HV144 - Nỗi đau cụ Tú Trần Hàn

Quảng Nam vốn là đất nổi tiếng về hát dân ca, hò vè đối đáp, trong đó có những Nho sĩ, nghệ nhân vang danh một thời với những cuộc hẹn hò hát xướng còn lưu lại những giai thoại thú vị khó quên.

Tiếng ai như tiếng Trần Hàn 
Con ông Quyền Liệu ở làng Xuân Quê

Xuân Quê, là một làng nhỏ nằm ở vùng trung du của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc thôn 1, thôn 2 và một nửa thôn 4 của xã Quế Long. Người dân ở đây không lạ gì với câu nói “Lãnh Á tộc Lê, Xuân Quê tộc Trần”. Trần Hàn thuộc dòng dõi của tộc Lê nổi tiếng ấy. Tổ tiên Trần Hàn vốn ở đất Nghệ An. Sau có người vào định cư ở làng Hương Quế (xã Quế Phú, huyện Quế Sơn), mãi sau này mới có người lên lập nghiệp tại Xuân Quê.

Theo gia phả để lại thì cha của Trần Hàn là ông Trần Chánh Nghị, còn có tên gọi là Quyền Liệu, hay Thầy Liệu, sinh hạ được 11 người con, Trần Hàn là con thứ 9. Bấy giờ trong làng có dịch đậu mùa, Trần Hàn tuy thoát chết nhưng không tránh khỏi những di chứng để lại là mặt bị rỗ và hư mất một mắt. Trần Hàn vốn tính tình xởi lởi, mẫn tiệp, thích giao du đây đó, lại nổi tiếng hát kiến tại(1), đối đáp tài hoa, tinh tế, được người đương thời thán phục về tài ứng xử bằng thơ phú của ông, bất cứ vấn đề gì mà bạn hát đề cập đến. Nhờ ở vốn học rộng, hiểu biết chuyện cổ kim, cộng với sự lanh lẹ, thông minh nhạy bén, sắc sảo, giỏi sử dụng ngôn ngữ dân gian, ứng đối nhanh, nên Trần Hàn từng “đánh bại” khá nhiều tay hát lành nghề không kém ở những nơi ông đến dự hát. 

Đi thi Hương mấy lần không đỗ, có lẽ vì thế ông sinh ra chán nản, tìm vui bằng thơ phú, soạn tuồng, làm câu đối, đi hát hò khoan, kể cả làm thầy kiện cho những ai oan ức, thân cô thế cô. Ông có một số bài thơ mang nội dung chống Pháp và bọn tay sai như bài Vịnh chó săn, Vịnh thằng Mốc, Thằng Tây qua chiếm nước mình v.v... Nhưng có lẽ, trong các tài của ông, nổi bật nhất là tài hát hò khoan đối đáp và dạy hát cho nhiều người. Ai cần ông giúp gỡ bí, mách nước, hoặc tráo trở bằng câu hát, Trần Hàn đều sẵn sàng ra tay, vắt óc tìm ra những lời đáp “tuyệt chiêu” để hạ đối phương.

 

Một ngày nọ, ông lên thăm chơi người bạn thân lâu ngày không gặp ở làng Bình Yên (xã Quế Phước, huyện Quế Sơn hiện nay) lâu ngày không gặp. Mấy cô gái cũng là những người ham hát hò, gặp ông, có ý muốn thách hát thử tài ông. Các cô ra điều kiện, không những hát thật hay, mà còn phải có tên một ngọn núi ở đây là Dùi Chiêng. Trần Hàn suy nghĩ chốc lát, rồi mỉm cười đọc ngay mấy câu, sau đó ông cất giọng hát trọn bài: 

Tôi đây khách lạ qua đường
Các cô bảo hát với nàng Dùi Chiêng
Ngày mai đáo dốc Bình Yên
Các cô ở lại có Chiêng không
Dùi Ra về lắm nỗi bùi ngùi
Một mình dưới nớ có Dùi không
Chiêng Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Gặp đây có bạn, có Chiêng, có Dùi.

Tất nhiên với bài hát này, các cô chỉ biết có nghe và phục cái tài hát ghẹo của ông mà không có cách nào nghĩ ra cách hát đáp lại được. 

Có lần Trần Hàn xuống huyện Duy Xuyên, cũng vậy, biết ông là người hay đối đáp xách mé, mấy chị hát hò khoan có tiếng ở đây, trong đêm gặp ông liền mở lời: 

Gặp mấy chàng xin hỏi mấy chàng
Cây chi mà đứng bên đàng
Thực bất tri kỳ vị, hỏi chàng, cây chi?

Dùng cách nói lái, Trần Hàn ứng khẩu đáp ngay, làm các cô phải che mặt xấu hổ: 

Cây chi mà đứng bên đàng
Đó là “cây đặt” hỏi nàng đúng không?
Bốn mùa ra trái trổ bông
Thực bất tri kỳ vị ai trồng nấy ăn.

Thế nhưng, thực tài của Trần Hàn không tránh khỏi nghịch cảnh cay đắng như người xưa từng nói: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” (Người giỏi ắt có người giỏi hơn mình). Đó là quy luật tất yếu, mà trong quãng đời thi thố tài hát đối đáp của Trần Hàn đã gặp phải đến ba lần hát xướng thua cuộc chua cay. Thậm chí và oái oăm thay, cả ba lần hát đối, thảy đều thua ba người phụ nữ non trẻ và xinh đẹp đến không ngờ. 


