HV144 - Đừng để mất hồn Tết truyền thống

LTS: Năm nay, nhà nghiên cứu Hữu Ngọc lên 102 tuổi thọ. 40 công trình nghiên cứu văn hóa, tác phẩm; thông thạo nhiều ngoại ngữ, giao tiếp văn hóa uy tín, được nhiều người Mỹ xem là một “kỳ quan” của Việt Nam. Tết này, ông gửi đến Hồn Việt 2 bài báo (hồi còn “trẻ” thì một tuần viết 4 bài cho các báo). Chúc mừng nhà văn hóa tiêu biểu của nước nhà tươi vui; bạn bè, con cháu mến yêu ông! 

Hiện nay, nước ta có khoảng 4 triệu bà con kiều bào trên thế giới. Trước 1975, chỉ có độ 100.000 ở các nước láng giềng Lào, Miên (Campuchia), Thái Lan, Trung Quốc, một số ở Pháp, Mỹ... Theo số liệu của Học viện Ngoại giao năm 2012, Việt kiều ở Mỹ đông nhất: 2,2 triệu, Pháp 300.000, Australia 300.000, Canada 250.000, Đài Loan 200.000, Nga 60.000, Anh 40.000, Nhật 40.000… 

Theo Ngân hàng thế giới (WB), năm 2018 người Việt ở nước ngoài gửi về nhà gần 16 tỉ đô la. Mỗi lần xuân đến, phải có những chuyến máy bay đặc biệt chở bà con về nhà ăn tết. 

Tình cảm gắn bó thiết tha ấy chứng tỏ Tết là một hiện tượng văn hóa cộng đồng đã được hun đúc từ rất xa xưa. Sống hơn trăm tuổi, tôi may mắn có lần được thể nghiệm, Tết có một sức mạnh tâm linh gắn bó dân tộc. Vào đầu những năm 1960 - tôi không nhớ rõ năm nào nữa - không lực Mỹ đã bắt đầu quấy rối ra miền Bắc. Vậy mà, ở Hà Nội, đêm ba mươi Tết, dưới ánh sáng đèn điện mờ ảo (điện thời ấy yếu lắm), người dân vẫn lũ lượt dạo quanh hồ Gươm đợi giao thừa. Đặc biệt, đám đông tụ tập ở quanh đền Ngọc Sơn, trên cầu Thê Húc dày đặc người, không có chỗ chen chân. Người ta nói chuyện, chen nhau ồn ào như ở chợ. Từ lúc 8-9 giờ tối, trong bóng tối không nhìn rõ mặt người. 11 giờ rưỡi… 12 giờ kém 5, bỗng có tiếng pháo lác đác nổ, cùng tiếng còi điện vang lên báo hiệu năm mới bắt đầu. Tất cả mọi sự ồn ào bỗng im bặt, như có phép lạ, gây một cảm giác huyền ảo. Tiếng Hồ Chủ tịch chúc tết vang lên trong không khí tĩnh lặng. Giờ phút uy nghiêm ấy, khiến bản thân tôi - chắc mọi người quanh tôi cũng thế - cảm thấy trong vài phút ngắn ngủi, cái tôi của mình biến mất và hòa với tâm hồn cộng đồng. Hiện tượng này khiến tôi nhớ đến sự phân tích tâm lý đám đông trong một tác phẩm của Gustave Le Bon: Trong đám đông, cảm xúc cá nhân hòa với mọi người, tạo ra một tâm lý tập thể, gắn bó mọi người bởi một cảm xúc chung. 


Mừng tuổi ông bà, cha mẹ trong ngày Tết là nét văn hóa của người Việt

Dân tộc nào cũng tổ chức lễ hội đón xuân. Nhưng có lẽ không ở nơi nào lễ hội xuân lại mang đến một sự đồng cảm sâu sắc, huyền bí cho cả một dân tộc như Tết của người Việt: đồng cảm giữa con người với vũ trụ, giữa người sống với người chết, giữa hiện đại với dĩ vãng lịch sử, giữa gia tộc - xóm làng - đất nước, giữa người đi xa với người ở nhà. Có thể nói: hồn Tết là một góc độ thể hiện hồn Việt. Tết thể hiện bản sắc của dân tộc Việt, kết tinh truyền thống bao đời. 

