HV143 - Những điều chưa biết về tính cách người thầy thuốc suốt đời cống hiến cho y học Việt Nam

KỶ NIỆM 100 NĂM NĂM SINH GS-TS, THẦY THUỐC NHÂN DÂN,  ANH HÙNG LAO ĐỘNG NGUYỄN THIỆN THÀNH (1919 - 2019)

 

Lần ấy cách nay đã trên ba mươi năm, tôi có dịp gặp anh Ba Nguyễn Thiện Thành tại TP.Hồ Chí Minh. Tiếp tôi trong phòng làm việc của anh trên lầu bệnh viện Thống Nhất, với tách cà phê sữa thơm lừng bốc khói và nụ cười dễ mến (anh em trong bệnh viện cho đây là trường hợp đặc biệt bởi anh Ba chưa tiếp ai như vậy bao giờ). Lần đầu tiên tôi được nhìn rõ anh mà trước đây tôi chỉ nghe qua lời kể và hình ảnh qua báo chí, truyền hình… Anh Ba nói, nghe bác sĩ ngoại khoa báo cáo có một bệnh nhân làm công tác văn nghệ quê gốc Trà Vinh, mổ bệnh viêm ruột thừa, sau khi lành bệnh muốn được gặp anh nên anh vui lòng tiếp chớ chưa biết gặp với mục đích gì.

Tôi thưa với anh Ba: “Em quê ở xã Long Đức, nhà cách chợ Trà Vinh chừng 300m đường chim bay. Năm 1937, lên bảy tuổi em học lớp vỡ lòng do ba anh là ông giáo…”. Tôi ngập ngừng chưa nói tên thì anh Ba cười: “Ông giáo Thọ, chú nói tiếp đi”. “Dạ, năm 1939 lên lớp 3 em lại được học ông lần nữa. Vậy em là học trò của ba anh hai lớp. Ba em là ông giáo Xuyến, cũng là bạn với ba của anh. Năm 1945, em vô Đoàn Thanh niên Tiền phong tham gia giành chính quyền tỉnh Trà Vinh sau Cách mạng tháng Tám. Kháng chiến Nam Bộ bùng nổ, em làm thư ký Mặt trận Việt Minh huyện Cầu Ngang, đến tháng 9 năm 1947 em gia nhập quân đội ngành Tình báo quân sự (sau gọi là Quân báo) Trà Vinh, hoạt động khắp chiến trường Khu 8, Phân liên khu miền Tây Nam Bộ, đến Hiệp định Genève 1954 tập kết ra miền Bắc. Năm 1958 chuyển ngành hoạt động báo chí, điện ảnh và sân khấu, cho đến đại thắng mùa xuân tháng 4-1975 em trở về miền Nam tiếp tục hoạt động văn nghệ đến hôm nay. Do ở ngành Quân báo nên năm 1948, em biết tin anh bị địch phục kích bắt lúc vượt lộ Giồng Lức đi công tác Trà Vinh, và tên trung úy De la Bigne, chef de 2è Bureau Secteur Vĩnh Long, hay tin bắt được cán bộ cao cấp Việt Minh vội phóng xe xuống gặp và chuyển anh về giam giữ ở Sài Gòn. Chuyện sau đó thế nào em không rõ lắm, muốn được anh Ba xác nhận có đúng như vậy không?”. Anh Ba cười gật đầu: “Đúng vậy”. Và khi biết anh Ba không phải chỉ huy cao cấp quân sự Việt Minh mà là bác sĩ quân y nên chúng chuyển anh về Sài Gòn giam giữ để hòng mua chuộc đầu hàng làm việc cho chúng. Khi nghe tin anh bị bắt, gần như hầu hết bác sĩ tốt nghiệp khóa Y Đông Dương cuối cùng, đa số là người Pháp, đều đến thăm và khuyên anh về công tác với nước Pháp. Biết ý đồ mua chuộc của địch qua những bạn thân thiết vào thăm, anh nói rõ yêu cầu anh chỉ tiếp với tình cảm bạn bè chứ không bàn về vấn đề chính trị, cũng như anh đang bị giam không có điều kiện tìm hiểu về tình hình y tế thế giới và trong nước nên rất mong được bạn bè vào thăm mang cho sách báo tài liệu để anh học và nghiên cứu. Chính nhờ vậy mà anh nghiên cứu được thuốc Philatop, sau này được trả tự do về vùng giải phóng anh thực hiện có kết quả tốt đẹp được bộ đội và nhân dân hoan nghênh vì hiệu quả trị bệnh và bồi dưỡng sức khỏe của nó. 

