xâm nhập và hoành hành tại đây với các sòng bài, các khách sạn sang trọng. Trong khi đó người nông dân chết đói. 200.000 người dân quê không có ruộng vườn, tài sản của mình và hoàn toàn mù chữ. Cứ một trong ba người Cuba thuở đó không biết ký tên mình trên các giấy tờ.

Các tập đoàn tài phiệt Mỹ kiểm soát 70% kinh tế Cuba. Mỗi năm hàng chục ngàn người bị chế độ Batista thủ tiêu. Mafia buôn bán đất đai và các ngành công nghiệp đã khiến Batista giàu có tới mức dùng điện thoại bằng vàng ròng, tối gối đầu trên những chiếc gối bằng bạc.
Bởi lẽ đó cuộc khởi nghĩa do Fidel Castro cầm đầu là cần thiết và hợp quy luật.

Cuộc cách mạng ở Cuba năm 1959. Người dân “Hòn đảo Tự do” ủng hộ Fidel Castro,
sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, thử thách

- Trong những điều kiện và hoàn cảnh như thế, cách mạng diễn ra là điều không tránh khỏi. Nhưng xin đừng nhầm chủ nghĩa xã hội ở Cuba với chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu - ngài Sehio Gerra, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lịch sử của Trường đại học La Habana, nói với chúng tôi - Chủ nghĩa xã hội ở Cuba không phải do thắng lợi của Liên Xô trong thế chiến II chống chủ nghĩa phát xít mang lại như ở các nước Đông Âu. Khi Fidel làm cách mạng, ông ấy không nói gì về chủ nghĩa xã hội. Cương lĩnh do ông ấy vạch ra nhắm cái đích dân tộc, dân chủ và chống đế quốc. Chỉ có hai người tuyên bố theo chủ nghĩa xã hội, đó là Raul Castro và Che Guevara. 

Sau chiến thắng của cách mạng Cuba ngày 1-1-1959, Mỹ tuyên bố chống đối triệt để Cuba. Và bắt đầu việc cấm vận. Cuba không còn nhiên liệu. Các nhà máy dừng sản xuất. Vào thời điểm đó Fidel Castro tung ra khẩu hiệu nổi tiếng “Tổ quốc hay là chết”. Các nhà cách mạng Cuba buộc phải gõ cửa đất nước các bạn. Nước Nga - Xô viết bảo đảm cung ứng cho chúng tôi ba thứ thiết yếu: Là thị trường tiêu thụ đường của Cuba, cung cấp xăng dầu và vũ khí cho chúng tôi chống sự xâm lược của Mỹ. Chúng tôi tựa hồ như không sống nổi nếu thiếu vắng Liên Xô. Sau khi đất đai, ngân hàng và xí nghiệp quốc hữu hóa, chủ nghĩa xã hội trở nên hợp lý hơn. Vào những năm 1980 các cửa hàng đầy ắp hàng hóa. Lương thực, thực phẩm dồi dào… Bỗng nhiên mọi thứ chấm dứt cả!


Những năm 1990 khủng khiếp đó, người Cuba gọi tên là “Thời kỳ đặc biệt”. Sau khi Liên bang Xô viết và khối xã hội chủ nghĩa tan rã, cuộc sống tại “Hòn đảo Tự do” có một thời điểm như ngưng lại. Nền công nghiệp xây dựng trên mô hình khoa học kỹ thuật Xô viết hoàn toàn chết. Đường sản xuất ra với giá thành quá đắt không thể cạnh tranh nổi trên thị trường thế giới. Một ngày chỉ đóng điện vài giờ. Đêm đêm người Cuba trằn trọc không ngủ được giữa đống chăn gối ướt đẫm mồ hôi vì không có quạt. Khẩu phần ăn hằng ngày tính bằng những vốc gạo hay bột mì. Xà phòng phải tự nấu lấy. Trong khi đó thì tại bán đảo Florida, con và cháu những người Cuba lưu vong sang Mỹ chuẩn bị va li chờ ngày trở về đất nước khi Cuba quỳ gối trước Mỹ.