Tết là một hiện tượng làm tăng nhịp độ cuộc sống của dân ta từ mấy tháng chuẩn bị và cả sau Tết. Tết có một đặc thù là tính nhân văn sâu đậm. Trong tiềm thức dân tộc, người ta mong và tin là năm mới có thể mang lại điều may, tránh rủi cho cuộc đời mình, mà muốn được hưởng cái tốt lành thì phải làm điều thiện, với tư tưởng lạc quan là năm mới có thể thay đổi số phận mình. Do đó, loại trừ những mê tín nhảm nhí, đa số tục lệ quy định những việc nên làm và kiêng kỵ đều có tính nhân văn, vì từ “mới” trong năm mới có nghĩa “tốt đẹp”. Chỉ xin kể một số thí dụ: trong họ cúng tổ tiên, gia đình cúng ông bà và người thân, đất nước cúng vua Hùng; bất hòa giữa vợ chồng, anh chị em và cả người ngoài tạm gác lại; có khi trong cả cuộc chiến cũng tạm đình chiến; người cho vay thì tạm hoãn nợ; người ta kiêng nói tục, chửi mắng kẻ dưới; người ăn xin gõ cửa nhà nào cũng được bố thí; nhà cửa, nhất là nhà thờ tổ được dọn dẹp lau chùi sạch sẽ; người nghèo cũng cố gắng chuẩn bị quần áo Tết lành lặn. Sau Tết, xóm làng còn nhộn nhịp với việc tổ chức những lễ hội vui xuân chung. Như vậy, Tết có khả năng tâm linh đoàn kết cả dân tộc trong cái tốt lành. 


Ông đồ với câu đối đỏ thường thấy trong những ngày Tết

 Từ hơn nửa thế kỷ nay, ý nghĩa ấy có phần phai nhạt đi do diễn biến chính trị, xã hội trong nước và quốc tế. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhiều sự kiện kết hợp gây ra điều ấy: xã hội thay đổi do cách mạng xã hội chủ nghĩa, cải cách ruộng đất ở miền Bắc, ba chục năm chiến tranh và hợp tác hóa công-nông nghiệp, 2 triệu người di cư ra nước ngoài… Cần phải kể đến một nguyên nhân nữa khiến Tết kém đậm đà, đó là nguyên nhân xã hội học. Từ xa xưa, con người sống bằng săn bắt và hái lượm. Sau đó là một thời công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các nước châu Âu đã làm lu mờ dần lễ hội nông nghiệp đầu xuân, nó bị rút ngắn lại chỉ còn là một ngày lễ bình thường (ngày 1 tháng đầu năm), ta gọi đó là Tết tây. Việt Nam thoát khỏi ách thực dân năm 1945, mãi sau Đổi mới mới thực sự có điều kiện công nghiệp hóa từ vài chục năm nay. Trong cái rủi có cái may, sự phát triển chậm ấy lại khiến cho ta bảo tồn được Tết, một giá trị tinh thần vô giá của văn minh lúa nước, nằm trong bản sắc dân tộc, điều đó thể hiện qua việc lễ hội đầu năm không bị đơn giản hóa và mất đi khía cạnh sâu sắc như ở nhiều dân tộc phương Tây. 

Chúng ta cần xây dựng lại một nền văn hóa Tết đang bị suy thoái. Công cuộc ấy không đơn giản, đòi hỏi một sự lãnh đạo sáng suốt và cương quyết, sự tham gia của nhiều cơ quan chính quyền, dân sự và ý thức của toàn dân. Cần có sư kết hợp hợp tình hợp lý giữa hiện đại và truyền thống khi quyết định giữ, bỏ hay thêm cái gì. Điều tối kỵ là chạy theo chủ nghĩa thành tích và chủ nghĩa hình thức, biến Tết thành một dịp ăn nhậu, tiêu pha hoang phí. Bất cứ tục lệ nào của Tết cổ truyền đều có thể khai thác về mặt nhân văn: thí dụ về bánh chưng, phẩm vật điển hình của Tết, có thể tổ chức thi nấu ở trong họ, ở mọi đơn vị hoạt động, thi viết báo, truyện, bài hát, kịch, tuồng, thơ… về sự tích bánh chưng; hay về sự tích ông Công, ông Táo, lĩnh vực sân khấu đã có sáng tác những tác phẩm hài hước rất ăn khách để mang lại tiếng cười và phê phán những điều chưa tốt trong năm của xã hội. Việc này nên được phổ biến rộng rãi ở mọi ngành văn hóa... Nên phát động quần chúng bảo tồn và phát huy tính nhân văn của Tết, đừng để mất hồn Tết cổ truyền…

HỮU NGỌC