Sau Hiệp định Genève 1954 về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương, do tôi không đảng, không đoàn, không ở một cơ quan nào cụ thể nên không thuộc vào diện tập kết ra Bắc. Và khi Mỹ - Diệm không tuân thủ Hiệp định Genève, tôi và vài người bạn tổ chức biểu tình để phản đối thì bị bắt và suýt bị thủ tiêu nhưng đã tìm cách vượt thoát để vào Sài Gòn đấu tranh bằng con đường báo chí. May mắn tôi vào đây được cách mạng giao cho nhiệm vụ đấu tranh chống văn hóa địch. Và vì lúc bấy giờ các tổ chức cách mạng trong nội thành luôn bị đánh phá nên tôi được hoạt động đơn tuyến, là không tham gia bất cứ tổ chức nào của cách mạng, mà chỉ liên hệ với lãnh đạo ở vùng giải phóng qua một cán bộ bán công khai trong Sài Gòn. Và đây là lúc bắt đầu tôi có dịp tiếp xúc với đủ loại Thượng đế yêu con chữ.
Hoạt động đơn thân, muốn có quần chúng để nhận được sự hỗ trợ tôi phải viết nhiều thể loại và nhiều đề tài. Truyện nông thôn đầu tay của tôi là Miếng thịt vịt vừa mới xuất hiện trên tạp chí Bách khoa đã nhận được tin trên báo mời tôi đến nhà của kịch tác gia nổi tiếng một thời là cụ Vi Huyền Đắc. Cụ viết tin mời vì bấy giờ tôi còn sống lang thang, không có chỗ ở nhất định. Đọc Miếng thịt vịt cụ rất yêu thích vì thấy có nhiều kịch tính. Cũng kể từ đó, tình bạn của cụ đối với tôi kéo dài nhiều năm, cho đến khi cụ qua đời. Chuyện rừng núi đầu tay của tôi - Cái Tết giữa rừng - cũng nhận được sự khen ngợi từ một lá thư gửi đến của nhà giáo và là nhà nghiên cứu uy tín - ông Trần Kim Bảng, bút hiệu Thiên Giang. Ông khen tôi là “Maxim Gorky” của Việt Nam khiến tôi hết sức mắc cỡ. Truyện ngắn, theo lối cổ xưa, là Vàng tháp Hời (khi in thành sách đổi lại là Vàng Tháp cổ), sau này tôi được nghe cô Huyền Trân - cháu cụ Tiểu La, tác giả tập thơ Tôi đi tìm tôi - hiện ở Đồng Nai, cho biết khi trở về quê cô đã tìm đến thăm tháp Đông Dương thẫn thờ nghĩ về câu chuyện mà tôi đã viết… Sau ngày Giải phóng không lâu, một Việt kiều Mỹ là đạo diễn đến gặp tôi và muốn lấy truyện này làm kịch bản để dựng phim nhưng bấy giờ chưa có sự liên hệ với bên ngoài nên tôi phải chối từ.
Còn nhớ khi tôi viết truyện ngắn Bút máu đăng trên tạp chí Bách khoa vào năm 1958 nhằm đả kích lớp bồi bút tay sai cho chế độ ngụy quyền thì một ngày nọ tôi gặp người bạn học cũ ở trường trung học Chấn Thanh, Đà Nẵng - là Lương Mậu Được, nay đổi thành Lương Minh Đức, thiếu úy an ninh của chế độ Diệm, bảo tôi: “Này, mình báo cho cậu biết, truyện Bút máu của cậu đã được Hà Nội đăng lại trên tờ Thống nhất. Nếu cậu có truyện thứ hai được ngoài ấy đăng lại thì thế nào cậu cũng xộ khám”.
Về truyện Bút máu, nhà văn Đỗ Kim Cuông ở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho biết, mãi đến năm 1973 ông mới được đọc lần đầu trong hoàn cảnh éo le và hi hữu.
