Phải thừa nhận rằng, ít có thời kỳ nào trong lịch sử của đất nước người Việt Nam ta để mắt đến giáo dục nhiều như hiện nay. Một phần băn khoăn về chiến lược phương pháp giáo dục. Phần lớn hơn là lo âu trước giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ. Chưa bao giờ các mối quan hệ trong và ngoài ngành giáo dục phức tạp như hiện nay. Những người trực tiếp đứng trên bục giảng không thoát khỏi những hệ lụy chính nghề mình mang lại.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng có một bộ phận giáo viên vì nhiều lý do khác nhau đã làm tổn hại lớn đến thanh danh nhà giáo như thầy giáo sàm sỡ học sinh, cô giáo mầm non ra tay hành hạ những đứa trẻ thơ ngây rất tàn độc, nhục mạ học sinh, tìm mọi cách moi tiền phụ huynh… để rồi hàng triệu trái tim nhà giáo phải chịu tiếng. Tất nhiên, những kẻ tâm tối trí đoản ấy đáng bị xã hội lên án. Nhưng nếu vì một vài cá nhân mà có thể đánh đồng với bao thế hệ thầy cô giáo vượt qua vất vả khó khăn sống chết với nghề như thế thì thật thiếu công bằng. Chưa kể số vụ thầy cô giáo bị hành hung, làm nhục trong trường, thậm chí ngay trên bục giảng không phải chưa từng xảy ra. Nhiều người chỉ biết a dua phê phán, kết tội giáo viên mà không chịu tìm hiểu xem cơn cớ vì sao, không biết hoặc không chịu hiểu rằng giáo viên cũng là con người, cũng có lúc sai lầm. Một thầy giáo với tâm trạng bất lực buông lời khuyên đồng nghiệp của mình rằng: “Học sinh và phụ huynh luôn đúng, các thầy cô hãy biết giữ lấy thân phận của mình. Tuyệt đối không được la mắng quở phạt đánh đập học sinh dù chúng có thế nào đi nữa. Gắng bám lấy nghề để còn lo cho gia đình”. Nghe mà xót xa thay!
Có một căn nguyên cần kể đến đầu tiên: Mỗi gia đình hiện đại chỉ có một, hai đứa con nên mỗi khi “con vàng con bạc” của phụ huynh có chuyện, họ không cần biết nguyên nhân vì đâu, lỗi tại ai, thầy cô bao giờ cũng là đối tượng trước tiên và sau cùng để họ truy vấn. Chả thế mà có cô giáo bị kỷ luật oan khi chân một học sinh bầm tím da do bệnh mà phụ huynh không hề hay biết, cứ dồn ép buộc tội cô đánh dù cô giáo đã hàng chục lần nói không trong nước mắt. Cuối cùng cô phải đành nhận tội để “chỉ bị kỷ luật chứ không phải đuổi dạy”. Đến khi con nghỉ học vẫn thấy hiện tượng thâm tím tay chân, đưa đi bệnh viện khám, bác sĩ cho biết đứa trẻ bị bệnh viêm da, khi đó cô giáo mới được giải oan. Còn nhiều người thì ngạc nhiên trách cô sao không đánh mà cứ nhận lỗi bừa.
Thầy cô giáo luôn cảm thấy áp lực khi hằng ngày mỗi lời nói, hoạt động dạy học của mình đều bị theo dõi săm soi từng li từng tí. Nhiều phụ huynh chỉ biết làm việc, mải mê kiếm tiền phó mặc con cho người làm. Đến khi xảy ra chuyện gì thì ầm ĩ đổ tại thầy cô, nhà trường. Ước gì những người quan tâm đến thế hệ trẻ, đến sự nghiệp giáo dục nước nhà thay vì ta thán, buộc lỗi giáo viên, biết chịu khó suy nghĩ để nói cho nhà giáo biết họ phải làm gì, chỉ cho thầy cô bằng cách nào để phối hợp giáo dục cho con em được phát triển toàn diện thì hay biết mấy!
Câu chuyện dạy thêm học thêm từng được đem bàn bạc mổ xẻ và xem ra vẫn chưa đi đến hồi kết. Một nhu cầu có thật chính đáng của xã hội bị cấm đoán bởi một số biểu hiện đi chệch với chuẩn mực đạo đức nhà giáo. Bên cạnh một bộ phận giáo viên lấy dạy thêm làm trọng, dùng đủ mọi cách ép học sinh học thêm để thu tiền thì vẫn có rất nhiều thầy cô mở lớp dạy miễn phí cho học sinh. Hoặc giả có thu một khoản tiền nào đó thì cũng hao hơi rát cổ, bỏ công tốn sức chứ đâu phải ngồi không hưởng lợi?
Trẻ con thời nay lại khó bảo. Nhiều phụ huynh từng kêu lên sao dạy con khó quá. Thế thì với một lớp mấy chục học sinh, thầy cô có khó để uốn nắn dạy dỗ hay không? Đừng trói tay trói chân rồi bắt thầy cô phải nhẫn nhục chịu đựng, buộc thầy cô phải chấp nhận lùi bước trước mọi ngang tàng ngỗ ngược của trẻ. Vì thầy cô đâu phải phù thủy hay bà tiên để rồi giáo dục con em mình bằng điều ước vẫn dễ dàng dẫn tới thành công!?
