HV144 - Lời dẫn Toàn Việt thi lục (bản dịch - tập 2)*


Toàn Việt Thi Lục (bản dịch - tập 2)

Toàn Việt thi lục tập 2 gồm 172 bài thơ cận thể và 9 bài cổ thể chữ Hán trong bộ sưu tập của Lê Quý Đôn. Chúng tôi dịch theo bản Toàn Việt thi lục chữ Hán A.1262 có đối chiếu với các bản chữ Hán khác đã được sưu tập như: A.132 và HM.2139/A1. Trong quá trình dịch đã có những chữ khác nhau giữa các bản (dị bản), chúng tôi sẽ luận giải để có thể chọn 1 chữ mà chúng tôi xem là thích đáng. Những văn bản Toàn Việt thi lục chữ Hán hiện có trải dài từ đời Lê đến đời Nguyễn, và chúng tôi chọn bản đời Lê A.1262 làm bản trục. Các thế hệ chép Toàn Việt thi lục đã có những cách hiểu khác nhau về một số chữ trong những câu thơ. Quá trình làm văn bản học trong biên dịch Toàn Việt thi lục rất thú vị và khó khăn; chúng tôi đã hết sức cố gắng nhưng kết quả đạt được còn rất mong được sự góp ý thảo luận.

Về việc dịch từ chữ Hán ra tiếng Việt, chúng tôi rất coi trọng việc dịch nghĩa, bởi như thi hào Đức Goethe có nói, đại ý: Trong quá trình tiếp xúc với bản dịch thì cần nhất là bản dịch nghĩa phải truyền đạt cho đúng những hình tượng nguyên thủy của bài thơ. Chúng tôi cố gắng dịch thật sát, gọn, vừa đủ để truyền đạt được cái hình tượng nguyên thủy ấy. Mặc dầu vậy, thấu hiểu cho được những ý nghĩa của tứ thơ theo nguyên tác chữ Hán là điều không dễ dàng. Huống nữa, bài thơ đã có gần 1.000 năm, trải qua biết bao biến thiên của văn hóa, của cảm xúc, của ngôn từ nên việc đưa nền thơ ca ấy trở về gần với bạn đọc ngày nay cũng phải vượt qua những trở ngại không nhỏ. Các bản dịch thơ chủ yếu là của các cộng tác viên (có thêm một số bản dịch của các vị nhà Nho xưa) nhằm cung cấp cho bạn đọc sáng rõ hơn ý nghĩa của nguyên tác. Dịch thơ như ông Nghè Đinh Văn Chấp nói: “Dịch sách khó mà dịch thơ lại khó hơn. Dịch thơ thất ngôn khó mà dịch thơ ngũ ngôn càng khó hơn… Dịch thơ là một vật tiêu khiển cho nhà làm văn, mà cũng là một vị cay đắng cho nhà làm văn… Kẻ xem văn nên lượng cho, có câu nào nghĩa sai, chữ nào chưa luyện, xin nhuận chính cho, tưởng cũng là một thú chơi thanh nhã, mà cũng giúp một phần nhỏ cho văn cũ nước nhà, chẳng những là kẻ dịch thơ lấy làm cảm tạ mà thôi”. Do đó, dịch thơ cũng là một việc cực kỳ tinh tế và khó khăn. Chúng tôi muốn mời bạn đọc thưởng ngoạn những bản dịch thơ, những cố gắng để thể hiện nguyên tác trong tiếng Việt thơ ca hiện đại và mỗi bài bạn đọc chắc sẽ có những đánh giá của riêng mình.


Toàn Việt thi lục tập 2 bao gồm thơ của 25 tác giả. Trong đó có tác giả nổi tiếng của thời Lý như Đoàn Văn Khâm và phần lớn là ở triều Trần như Trần Quang Khải, Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Sưởng, Nguyễn Ức, Trần Quang Triều, Phạm Tông Mại…

Trong số tác giả đó, chúng tôi xin đặc biệt lưu ý bạn đọc đến thơ của 2 tác giả lớn là Trần Quang Khải và Nguyễn Trung Ngạn. Kèm theo đó cũng xin lưu ý đến thơ của một vị mà cổ kim đều lên án, là tên Việt gian phản quốc lớn nhất trong lịch sử: Trần Ích Tắc. 

Trần Quang Khải là một tên tuổi chói sáng bởi những chiến công hiển hách chống Nguyên Mông xâm lược. Ông là một nhà cầm quân vĩ đại bên cạnh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông từng tham gia các chiến dịch Hàm Tử, Chương Dương, tiến quân giải phóng kinh thành Thăng Long. Thơ của ông ghi lại những chiến tích của quân dân Đại Việt, thể hiện cái lớn lao, cái hùng vĩ của chiến công, khát vọng xây dựng cơ đồ Đại Việt. Như bài: Tụng giá hoàn kinh sư
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân thù.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.