Đó là vào năm 1973, sau Hiệp định Paris, mặt trận giữa bộ đội Giải phóng và các đơn vị quân ngụy đóng trên vành đai Bắc Huế đã tạm thời hòa hoãn thì một ngày có trận lụt kinh hoàng giáng xuống cả hai chiến tuyến, và sau mấy ngày tầm tã tạm lắng, anh bộ đội Đỗ Kim Cuông đi đến một bãi sình lầy đã gặp trong đó hai xác lính ngụy đã chết ngạt vì nước lũ. Trong số ba lô của họ tình cờ anh lượm được một bọc mấy cuốn tạp chí Văn xuất bản ở Sài Gòn và tập truyện ngắn Bút máu có tên tác giả là Vũ Hạnh. Kẹp trong mớ sách ẩm hơi nước ấy còn có tập thơ của Đông Trình và Người Việt cao quý của A. Pazzi… Và lần đầu tiên, vào một buổi chiều chạng vạng ở chòi Cồn Nổi, ông Đỗ Kim Cuông đọc được những dòng chữ trích ra từ những trang giấy ướt sũng nước.
Quyển Người Việt cao quý là tác phẩm đã giúp tôi tiếp cận với đủ cấp bậc Thượng đế và cho tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc trong sự nghiệp cầm bút. Vào năm 1965 khi Mỹ chuẩn bị đổ quân ồ ạt vào miền Nam để cứu nguy cho chính quyền tay sai, tôi được gọi ra vùng Giải phóng để học tập tình hình. Sau buổi học, đồng chí Trần Bạch Đằng chỉ khuyên tôi: “Lúc này viết cái gì đó đề cao tinh thần dân tộc là cách đánh Mỹ tốt nhất của người cầm bút”. Với tôi, đó cũng là một chỉ thị. Tưởng nên nhấn rõ điều này: gần một thế kỷ bọn thực dân Pháp tìm đủ mọi cách nói xấu dân tộc chúng ta cốt gây tâm lý tự ti để chúng dễ bề thống trị, và đến ngày nay Việt Nam đã chứng tỏ rằng mình là đất nước hào hùng vào loại hàng đầu của thế giới này song các di sản kỳ quặc về lòng tự ti vẫn còn thấm sâu trong óc nhiều người. Và điều khó hiểu là một đất nước luôn cần đổi mới, luôn phải vươn lên mà chỉ quan tâm mỗi phần chữa bệnh thể xác nhưng không chú trọng, đặt lên hàng đầu, chữa bệnh tinh thần.
Tôi không biết nhiều về sử, lại học trong các chương trình giáo dục của thời Pháp thuộc nên kiến thức về dân tộc mình rất là hạn chế, song thử viết một bài về Đôi mắt và nụ cười của Người Việt, gửi đăng trên tờ nhật báo Đất Tổ với bút danh là người nước ngoài. Để khẳng định với chính mình là lòng quý yêu dân tộc vẫn luôn bất di bất dịch, tôi chọn tên A. Pazzi, và vì có âm hưởng Ý nên gọi là nhà văn Ý. Để được dễ dàng trong sự kiểm duyệt, tôi nhờ một cô học trò xinh đẹp đứng tên dịch giả. Khi bài viết được đăng trên báo Đất Tổ để dò xem phản ứng của người đọc, tác dụng hơn cả mong chờ. Một nhà văn có uy tín trong chế độ cũ là Lê Tất Điều gặp tôi đã dành nhiều lời khen ngợi ông A. Pazzi. Liền đó, để tranh thủ thời gian tôi đã viết xong tác phẩm trong vòng một tuần. Tôi giao cho cô Hồng Cúc - dịch giả - đăng ký kiểm duyệt, đồng thời giao ông Hồ Hải - chủ nhà xuất bản Cảo Thơm, cũng là chỗ thân quen - ấn hành quyển sách mà tôi không nhận nhuận bút. Quyển sách với tác giả là người nước ngoài, và người dịch là một mỹ nhân thì phòng kiểm duyệt không gây chút khó khăn nào nên đúng hai tuần đã cấp giấy phép, và cũng vừa kịp in xong để ghi số giấy phép vào trang cuối.
