Tôi đang đạp xe chầm chậm qua trước rạp hát Hồng Hà gần chợ Hàng Da (Hà Nội) vào cuối thu năm 1966, tiết trời mát mẻ dễ chịu, lòng rộn ràng bao kỷ niệm vì nơi rạp này ngày 20-7-1965, vở kịch Đêm tháng Bảy của tôi do đạo diễn lão thành tài hoa Trần Hoạt dàn dựng cho Đoàn kịch Hà Nội, ra mắt khán giả buổi diễn đầu tiên được hoan nghênh nhiệt liệt. Đúng vào lúc ấy có tiếng gọi lớn giọng nghe rất quen thuộc: “Vũ Hoài Linh”, tôi giật mình vì đây là bí danh của tôi hoạt động trong ngành Quân báo (Tình báo Quân sự) Khu 8 và Phân liên khu miền Tây Nam Bộ hồi kháng chiến chống Pháp, người gọi đó chắc phải biết tôi từ lâu.
Tôi ngừng đạp xe quay lại phía người vừa gọi, hết sức ngạc nhiên và vui sướng kêu lên: “Ôi! Anh Tư! Anh ra bao giờ?”. Người tôi kêu lên đó không trả lời mà quay lại nói với hai thanh niên đi sau cũng mặc áo sơ mi trắng ngắn tay như ông: “Thôi hai cậu về trước đi, tôi gặp người thân rồi, anh em tôi sẽ đưa về sau”, rồi anh quay lại tôi giọng vui vẻ: “Mình vừa ra, anh em Quân báo ta có ai ở gần đây không, cậu đưa mình đến thăm họ chút đi” - “Thưa anh, có mấy anh ở công ty xe đạp Thống Nhất đường Tràng Thi, anh lên xe tôi chở đi. Gặp lại anh chắc anh em mừng lắm”.
Người ngồi sau xe đạp tôi chính là đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến còn gọi là ông Tư Xuyến, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cửu Long - trung đoàn chủ lực đầu tiên của Quân khu 8 và cả chiến trường Nam Bộ, rất nổi tiếng với tài chỉ huy đánh giỏi thắng lớn các chiến dịch của khu như chiến dịch Cầu Kè - Trà Vinh (tháng 12-1949), chiến dịch Sa Đéc (tháng 3-1951) và các trận đánh lớn khác. Sau Hiệp định Genève 1954, chúng tôi tập kết ra miền Bắc và nghe nói trong kháng chiến chống Mỹ ông làm phó cho tướng Trần Văn Trà, làm công tác tham mưu trong Bộ Tư lệnh B2, tướng Trà là Tư lệnh. Ông biết tôi nhiều vì trong các chiến dịch lớn thời chống Pháp, tôi phụ trách nghiên cứu địch tình Quân báo chiến dịch, gần như lúc nào tôi cũng gặp ông để báo cáo nhận định tình hình âm mưu và hoạt động địch đối phó với ta.
Có một kỷ niệm đáng nhớ là khi ông chuẩn bị mở chiến dịch Sa Đéc vào tháng 3 năm 1951. Theo kế hoạch nghi binh, ta tung tin tuy chuẩn bị ở vùng giải phóng Sa Đéc nhưng thực sự chiến dịch là đánh vào Vĩnh Long, cắt đứt đường giao thông chiến lược Sài Gòn - Cần Thơ. Bất ngờ chiều ngày 6-3-1951, tên trung úy De La Bigne (sếp 2è Bureau Secteur Vĩnh Long) gọi Hồng Lam (điệp viên ta cài vào 2è Bureau) đến bảo: “Mày coi lại bọn mật vụ báo cáo láo với mày rằng tuy chuẩn bị ở Sa Đéc nhưng mục tiêu chiến dịch là Vĩnh Long, bọn nó mắc mưu nghi binh của Việt Minh chứ thật ra chiến dịch vẫn mở ở Sa Đéc, trong tay tao có lệnh nổ súng của tên Xuyến chỉ huy chiến dịch đây này!”. Rồi hắn đưa cho Hồng Lam coi tờ mệnh lệnh nổ súng vào 0 giờ ngày 123-1951 bằng giấy pelure đánh máy chữ do ông Xuyến ký với dấu mộc đóng đỏ chói.