20-11 là ngày tôn vinh nhà giáo đồng thời là dịp để phụ huynh, các tổ chức xã hội bày tỏ sự quan tâm của mình đối với thầy cô. Thế nhưng đã có ý kiến cho rằng 20-11 là dịp thầy cô giáo vào mùa “thu hoạch”, là cơ hội để đổi chác đánh tráo kết quả học tập của học sinh. Có chua chát nghiệt ngã quá không?
Và thử hỏi:
Một thầy giáo mẫn cán, suốt năm học hết lòng tận tụy với học sinh, đến ngày 20-11 nhận món quà từ tấm lòng thành của phụ huynh thì có lỗi gì không?
Một thầy giáo giỏi, bất chấp đường xa, tranh thủ cả ngày lễ, chủ nhật bồi dưỡng cho học sinh tối dạ, học hành chậm chạp có tiến bộ vượt bậc, lấy lại kiến thức căn bản vững vàng thay vì nếu không được kèm cặp chắc chắn phải ở lại lớp, nên ngoài tiền thu đúng mực hằng tháng thầy được phụ huynh cám ơn bằng một phong bì vài trăm ngàn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam liệu có đáng lên án không?
Một cô giáo cảm hóa được học sinh cá biệt bằng sự kiên nhẫn và tình thương hiếm thấy, khiến một đứa trẻ hỗn láo ngỗ ngược trở thành người tiến bộ, học hành tử tế, được phụ huynh mang đến một giỏ quà thay lời cám ơn và chiêu đãi cả gia đình một bữa tối tại nhà hàng sang trọng nhân ngày 20-11 liệu có bị cho là lợi dụng học sinh không?
Tác giả có một người bạn dạy Toán tiểu học giỏi nổi tiếng một vùng, đã được nhà nước cho nghỉ hưu nhưng hằng năm phụ huynh cứ nườm nượp kéo đến xin cho con em được học. Cảm thấy mình vẫn còn có sức khỏe để dạy tốt, đặc biệt là vui vì thấy mình còn có ích cho thế hệ trẻ, cô ấy đã thuê trường tổ chức dạy thật bài bản đàng hoàng, học sinh nắm rất chắc kiến thức, thao tác vững vàng. Tiền công thu thỏa đáng đầy đủ nhưng đến ngày 20-11 vẫn nhận những món quà từ phụ huynh học sinh tự nguyện mang đến tặng. Thế thì có thể cho là cô giáo lợi dụng để thu tiền phụ huynh không?
Nói tóm lại, do đặc trưng nghề nghiệp, nếu là nhà giáo chân chính đúng nghĩa người ta thường đủ tỉnh táo, nhạy cảm để nhận diện mọi mối quan hệ, biết tùy vào điều kiện, hoàn cảnh để ý thức rõ thái độ tình cảm chân thành của người khác khi trao gửi niềm tin hay chỉ đơn giản là nhận một món quà. Dù trong tay nhà giáo chẳng có lấy bất kỳ một thứ vũ khí lợi hại nào nhưng hầu hết họ chẳng bao giờ đánh đổi hay bán rẻ danh dự, uy tín của mình.
Cuối cùng, theo thiển ý của cá nhân tác giả, phụ huynh không nên lấy chuyện quà cáp làm trọng trong ứng xử với nhà giáo để rồi khiến thầy cô dễ sa chân lạc bước; chớ ngọt ngào bắt ép thầy cô nhận bằng được cái phong bì rồi sau lưng lại buông những lời rẻ rúng xúc phạm khiến khi nghe được thầy cô ngao ngán hoang mang; đừng bao giờ tạo cho họ thói quen chờ đợi để rồi phải day dứt vì đã không biết cầm lòng quay lưng trước cám dỗ. Nếu có cảm thông, hàm ơn, thương thầy cô thật lòng xin hãy bằng lời nói và hành động thiết thực đem đến cho họ một niềm tin rằng, thầy cô luôn xứng đáng được tôn kính. Một chút quà trong dịp 20-11 có thể khiến thầy cô ấm lòng, góp phần động viên an ủi họ rất lớn. Nhưng nếu vì một động cơ không trong sáng thì nói thật, đừng làm khổ thêm đời sống vốn khốn khó của nhà giáo nữa!
Về phía thầy cô, hãy biết kìm lòng, rèn luyện cho mình đức tính kiên nhẫn, kiên nhẫn chịu đựng nhưng đừng bạc nhược, nhiệt tâm cống hiến và vững vàng trước mọi cám dỗ, thách thức. Được vậy mới có thể tiếp tục thanh thản sống tốt và ngẩng cao đầu tự hào với nghề. Để ai ai trong xã hội này cũng phải thừa nhận nghề dạy học không thể, chưa bao giờ đã hết cao quý.
HẠC MIÊN
(thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa