HV144 - Đỗ Bích Thúy - hằn vai gánh nợ văn chương

Tôi đọc Đỗ Bích Thúy hồi tôi còn ở Đức, khi cô tham dự cuộc thi truyện ngắn ở tạp chí Văn nghệ Quân đội đầu thế kỷ 21. Rồi tôi trở về Hà Nội, Văn nghệ Quân đội tổ chức trại viết ở Đồ Sơn. Khi ấy cô Thúy chưa chồng. Một khuôn mặt xinh tươi, tràn đầy sức sống và, đôi má như có phấn tuyết của những mùa sương giá giêng hai, trên các đỉnh núi cao cực Bắc mù xa. Mãi sau này, một năm nữa, sau trại viết Đồ Sơn năm ấy, từ Đức về Hà Nội, tôi mới gặp lại Thúy ở tòa soạn. Cô đón tôi với trách nhiệm một biên tập viên gặp gỡ một cộng tác viên của tòa soạn, khi ấy tôi vừa giành giải Nhì (không có giải Nhất) trong cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội hai năm 2001-2002. Bắt đầu là dè dặt với các câu chuyện quanh việc góp bài vở, sau chuyện cứ vỡ rộng ra, khi tôi bày tỏ các quan sát của tôi về mảng truyện của cô. Lại nhiều vấn đề quanh kỹ năng viết truyện ngắn, những hướng đi của nhiều cây bút đương đại trên thế giới v.v... Thúy lắng nghe. Từ đấy, sự chân thành của cả hai bên làm chúng tôi trở thành bạn văn của nhau. Và, có thể, vì tôi chân thành tin là: một con người luôn mang theo quê hương, nơi miền sơn cước thăm thẳm nghèo khổ kia, về Hà Nội phồn hoa này, mang theo cả nỗi nhớ hằn gãy trên xương quai xanh ở nơi sinh ra cô, cho cô hồn khí mà trở thành nhà văn, thì không khi nào là một kẻ vô tình, vô minh. 

Văn chương Đỗ Bích Thúy phát lộ rực sáng từ cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí Văn nghệ Quân đội 1998-1999 nói trên. Người sinh ra ở Hà Giang, gắn bó với nó, lớn lên đi làm báo, lăn lộn với nền văn hóa của nhiều sắc tộc, Đỗ Bích Thúy nổi trội ở cuộc thi năm ấy với chùm truyện ngắn: Sau những mùa trăng, Ngải đắng ở trên núi và Đêm cá nổi. Đặc biệt, sau cuộc thi không lâu, sự xuất hiện Tiếng đàn môi sau bờ rào đá khá thành công, càng bảo đảm bút lực đang lên hừng chín, rất đằm thắm của Thúy.

Rồi những sáng tác sau cuộc thi, tập hợp lại thành một số tập sách như Sau những mùa trăng, Những buổi chiều ngang qua cuộc đời, Ký ức đôi guốc đỏ, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá đã dâng hiến cho văn đàn Việt một cây bút mang đậm sắc màu miền biên viễn, nổi trội và riêng biệt, một vẻ đẹp miền cực Bắc hiện đại. Những dấu vết mang thanh âm kỳ diệu âm vang sau bờ rào đá, bay trên những mái nhà khói bếp như mây. Tạng văn của Thúy ở các truyện ngắn này mang màu sắc u buồn như điệu khèn Vợ chồng A Phủ năm nao của Tô Hoài, nhưng lại đầy những chi tiết làm nhiều người ở nhiều vùng đất, kể cả hải ngoại ấn tượng, tỉ như từ cái thìa gỗ, tỉ như từ tiếng đàn môi và những quan sát rất tinh tế, mà chỉ có một tâm hồn nhạy cảm mới có thể nhận ra và đưa vào trang viết. 

Chuyện của Pao là bộ phim tập hợp nhiều trang viết trong nhiều truyện ngắn của Đỗ Bích Thúy thời kỳ này. Điện ảnh làm nhiều thước phim giàu chất thơ, có cảnh dựng đẹp tới nao lòng, chính nhờ gợi từ văn học trong các trang viết của Thúy. Điện ảnh khi lấy Tiếng đàn môi sau bờ rào đá làm điểm tựa đã thành công. Cái đẹp khai phá từ văn học trong tầng văn hóa ấy, làm ngay cả những người hiện sống nơi xứ núi ấy cũng bàng hoàng, khi nhận ra vẻ đẹp quanh họ bừng lên thêm từ chính văn chương của Thúy. 