“Còn một vấn đề nữa em muốn biết…”. “Vấn đề gì chú cứ nói không ngại, anh sẽ cố gắng đáp ứng yêu cầu của chú, nếu có thể được”, anh Ba cười thoải mái khiến tôi không còn e dè nói luôn: “Vấn đề em muốn biết là chuyện vào Đảng của anh Ba thế nào, anh có thể kể được không?”. “À, chuyện đó là thế này”, anh Ba vui vẻ nói tiếp: “Sau khi cùng đoàn quân Nam tiến về đến Nam Bộ gần cuối năm 1946, có một đồng chí trong Xứ ủy Nam Bộ gặp và nói đại ý anh nên vào Đảng để có sự giúp đỡ tiến bộ. Nghe vậy anh nổi tự ái - anh Ba cười - kiểu tự ái tiểu tư sản trí thức ấy mà, anh nghĩ nếu vô Đảng để được giúp đỡ tiến bộ thì anh không vô, bởi anh đâu cần có sự giúp đỡ để tiến bộ đó. Quả là lúc ấy anh nghĩ vấn đề đơn giản như vậy trong lòng, còn bề ngoài anh nói anh cám ơn sự quan tâm của Đảng, nhưng anh cần có thời gian suy nghĩ thêm sẽ quyết định sau. Rồi chuyện đó qua đi cho đến khi anh bị bắt giam ở Khám lớn Sài Gòn, anh chứng kiến cảnh một người đảng viên cộng sản bị tra tấn tàn bạo vẫn không khai báo còn nói thẳng vào mặt tên hỏi cung: ‘Phải, tao là đảng viên cộng sản, tao làm việc cho Đảng tao, không phải để khai với mày! Đồ Việt gian!’. Thế là anh ấy lại bị một trận đòn dã man nữa, mặt mũi đầy máu, ngất lịm, anh em tù phải khiêng xuống khám. Anh vội đến khám và làm mọi cách để anh ấy tỉnh lại, trong lòng hết sức khâm phục khí phách đảng viên cộng sản của anh. Một lúc sau anh ấy tỉnh lại, mở đôi mắt sưng vù nhìn anh em, nói giọng thều thào đứt quãng: ‘Xin cho tôi gọi các anh là đồng chí, vì các anh đi theo cụ Hồ, theo Đảng chiến đấu chống Pháp nên mới bị chúng bắt giam tù đày ở đây. Cho tôi nói lời sau cùng - Hãy tin kháng chiến nhất định thắng lợi. Hồ Chủ tịch muôn năm!’”. Mấy câu cuối anh ấy gần như dồn hết sức còn lại để nói, nên khi nói xong anh lặng lẽ ra đi thanh thản trong đôi tay đỡ đầu của anh Ba. Chính khí tiết anh hùng của người cộng sản đó đã tác động rất lớn đến sự suy nghĩ tự nguyện vào Đảng của anh Ba sau này. 


GS-TS - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Thiện Thành và phu nhân

Cuối năm 1949 đến đầu năm 1950, ta mở chiến dịch Cầu Kè - Trà Vinh diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng, bắt nhiều tù binh, trong đó có viên đại úy bác sĩ quân y De Barière. Qua đài phát thanh Nam Bộ, ta chủ động đề nghị trao đổi hai bác sĩ quân y De Barière và Nguyễn Thiện Thành. Và ta chủ động tổ chức thả De Barière với hai tù binh Pháp khác giữa buổi trưa ở đường Pellerin gần chợ Bến Thành - Sài Gòn, do Chi quân báo đặc biệt hoạt động bí mật nội thành Sài Gòn thực hiện. Đáp lại, Pháp cũng thả bác sĩ Nguyễn Thiện Thành qua vùng giáp ranh tạm chiếm và giải phóng U Minh - Cà Mau. 

