Khi nói đến cái nhìn méo mó sai lệch về cuộc chiến tranh chống Mỹ như ở Nỗi buồn chiến tranh hay cuộc chiến tranh tình nguyện chống Pol Pot cứu dân tộc Campuchia trong Miền hoang… chúng tôi vẫn hy vọng vào lương tri của các nhà văn từng đi qua các cuộc chiến này. Niềm trông đợi đó đã được đáp lại. Với Truyện lính Tây Nam của Trung Sĩ, NXB Trẻ - 2016. Và liền tiếp theo, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, cũng do NXB Trẻ - 2017, đã in lại đến lần thứ ba, 2019.
“Mùa chinh chiến ấy đã qua đi gần 40 năm, bỗng sôi sục trở lại khi đọc những dòng hồi ức của Đoàn Tuấn. Là đồng đội của anh nơi chiến trường Campuchia năm nào, vật lộn với cuộc sống mưu sinh, không còn thời gian để nhớ thời chiến trường ác liệt ấy. Giờ bồi hồi nhìn lại, ngỡ như một giấc mơ khốc liệt mà tuyệt đẹp…”. Đó là lời của đồng đội Trần Đào Hiền Nhân, in ở bìa gấp sau của Mùa chinh chiến ấy. Cảm ơn bạn Hiền Nhân đã tóm tắt nội dung cuốn hồi ức dày hơn 500 trang trong mấy chữ… ngỡ như một giấc mơ khốc liệt mà tuyệt đẹp. Giấc mơ về cuộc chiến! Cuộc chiến khốc liệt mà tuyệt đẹp! Cuộc chiến khốc liệt sao còn tuyệt đẹp được? Đúng như thế đấy. Đó là cái đẹp tuyệt vời của cuộc chiến nhằm cứu cả một dân tộc đang bị diệt chủng. Giúp bạn cũng là cứu mình: “Trong một buổi phát mệnh lệnh hành quân giữa rừng biên giới, chính trị viên tiểu đoàn Hà Quang Hán, người Phú Thọ, phát biểu: ‘Bọn Pol Pot như trộm cướp, lưu manh đến phá nhà chúng ta. Các đồng chí không những có nhiệm vụ phải đuổi trộm cướp ra khỏi nhà mà còn phải tiếp tục truy kích đến tận sào huyệt của chúng, bắt sống chúng, tiêu diệt chúng để chúng tiệt nọc âm mưu quấy phá nhà ta. Các đồng chí có đồng ý không?’. Chiến sĩ vỗ tay vang trời” (Mùa chinh chiến ấy, NXB Trẻ, 2019, tr.42).
Những lời ngắn gọn của người chỉ huy tiểu đoàn đã nói lên bản chất cuộc chiến, nguyên nhân cuộc chiến, diễn biến và kết thúc của cuộc chiến. Tiếng nói từ thực tế của người trong cuộc đã xua tan những mù mờ xuyên tạc, từ một nhà văn Việt Nam thiếu lương tri đến thủ tướng của một quốc gia trong khu vực. Cái tuyệt đẹp ở đây chính là tâm hồn và hành động của những người chiến sĩ, những người trực tiếp thể hiện cuộc chiến tranh. Khi đơn vị của Đoàn Tuấn kiên trì mai phục bên bờ suối, thấy một toán địch đi phía bên kia suối. Nhưng toàn là nữ. Có 7 tên. Cũng có đủ AK, M.79, B.40… Mọi người im lặng chờ lệnh của chỉ huy. Nhưng anh Khai chỉ huy, đã ghìm nòng súng của một chiến sĩ không cho bắn. Tốp lính địch đi qua, anh Khai lẩy một câu Kiều: Tha ra thì cũng may đời/ Làm ra, thì cũng là người nhỏ nhen. “Các ông ạ, tôi thấy tụi nó cũng như em gái mình ở nhà. Vì bất đắc dĩ nên mới phải ra chiến trường…” (sđd, tr.47). Nhớ đến cảnh Kiên, nhân vật chính trong Nỗi buồn chiến tranh xả cả băng AK vào người một nữ cảnh sát Ngụy đã vào thế bất khả kháng, cho hả cơn say máu!