Sách được Thượng đế nồng nhiệt tiếp nhận vì đây là của một người nước ngoài, và là lần đầu được người nước ngoài ca ngợi về dân tộc mình nên đọc rất là hứng thú. Các Thượng đế, là những sinh viên Việt Nam, ở Mỹ, ở Pháp, ở Đức tới tấp gởi thư về ông Hồ Hải để hỏi tiểu sử nhà văn A. Pazzi và ông Hồ Hải đành chuyển sang tôi để nhét kín một hộc bàn. Một nhà phê bình có uy tín thời ấy là ông Thiếu Sơn gần như không bao giờ phải mua sách vì luôn nhận được sách tặng từ các tác giả, nhưng đôi lần gặp ông lại thấy ông ôm một bọc khá lớn. Ông nói: “Mỗi lần đi ra tiệm sách, tôi phải mua về ít nhất 10 quyển Người Việt cao quý để tặng lũ con, lũ cháu”. Ngay ở trong tù, sách bị hạn chế vẫn thấy anh em chuyền tay nhau xem Người Việt cao quý. Nhiều bạn ngoài đời gặp tôi vẫn hỏi có biết ông A. Pazzi không và lẽ dĩ nhiên tôi nói không biết.
Bấy giờ trên tờ tuần báo Hồn trẻ của Hội bạn trẻ em Việt Nam, nhà giáo kiêm nhà nghiên cứu Trần Kim Bảng, bút hiệu Thiên Giang và vợ là nữ sĩ Vân Trang (ký tên Chị Hai) đã tích cực giới thiệu quyển Người Việt cao quý. Trong một trang báo với đầu đề Gởi người em nhỏ, bà đã mở đầu “Chị vừa đọc một quyển sách hay quá” và sau khi ca ngợi quyển sách, bà kết thúc như sau: “Các em tìm đọc quyển sách ấy đi. Đọc xong tự nhiên các em sẽ thấy một sự hăng hái, một tự hào dân tộc nổi dậy trong lòng do đó ánh sáng sẽ lóe ra các em sẽ hiểu phải sống thế nào cho xứng đáng là người thanh niên Việt”. Bên cạnh bài báo ký tên Chị Hai, là một khuôn riêng, in nghiêng, có những dòng chữ ngắn gọn, ký tên Thiên Giang như sau: Nếu các em hỏi tôi lúc này có cuốn sách nào đáng đọc, tôi xin đáp: Cuốn NGƯỜI VIỆT CAO QUÝ. Nếu các em hỏi sách có rẻ không? Tôi xin đáp: Đọc mỗi chương “Tinh thần bất khuất của người Việt” cũng đáng tiền rồi.
Ngay sau Giải phóng, ông Tổng bí thư Lê Duẩn vào thành phố Hồ Chí Minh đã nói với ông Trần Trọng Tân bấy giờ là Trưởng ban Tuyên huấn: “Quyển Người Việt cao quý của tay Pazzi nào viết khá quá”. Và ông Trần Trọng Tân trả lời: “Tay Pazzi ấy là cơ sở nội thành”. Sau đó ông đề nghị tôi gởi tặng ông Tổng bí thư hai quyển sách ấy.
Vào năm 1980, đồng chí Võ Văn Kiệt bấy giờ là Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh có mời tôi đến dùng cơm tại nhà và để cập đến quyển Người Việt cao quý mà đồng chí rất yêu thích, đồng chí đã trao sách cho một số thanh niên ở vài tỉnh miền Tây đọc lại và thấy sách còn tác dụng khá tốt, do đó đề nghị tôi cho tái bản.
Về các Thượng đế thì vị Thượng đế, sau khi đọc xong quyển sách, đã gởi cho tôi lá thư dài nhất - 3 trang đánh máy - mà tôi vẫn còn lưu giữ là ông Mai Văn Bộ, một trong ba trí thức tiêu biểu của Nam Bộ một thời (là Hoàng - Mai - Lưu), từng là đại sứ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Pháp thời chống Mỹ. Suốt 3 trang dài, ông luôn đề cao giá trị tác phẩm và đã kết thúc như sau:
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm một điều về tác giả.
