HV144 - Huế - Sài Gòn - Hà Nội

Lớp thanh niên Sài Gòn chúng tôi trước 1975 luôn khắc khoải và xót xa trước tình trạng đất nước bị chia cắt, chiến tranh diễn ra ác liệt, nên mãi mơ về ngày đất nước thống nhất: “Huế - Sài Gòn - Hà Nội/ Quê hương ơi sao vẫn còn xa/ Huế - Sài Gòn - Hà Nội/ Bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ/ Việt Nam ơi/ Còn bao lâu những con người ngồi nhớ thương nhau…” (Trịnh Công Sơn, Huế - Sài Gòn - Hà Nội, 1969). 
Ước mơ hòa bình thống nhất đó chỉ trở thành hiện thực vào trưa ngày 30-4-1975 giải phóng Sài Gòn, khi anh em sinh viên chúng tôi cùng người bạn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vỗ tay bắt nhịp hát vang bài Nối vòng tay lớn tại Đài phát thanh Sài Gòn: “Rừng núi dang tay nối lại biển xa/ Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la, anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam…”.

Không phải chỉ riêng đối với chúng tôi ở Sài Gòn, mà ở Hà Nội - trái tim của cả nước - có lẽ hòa bình thống nhất là tất cả. 

Cùng với nhân dân mọi miền đất nước, người Hà Nội chắc cũng đã thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng ngàn cân vốn đã đeo đẳng lâu dài trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt của gần 30 năm chiến tranh triền miên, kể từ cuộc kháng chiến chống Pháp. 

Những người có ý thức ở Sài Gòn tin rằng nhân dân miền Bắc, qua hình ảnh những anh bộ đội trẻ măng người ta nhìn thấy xuất hiện lần đầu tiên ở Sài Gòn năm 1975, đã chiến đấu một cách ngoan cường, dũng cảm và kiên trì, do nghĩa vụ người thanh niên thời chiến nhưng chủ yếu là do lòng yêu nước thúc đẩy khi họ tin rằng miền Nam đang bị giày xéo dưới ách xâm lược của đế quốc Mỹ, như trước đó là thực dân Pháp. 

Vui mừng, nhất là niềm tự hào. Hòa bình là chiến thắng. Chiến thắng của tất cả nhân dân Việt Nam, nhưng trước hết là chiến thắng của chính họ. Miền Bắc với thủ phủ là Hà Nội, hậu phương lớn đã làm tất cả để có được chiến thắng ngày hôm nay. Và họ đang nghĩ đến tương lai. Họ tin tưởng rằng sẽ không còn một trở lực nào có thể thay đổi dòng chảy của lịch sử dân tộc. 

Hòa bình, độc lập, thống nhất đã thực sự đến rồi. Khát vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đã trở thành hiện thực.

Riêng đối với miền Bắc, tôi chắc rằng nếu cần trường kỳ kháng chiến lâu dài hơn nữa chắc hẳn vẫn sẽ còn hàng hàng lớp lớp con người sẵn sàng tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu vì sự nghiệp độc lập thống nhất của Tổ quốc. 

Cột mốc lịch sử 1975 đánh dấu sự cáo chung của 117 năm thống trị của thực dân đế quốc phương Tây và mở ra một thời kỳ mới độc lập thống nhất đất nước Việt Nam. 

Trong khoảnh khắc cùng anh bộ đội Bùi Quang Thận treo lá cờ giải phóng lên nóc Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, trong đầu tôi vang lên lời thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt từng xác định thế độc lập tự chủ của nhân dân ta, rất sớm từ đầu thế kỷ 11: 
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

(Sông núi nước Nam vua Nam ngự,
Sách trời đã định phận rành rành.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,  
Chúng bay sẽ bị đánh tan tành) 

Một người bạn thân quen, nhà báo người Ý Tiziano Terzani của báo Tấm gương (Der Spiegel - Tây Đức), tác giả cuốn sách được xuất bản sớm nhất và nổi tiếng thế giới về những trải nghiệm và cảm nhận của mình về những tháng ngày Sài Gòn sụp đổ và được giải phóng (Giai Phong, the Fall and Liberation of Saigon, St Martin Press, 1976). Trên đường quay về châu Âu qua ngả Đông Âu, anh ghi nhận về Hà Nội sau ngày giải phóng ở miền Nam như sau: 
“Đất nước đã độc lập thống nhất, nhưng các con người chiến thắng này vẫn còn ăn mặc giản dị, mang dép lốp, đội nón cối biểu tượng kháng chiến. Phải chăng đó là những con người có thể thực hiện mọi cuộc cách mạng trên thế giới. Hà Nội trông vẫn giống như một ngôi làng lớn, với phố cổ, các ngôi nhà thuộc địa Pháp dường như thuộc về một quá khứ xa xăm nào. Sài Gòn với những cao ốc lạc lõng hình như thuộc về một nền văn minh nào khác. Một Việt Nam mới đang bắt tay xây dựng một nền văn minh riêng biệt cho mình. Những người cách mạng sẽ trở thành những kỹ sư. Việt Nam là của họ và họ thật xứng đáng để có được điều đó”.