Những chiếc xe cổ vẫn chạy trên đường phố thủ đô La Habana 

- Vào thời khắc đó Fidel Castro không trốn lẩn đi đâu cả. - Eduardo Regalado, giảng viên Trường đại học Ngoại giao tham gia vào câu chuyện - Fidel xuất hiện ở khắp mọi nơi, rất bất ngờ và ở những nơi chốn khác nhau, đặc biệt ở những nơi nào mà tinh thần xem như “chùng” xuống. Chúng tôi nhận ra rằng, Cuba trở lại với chủ nghĩa tư bản là điều không dễ tránh khỏi. Hòn đảo này một lần nữa lại trở thành nô lệ của Mỹ sao đây? Giáo dục, y tế, công cuộc cứu tế xã hội - tất cả tan thành mây khói rồi à?

- Tại sao người Cuba trụ vững? - nhà ngoại giao Fernando Garcia trầm ngâm, nghĩ ngợi - Người Cuba không thèm thuồng các bộ đồ Jean, Coca-Cola, Chuột Mickey và phim Hollywood. Chúng tôi sống cách nước Mỹ 150km. Nhiều người Cuba có bà con ruột rà bên bán đảo Florida. Chúng tôi hiểu văn hóa, âm nhạc của Mỹ. Nhiều người Cuba đã bỏ xứ sở ra đi để rồi lại quay về với quê cha đất mẹ. Họ hiểu rõ mặt trái của chủ nghĩa tư bản. Về mặt kinh tế chúng tôi chịu nhiều áp lực nặng nề hơn người Nga, nhưng về mặt tâm lý chúng tôi nhẹ nhàng hơn... Nhà nghiên cứu luật quốc tế Ruslan Reyes tham gia vào câu chuyện: 

- Người dân chúng tôi đã quá quen thuộc với hai tiếng “Cấm vận” nên họ coi việc đó cũng không có gì quan trọng. Tuy chúng tôi sống cách nước Mỹ có hai bước chân nhưng họ cấm việc buôn bán giữa hai nước. Thị trường Mỹ hoàn toàn đóng của với Cuba. Chị thử nói xem, liệu điều đó có phải là một thảm họa không? Chị sẽ nói, thì buôn bán với nước thứ ba. Nhưng Mỹ ra lệnh cho tất cả các nước, nếu nước nào buôn bán với Cuba sẽ bị cắt cầu buôn bán với Mỹ. Ngoài ra, vì số đông những ngân hàng lớn đều có cổ phần của Mỹ; nếu biết được qua hệ thống ngân hàng, nơi nào buôn bán với Cuba, họ sẽ làm dòng chảy tiền tệ đóng băng liền. Chỉ có ba nước không tuân thủ lệnh cấm vận của Mỹ: Nga, Trung Quốc và Iran. Nhưng cả ba đều nằm bên kia bán cầu. Thậm chí những nước thuộc Liên minh châu Âu, sau khi Trump lên nắm chính quyền cũng dần dần chấm dứt mọi mối quan hệ với chúng tôi… 

- Vậy các ông đã tháo gỡ những trở ngại đó ra sao? 

- Chúng tôi học làm quen với những trở lực đó đã 60 năm rồi. Chúng tôi lập ra những hãng buôn bán ở nước ngoài không mang xuất xứ Cuba. Họ mua và bán hàng hóa như các đơn vị ở nước đó, xứ đó. Còn nếu họ bị phát hiện… Tự chị sẽ hiểu phải hành xử ra sao. Mỗi khâu trong chuỗi mắt xích buôn bán này tự định giá hàng hóa của mình. Chính vì thế ở Cuba hàng hóa nhập khẩu đắt hơn nhiều tại các nước láng giềng. 

- Tôi rất ngạc nhiên bởi luật Mỹ ban hành vào năm 2004 quy định ai nhập thuốc lá xì gà Cuba vào nước Mỹ có thể chịu án tới hàng chục năm tù. Người ta cấm công dân Mỹ mua và thậm chí hút xì gà Cuba không chỉ trong lãnh thổ Mỹ mà còn trên toàn thế giới. Còn với những khó khăn của cuộc khủng hoảng nhiên liệu, Cuba giải quyết ra sao? Tôi đã được thấy tận mắt những dòng người xếp hàng dài trong hàng giờ liền để đợi xe buýt. Tại sao nước Venezuela thân thiết với Cuba như thế mà không trợ giúp các bạn tháo gỡ khó khăn này? 