Năm 1965, cuộc chiến tranh tổng lực của Mỹ và ta đang tiến nhanh đến cái đỉnh cao nhất của nó là cuộc tập kích chiến lược của ta vào Tết Mậu Thân 1968.
Tình hình ở các vùng tạm chiếm, nhất là tại Sài Gòn - Chợ Lớn lúc nào cũng căng thẳng, không biết sẽ bùng nổ lúc nào.
Thế mà anh Vũ Hạnh, một nhà văn công tác ở thành, vào tháng 5-1965, núp dưới tên Pazzi đã xuất bản và tái bản liên tục quyển Người Việt cao quý, đó là một kỳ tích vẻ vang trong công cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta.
Kính chúc Anh Chị khỏe, Thân mến .
Mai Văn Bộ
Và quyển sách ấy sau 54 năm chào đời, lại được ông Đỗ Kim Cơ, giám đốc một công ty sách ở Hà Nội, kết nối với nhà xuất bản Khoa học Xã hội tái bản giữa năm 2019.
Có một gia đình mà tôi lần lượt gặp được 3 vị Thượng đế mà tôi rất là xúc động. Thượng đế đầu tiên là nhà văn Mai Văn Tạo. Trong thời chống Mỹ ở vùng Giải phóng Khánh Hưng, thuộc Cà Mau, dầu chưa từng gặp gỡ nhau nhưng qua những gì tôi viết và anh đọc được, anh đã làm một bài thơ - tháng 6 của năm 1974 - dành để tặng tôi.
Sau năm 1975, được gặp anh và được tặng thơ, tôi rất xúc động, và tình anh em do đó mà càng thắm thiết. Bấy giờ tôi còn chiếc xe hơi đã cũ vẫn thỉnh thoảng cùng anh về An Giang để thăm quê. Còn nhớ lần ấy về đến Châu Đốc thì trời đã tối, anh bảo tôi ghé thăm gia đình người chị là Huỳnh Thị Liễu. Anh Tạo vốn họ Huỳnh nhưng vì hoạt động cách mạng đã phải thay tên, đổi họ nhiều lần… Chúng tôi đến cánh đồng hoang, có một nhà tranh như căn lều, là nơi vợ chồng dựng lên để lánh nạn, trong thời còn giặc. Chị Liễu hỏi anh Tạo: “Em đi với ai đó?”. Anh Tạo đáp: “Một bạn thân quý tên là Vũ Hạnh”. Chị hỏi liền: “Có phải Vũ Hạnh viết quyển Người Việt cao quý đó không?”. Anh Tạo vừa đáp “Phải” thì chị quay đầu nhìn phía sau nhà nói lớn: “Ông đi mau vô xóm kiếm con cá lóc bự bự đem về nướng trui đãi thằng Vũ Hạnh”. Nghe người phụ nữ cao lớn, đen đủi gọi tôi bằng “thằng”, tôi rất cảm động bởi chị coi tôi như một người em, vì là bạn thân của anh Mai Văn Tạo. Tôi đã được nghe nói về quá khứ hào hùng của chị, nhưng người phụ nữ nông dân lam lũ sống giữa đồng hoang cũng biết đến quyển Người Việt cao quý là chuyện lạ lùng. Thời còn đánh Pháp, chị là một nữ du kích gan dạ, có lần giặc vào lùng sục tìm bắt cán bộ, một người du kích bị tên lính commando quật ngã và khi nó đang đè lên người anh để bóp cổ họng thì chị kịp thấy, chạy vội vào nhà lấy cây phảng ra chém một nhát chẻ đôi cái đầu của nó, cứu được người bạn thoát chết. Sau ngày Giải phóng, có một cán bộ địa phương không chỉ tham nhũng còn hách dịch với dân chúng, chị đã gởi đơn lên cấp trên để tố cáo nhưng gã vẫn không hề bị động chạm. Chị gởi lá đơn thứ hai, cũng vẫn im lìm, và sau thời gian gã cán bộ cường hào ấy không hề thay đổi, chị viết là đơn thứ ba nói rằng nhờ Đảng lãnh đạo mà bao nhiêu người chấp nhận hy sinh để giành độc lập cho đất nước, vậy thì những kẻ hại dân, hại Đảng phải bị nghiêm trị. Chị nêu lên cái ngày và tuyên bố rằng kể từ ngày ấy hễ gặp tên cán bộ đó ở đâu chị sẽ chém chết để bảo vệ Đảng, bảo vệ dân, dẫu bị trừng phạt thế nào chị cũng chấp nhận.
