Ngày 28-11-1979, Lễ khai giảng được tổ chức trọng thể nhưng giản dị
Ngay ngày hôm sau, tức ngày 29-11-1979, nhà văn Nguyễn Đình Thi giảng bài đầu tiên. Lúc đầu buổi lên lớp dự định tổ chức tại lớp học tranh tre nứa lá của khoa, nhưng nghe có nhà văn Nguyễn Đình Thi đến giảng, học viên và cả giáo viên các khoa trong trường đăng ký dự thính đông quá, nhà trường bèn chuyển buổi lên lớp lên hội trường chính. Vậy mà vẫn còn nhiều người phải kê ghế ngồi kín cả hành lang.
Năm đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi 55 tuổi, còn chúng tôi thì hầu hết đang ở độ tuổi tam thập nhi lập. Trời khá lạnh. Nhà văn mặc bộ đồ sáng, bên trong có áo len màu nâu nhạt. Mái tóc đã điểm bạc nhưng còn lượn sóng rất đẹp. Hồi ấy nghèo quá, hội trường rộng mà không có mi crô. Nhà văn phải đứng giữa hội trường, di chuyển đến khắp các hàng ghế. Sau lời giới thiệu nhà văn vào ngay câu chuyện:
- Làm một bài văn thì dễ, làm một nhà văn thì khó. Do vậy mà phải học rất nhiều. Học để giữ lấy mãi tấm gương trong của tâm hồn. Người viết sau khó hơn người đi trước. Vì người đi sau phải nói cái mà người đi trước chưa nói.
Sáng tác văn học giống như sự hình thành sự sống, một sự hình thành đơn giản nhưng kỳ diệu vô cùng. Con chim họa mi hót, tiếng hót của nó bắt các loài chim khác im lặng.
Nghệ thuật không phải chỉ là tư duy, không thể chỉ là “tư duy” hình tượng. Nghệ sĩ làm nghệ thuật tư duy hình tượng rất giỏi. Nhưng còn gì nữa không? Bản thân tiếng nói đã mang khái niệm.
Những nhà văn lớn, những nghệ sĩ lớn đều là những nhà khoa học lớn. Nhưng phải có tâm hồn mới làm được nghệ thuật. Tâm hồn nghèo nàn không làm được nghệ thuật. Và phải có tư tưởng cao lắm mới có tình thương.
Một tác phẩm nghệ thuật lớn là một tác phẩm có tiềm năng đạo đức vô cùng. Không phải và không nên chê minh họa chính sách. Vấn đề là minh họa thế nào. Minh họa mà hay cũng tốt chứ. Michelangelo minh họa Kinh Thánh nhưng trở thành tác phẩm bất hủ. Chúng ta chê minh họa chính sách tồi, nô lệ. Người thực, người thiệt cũng thế. Người thật việc thật tốt. Ta chống người thật việc thật giả.
Tác phẩm cao cả tốt chứ. Nguyễn Du cao cả chứ. Chúng ta chống là chống cao cả giả.
Ta sống với thế giới là ta đang vận động. Dồn hết tâm lực để quan sát. Toàn bộ sự sống của con người tạo ra hình tượng con người.
Học cho nhiều nhưng cái đầu phải làm việc mạnh vào. Phải kích thích, vận động, phê phán mới có ích. Không thể mượn cái đầu sẵn của người khác cho mình. Nhà văn mà không có cái đầu của mình là vô phúc mất rồi. Chẳng có gì tồn tại đơn giản cả. Phải nghĩ cho kỹ. Đọc sách cũng vậy. Cố gắng đọc cho được từ bản gốc. Hồ Quý Ly gọi Khổng Tử là sư chứ không gọi là thánh.
Ở trên tôi nói, tác phẩm lớn có tiềm năng đạo đức vô cùng. Thật đúng như vậy. Chẳng hạn như một câu của Nguyễn Du:
Một vùng cỏ áy bóng tà
Gió hiu thổi một và bông lau.
Nó không trực tiếp nói về đạo đức, nhưng nó gợi cho ta thương cảm, cảm xúc. Người có thương cảm với cây cỏ thì nhất định sẽ thấy thương cảm với con người ghê lắm. Đau khổ với cỏ cây làm sao không đau khổ với con người. Hiểu nông nỗi của cỏ cây sao không hiểu nông nỗi của con người? Văn học là như thế. Cho nên công việc của chúng ta đáng làm lắm, cao quý lắm.
Có cơm áo đầy đủ có khi không sống được. Cuộc đời còn cần một cái gì khác nữa. Chúng ta làm công việc của mình là đem đến cái đó. Như vậy đáng làm lắm chứ. Làm nghệ thuật không phải để khoe sắc, khoe tài. Mà là giải đáp cho con người những giải đáp rất sâu của đời sống tâm hồn. Toàn bộ đời sống tâm hồn của con người là đối tượng của nghệ thuật.
Chúng ta thử quan sát. Tại sao trong các trường có tình trạng thích học toán mà không thích học văn? Vì ta có ít văn hay để dạy hay chưa chọn đúng văn hay để dạy? Văn hay là một dòng sông lớn. Văn dở chỉ là vũng nước. Học toán được tự do suy nghĩ. Nó có bao nhiêu giả thiết để đi đến kết luận. Văn không để người ta suy nghĩ gì thêm thì thật là bất ổn. Văn học phải lay động người ta, phải làm lung linh người ta trên hết. Phải dạy các em bằng văn học mới có văn học.
