Khái niệm “người già” thường được xã hội Pháp hiện nay định mức từ 60 tuổi trở lên. Theo thống kê INSEE năm 2018 ở Pháp, thành phần trên 60 tuổi chiếm 25,9% dân số, trong đó trên 75 tuổi chiếm 9,3% (dân số Pháp là 67,187 triệu người).
Tuổi thọ bình quân của người Pháp hiện nay là 78,4 tuổi cho phái nam và 84,8 tuổi cho phái nữ, tuổi mất sức tự lập là 83 tuổi và 8% người trên 60 tuổi phải sống phụ thuộc vào chế độ săn sóc đặc biệt (tê liệt, mất trí…).
Có khoảng 1,2 triệu người lãnh trợ cấp xã hội APA (Allocation Personnalisée d’Autonomie - trợ cấp cá nhân về tự lập), trong số này có 60% người được săn sóc tại nhà và 40% người ở trong viện dưỡng lão.
Một con số thống kê cũ cho biết chi phí xã hội Pháp trong năm 2010 cho người già lên tới 24 tỉ euro, trong đó có 14 tỉ cho thuốc men, bệnh viện…, 5,3 tỉ cho trợ cấp APA, và 2,2 tỉ cho trợ cấp cư trú trong viện dưỡng lão.
Có 2,8 triệu người thân trong gia đình đỡ đần một người già mỗi ngày, 62% trong số này là phụ nữ.
Người già đồng nghĩa với sức tiêu thụ kém trong xã hội. Việc này có nhiều nguyên do:
- Vì mức lương hưu ít ỏi, họ phải sống rất tằn tiện, chưa hết tháng đã hết tiền. Con số người có lương hưu ung dung nhàn hạ chỉ là số ít, và thành phần này phải tiếp tục đóng thuế thu nhập, đóng bảo hiểm xã hội cao, cho nên sức tiêu thụ cũng giảm. Một số người già còn sáng suốt, tìm những giải pháp để bảo đảm cho đoạn cuối cuộc đời của mình trước sự tranh giành của con cháu, chực ngắm nghía phần tài sản còn lại của họ. Họ bán nhà, giữ lại cho mình số vốn liếng cuối cùng trong tài khoản ngân hàng, và thuê một căn hộ trong viện dưỡng lão ở. Như thế, họ được nhiều cái lợi, được ở trong một “khung cảnh” có người chăm sóc, khỏi phải lo việc ăn uống, giặt giũ, lại được hưởng thêm trợ cấp của xã hội.
- Vì bệnh tật, họ ít khi ra đường, đi dạo chơi ở những trung tâm mua sắm, giải trí tốn kém nhiều tiền bạc, ngại đi du lịch, sợ di chuyển.
- Vì tâm lý tiêu thụ, đánh giá được/mất của cá nhân. Đến một mức nào đó thì người già không còn tha thiết đến những hào nhoáng vật chất, những món xa xỉ phẩm không cần thiết cho đời sống. Họ gạt bỏ ra rất nhiều những sản phẩm “vô ích” của thị trường thượng lưu vốn thu nhiều lợi nhuận: nước hoa, quần áo thời trang, giày dép, xe hơi, máy móc, vật dụng trang trí nhà cửa… Ngay cả đến những món ăn tinh thần cần thiết như báo chí, sách vở, phim ảnh, nhạc kịch… họ cũng chẳng màng đến. Trong vấn đề dinh dưỡng họ gạt bỏ những món ăn thời thượng, xa xỉ, lạ miệng, lạ văn hóa… để trở về với những “căn bản” thuần túy tùy theo gốc tích của họ. Những ai vốn ham thích gom góp của quý trên đời trong những sưu tập cá nhân: tranh ảnh, sách cổ, đồ cổ, tem phiếu… bỗng dưng dừng lại. Để lại cho con cháu? Chúng có biết giá trị vật chất, biết cái gắn bó tình cảm, tinh thần của những vật ấy không? Cái chính đối với họ ở phần cuối đời là sự an toàn bản thân: ở nhà có sưởi ấm, có cái ăn hằng ngày, có thuốc bệnh để uống, có người săn sóc. Từ những nhu cầu thiết thực đó của người già mà phát sinh những mảng thị trường để đầu tư sinh lợi, tạo việc làm cho người lao động. Hiện nay, tại Pháp có thể kể ra những mảng thị trường nhắm vào nhu cầu “phục vụ” người già như:
- Nhu cầu nhà ở: các hình thức viện dưỡng lão tư nhân và bán công, ngành xây dựng (sửa chữa lại nhà cửa: thay bồn tắm bằng tắm đứng/ ngồi, nới rộng khung cửa trong nhà cho xe lăn di chuyển, bỏ cầu thang, làm phòng tầng trệt…).