Biết được nội dung lá thư, gã cán bộ nọ tối đến không dám ngủ ở nhà mình. Đang ngồi họp trong cơ quan thấy chị từ cổng xăm xăm đi vào, tay cầm cái mác bén nhọn, gã phải chạy ra cửa sau, băng đồng mà trốn. Tình trạng ấy không thể kéo dài và gã phải bị cách chức. Điều tôi rất buồn là khi chị ốm nặng đưa lên thành phố Hồ Chí Minh chữa trị, anh Mai Văn Tạo đã báo tin cho tôi quá trễ nên tôi chưa kịp đến thăm thì chị đã lìa đời.
Về người Thượng đế thứ ba cũng được gặp trong chuyến xe đưa anh Mai Văn Tạo về Châu Đốc. Mới ra khỏi Long Xuyên thì trời vừa tối, anh bảo tôi ghé vào một con đường đất để anh thăm một người cháu làm chủ tịch xã đã lâu chưa gặp lại nhau. Đến ngõ, tôi dừng xe lại, bảo anh: “Thôi anh vào thăm, tôi đợi ngoài này. Xe mình vào loại cà tàng, lỡ hỏng dọc đường thì mệt. Đường về Châu Đốc còn xa”. Anh gật đầu, đi vào nhà. Sau nghe kể lại, khi anh nói lời giã từ, bảo là cần phải đi gấp vì có anh bạn Vũ Hạnh chờ ngoài đường, thì ông chủ tịch hỏi ngay: “Ông Vũ Hạnh viết Người Việt cao quý đó hả?”. Anh Tạo gật đầu, thế là ông ta vội vã chạy ra nài nỉ mời tôi vào nhà. Ông nói: “Bây giờ đã tối, nếu đi phải dùng bữa nơi quán xá dọc đường. Xin cho tôi được hân hạnh mời ông nán lại để dùng bữa tối. Tôi bảo người nhà làm gấp, để quý vị lên đường khỏi trễ”.
Rồi ông gọi lớn, bảo người nhà đi bắt con gà trống thiến trộng nhất ra làm thịt ngay, đồng thời bắc nồi cháo để tranh thủ thì giờ. Đoạn, sau khi rót nước, mời thuốc, ông chủ tịch xã mặc áo dài đen, đội chiếc khăn đóng, thắp hương đốt đèn trên bàn thờ, trịnh trọng đem xuống một cuốn sổ lớn, cầm bút ghi ghép. Xong, ông mới trình bày: “Tôi phải ghi vào gia phả gia đình tôi, là ngày tháng này có ông Vũ Hạnh ghé thăm nhà để con cháu về sau biết được sự may mắn ấy”.
Cuối năm 2004, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng thuê xe và mời khoảng 10 người bạn ở thành phố Hồ Chí Minh lên Đà Lạt dự cuộc triển lãm những công trình anh đã hoàn thành nơi đây. Tôi cũng được dự trong đoàn. Đến nơi, nhiều người đã có mặt. Ông Hạng giới thiệu từng người trong đoàn, và khi giới thiệu tôi thì một người trung niên, ăn mặc chững chạc, đưa hai tay bắt tay tôi, và nói: “Rất cám ơn ông”. Tôi tỏ sự ngạc nhiên về lời cám ơn thì người ấy cho biết như sau: Anh tên là Nguyễn Dũng, tốt nghiệp kỹ sư, trong thời gian chưa có việc làm thích hợp, anh vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc cho một hãng bia. Sau đó, một người Hà Lan đến gặp anh, đề nghị hợp tác mở một trại hoa ở Đà Lạt. Vốn không biết gì về ngành nghề này nhưng người kỹ sư trẻ đã đọc Người Việt cao quý nên tin tưởng rằng bất cứ là sự việc gì lớn lao, khó khăn đến đâu Người Việt cũng có thể đảm nhận và thành công được. Anh đã nhận lời và trên 10 năm trại hoa đã là một thành công lớn. Anh kỹ sư nói: “Quyển Người Việt cao quý là nguyên nhân chính giúp tôi đạt được kết quả tốt đẹp này. Tôi đang chuẩn bị mở thêm chi nhánh, tuyển thêm 3.000 công nhân”. Và dầu trại hoa ngăn cấm người ngoài xâm nhập, 8 giờ ngày mai trại sẽ mở cửa đón đoàn chúng tôi vào để tham quan.