- Vậy chị quên rằng trong năm nay Venezuela cũng chịu những sức ép khủng khiếp của Mỹ ra sao ư? Sau chuyến thăm viếng của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev diễn ra cách đây không lâu, một hy vọng đã mở ra với chúng tôi. Nước Nga đồng ý bán cho chúng tôi những chiếc tàu chở dầu. Và hãng Rosneft của các bạn sẽ tiến hành việc khai thác dầu mỏ ở ngoài khơi Cuba. 

- Các bạn đã tiến hành một cuộc chiến đấu thật kiên cường. Nhưng xin được hỏi, Cuba có mặt hàng gì để chào mời với thế giới?

- Không chỉ là rượu rhum, thuốc xì gà và cà phê. Chúng tôi chiếm vị trí thứ ba trên thế giới về trữ lượng niken và coban. Cuba xuất khẩu hoa quả: chuối, đu đủ và xoài. Chúng tôi có đội ngũ tàu thuyền đánh bắt cá trên biển. Ngành du lịch sạch của chúng tôi rất tuyệt vời. Vì cuộc khủng hoảng nhiên liệu nên ở Cuba không có khói bụi ô tô và các chất khí thải độc hại. Chúng tôi còn có ngành du lịch y tế.  Điều chủ yếu là Cuba sản xuất vắc xin lại có một quy trình khoa học kỹ thuật y tế có tín nhiệm. Đơn cử ví dụ, thứ nọc độc của bọ cạp xanh đã trở thành phương tiện chống bệnh ung thư hiệu quả ở nước chúng tôi. Biết bao nhân mạng được cứu sống nhờ vào vắc xin chỉ mua được tại Cuba. Và chúng tôi đã quen với tất cả. Ở Cuba mọi người nói thế này: Nếu một cánh cửa đóng lại, lập tức một cánh cửa khác được mở ra. 


Phụ nữ Cuba luôn đầy sức sống


 Tại Cuba, thực phẩm vẫn phân phối bằng tem phiếu tính theo tháng. Bao nhiêu ký gạo; bao nhiêu lạng muối, đường, cà phê; mấy bơ dầu thực vật, rồi trứng, rồi cá... Tất cả đều ghi rành rẽ trên phiếu. Công nhân, nhân viên nhà nước, người già không nơi nương tựa được hưởng lượng thịt, đường, dầu thực vật nhích hơn. Người dân Cuba không phải trả tiền nhà ở. Tất cả các bãi biển trên hòn đảo, người dân có quyền tới dựng lều trại nghỉ ngơi cũng không mất tiền… 

Tại một quán cà phê tôi trò chuyện với Horse, 13 tuổi. Cậu thiếu niên chỉ tay qua của hàng bán nhu yếu phẩm theo tem phiếu, bĩu môi, lắc đầu: 

- Bà thấy không, thật là nhục!

- Tại sao nhục? - tôi ngạc nhiên hỏi lại.

- Thì ở đây có khác gì các nước châu Mỹ La tinh đang chết đói đâu? - Horse nói giọng khinh bạc - Nói thẳng ra, chúng tôi cũng chẳng kỳ vọng gì vào nước Mỹ! Mơ ước của tất cả bọn tôi là châu Âu. Lương một hầu bàn tại Đức cũng tới 1.500 euro một tháng! 

- Đúng là như thế! Nhưng em có biết nói tiếng Đức không? Cứ cho là em may mắn được qua Đức, em còn phải trả tiền thuê nhà, tiền chăm sóc sức khỏe và còn nhiều thứ thuế má khác. Tại Đức, một căn phòng nhỏ xíu cũng phải trả tới 500 - 600 euro một tháng. Mà tiền chi cho các phương tiện giao thông công cộng đâu có rẻ? Thì em cứ sang Đức một chuyến đi. Mong sao em không vỡ mộng...   

Cho tận tới hôm nay, Cuba hoàn toàn có quyền tự hào về hệ thống y tế bảo vệ sức khỏe không phải mất tiền. Khám và chẩn bệnh rất chính xác và nhanh. Cũng rất đáng tự hào là mạng lưới các trường đào tạo bác sĩ, y tá, hộ lý trên hòn đảo này. Liệu có cần nêu ra đây, hầu như sinh viên tất cả các nước ở châu Mỹ La tinh đều theo học ở các trường cao đẳng hoặc trung cấp y tế tại Cuba. Cũng thật là lạ lùng, tỷ lệ trẻ em tử vong ở nước Cuba nghèo khổ lại thấp hơn ở nước Mỹ giàu sang. Tuổi thọ trung bình của người dân Cuba là 77,6 năm. 