Lập tức ngay trong chiều tối hôm đó, Hồng Lam đã băng qua cánh đồng hoang cỏ mọc rậm rạp vào vùng giải phóng Châu Thành - Sa Đéc gặp chúng tôi - anh Phan Thanh Khiết, Trưởng Quân báo chiến dịch và tôi - báo cáo vụ việc rồi xin phép trở về ngay trong đêm. Chúng tôi vội vàng qua văn phòng ông Xuyến báo cáo với ông tình hình đột xuất đặc biệt này và ông Xuyến giở xắc cốt lấy giấy lệnh nổ súng do tự tay ông đánh máy, đóng dấu ra coi lại thì thấy mất đúng 1 tờ trong số 10 tờ trong xắc cốt để gởi các đơn vị trước giờ nổ súng. Vậy là có nội gián địch ở ngay trong văn phòng chỉ huy chiến dịch. Chúng tôi nhận định địch sẽ tấn công ta trước để giành thế chủ động, ông Xuyến cũng đồng ý với nhận định này. Quả đúng như dự đoán, sáng ngày 9-31951, địch nã pháo dồn dập và cho gần 3 trung đoàn bộ binh được xe lội nước yểm trợ tấn công vào vùng giải phóng của ta ở huyện Châu Thành - Sa Đéc. Nhưng nhờ có dự đoán trước nên ta chủ động đối phó gây thiệt hại cho địch ngay từ trận đánh đầu. Đặc biệt trong chiến dịch này ba anh em chúng tôi là Ngô Vi Ân, Bảy Quế và tôi bằng biện pháp nghiệp vụ đã biết được làn sóng chỉ huy chiến dịch của trung tá Le Duque - Tư lệnh Quân khu miền Tây của địch, báo cáo với ông Xuyến các hoạt động địch nên hạn chế rất nhiều thiệt hại cho ta do phi pháo địch gây ra, đồng thời cũng vận động phục kích tấn công bất ngờ vào các đơn vị bộ binh, gây tổn thất nặng nề khiến địch phải kết thúc sớm cuộc hành quân lớn nhất năm 1951. (Sau chiến dịch, ta bắt tên nội gián nằm trong đội bảo vệ chỉ huy sở).
Khi tôi chở ông Xuyến đến xưởng xe đạp Thống Nhất ở đường Tràng Thi thì các anh em Quân báo Khu 8 cũ chuyển ngành làm lãnh đạo xưởng này hết sức mừng rỡ. Ông Xuyến nói:
- Có đồng chí nào có nhà ở gần đây không, nếu có ta đến đó nói chuyện thoải mái hơn ở cơ quan.
Có lẽ ông Xuyến không muốn nhiều người biết ông đến đây, hiểu ý ông nên anh Lê Văn Năm thường gọi là Năm Nhứt - nguyên là Chi cục trưởng Quân báo Sa Đéc lúc ông Xuyến mở chiến dịch 1951 - vui vẻ nói luôn:
- Vậy thì mời anh Tư về nhà tôi ở đường Nguyễn Thái Học, cũng gần đây thôi!
Hơn mười phút sau, tất cả có mặt ở nhà anh Năm Nhứt, câu chuyện xoay quanh việc giữa tháng 3-1965, Mỹ đưa quân vào miền Nam gây chiến tranh cục bộ để cứu vãn chế độ Thiệu sắp bị sụp đổ, sau những thất bại nặng nề hồi đầu năm 1965, đồng thời tăng cường chiến tranh phá hoại miền Bắc, tình hình rồi sẽ ra sao. Trước sự quan tâm lo lắng của anh em, ông Tư Xuyến nói vui:
- Anh em mình biết đá bóng cả chứ?
- Dân Nam Bộ mà anh Tư - Năm Nhứt cười - phần lớn đều mê đá bóng từ hồi còn con nít…
- Vậy thì tôi dùng thuật ngữ đá bóng nói với các anh cho dễ nhớ nhé, Mỹ là đội bóng chân giày số 1 thế giới, còn ta là đội bóng chân đất nhưng cũng là số 1 của chân đất toàn cầu. Thật ra, đối tượng nghiên cứu tác chiến của đội chân giày Mỹ là 2 đội chân giày phe ta là Liên Xô và Trung Quốc kia chứ chưa bao giờ là chân đất Việt Nam - ông Xuyến nói vui thoải mái - Còn ta, đối tượng nghiên cứu tác chiến của ta trước là Pháp sau là Mỹ, cho nên ta rất hiểu Mỹ không phải hôm nay mà từ hồi chiến tranh thế giới thứ 2 (1939-1945), đặc biệt gần nhất là chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), những mặt mạnh mặt yếu của “đội quân nhà giàu” này (mỗi tên lính Mỹ mỗi ngày “xài” đến 30kg trang bị!). Trái lại, Mỹ gần như chưa hiểu biết nhiều về ta và cũng chưa bao giờ coi ta là đối tượng tác chiến của quân đội Mỹ!