- Nhu cầu di chuyển: xe cứu thương tư nhân, xe phục vụ di chuyển người già.
- Nhu cầu ăn uống: các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
- Nhu cầu săn sóc: y tá, săn sóc sức khỏe, săn sóc con người, săn sóc nhà cửa, vườn tược… ở tư gia.
- Nhu cầu tư vấn pháp lý: chưởng khế, luật sư về di chúc, thừa kế, cho tặng…
- Nhu cầu mai táng: nhà hòm, nhà hỏa táng, đất nghĩa trang

Người già ký hợp đồng cho từng loại dịch vụ, thí dụ dịch vụ “săn sóc con người” có những điều khoản như một ngày ba lần sáng, trưa, tối có nhân viên ghé qua chăm sóc vệ sinh, thay tã, thay quần áo, tắm rửa…; dịch vụ “săn sóc nhà cửa”: một tuần quét nhà, hút bụi, lau sàn nhà một lần; dịch vụ “nấu ăn” cho bữa trưa và bữa tối… Các công ty dịch vụ săn sóc người già mọc lên như nấm, họ thuê cả những người không có nghiệp vụ, không có bằng cấp làm việc, mức lương thường chỉ 1.300 euro cho một hợp đồng 130 giờ một tháng, nhưng giá dịch vụ của họ đối với các hãng bảo hiểm, tư nhân thì đội lên rất cao. Các gia đình giàu có hơn ở các thành phố lớn ở Pháp thì thuê những người có bằng cấp tương tự như aide-soignante, auxiliaire de vie sociale (trợ lý, điều dưỡng)… để săn sóc người già tại nhà, phải trả lương cao hơn, khoảng từ 1.500 đến 2.100 euro/tháng. Qua đó, nhu cầu săn sóc người già cũng trở thành một mảng thị trường lao động có chiều hướng phát triển. Giá cả của viện dưỡng lão quá cao (trên 2.500 euro/tháng ở vùng quê cho một người) nên nhiều người theo đuổi chiều hướng “giữ lại ở nhà” (maintien à domicile) để săn sóc cho đỡ tốn kém hơn. Như thế, những người già, không có con cái gần gũi để săn sóc, mỗi ngày được nhân viên dịch vụ ghé qua, kéo ra khỏi giường, đặt vào một cái ghế dựa ngồi trước màn hình ti vi, buổi trưa có người ghé qua cho ăn, buổi tối lại được kéo từ ghế dựa vào giường ngủ, cứ thế năm này qua tháng kia, trong cô đơn cô quạnh. Về nhu cầu mai táng thì mảng thị trường này kiếm ăn béo bở, vì vấn đề tâm lý “nghĩa tử là nghĩa tận” nên các gia đình không ngại tốn kém, so đo giá cả. Trên 72 đơn vị hành chánh vùng của Pháp có đến 664 công ty mai táng. Số tiền chôn cất trung bình là từ 3.815 đến 7.500 euro, chưa tính tiền làm hầm mộ và mua/thuê đất nghĩa trang. Ngoài ra, mỗi một “dịch vụ” đều được tính riêng biệt, thí dụ dịch vụ “cho vào hòm” có giá từ 30 đến 450 euro, dịch vụ “mở nắp hầm mộ” từ 95 đến 880 euro. Nếu gia đình chọn hỏa táng thì chi phí trung bình là 4.000 euro, giá thị trường giao động từ 1.362 đến 7.900 euro. Tính ra, khi người qua đời “mồ yên mả đẹp” rồi thì phí tổn cho người thân có thể lên đến 20.000 euro, từ khi bỏ vào quan tài, đóng nắp quan tài có dấu chứng của cảnh sát sở tại, di chuyển quan tài về nhà thờ làm lễ, khiêng vào, khiêng ra, di chuyển ra nghĩa trang…, cứ mỗi một “động thái” của hai hay bốn nhân viên nhà táng phụ trách tang lễ là một dịch vụ tính riêng.
Chỉ cần làm một bài toán cộng đơn giản, ít nhất, cái miếng bánh 24 tỉ (năm 2010) trợ cấp xã hội của chính phủ Pháp cộng với lương hưu của hơn 16 triệu người trên 60 tuổi - đó là mảng thị trường béo bở của người già còn đóng góp cho xã hội cho đến khi qua đời. Đó là chưa kể đến khối tài sản cá nhân của họ để lại cho con cháu - người Pháp rất siêng năng chắt bóp để dành tiền bạc, của cải.l