Một cảnh khác, khi tác giả Đoàn Tuấn được lệnh giải tù binh: Khoảng 100 tù binh nữ. Phải trói các tù binh nhưng vẫn nhớ lời anh Khai: “Chúng nó cũng như em gái mình ở nhà ấy mà”. Phải giam các em vào một trường học. Các em xin nước. “Tuy là trai trẻ nhưng tôi cũng hiểu nhu cầu nước đối với các em quan trọng thế nào. Xung quanh đây không có giếng. Tôi phải vào phum, cách đó khá xa, mượn cru của người dân. Các em rối rít cảm ơn. Bây giờ mới nghe thấy tiếng cười của các em” (sđd, tr.77-78). Chính các cô tù binh sau này đã trở thành cán bộ xã, huyện của chính quyền mới. Cô Thira, một trong số tù binh đó, sau này Đoàn Tuấn gặp lại, đã là cán bộ phụ nữ huyện (sđd, tr.488). Lại nhớ, nhân vật Kiên (Nỗi buồn chiến tranh) đã bắt 3 tên tù binh Ngụy đào hố để chôn chúng. Kiên đã xử với chúng như kiểu mèo vờn chuột: “Đẹp rồi! Lên đi. Nằm chứ có phải đứng đâu…”. Kiên đã bắn chết 3 tên tù binh. Nhưng đã thất bại thảm hại trước cái nhìn căm uất, nảy lửa của tên tù binh trước khi nó bị bắn… Cũng lại nhớ, nhân vật Tùng trong Miền hoang, được một nữ chiến binh Khmer Đỏ cởi trói cho để trốn đi. Nhưng mấy hôm sau Tùng đã trở lại: “Tao muốn được khiêng cõng ông lớn…“.
Và đây nữa. Đoàn Tuấn nhớ lại:
“Vừa ra đến đường, trời đổ mưa… Bỗng tôi thấy một người phụ nữ, có đứa con nhỏ, cũng dừng chân ngay trước cổng trường.Chị loay hoay mắc tấm ni lông trú mưa. Tôi vội chạy đến, mắc hộ chị cái lều. Lính tráng quen căng tăng mắc võng, nhoáng một cái, tôi đã làm xong. Chị rất cảm động, mở ngay va li, đưa tôi cái hộp xanh:
- Có biết hột xoàn không? Hộp này có 12 hột đấy. Cầm lấy. Chị cho.
Tôi lắc đầu:
- Em không lấy đâu. Cảm ơn!
- Cầm lấy mà. Chị cho thiệt đấy!
- Không, em không lấy đâu!- Tôi xua tay…” (sđd, tr.97).
Y tá Chiến cũng là một hình ảnh tuyệt đẹp. Chiến đã rất thông minh xử lý những tình huống oái oăm phức tạp, chữa bệnh cứu dân. Chiến đã lôi được con đỉa chui sâu vào chỗ kín của một thiếu nữ trước sự thán phục của mọi người dân. Anh lại sáng tạo trong tình huống khó khăn, thông tiết niệu cho một phụ nữ đang có thai, chữa khỏi bệnh viêm bàng quang, đến mức dân tôn Chiến là Lục Thum, tức là Ông Lớn và xin cho “Lục Thum” Chiến ở lại với bà con nếu khi bộ đội Việt Nam phải về nước (sđd, tr.161-162-163). Đó là công tác dân vận. Nhưng người lính phải có lý tưởng, có tình thương yêu nhân dân, hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh, hiểu rõ mục tiêu mỗi hành động của mình, đúng là chỉ có “Bộ đội Cụ Hồ” mới hành xử được như vậy. Khốc liệt và tuyệt đẹp! Cái đẹp ở đây là người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã chịu đựng và vượt qua mọi sự khốc liệt của cuộc chiến. Sự ác liệt của chiến tranh, của bom đạn thì ở đâu cũng thế. Không thể nói chiến trường Campuchia ác liệt hơn Thành cổ Quảng Trị hay chiến trường Khu 5. Nhưng chiến trường Campuchia có những đặc điểm buộc người chiến sĩ tình nguyện Việt Nam phải vượt qua với sức chịu đựng lớn hơn về tâm lý và hành động. Chiến đấu trên đất quê hương, Tổ quốc dù ác liệt nhưng đấy là Đất Mẹ, dù sao tinh thần chiến sĩ cũng được nương tựa. Đứng sau người chiến sĩ là nhân dân che chở đùm bọc. Nhưng ở Campuchia, nơi “đất khách quê người” xa xôi hẻo lánh… Vì vậy, công tác chính sách trong và sau trận đánh phải tuyệt đối chu đáo. “Lo cho người chết là lo cho người sống”. Phải cố gắng đưa được thương binh tử sĩ về phía sau. Nhưng mỗi bước đi ở đây đều bị mìn bủa vây. Bởi tình trạng “xôi đỗ” trong dân âm ỉ đe dọa. Bởi vì hầu hết chồng con họ đều là lính của Pol Pot. Nó giấu súng đi, không thể biết được nó là dân hay lính. Vì vậy mà mìn và tập kích là sự khốc liệt hàng đầu.