Ông Xuyến mỉm cười nói tiếp:
- Vậy coi như là hiệp 1 của đội chân giày với đội chân đất diễn ra kể từ tháng 3-1965 đến tháng 3-1966. Trên khán đài B lúc ấy hai đội chân giày Liên Xô và Trung Quốc qua ống dòm chăm chú theo dõi đội hình chân giày Mỹ, một vài cầu thủ hai đội đã vận động ở đường piste sẵn sàng chờ lệnh trọng tài sẽ nhảy vào tham chiến. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu ta biết giữa hiệp 1 của trận đối đầu Việt - Mỹ, trong lúc hai bên bắt đầu dàn quân ra theo sơ đồ chiến thuật thì bất ngờ từ một đường chuyền chớp nhoáng của đội chân đất xuyên thủng hàng phòng ngự dày đặc của đối phương, sút tung lưới đội chân giày, ghi 1-0! Đó là trận đột kích Núi Thành ở Quảng Nam đêm 265-1965, ta diệt gọn một đại đội Mỹ, chỉ có 12 tên chạy thoát do đang đi tuần tra thấy động “vọt” luôn. Trận này quy mô nhỏ nhưng ý nghĩa rất lớn vì đó là lần đầu tiên ta chạm súng với đơn vị quân chủ lực Mỹ và diệt gọn nó, mà quân ta là quân địa phương chứ không phải là quân chủ lực, và nếu biết trong chiến tranh Triều Tiên muốn diệt được một đại đội Mỹ, liên quân Trung-Triều phải hy sinh 3 đại đội mới làm được, Mỹ gọi đó là “chiến thuật biển người”. Ba tháng sau, ngày 30-8-1965, 9.000 quân Mỹ mở trận Vạn Tường (Quảng Ngãi). Qua ba ngày chiến đấu, ta diệt 1.000 tên, còn ta chỉ hy sinh có 50 đồng chí. Cú sút thủng lưới này ý nghĩa hết sức lớn, vì nó khẳng định đội chân đất ta đủ sức đánh thắng đội chân giày Mỹ trong một trận quân tham chiến quy mô không nhỏ. Rồi đến ba tháng sau nữa, ngày 5-11-1965, trận Bàu Bàng (Bình Dương) ta diệt quân Mỹ theo báo chí công khai là 2.040 tên, còn theo tin nội bộ mật nó thú nhận bị diệt 1 lữ đoàn (trên dưới 3.000 tên).
Vậy là trọn hiệp 1 năm 1965, quân chân đất đã sút thủng lưới quân chân giày đến 3 lần, trong khi đó quân chân giày chưa “hãm thành” quân chân đất lần nào, dù là chiến thắng nhỏ nhất trong chiến dịch “Tìm và diệt” suốt dọc miền Trung.
Qua năm 1966, sau 3 lần thủng lưới năm 1965, đội chân giày đã tăng thêm vào miền Nam 20 vạn quân nữa, nâng tổng số lên 40 vạn cùng với 4 vạn rưỡi quân chư hầu (chủ yếu là Đại Hàn) và hơn 60 vạn quân Ngụy Sài Gòn, trong tay tướng Westmoreland có hơn 1 triệu quân với trang bị hiện đại hùng hậu nhất vẫn chưa tìm được một chiến thắng nào với quân đội ta, nếu có, chúng đã la lên ầm ĩ rồi! Và nếu không diệt được quân chủ lực đối phương thì chiến tranh kéo dài đến bao giờ, chiến tranh càng kéo dài càng bất lợi cho Mỹ.
- Nhưng chẳng lẽ cuộc chiến tranh này không kết thúc nhanh được sao anh Tư? - Năm Nhứt hỏi với vẻ mặt lo lắng.