Sản phẩm xuất khẩu chính của Cuba là... bác sĩ. Đất nước này đã ký thỏa thuận với hơn 40 nước châu Phi và châu Mỹ La tinh về mặt mạnh này. Hiện Cuba có tới hơn 50.000 bác sĩ, y tá, hộ lý làm việc ở nước ngoài.

Thầy giáo, kỹ sư, bác sĩ, các nhà khoa học - đó là tài sản quý giá của người Cuba. Họ đều được đào tạo và trưởng thành trong thời kỳ Mỹ cấm vận. Dù ngoài đường bạn dễ dàng bắt gặp những chiếc xe Lada, Moskovic của Nga hoặc xe hơi thuở xa xưa của Mỹ, của Đức; dù nhiều trang thiết bị máy móc tại các xí nghiệp, nhà máy nơi đây vẫn là máy Nga… Cuba vẫn tiến hành công cuộc công nghiệp hóa theo cách thức và chỗ mạnh, chỗ yếu riêng của mình. Vẫn mọc lên như nấm sau mưa các xí nghiệp dệt, đóng giày, sản xuất hóa chất… Điện gió và điện mặt trời. Công nghiệp sinh học. Sản xuất, pha chế các dược liệu, các loại thuốc ngoài Cuba ra, không thể tìm ở nơi khác. Thị trường nhỏ lẻ và thị trường loại trung bình rất phát triển. 

Chúng tôi ngồi đàm đạo với Maria, một người đàn bà không còn trẻ tại một quán cà phê giữa khu phố đông người tại La Habana. Maria khuyên tôi: 

- Bạn nên chọn thịt ếch. Đó là thứ protein sạch, rất bổ dưỡng. Fidel của chúng tôi chỉ ăn thịt ếch thôi! 

- Chắc chị nhớ thương ông ấy lắm? 

- Vâng, cả thế hệ tuổi tôi. Thật là một nhà hùng biện sôi nổi, nhiều chữ nghĩa. Ở Cuba có câu chuyện tương truyền như thế này: khi Fidel còn sống, không một ông thầy cúng, một bà phù thủy nào dám lên tiếng cả! Sau khi Fidel qua đời, không biết từ đâu đám người này xuất hiện đông thế? 


Những quầy hàng còn nghèo nàn, thưa thớt người mua 

Bạn có thể hỏi, tại sao tôi không rời mảnh đấy này sang Mỹ hoặc sang châu Âu? Tôi sẽ hỏi lại bạn: Chắc bạn đã có dịp lang thang khắp thế giới, phải không? Liệu bạn có tìm đâu ra một cấu trúc nhà nước lý tưởng không? Chắc là không! Thiên đường trên trái đất vẫn là những gì con người mơ ước! Tôi cũng đã có dịp lang thang nhiều nơi như bạn. Tôi đã tiếp xúc với nhiều khách du lịch giàu sang từ các nước Mỹ, Anh, Pháp, Ý... Họ khoe tôi thu nhập, tài sản của họ. Tôi thì không cần quá nhiều thứ như họ. Tôi có một mảnh đất nhỏ trồng chuối, xoài, cam. Với thời tiết ở Cuba, tôi cũng chỉ cần chiếc quần soọc, tấm áo pull là đủ. Nhưng tôi biết rõ, nay mai về già, nhà nước Cuba không hắt tôi ra đường. Tôi sẽ được các bác sĩ giỏi chăm nom và nghỉ ngơi tại các an dưỡng đường không mất một xu…

Bạn hãy trả lời tôi: Bạn quý sự công bằng cho tất cả mọi người hay sự giàu có cho một số người? Chắc bạn cũng đã chứng kiến nhiều người giàu có mà sao cặp mắt họ dữ dằn, bất hạnh đến vậy? 

Trong cuộc sống này, quả là tôi không có, hoặc có rất ít tiền, nhưng tôi có mặt trời, biển cả, sự an toàn. Tôi đang sống mà cảm nhận ra sự mãn nguyện và hạnh phúc...

PHAN HÒE  chọn dịch (từ tạp chí  Sự thật Thanh niên, Liên bang Nga)