Buổi chiều hôm ấy, khi đoàn ra về, ông kỹ sư Dũng vẫn với hai tay nắm chặt lấy tay tôi, nói lời cám ơn. Mấy tháng sau, tôi còn nhớ rõ, đọc tờ Tuổi trẻ vào ngày thứ hai, 24 tháng 1 của năm 2005, tôi thấy ở trên trang đầu hình ảnh kỹ sư Nguyễn Dũng bên cạnh dòng chữ “Người trồng hoa số một đã ra đi”. Trong một bữa nhậu cùng với bạn bè trên gác nhà mình, hẳn vì say rượu ông đã trượt chân ngã xuống tầng dưới và đã qua đời ở tuổi 48. Có lẽ mấy năm làm ở hãng bia đã sớm đem lại cho ông một cái kết quả bi thảm.
Thật ra Thượng đế cũng có nhiều loại, và nếu nhờ có lời khuyên tinh nhạy, sáng suốt của đồng chí Trần Bạch Đằng và lòng thiết tha yêu thương dân tộc của người Việt Nam, nên tôi được gặp quá nhiều Thượng đế đáng yêu qua một quyển sách bé mỏng thì với nhiệm vụ được giao là chống văn hóa địch, tôi cũng được gặp một số Thượng đế đáng… ghét. Khi tôi viết bài phê phán một số tác phẩm của Chu Tử - vốn rất dâm ô, đồi trụy - thì ông ta đã phản pháo kịch liệt. Là nhân viên của Trung ương Tình báo Ngụy quyền, lại là chủ tờ nhật báo Sống nên Chu Tử đặt đủ điều để vu cáo, bôi nhọ tôi, chẳng hạn tôi là một cộng sản gộc, đã từng bị quần chúng đem ra giữa chợ đánh cho tơi bời… Những sự đặt điều bôi nhọ, trên tờ Sống, kéo dài khá lâu khiến tôi đi ra khỏi nhà luôn có một đám công an theo sau, có lẽ là cách hù dọa. Tôi đã lần lượt đến gặp 3 vị luật sư có tiếng bấy giờ để nhờ can thiệp, đưa vụ Chu Tử đã vu cáo, bôi nhọ tôi ra tòa, nhưng các luật sư đều im lặng. Thì ra luật pháp vẫn phải nép dưới quyền lực, dầu đó là quyền lực nào. Cuối cùng chỉ có quần chúng mới thực sự là sức mạnh. Bấy giờ lực lượng sinh viên ở Sài Gòn tổ chức một cuộc họp, mời tôi và Chu Tử đến hội trường ở Đại học Sư phạm để đối chất. Tôi đến đúng giờ và thấy đầy ngập bạn trẻ ở trong và ở ngoài trường. Nhưng đợi mãi Chu Tử vẫn không tới, cuộc họp đành giải tán. Tuy vậy, kể từ hôm đó Chu Tử không còn vu cáo, bôi nhọ tôi trên báo nữa…
Tưởng nên nhắc lại vợ chồng một Thượng đế, ông Phan Văn Tạo, giám đốc Nha Thông tin thời ấy, tác giả quyển truyện có tên Cái bong bóng lợn. Tôi vốn không muốn dính líu đến các quan chức bấy giờ nhưng sau khi sách ra đời ông Lê Ngộ Châu, chủ tờ tạp chí Bách khoa, yêu cầu tôi viết một bài phê bình. Sau khi báo đăng bài tôi đã viết thì ngày sau đó, ghé lại tòa soạn tôi thấy ông Phan Văn Tạo đã ngồi chờ sẵn, ăn mặc chững chạc và khác mọi lần là có đeo thêm cà vạt. Ông trân trọng bắt tay tôi và nói: “Cám ơn bài phê bình của ông. Vợ tôi cũng đọc xong và thấy những chỗ khuyết điểm mà ông vạch ra đều rất chí lý nên khuyên tôi sớm gặp ông để mà cám ơn. Tôi đã đến sớm chờ ông”.