Ông Xuyến cười:
- Tôi muốn mượn câu nói của anh Ba Lê Duẩn trả lời: “Chúng ta dám đứng lên từ tay không đánh nhau với đế quốc Mỹ, thì chúng ta cũng biết cách kết thúc cuộc chiến tranh này vào lúc có lợi nhất”. Tất nhiên không phải là ngay bây giờ. Ta phải tìm cách đánh nào đó mà tầm vóc của nó mang ý nghĩa chiến lược cao hơn trận Điện Biên Phủ, nhiều lần khiến Mỹ sụp đổ ý chí xâm lược, phải xuống thang chiến tranh, chịu ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết cuộc chiến bằng một hiệp ước hòa bình. Nên nhớ Mỹ thua khác Pháp. Pháp thua trận Điện Biên giơ tay kéo cờ trắng đầu hàng, Mỹ là số 1 thế giới không thể thua ‘mất mặt’ như vậy được. Ông cha ta đã để lại nhiều bài học “đối nhân xử thế” với gã khổng lồ phương Bắc khi ta đánh bại chúng nhiều lần trong lịch sử đấu tranh của dân tộc.
Ông Xuyến nhìn tôi với nụ cười hóm hỉnh:
- Anh Linh chắc còn nhớ chuyện vua Quang Trung Nguyễn Huệ với vua Càn Long nhà Thanh sau khi ta đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị và Đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy trong Tết Kỷ Dậu 1789 chứ?
- Dạ còn nhớ đại khái thôi anh Tư - tôi cũng cười đáp - Vậy anh hãy kể lại cho anh em nghe đi.
- Là thế này, sau chiến thắng lịch sử đó, vua Quang Trung bảo Ngô Thì Nhậm, một danh sĩ đất Bắc chiến đấu dưới cờ Tây Sơn, đại ý “Khanh hãy viết một bức thư ta ký gởi vua Càn Long nói về cuộc chiến tranh vừa rồi. Nội dung viết thế nào thì tùy khanh, nhưng nhớ không được hạ vị thế ta mà cũng không làm Càn Long ‘mất mặt’ vì nó là nước lớn, hạ nhục nó không có lợi cho ta”. Chấp hành chỉ thị của vua Quang Trung, Ngô Thì Nhậm thảo bức thư về cuộc chiến tranh vừa rồi, đại ý nói: không phải theo lệnh của hoàng đế bệ hạ, vì lòng của bệ hạ luôn mong muốn hòa hiếu giữa hai nước, mà do Tôn Sĩ Nghị và Hứa Thế Hanh nghe lời bọn tội thần nhà Lê chạy sang cầu cứu, đã trộm lệnh của hoàng thượng mang quân qua đánh chiếm Đại Việt, nhưng vì không hợp thủy thổ thời tiết, lại bị nhiễm sơn lam chướng khí đổ bệnh hàng loạt, do không đủ thuốc men chữa trị nên chết lăn như rạ ngoài đồng, rồi đến khi rút quân không giữ được kỷ cương phép tắc làm rối loạn đội ngũ, lúc vượt cầu phao trên sông Hồng lại chen lấn xô đẩy nhau, đè đầu đạp cổ chồng chất lên nhau mà chết nhiều đến mức nước sông Hồng không chảy được, chứ thần đâu có đâm thằng nào! Vua Quang Trung xem xong cười ha hả khen: “Khanh viết thế này ‘được’ lắm!”.
Nghe nói vua Càn Long vốn là ông vua thông minh, xem thư cũng hiểu được thâm ý của vua Quang Trung muốn “rửa mặt” mình, đổ hết tội thua trận nhục nhã cho bọn tay chân. Do đó dù biết đoàn đại biểu sang chào, vua Quang Trung trong đoàn là giả, nhưng Càn Long đối xử hết sức trọng thể rồi còn hứa gả con gái cho nữa!
“Đó là đối với cái thua của nước lớn, ông cha ta có nhiều cách khéo không làm cho chúng ‘mất mặt’, bởi nó thua đã nhục rồi, ‘hạ nhục’ nó thêm bằng chữ nghĩa thì chỉ sinh thù oán, chứ chẳng có lợi gì hơn cho ta. Ta giữ đất nước ta độc lập tự do là quý rồi phải không anh em?”
- ông Xuyến cười phá lên khiến anh em cũng vui vẻ cười theo gợi nhớ đến hồi tổng kết các chiến dịch thời chống Pháp thắng lợi, ông Tư cũng cười thoải mái như vậy, tuy giờ đây mái tóc ông đã bạc rất nhiều.