Viết văn là phải biết đến toàn bộ hoạt động của con người. Chỉ vật chất mới thay đổi được vật chất. Văn học thay đổi thể giới là làm thay đổi con người, và từ con người để làm thay đổi thế giới. Sức mạnh của ta (nhà văn) là ở đó. Cái yếu của chúng ta là thồ sách chồng lên bàn mà không làm thay đổi lượng nước trong chén.
Vài ý nghĩ về văn hóa và văn học Việt Nam:
Dân tộc ta dù nhỏ nhưng tồn tại được là phải có cái gì ghê gớm lắm. Con người tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải là giống nhau hết. Một mà nhiều. Nhiều mà một. Là chủ nghĩa xã hội kinh tế không khác nhau nhưng văn hóa sẽ khác nhau. Càng dân tộc bao nhiêu càng hiện đại bấy nhiêu. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các dân tộc đều độc lập nhưng đều tự hỏi: ta là ai? Thử tìm hiểu tư tưởng của Nguyễn Trãi:
Khó bền
Mạnh gắng
Khôn ngay
Khéo đầy
Đó là Việt Nam mà Nguyễn Trãi đã khái quát. Đó là triết lý Việt Nam. Trong dạy trẻ, thế nào là lễ phép:
Không dạy nó: tao không có dao đâu
Không dạy nó gập người xuống
Dạy nó ngẩng mặt lên
Người tiếp khách giỏi nhất là để cho họ được tự nhiên, cho người ta cảm thấy như ở nhà mình. Để họ sống thật với họ là văn hóa nhất. Gốc là quý con người. Quý là quý người ta không giống mình. Cứ nhìn vào Bác.
Văn hóa có quy luật khác: Văn hóa cao hơn chinh phục văn hóa thấp hơn. Nhà Nguyên chiếm Trung Quốc nhưng bị văn hóa Hán chinh phục. Đó là văn hóa nhà Minh. Ta mất nước cả nghìn năm. Họ cấm ta không có cả đồ sắt. Nhưng ta vẫn tồn tại, vì sao? Vì cách sống Việt Nam cao hơn cách sống Trung Quốc. Người đàn bà Việt Nam không bó chân là vì thế.
Cái tài của ta tự nhiên. Cái gì ngược với tự nhiên không sống được. Nhưng chỉ bản năng không sống được. Đứa trẻ có hai khả năng thiện ác. Bản năng chỉ cần sống, không biết có thiện ác. Việt Nam lấy cái bản năng sống của từng người thành cái bản năng sống của mọi người rất giỏi. Cái thực và tưởng tượng của Việt Nam rất tài. Tưởng tượng không bao giờ vụ thực. Sân khấu đưa một người, người xem phải thấy mười. Chuyện ngôi đình cổ. Vuông vắn nhưng lệch, lệch mà vuông vắn. Giống người Việt Nam cũng lạ chứ. Có khi là do nhiều giống người. Nghi lễ Tây Nguyên giống người da đen lắm. Họ nhạy cảm với nhịp điệu và màu sắc lắm chứ. Phương Tây một mặt kêu gọi trở về bản năng, mặt khác phủ nhận sự tồn tại tự nhiên của con người. Hai con đường đều chết cả. Ta phải đứng ở thực tại Việt Nam, suy nghĩ, làm việc cho người Việt Nam. Luôn luôn nhớ là người Việt Nam.
Gandhi nói: Ai tự bảo tôi yêu con người, hãy suy nghĩ nhiều lắm rồi hãy nói. Biết buồn được cũng là lớn lắm rồi, nếu chuyển mọi cái nhìn về phía con người. Người Việt Nam gọi những người nặng lối sống cá nhân là kẻ ăn người.
Bây giờ nói chuyện học. Nhà văn cần học tất cả. Trước hết là chính trị. Hiểu học chính trị là như thế nào?
- Đánh giặc như cơn bão trên mặt đất.
- Xây dựng chủ nghĩa xã hội là động đất dưới chân mình.
Lê Đức Thọ viết: Tôi mặc màu xanh đến chiến trường.
Éluard viết: Trái đất xanh như một quả cam.
Phải có văn hóa lắm mới nghĩ, mới nói như thế.
Tiềm năng tự nhiên, nhưng không có văn hóa thì cứ tụt dần. Bắt đầu là 5, rồi 4, 3, 2, 1.
Học ngoại ngữ rất cần. Đó là dịp để hiểu người.
Nên học cả vũ trụ nữa.
Bèo hoa dâu nuôi lúa là lấy sự sống để nuôi sự sống.
Đối với người viết văn rất cần hiểu biết lịch sử. Lịch sử các trung tâm văn hóa của thế giới qua các thời kỳ. Nhưng trước hết là học thật sâu lịch sử Việt Nam. Và không chỉ một lần.
40 năm qua rồi, vẫn còn văng vẳng giọng anh nói tài hoa, tin yêu; và từ những lời anh nói, người viết, người đọc ngẫm ra bao điều...