                                (Trần Trọng Kim dịch) 

Đấy là tầm nhìn trong chiến trận và cả trong hòa bình. Bên cạnh đó là các bài thơ nổi tiếng khác như: Lưu Gia độ
Lưu Gia độ khẩu thụ tham thiên,
Hỗ tụng đông hành tích bạc thuyền.
Cựu tháp giang đình thu thủy thượng,
Hoang từ cổ trũng thạch lân tiền.
Thái Bình đồ chí kỷ thiên lý,
Lý đại quan hà nhị bách niên.
Thi khách trùng lai đầu phát bạch,
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên.

Dịch: Bến đò Lưu Gia
Lưu Gia xanh ngắt một trời cây,
Thuyền ngự xuôi dòng trước ghé đây.
Tháp cũ đình xưa tàn nước chiếu,
Đền hoang mộ cổ dãy lân bày.
Thái Bình nghìn dặm cơ đồ rộng,
Lý đại hai trăm vận mệnh dài.
Trở lại khách thơ đầu đã bạc,
Trời thanh nước gợn ánh hoa mai.
                                                      (B
ản dịch của Nhóm Lê Quý Đôn) 

Bài thơ không những thể hiện khí phách mà còn là niềm tâm sự của một nhà thơ khi thấy thời gian trôi đi, tuổi già đã đến, sự đối chiếu giữa quá khứ và hiện tại của một vị tướng có trọng trách trong triều đình và một thi nhân đầu bạc làm cho người đọc hiểu thấu tâm sự của ông. 
Thi khách trùng lai đầu phát bạch
Mai hoa như tuyết chiếu tình xuyên

Câu thơ đẹp tuyệt vời. Vẻ đẹp không nhường bất cứ vẻ đẹp nào của thơ ca đời xưa. Nó góp phần làm rạng rỡ di sản của thơ ca đời Trần, oanh liệt và giàu tình người, giàu cảm xúc thiên nhiên, cảm xúc thời gian… 

Nguyễn Trung Ngạn là một nhân vật lớn của đời Trần, tài năng lỗi lạc, xuất chúng. Sinh thời ông từng có bài thơ tự phụ rằng: 
Giới Hiên tiên sinh lang miếu khí
Diệu linh dĩ hữu thôn ngưu chí.
Niên phương thập nhị Thái học sinh,
Tài đăng thập lục sung đình thí
Nhị thập hựu tứ nhập
Gián quan Nhị thập hựu lục Yên Kinh sứ

Dịch:
Giới Hiên tiên sinh tài lang miếu,
Có chí nuốt trâu từ niên thiếu.
Tuổi mới mười hai thái học sinh,
Vừa đến mười sáu dự thi đình.
Hai mươi bốn tuổi làm quan gián,
Hai mươi sáu tuổi sứ Yên Kinh.(1)

Ông là một tài năng của đất nước, sớm thành tài và có những cống hiến vô giá cho thi ca và lịch sử. Thơ của ông trong tập này gồm có 81 bài chan chứa những tình cảm yêu nước, những tâm tình tâm sự của riêng ông (tất nhiên nó chứa đựng những cốt cách của một con người thời trung đại). Do tài năng lỗi lạc của ông, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc khi mới 26 tuổi. Các chuyến đi sứ này rất quan trọng (để Nguyên Mông cam kết không động binh đánh Việt Nam), nên cần đến một tài năng lỗi lạc. Ngày xưa có câu: Vất vả như đi sứ. Đúng thế thật! Đường thì xa vạn dặm, trải qua biết bao thay đổi của thời tiết, khó nhọc của đường đi và di chuyển bằng ngựa trạm, đường bộ, thời gian di chuyển rất dài, một chuyến đi sứ phải mất vài ba năm. Trên đường đi, nhà thơ xúc cảm trước cảnh vật, cảnh ngộ, làm những bài thơ ghi lại tâm tình. Trong đó có những bài thơ nói về quan hệ bang giao giữa Việt Nam - Trung Quốc, ước muốn hòa bình hữu nghị như bài: Bắc sứ túc Khâu Ôn dịch:
Vãn tận thiên hà tẩy giáp binh,
Miếu đường vô ý sự biên chinh.
Giang sơn hữu hạn phân nam bắc,
Hồ Việt đồng phong các đệ huynh.
Nguyệt mãn man thôn nhàn dạ tích,
Vũ dư dã thiếu lạc xuân canh.
Quân ân vị hiệu quyên ai báo,
Nhất giới ninh từ vạn lý hành.

Dịch:
Kéo nước Thiên hà rửa giáp binh,
Triều đình đâu muốn sự biên(2) chinh.
Non sông ranh giới chia Nam Bắc,
Hồ Việt đồng phong cũng đệ huynh.
Trăng dãi xóm man buông tiếng mõ,
Mưa tan nương rẫy rộn xuân canh.
Ơn vua chửa báo trong tơ tóc,
Thân mọn sao từ vạn lý hành.
                                     (Đinh Gia Khánh dịch)

Cũng có bài thuần túy tả cảnh đẹp, thể hiện một thi hứng tinh tế, thẩm mỹ cao trước thiên nhiên tươi đẹp: Xuân trú
Oanh hồi trúc kính nhiễu hoang trai,
Tỵ tục sài môn trú bất khai.
Đề điểu nhất thanh xuân thụy giác,
Lạc hoa vô số điểm thương đài.