Hằng năm, nếu không bị nhốt trong tù, tôi vẫn có bài kỷ niệm thi hào Nguyễn Du và bài đầu tiên đó là Đôi mắt nàng Vân, nàng Kiều vừa đăng lên báo thì một sáng nọ, tôi thấy có chú tiểu đồng ăn mặc lối xưa bưng cái khay phủ nhiễu điều tìm vào nhà tôi. Đó là người nhà của thi sĩ Đông Hồ đem bài tôi viết về Truyện Kiều được ông bọc giấy kim tuyến, kết bằng chỉ hồng để tặng lại tôi với lời trân trọng cảm ơn vì “chưa bao giờ được đọc một bài lý thú như vậy”.
Cũng năm 1965, hưởng ứng miền Bắc kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, tôi gom lại các bài viết về Truyện Kiều thành sách, gọi là Đọc lại truyện Kiều. Do quân Mỹ ồ ạt kéo sang, những người thợ in trẻ tuổi đều bị đẩy ra chiến trường nên sách in năm 1965 phải đến năm 1966 mới hoàn thành được. Tôi phải bọc bên ngoài tác phẩm tấm băng ghi rõ “Kỷ niệm 201 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du”. Từ Pháp, nữ sĩ Mộng Trung, sau khi đọc xong tác phẩm, đã gởi thư về yêu cầu chủ bút Bách khoa là ông Lê Ngộ Châu tìm đến gặp tôi để thay mặt bà nói hộ một tiếng “cảm ơn”… Sách được tái bản nhiều lần, được Từ điển Văn học Trung ương đánh giá cao và gần đây nhất được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học tái bản.
Thượng đế vốn bao la, và ngoài những vị Thượng đế đáng yêu trên đây, vẫn có những vị Thượng đế ngớ ngẩn. Chẳng hạn khi tôi viết chuyện Vàng tháp Hời đăng trên tạp chí Bách khoa thì vào tuần sau nhà văn Võ Phiến gặp tôi ở tòa soạn đã đưa tôi xem lá thư của cô độc giả có câu: “Nhà văn Võ Phiến ơi, em thích truyện Vàng tháp Hời của nhà văn lắm”. Vào năm 1969, tôi bị giam giữ ở nhà lao Tân Hiệp (Biên Hòa) có bạn thầm thì nói cho tôi biết có một trung úy của quân đội ngụy đang ở chung phòng. Người sĩ quan này chắc được cho trà trộn vào đây để mà nắm bắt tình hình. Sau đó, được tự do, có lần đi trên đường phố quận 1, tôi gặp anh trung úy nọ. Anh nói: “Xin chào nhà văn”. Và rồi sau cái bắt tay, anh tiếp: “Tôi rất thích thú đọc xong tác phẩm ông vừa xuất bản”. Tôi hỏi: “Xin lỗi, ông nói quyển nào?”. Thì anh nghiêm túc trả lời: “Con chó hào hứng”. Trời đất! Có lẽ anh thoáng nhìn cái đầu đề nên đã đọc nhầm Con chó hào hùng thành ra… hào hứng.
Nhưng cũng từ đấy, tôi nảy ý vui là đổi một số tên sách của mình, chẳng hạn Bút máu thì gọi là Bút màu, truyện ngắn Tô cháo lòng thành Tô cháo lỏng và quyển truyện dài dành cho trẻ em là Những người còn lại thành Những người… con lai.