Hát hò khoan đối đáp ở tỉnh Quảng Nam

Lần thứ nhất, trong một buổi hát ở làng bên, Trần Hàn gặp một người phụ nữ dáng chân quê, rụt rè, cô thôn nữ này vốn biết tiếng tăm Trần Hàn, vào đám rồi, cô đánh liều chủ động xin được mở lời hát trước. Trần Hàn tươi cười, sẵn sàng đón nghe: 

Trần ai gặp lúc cơ hàn,
Rổ đan mặt mốt xuống làng mót khoai.

Lời hát quả rõ ràng, bộc trực, chặt chẽ, mô tả đúng người, đúng việc. Gặp thiên tai hoạn nạn, lâm cảnh cơ hàn, cũng có lúc phải đi xin ăn. Nhưng nào phải thế. Ai cũng biết đây là câu hát “độc”, nhằm vào Trần Hàn (Trần ai, là họ Trần của ông; cơ hàn, Hàn là tên ông; rổ đan mặt mốt, là mặt ông rỗ chằng rỗ chịt do bị bệnh đậu mùa và mặt mốt, nói lái là một mắt, ông bị chột chỉ còn một mắt). 

Trần Hàn không thể nào hát đối lại được câu hát lắt léo này. 

Lần thứ hai, ở một buổi hát, có khá đông người tham gia, Trần Hàn gặp một cô gái, trước đó đã có những câu hát tinh tế đối đáp linh hoạt, cô bày tỏ lòng ái mộ và tán tụng về tài trí hát kiến tại của Trần Hàn và xin hát hầu ông mấy câu: 

Nồi, niêu, trách để hững hờ
Sụp giàn, xán bể đợi chờ hàn the

Câu hát này không kém phần hóc búa và ngạo mạn, rất khó đối. Vì cùng một lúc lôi cả tên ông (Hàn) và cùng bốn bà vợ lớn nhỏ của ông (hai chị em Nồi, Niêu và Trách, Xán) ra bêu riếu. Trần Hàn đành chịu thua.

Câu này, có nơi có lời hát khác:

Nồi, niêu, tích để hững hờ
Sụp giàn xán bể đợi chờ hàn the

và cho rằng bốn bà vợ của Trần Hàn có tên là Nồi, Tích, Hững, Xán, chứ không phải là Nồi, Niêu, Trách, Xán.

Lần thứ ba, và có lẽ đây chính là lần đã kết thúc, khép lại quãng đời say mê và thi thố tài hát hò khoan đối đáp ở tuổi 49 của Trần Hàn.

Ở lần hát này, ông đã gặp một cô gái có nhan sắc mặn mà, mới tuổi mười tám đôi mươi. Vào cuộc hát, diện kiến với Trần Hàn, cô gái ân cần lễ phép và thưa với ông, rằng từ lâu cô hằng ngưỡng mộ và ước ao được gặp và hát cùng ông. Cô còn thổ lộ không chút ngượng ngùng, nếu hát với nhau, mà ông đối đáp lại được thì cô sẵn sàng làm người “nâng khăn sửa túi” cho ông suốt đời, mặc dù biết ông đã có thê thiếp nhiều rồi. 

Trước lời nói ngọt ngào gần như lời “cầu hôn” và cũng ẩn ý thách thức của cô gái, Trần Hàn khó lòng thoái thác. Ông mời cô gái hát trước. Cô gái liền chủ động cất giọng:

Quần em rách dọc, rách ngang
Thầy liệu, thầy hàn em trả công cho!

Ngôn ngữ bình dị, thật tình và cũng đáng thương (quần em bị rách), dịu dàng lễ phép (xưng em, xưng thầy), nhẹ nhàng tình cảm (thầy liệu, thầy hàn) và cũng hàm ơn trọng nghĩa (trả công cho). 

Một câu hát thâm ý, ngạo mạn, lời mới nghe thì thanh nhưng lại tục và hỗn xược. Thầy liệu, có ý thầy xem được thì làm, mà cũng là tên cha của Trần Hàn là: Thầy Liệu. Thầy hàn là làm lại cho kín, khỏi rách, hàn cũng là tên ông: Trần Hàn. Quần rách có đường dọc, đường ngang là rách ngay giữa đũng quần. Cha con ông vá (hàn) lại được thì cô trả công cho!

Câu hát này không chỉ Trần Hàn không tìm ra được câu chữ thật đối xứng, hiểm hóc để đáp lại, mà còn đưa đến cho ông cái nhục, cái uất tột đỉnh. Hôm đó, ông lặng lẽ về nhà rã rượi rồi đổ bệnh thổ ra máu, và chẳng bao lâu, Trần Hàn qua đời ở tuổi trung niên(2). 


Tiếng ai như tiếng Trần Hàn
Con ông Quyền Liệu ở làng Xuân Quê

Ông là cụ Tú Trần Hàn. Ông nổi tiếng bởi thiên phú bẩm sinh ở chỗ tài trí, sáng tạo đặc biệt hơn người. Bởi ông quá say mê nghiệp hát, muốn thoát ra những ràng buộc ở lũy tre làng cố hữu, vui thú yên hà, bầu bạn với những con người cùng sở thích. Có khi dễ dãi, có lúc quá đà mà ông phải nhận nỗi bất hạnh của “cuộc chơi” “sinh nghề tử nghiệp”.

Thật đáng để yêu quý lắm thay!

Quảng Nam, 2019
_____

(1) Kiến tại: hát ứng tác, sáng tác tại chỗ, vừa nghĩ ra vừa hát.

(2) Chắc rằng, các câu này đều do các Nho sĩ khác muốn hạ Trần Hàn, mớm cho các cô gái. (HV)
 

HOÀNG HƯƠNG VIỆT