“Phát hiện chúng tôi đóng quân ở đây, bọn địch cài mìn xung quanh các đơn vị. Rất nhiều mìn. Đủ các loại. Đủ các kiểu gài… KP2, K65, mìn muỗi, mìn cóc, mìn lá, mìn tăng… tất cả các loại mìn đều ghi dòng chữ ‘Made in China’. K65, KP2 thì nảy ngang người nó mới nổ. Khi nổ nó phá tan ổ bụng hoặc làm cụt đôi chân của người lính, không chỉ tiêu diệt một người mà còn làm 5-7 người khác bị thương… Trong những trái mìn này, bọn địch còn gài chất độc hóa học cực mạnh. Vì vậy, dù băng bó kịp thời, chất độc vẫn gây tử vong…” (sđd, tr.237-238).
Thiên nhiên ở Campuchia, phía giáp Thái Lan, rất khốc liệt. Mùa khô nắng, bụi, thiếu nước, khát đến chết trong rừng. Có loài ve đỏ khi cắn nó chui hẳn vào trong da. Phải rạch da khoét thịt mới lôi con ve ra được (sđd, tr.226). Ruồi to như đầu đũa, bay mù mịt, chui vào mắt mũi, mồm miệng, khi ăn cơm phải chui vào màn. Muỗi to như con nhện… Có chiến sĩ bị thương đi tìm nước uống. Gặp ruộng nước cúi xuống uống, bị muôn vàn con đỉa bám vào, cắn chết (sđd, tr.385-386). Đúng như tác giả viết, đó là một miền hiểm địa, là sự khốc liệt thứ hai sau mìn và tập kích.
Khó nói hết sự khốc liệt trên chiến trường này mà bộ đội tình nguyện Việt Nam phải kinh qua. Nhưng họ đã qua được. Cái tuyệt đẹp chính là ở đấy.
Một ấn tượng mạnh mẽ phải ghi nhận ở Miền chinh chiến ấy là tính chân thực. Đó là yêu cầu trước tiên của thể ký, nhưng không phải nhà văn nào cũng có bản lĩnh nói lên được: Quân đội đúng là Trường Tổng hợp… Bởi vì ở đây có những người đẹp nhất, dũng cảm nhất, cao cả nhất, song cũng có những người rất tệ. Tất cả tồn tại bên nhau, cùng nương tựa vào nhau (sđd, tr.54).
Đó cũng là bản chất, quy luật của cuộc sống. Đã có bản án đau lòng phải xử tử hình một chiến sĩ vi phạm nghiêm trọng kỷ luật dân vận. Có tự thương, có đào ngũ, có cán bộ không gương mẫu, có trường hợp cho về phép rồi về luôn, không trở lại đơn vị nữa. Và những vấn đề của nội bộ quân đội, thời nào cũng phải chú trọng. Chỉ vì nhúm thuốc rê mà lộ kế hoạch hành quân, công lao chuẩn bị thành mây khói. May là chưa bị rơi vào ổ phục kích… Cũng chỉ vì chiến sĩ quá thiếu thốn những cái thiết thực nhất. Điếu thuốc, muỗng đường, nhu cầu tình cảm giới tính. Chỉ đến bây giờ, qua tất cả các tác phẩm viết về chiến tranh, về người lính mới thấy Đoàn Tuấn nói vụ một chiến sĩ cưỡng hiếp thiếu nữ Campuchia, bị xử tử hình; một tấm ảnh thiếu nữ khỏa thân cỡ lớn được bí mật truyền trong đơn vị, mỗi người hưởng một đêm… Đến giá trị của một tối văn công, một nữ văn công đối với người lính nơi chiến trường; đến cảnh cả đơn vị vây quanh vũ nữ hoàng cung, nhảy và uống… (sđd, tr.444).
Tình hình đó không khó hiểu. Nhưng cần bao dung thông cảm khi có sự cố nào xảy ra để xử lý cho thấu lý đạt tình. Vì người lính cũng là con người. Con người đang ở độ sung sức nhất. Cả tinh thần lẫn bản năng! Câu nói của một chỉ huy đơn vị giúp chúng ta hiểu và chấp nhận:“Các đồng chí sang Campuchia thì chỉ được hưởng đúng ba thứ: không khí, củi rừng, nước sông… Các đồng chí nên nhớ, người dân Campuchia hiện nay không còn bất cứ một tài sản gì. Họ chỉ còn mỗi cái khố mặc trên người. Các đồng chí nghĩ thế nào thì nghĩ để không làm ảnh hưởng đến danh dự quân nhân đang làm nghĩa vụ quốc tế” (sđd, tr.57-58).