Khảo sát văn xuôi ở các nhà văn nữ tiêu biểu hai mươi năm qua, có thể dễ nhận ra rằng, dãy những truyện ngắn và cả những tạp bút, tạp văn sau này của Đỗ Bích Thúy đã tạo nên một khuôn mặt văn chương viết về cực Bắc không lẫn vào bất kỳ cây bút nào trước và sau cô, kể cả những nhà văn gạo cội chuyên viết về phía Bắc, có những tác phẩm lớn như nhà văn Tô Hoài, Nguyễn Tuân. Những câu chuyện luôn có truyện, đau đáu về vùng núi cũ, và đầy trăn trở với một vùng văn hóa hóa mới, Đỗ Bích Thúy không còn là một cô Thúy thuở xưa nữa. Những tạp bút, tản văn Trên căn nhà áp mái trăn trở ưu phiền. Những trang viết bộc lộ một tâm thức khá day dứt của nhà văn với trách nhiệm cầm bút trong sự suy tư về quê hương, bản quán, về hiện tại và quá khứ và, nó thầm hứa hẹn rằng, nhà văn đang manh nha những điều khác nữa ngoài những trang đã viết.

Thúy là đóa hoa văn cực Bắc trong bàng bạc sương mù tháng ba bồng bềnh ngự trên núi non địa đầu Tổ quốc. Nhà văn Đỗ Bích Thúy cùng trong chùm hoa lạ hiện đại trên ba miền của đất nước, những cá tính giàu tính khác biệt đặt bên nhau tự làm giàu thêm Việt tính, có thể hòa với văn chương thế giới, lại vẫn giữ, mang đậm sắc thái văn hóa vùng miền! Đó là Nguyễn Ngọc Tư ở Nam Bộ, Trần Thùy Mai ở miền Trung, xứ Huế. Đỗ Bích Thúy ở Việt Bắc, cực Bắc Bắc Bộ. Họ là một hiện tượng kỳ thú hấp dẫn của văn đàn nước ta hai thập kỷ qua. 

Truyện ngắn Chiếc hộp khảm trai, Thúy viết về một bà chị bên chồng ở Hà Nội. Truyện ngắn này là bước thay đổi rất khác, ngay cả khi so với vở kịch hôm nào cô viết về gái thị thành. Những chi tiết của nhân vật chứng tỏ sự quan sát rất tỉ mỉ, từ ngôn ngữ tới sắc thái đã lột tả chính xác một người đàn bà Hà Nội rất Hà Nội xa xăm. Đây là sự thay đổi ở Đỗ Bích Thúy, sau 10 năm có dư, thâm nhập vào cái vùng văn hóa không hề dễ dàng, bởi vì Hà Nội vốn không phải nơi cô sinh ra và lớn lên. Sau hơn 10 năm làm dâu Hà Nội mới nhập cuộc vào dân Thăng Long, để văn chương cô bắt đầu thật sự khoác lên trên con người văn của Thúy, báo hiệu một bộ cánh mới từ những nhận thức mới. 

Đỗ Bích Thúy liên tục theo chiều dài sáng tạo không ngừng ở thể loại tiểu thuyết. Quay lại với vùng đất mình sống, cô viết Chúa đất. Đấy là bước sáng tạo xây dựng hệ thống nhân vật trong tiểu thuyết, đánh giá bước tiến mới của cô. Chỉ với 17 ngày lao động, trong cảm hứng như điên cuồng, lại thêm một lần nữa, cô đưa bạn đọc trở về với cao nguyên đá, nơi dân tộc Mông ngự trị. Chuyện kể về Sùng Chúa Đà, có sự chiếm hữu tài sản và con người như thời trung cổ. Chúa Sùng có kẻ ăn người ở, với bà vợ cả, cô vợ Tư Vàng Chở, và Xính - cô gái trẻ, đẹp như đóa hoa mọc trên đá, trên tít đỉnh núi cao chẳng may lọt vào mắt chúa đất, và với Thào Chá Vàng, người nghĩ ra được giải pháp gần như không tưởng để cứu vợ tương lai của mình. Bút pháp tiểu thuyết của Thúy trong cuốn sách này gần gũi với dựng hình của điện ảnh, diễn tiến hiển hiện như một cuốn phim, tiết tấu chậm rãi như cuộc sống buồn tẻ của các số phận con người thuộc tộc Mông trên núi cao hoang dã. 

Trong mười năm gần đây theo tôi biết, Đỗ Bích Thúy gặp nhiều sóng gió trong cuộc đời riêng. Nhưng văn học vẫn bám chặt lấy cô, thử thách lòng kiêu hãnh của một nữ nhà văn xinh đẹp mà không yếu lòng, không biết gục ngã. Cô làm dày thêm kho tàng văn chương của mình bằng 5 cuốn tiểu thuyết, 11 tập truyện ngắn, truyện dài và truyện dành cho trẻ em. Gần đây để có thời gian cho sáng tác, cô rũ bỏ cả địa vị, xin thôi Phó tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, vị trí mà nhiều người khó lòng rũ bỏ. Cuốn tiểu thuyết Này người yêu ơi sắp lại ra mắt bạn đọc, thêm một dấu ấn nữa cho nhà văn còn trường sức này.

NGUYỄN VĂN THỌ