HV143 - Sống và Nghĩ

Thầy có nhớ em không? 

Một thanh niên nhìn thấy người thầy thời tiểu học của mình tại một đám cưới. Anh ta đến chào người thầy với tất cả sự quý trọng:
- Thầy có nhớ em không ạ?

Thầy giáo nói: - Thầy không nhớ lắm, hãy nói về em xem nào.

Người học trò nói: - Em đã học lớp 3 của thầy hồi đó, em đã ăn cắp chiếc đồng hồ của một bạn trong lớp. Em chắc là thầy nhớ chuyện đó mà.

Một bạn trong lớp có một chiếc đồng hồ rất đẹp, vì vậy em quyết ăn trộm nó. Bạn ấy khóc và mách với thầy có người cắp đồng hồ của bạn. Thầy bảo cả lớp đứng lên cho thầy soát túi. Em nhận ra rằng hành động của mình sẽ bị phơi bày ra trước mặt tất cả các học sinh và giáo viên. Em sẽ bị gọi là thằng ăn cắp, một kẻ nói dối và hạnh kiểm của em sẽ bị hoen ố mãi mãi.

Thầy đã bắt chúng em đứng quay mặt vào tường và nhắm mắt lại. Thầy soát từng chiếc túi, và khi lấy chiếc đồng hồ từ túi của em, thầy tiếp tục soát đến túi của bạn cuối cùng. Xong xuôi, thầy kêu chúng em mở mắt ra và thầy ngồi xuống ghế. Em sợ thầy sẽ bêu em ra trước các bạn.

Thầy giơ cái đồng hồ cho cả lớp thấy và đưa trả lại cho bạn ấy. Thầy không nêu tên người ăn cắp chiếc đồng hồ. Thầy không nói với em một lời và không bao giờ đề cập chuyện đó với bất cứ ai. Suốt những năm tiểu học, không một giáo viên hay học sinh nào nói với em về chuyện ăn cắp đồng hồ. Em nghĩ thầy đã cứu vớt cho nhân phẩm của em ngày đó. Thầy không nhớ em sao? Sao thầy lại không nhớ em được, thưa thầy? Em chắc là thầy phải nhớ câu chuyện em đã ăn cắp cái đồng hồ và thầy không muốn làm em xấu hổ. Đó là một câu chuyện không thể nào quên.

Người thầy đáp: - Thầy không thể nào nhớ được ai đã lấy cắp cái đồng hồ ngày đó, bởi vì khi thầy soát túi tất cả các em, thầy cũng nhắm mắt mà!

LỜI BÀN: Trong đời sống, chúng ta cần phải sáng suốt trong mọi hành xử. Có những người cần động viên, có những người cần cố vấn, có những người cần giám sát. Một người dẫn dắt phải biết vun xới chứ không phải là triệt hạ.

Thiện lương

Một hôm, nhà sư lên rừng hái củi, trên đường về gặp một cậu bé đang chơi đùa, hái hoa, bắt bướm.

Vị sư đến gần hỏi: - Con cầm gì trên tay thế?

Cậu bé láu cá: - Con đố sư biết đó, nhưng nếu sư nói sai thì sư phải mất cho con bó củi nhé?

- Đồng ý. Một con bướm đã chết, đúng không?

- À... Sư sai rồi, con bướm vẫn còn sống!

- Nói rồi, cậu tung con bướm bay lên trời. Vị sư cười nói:

- Bó củi của con đây, cầm về đi! Cậu bé hí hửng đem bó củi về khoe cha. Ông tái mặt, bảo con:

- Con đem bó củi lên chùa trả lại cho sư và xin lỗi sư ngay. Cậu bé phải vâng lời cùng cha đem bó củi lên chùa, nhưng cậu vừa đi vừa càu nhàu:

- Nhưng con thắng mà, sư đã đoán sai mà!

Đến chùa, hai cha con chắp tay xin lỗi nhà sư. Nhà sư chỉ mỉm cười gật đầu.
Trên đường về cậu bé vẫn hậm hực. Người cha nhẹ nhàng giải thích:

- Nếu sư nói con bướm còn sống, con sẽ bóp cho nó chết để có được bó củi, đúng không?
Sư biết suy nghĩ của con, nên đã quyết định đoán sai, đem bó củi để đổi lấy mạng sống của con bướm đó! Thằng bé lặng lẽ cúi đầu.

LỜI BÀN: Sự ngạo mạn và hiếu thắng luôn lấy đi bao lý trí của chúng ta. Đừng thấy ai lùi mà vội bảo họ thua. Thiện lương khó hơn là thông minh. Bởi vì thông minh là thiên phú, còn thiện lương là một sự lựa chọn.

PHAN DUY (SƯU TẦM)