HV143 - Nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT TP.HCM

"Hướng đến Thành phố sạch và văn hóa"

Sáng 10-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức Hội nghị giao ban Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật (LLPB VHNT) TP.HCM quý III-2019. Tham dự có đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT TP.HCM, cùng các thành viên hội đồng. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương ở phía Nam duy nhất có Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, quy tụ được nhiều văn nghệ sĩ tiêu biểu, chuyên gia đầu ngành có năng lực chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Trong đó hoạt động thiết thực nhất là Chương trình Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM trên sóng truyền hình, nhằm góp phần định hướng cảm quan thẩm mỹ, cảm thụ văn học, nghệ thuật cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ

Từ đầu năm đến nay, Hội đồng LLPB VHNT TP.HCM đã tiếp tục đến với khán giả trên Đài Truyền hình TP.HCM bằng những chuyên đề cụ thể, bám sát đời sống văn học nghệ thuật của thành phố như: Dòng chảy văn học nghệ thuật người Hoa tại TP.Hồ Chí Minh; Hủy bỏ cấp phép ca khúc trước năm 1975: Những vấn đề cần lưu ý; Sân khấu thành phố hôm nay: giải pháp đầu tư và quảng bá; Kết quả xã hội hóa trong sáng tác và sản xuất phim truyện tại TP.Hồ Chí Minh; Ảnh báo chí thời 4.0… Nhằm tăng tính tương tác với công chúng trẻ, từ tháng 8-2019, hội đồng đã lập fanpage, tạo sự kiện chương trình, lập Facebook và tạo kênh trên YouTube “Chương trình Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh”. 

Các thành viên Hội đồng LLPB VHNT đã có nhiều ý kiến đóng góp về thực trạng văn hóa hiện nay. Rất nhiều lĩnh vực văn hóa từ Âm nhạc, Điện ảnh, Sân khấu… đứng đắn gần như không có chỗ đứng trân trọng trên báo chí và truyền hình. Truyền hình giờ vàng chỉ tập trung cho các game show… Giới trẻ tin vào mạng xã hội hơn là tin vào báo chính thống…

Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng LLPB VHNT TP.HCM, cho biết, thời gian tới hội đồng sẽ củng cố, tăng cường liên kết với các đơn vị liên quan để hoạt động văn hóa thành phố có sự chuyển biến mạnh mẽ. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng chuyên đề “Góc nhìn văn hóa” trên các phương tiện truyền thông đại chúng để đối thoại với người dân, văn nghệ sĩ… về những vấn đề văn hóa thời sự, cấp thiết.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị hội đồng tích cực hơn nữa trong việc tổ chức đa dạng các hoạt động phê bình văn học, nghệ thuật; có đề xuất tham mưu cho thành phố những chính sách để hình thành hệ sinh thái văn hóa của thành phố nhằm kích thích sáng tạo nhiều hơn nữa tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị để người dân hưởng thụ. Từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần thì thành phố mới phát triển bền vững. 

Ông nhấn mạnh, chính đời sống văn hóa góp phần làm tiền đề cho vật chất bước tiếp theo. Không có nền tảng văn hóa, kinh tế sẽ xung đột. Ông đã kể câu chuyện về hai người khách quốc tịch Mỹ đã nói với ông rằng Việt Nam có truyền thống văn hóa gia đình rất tốt, phải cố mà giữ lấy, đừng phá hủy nó. Một đất nước mà văn hóa gia đình không bền vững thì đất nước đó không có tương lai. Chính sức mạnh gia đình, sức mạnh cộng đồng và sức mạnh đại đoàn kết giúp Việt Nam vững mạnh. Thực tế cho thấy, nếu chính sách quốc gia không nghĩ tới gìn giữ gia đình mà hy sinh tất cả cho phát triển kinh tế thì chắc chắn sẽ khủng hoảng văn hóa. Vì thế không phải đất nước nào có GDP mạnh là có chỉ số hạnh phúc cao, mà có khi còn ngược lại. Nhật Bản và Hàn Quốc trước kia khuyến khích công nhân viên chức làm thêm giờ để tăng trưởng kinh tế, nhưng bây giờ  đã có lệnh cấm, vì điều đó đã ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống gia đình. 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị tổ chức cuộc hội thảo nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Hội đồng LLPB VHNT TP.HCM. Bằng các bài tham luận, qua lăng kính của mình, các thành viên hội đồng nên có ý kiến làm gì để TP.Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn hóa, người dân có văn hóa, có động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Từ đó, kiến nghị cụ thể để có đề án phát triển văn hóa TP.Hồ Chí Minh trong 10 năm tới, hình thành nên hệ sinh thái văn hóa thành phố. Từ nay đến tháng 4-2020, cần có những cuộc gặp gỡ theo chuyên đề để định hình cho được chương trình phát triển văn hóa TP.Hồ Chí Minh 10 năm tới. Nêu rõ năm 2020 là năm có nhiều ngày lễ lớn: 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, 90 năm thành lập Đảng và hướng đến kỷ niệm 100 năm thành lập nước..., đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tổ chức một cuộc thi biểu diễn các tác phẩm tiêu biểu nhất về các lĩnh vực, vừa giáo dục lịch sử vừa tôn vinh văn hóa. Đây cũng là năm hướng đến Thành phố sạch và văn hóa, hội đồng nên thiết kế cho thành phố chương trình đặt hàng sáng tác tác phẩm… 

Về vấn đề quảng bá tác phẩm tiêu biểu thành phố trên giờ vàng của truyền hình, ông đã nói dứt khoát rằng thành phố có kinh phí để làm việc với truyền hình. Truyền hình có thể làm kinh tế, nhưng khi cần thiết sẽ phải thực thi nhiệm vụ mà Nhà nước đã giao cho…

BÍCH CHÂU