Được về vùng giải phóng, anh Ba bắt tay vào việc sản xuất thuốc Philatop mà anh đã nghiên cứu trong tù để phục vụ chiến sĩ và đồng bào rất được hoan nghênh. Anh em Chi quân báo Vĩnh Long cho biết nhiều đồng bào vùng tạm chiếm cũng tìm cách ra vùng giải phóng để được cấy Philatop, trong số này có cả vợ tướng Hòa Hảo Năm Lửa ở Cái Vồn. 

Năm 1952, đối với anh Ba có nhiều niềm vui lớn: Thứ nhất, anh được kết nạp Đảng và được Trung ương Cục miền Nam công nhận chính thức luôn, không qua thời kỳ dự bị. Thứ hai, kết quả mối tình son sắt thủy chung với chị Ba Dương Thị Minh, một cháu trai kháu khỉnh ra đời, anh đặt tên con là Nguyễn Thiện Nhân với niềm tin sau này lớn lên con anh sẽ đi tiếp con đường cách mạng vẻ vang của anh. Thứ ba là ca mổ thành công chữa bệnh loét dạ dày kinh niên - căn bệnh đã hành hạ anh nhiều năm - trong điều kiện hết sức đặc biệt trong vùng rừng U Minh. Phụ trách kíp mổ là bác sĩ Trương Công Trung, người bạn học khoa Y Đông Dương cuối cùng với anh Ba, Viện phó Viện Quân y Khu 9, anh Ba là Viện trưởng. Người ta kể rằng sau khi tiêm thuốc tê vùng bụng, ông Trung rạch một vết dài da bụng thì máy bay địch đến thả bom bắn phá dữ dội khu vực gần đó, anh Ba nói với ông Trung: “Anh đóng lại tạm thời để tôi nằm đây rồi cùng anh em ra hầm ngay đi, nếu chẳng may nó bắn vào đây có chết cũng chỉ chết một mình tôi, còn các anh phải sống, kháng chiến còn rất cần các anh!”. Thấy ông Trung và kíp mổ thương anh không muốn ra hầm, anh nói gần như ra lệnh: “Các anh ra ngay đi kẻo không kịp nữa!”. Anh em rơm rớm nước mắt chạy ra hầm, ông Trung là người chạy ra sau cùng sau khi khép lại vết mổ. Cũng may máy bay địch không bắn tới chỗ anh nằm, khi chúng bay đi rồi anh em lại chạy trở vô tiếp tục cuộc mổ hoàn thành tốt đẹp với lòng thương yêu và kính trọng phẩm chất của anh. 

Biết tôi có ý định viết kịch bản làm phim truyện về cuộc đời anh, anh Ba cười hiền hậu nhìn tôi: “Anh cám ơn ý định của chú, nhưng theo anh chưa cần thiết làm bây giờ. Bao nhiêu chuyện đấu tranh anh hùng của cán bộ chiến sĩ và nhân dân ta qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ xâm lược chúng ta chưa làm được bao nhiêu, cần làm ngay và làm nhiều hơn nữa để ca ngợi tinh thần chiến đấu kiên cường, hy sinh dũng cảm của cán bộ chiến sĩ và nhân dân ta, đặc biệt là những đảng viên cộng sản - hạt nhân lãnh đạo tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, viết tiếp những trang sử vẻ vang nhất trong lịch sử thời đại Hồ Chí Minh”. Rất tiếc do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, đến nay tôi vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu lời gợi ý chân tình khiêm tốn của anh Ba, người thầy thuốc anh hùng tuy chỉ qua một lần gặp đã để lại trong tâm hồn tôi một ấn tượng sâu sắc không bao giờ quên.

Cuối tháng 10-2019

DƯƠNG LINH