Dân tộc Campuchia vốn mộ đạo, thật thà, chất phác, yêu ca nhạc nhảy múa từ trong máu, không khóc, không kêu gào, không than thở khổ đau… vì sao lại lâm vào tấn bi kịch khủng khiếp như thế. Chính một bọn người Campuchia đứng ra bắn giết, tự diệt chủng dân tộc mình… Đằng sau nó là vũ khí - tư tưởng và súng đạn - mang nhãn hiệu Made in China! Ở đây người dân còn cả tin quá. Có thể vì dân trí. Cái tốt - cả tin - trở thành cái xấu: cuồng tín. Với bọn trùm phản bội dân tộc như Pol Pot là vấn đề lợi ích giai cấp. Nhưng với nhiều người dân, là do bị tuyên truyền nhồi sọ. Như một cô gái Campuchia hỏi: Tại sao Việt Nam xâm lược Campuchia? Ai bảo thế? Cấp trên bảo thế! Các cô có tin không? Tin chứ! (sđd, tr.78)… Nhưng tuyên truyền có phải chỉ là ở lĩnh vực chính trị, ý thức hệ…? Không! Tuyên truyền là bản chất của đời sống trước khi là chính trị hay ý thức hệ. Là thông tin cho nhau. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa; Rừng có mạch vách có tai… Cái cốt yếu của thông tin, tuyên truyền là sự chân thực. Nói gần nói xa chẳng qua nói thật. Lời nói đọi máu… Chúng tôi trân trọng Mùa chinh chiến ấy là đã thông tin đến cho bạn đọc một cách chân thực cuộc chiến của quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia trong phạm vi tác giả trải nghiệm. Hãy trân trọng sự chân thực trước khi trân trọng một thi pháp.
Hà Nội, 27-10-2019
Gặp nước (trích Mùa chinh chiến ấy)
…Tiểu đoàn hành quân tiếp. Tôi ngất đi, nằm lại giữa rừng Preach Vihia xa lạ. Không biết gì. Theo bạn tôi, Tuấn chim cu - trinh sát tiểu đoàn kể lại, khoảng 5 giờ chiều, đơn vị gặp vũng suối có nước. Dù đục ngầu, nhưng vẫn ngon lành. Vũng nước chứa đầy sự sống. Trên bờ có vài cái màn bẩn. Vảy cá to như móng chân cái, lấp lánh. Chắc bọn địch qua đây, nhưng lâu rồi. Quan sát không thấy gì khả nghi, trinh sát reo lên:
- Có nước. Có nước rồi!!!
Ngay lâp tức cả tiểu đoàn ào tới. Như trâu đàn, tất cả lao xuống, vục đầu vào nước. Úp mặt vào vũng nước tu, uống, múc, dội, một khung cảnh sung sướng đến tột đỉnh. Tiểu đoàn trưởng Võ Sỹ Lực mọi khi nghiêm khắc là thế mà giờ đây lặng lẽ múc đầy bi đông nước rồi lẳng lặng leo lên bờ suối tìm một ụ mối cao nhất vừa ngửa cổ uống vừa quan sát xung quanh, cảnh giới cho những đàn em của tiểu đoàn đang vẫy vùng trong nước. Hình ảnh đó khiến cho lính tráng trong tiểu đoàn kính nể, ông xứng đáng một con sư tử đầu đàn biết chăm lo cho bầy đàn.

ẢNH MINH HỌA
Lính tráng chìm trong nước. Đứa ngoác miệng uống như cá. Đứa múc nước dội ào ào. Đứa đằm cả thân mình như con trẻ. Thanh Fun-rô, cứ duỗi thẳng chân tay nằm úp dưới nước. Hắn thở trong nước, bọt và bong bóng nổi xung quanh mái tóc ngập nước lòa xòa. Hắn cứ nằm như thế. Anh em tưởng hắn chết vì sặc nước, mấy người lôi hắn lên. Nhưng vừa nằm vật ra đất, Thanh Fun-rô lại vùng dậy, lao thẳng xuống vũng nước. Nằm sấp, úp mặt, thở cho bong bóng nổi lên ầm ầm.