Dịch:
Ngõ trúc quanh co nhà quạnh hiu,
Cửa sài lánh tục đóng luôn ngày.
Chim kêu một tiếng hồn xuân tỉnh,
Lấm chấm rêu xanh hoa rụng đầy.

                                        (M.Q.L. dịch)

Đặc biệt là những bài thơ nhớ nước, nhớ quê hương. Những tình cảm yêu nước, yêu quê hương dào dạt đó nhiều khi được thể hiện một cách dung dị và chân thành để làm nên một bài thơ kiệt tác, như bài: Quy hứng
Lão tang diệp lạc tàm phương tận,
Tảo đạo hoa hương giải chính phì.
Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo,
Giang Nam tuy lạc bất như quy. 

Dịch:
Dâu già, lá rụng, tằm xong,
Bông thơm lúa sớm béo mòng con cua.
Quê nhà nghèo thế mà ưa,
Giang Nam vui mấy cũng thua về nhà. 

                                              (Xuân Thủy dịch)

Đã gần 1.000 năm rồi mà đọc bài thơ ta vẫn thấy nó hiện đại, tươi mới như là thơ của hôm nay vậy. 


Còn về thơ Trần Ích Tắc, thì có lẽ không có gì đáng nói nhiều. Lý do vì sao Lê Quý Đôn lưu lại thơ ông trong Toàn Việt thi lục cũng là điều đáng để ý. Có lẽ Lê Quý Đôn tuân thủ điển lệ, hễ cứ là vương gia, công thần thì đều chép vào, còn tội phản quốc của Trần Ích Tắc thì ông là phận “thần tử”, không dám luận định chăng? Thời quân chủ phong kiến, đầu óc con người bị trói buộc đến như thế. Nhưng cũng may là nhờ có những bài thơ do Lê Quý Đôn chép, mà ta hiểu được thêm con người Việt gian bán nước của Trần Ích Tắc. 

Ông ta dùng từ chương, dùng “tài hay chữ” của mình để biện hộ, để “rửa mày rửa mặt” cho hành động tệ hại, tội lỗi của mình. Bản chất là một con người vì tư lợi, vì danh lợi mà quên xã tắc (mặc dù được đặt tên là Ích Tắc - có ích cho xã tắc). Ông ta muốn tranh đoạt ngôi vua của cháu (ở thế là hoàng thúc - chú vua). Cũng có thể là tự cao tự đại, xem mình hay chữ, đứng hàng đầu nền văn hóa Đại Việt, lãnh tụ của các văn nhân, nhà khoa bảng xuất tự môn hộ ông. Tóm lại, là xuất phát từ lợi ích cá nhân mà quên quyền lợi của Tổ quốc.

Thế mà, bỏ nước chạy theo quân giặc xâm lược ( Xuất quốc - bài 1) ông cho là mình vì “trượng nghĩa” (coi trọng nghĩa), vì có “tấm lòng son” nên hành động như thế:
Đương niên trượng nghĩa xuất Nam bang,
Cảnh cảnh đan trung đối bỉ thương.

(Năm đó vì trọng nghĩa mà rời khỏi nước Nam,
Canh cánh lòng son trước trời xanh). 

Rồi theo “ngựa trận” (nhung an) của quân Nguyên ghé về nhà, thấy cảnh  nhà thê lương, ông lại tự cho mình như “cánh hạc đất Liêu”, tu thành đạo rồi trở về! Còn những bài thơ thù tạc, nịnh nọt, như được dự yến của vua Nguyên mà thốt ra: 
Cô nghiệt thu hào giai đế lực,
Nguyện đàn trung xích báo thâm ân.

(Chút việc cỏn con của cô thần đều nhờ vào tài sức vua cả,
Nguyện dốc hết lòng son báo đáp ơn sâu).

Thơ như thế là thơ phản quốc. Ngàn đời sau, người đời đều lên án tội lỗi của ông; thơ nào xóa được hành động nhơ nhuốc đó. 

Thời nào có biến, đều có kẻ manh tâm “bán nước cầu vinh”. Tiếp sau nhà Trần chống Nguyên - Mông, đến đời Lê, đời Nguyễn, đời chúng ta… đều có cả, ta không lạ gì. 


Những bài thơ từ đời Trần làm rạng rỡ tấm lòng ưu ái của các bậc tiền nhân anh hùng nghĩa sĩ, để lại cho con cháu tinh thần “quyết không nhân nhượng một tấc chủ quyền”, tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, chiến đấu oanh liệt và ngoại giao mềm dẻo… Do đó, những vần thơ này gần gụi thời chúng ta, con người thời chúng ta hơn bao giờ hết.


* Sách đang in, sắp ra (dịp Tết), Trung tâm Nghiên cứu Quốc học - NXB Văn học.
(1) Bài thơ này được in trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993. Dẫn lại từ ấn bản điện tử năm 2001, tr.235.
(2) Nguyên văn chép “tây chinh”, chúng tôi sửa lại “biên chinh” cho hợp nghĩa. (BT).

 

MAI QUỐC LIÊN