Các đại đội lục tục nấu cơm. Đào bếp bắc nước vo gạo đàng hoàng. Lúc này Bọ Lực mới bước xuống lòng suối. Ông phân chia vị trí cho các đại đội, lập trại nghỉ đêm. Và các cán bộ cắt cử người cảnh giới hai bên bờ suối bảo vệ vũng nước.
Chẳng mấy chốc, cơm các đại đội đã chín. Nhưng riêng C6 mãi không thấy cơm đâu, anh Ngân đại đội trưởng kiểm tra bộ phận anh nuôi, thấy mỗi một cái xoong không to đùng, không có vung. Thì ra, trong cơn khát Dương Khỉ đã vứt béng mọi thứ lặt vặt kể cả xoong nhỏ lẫn vung xoong cơm lớn. Anh Ngân nghiến răng, trợn mắt, mắng Dương:
- Đ.mẹ. Cứ lừ lừ như tàu điện vào bến, đến cái vung xoong mà mang không nổi! Giờ lấy đ. gì mà nấu ăn.
Dương Khỉ lừ lừ chịu trận, lầm bầm vài câu trong miệng, mắt gườm gườm thách đố. Anh Ngân lúc này cũng phải ghìm cơn giận lại. Bởi anh hiểu, đối với lính trận, mắng chửi vừa thôi. Làm quá, tụi nó quay súng bắn lại mình liền. Anh em xé áo mưa, làm vung. Rồi cơm cũng chín. Ăn với muối thôi, cũng đủ ngon rồi. Nhớ tới ba ngày trước tại Anlung-viêng ăn thịt trâu thịt bò đẫy khẩu, thằng nào cũng tích trữ đầy ống bương, gặp cơn khát vứt sạch... Đuổi được cơn khát thì cũng đuổi được cái đói, ăn muối thôi cũng sướng rồi.
Trời vừa tối, các đơn vị nằm ngủ bên bờ suối. Rừng mùa khô trống trải. Lính tráng phơi mình trên đất. Thảnh thơi sau bao ngày cực nhọc. Trăng đầu tháng lòa nhòa sau những tầng bụi nóng của trận cháy rừng.
Lúc này anh Ngân mới nghĩ đến tôi. Bỏ một đồng đội lại giữa rừng, chắc anh cũng áy náy. Anh cử người đi tìm tôi, nhưng ai cũng từ chối. Bởi tôi có thuộc quân số đại đội 6 đâu. Tôi chỉ là thằng thông tin, đi phối thuộc. Nghĩ về chặng đường vừa qua, chắc ai cũng rùng mình kinh hãi. Ban đêm. Đường xa. Lạc rừng gặp địch thì sao? Anh Ngân cũng cho qua. Anh Hùng, anh Trường trong ban chỉ huy đại đội cũng im lặng. (Mấy chục năm sau, gặp anh Ngân. Anh có vẻ hối hận. Nhưng tôi nói, em hiểu chứ nếu em có chết, cũng không ai khiêng được. Bởi mọi người đã quá mệt rồi).
Nhưng có một người, dù không được cử đi, cứ trăn trọc mãi. Đấy là anh Lê Minh Đước, y tá C6. Anh lặng lẽ cầm khẩu AK, xách theo bi đông nước, lặng thầm một mình, trong đêm, đi ngược lại con đường chết chóc, tìm tôi. Và gần sáng anh thấy tôi nằm còng queo trơ trọi giữa rừng. Sau này gặp lại anh Đước, tôi hỏi:
- Sao lúc ấy anh lại tìm em?
Anh Đước mới kể... Dạo còn ở chốt biên giới Tây Nam, anh cũng bị đơn vị bỏ lại. Anh ở đầu thông hào. Khi đơn vị rút, lệnh không chuyền đến chỗ anh. Rút vào ban đêm. Bí mật. Sáng hôm sau không thấy người, anh đi tìm. Cả thông hào vắng lặng. Không có ai. Địch thì ngay trước mặt. Không hoảng hốt, anh Đước cắt rừng tìm đường. Hai ngày sau mới về đến đơn vị. Chính trị viên Quách Kim Quy, người Mường, quê Cẩm Thủy, Thanh Hóa, bảo: Đơn vị đã báo lên trên đưa cậu vào danh sách mất tích rồi!
Vẫn Tuấn trinh sát kể, khi gặp nước, tôi lao xuống, vục đầu uống như bò, uống xong tôi lấy cái chậu chia cơm, múc một chậu đầy nước. Tôi ngồi ôm khư khư chậu nước, cứ nhìn chậu nước mà ràn rụa nước mắt. Tôi đã khóc với nước.
ĐOÀN TUẤN