Đó là lời của Ban biên tập tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư (tháng 5-2011) nhân đăng bài viết của GS Nonna Vladimirovich Stankevich “Những năm tháng khởi đầu tuyệt vời của chuyên ngành Việt Nam học”(1).
Vào đầu những năm 1960, tôi đang công tác ở khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, có dịp gặp nhiều cán bộ trẻ của Liên Xô sang công tác. Họ là những nhà Việt Nam học đầu tiên đến Việt Nam. Tôi nhớ có I.P. Zimonina xinh đẹp, V.S. Panfilov thanh tú có hàng ria đẹp, hay mặc áo ca rô và chân đi hơi khập khiễng… Và vợ chồng Nguyễn Tài Cẩn - Nonna Stankevich cũng về nước vào dịp này. Hai ông bà được phân ở ngôi nhà hai tầng bên cạnh cơ sở II của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đối diện với trường Albert Sarraut cũ. Nhà có vườn, kiến trúc hơi cổ nhưng đẹp mắt. Cụ già bố Giáo sư Cẩn cũng ra ở cùng. Nhà có con dâu Tây nên cũng phải điều chỉnh cách sống. Ông cụ thường mặc cả bộ pyjama sọc đi lại nhanh nhẹn và có thói quen hút thuốc lào nhả khói, điều này thật không hợp khi trong nhà có một cô dâu Tây. Bà Nonna là con gái Nga thuộc gia đình nền nếp. Dáng người cao, tóc vàng cắt ngắn, vẻ dịu dàng. So với GS Cẩn thì có phần so le, ông thấp hơn một chút, ăn mặc giản dị và có phần xuềnh xoàng nhưng ông có sức hấp dẫn trí tuệ và ngôn luận. Ông năng động, đối thoại linh hoạt, nhiều sáng kiến. Ngược lại bà Nonna lại lặng lẽ có chiều sâu, thỉnh thoảng mỉm cười hoặc cám ơn theo nghi
lễ hoặc nói đôi câu pha chút giọng Nghệ. Điều này cũng dễ hiểu vì thầy giáo cận kề quê gốc ở Nghệ An. Hai ông bà sống với nhau hơn nửa thế kỷ có hai con trai là Nguyễn Tài Việt và Nguyễn Tài Nam. Bà Nonna là người vợ hiền, người mẹ chăm sóc con học hành đến trưởng thành. Mối tình giữa hai người nảy nở như thế nào còn là điều ít người biết đến nhưng có lẽ duyên đầu là sự cảm phục với thầy giáo Việt thông minh, “ngạc nhiên trước sự hiểu biết của ông về văn hóa cổ điển Trung Quốc”, rồi vốn kiến thức được giáo dục trong gia đình Nho học. Và cứ thế tình yêu khoa học có thể mở đường cho nhiều nẻo đường mới mẻ. Trong bài viết bà ít nói về chồng mà chủ yếu là về khoa học, về sự hình thành và phát triển của ngành Việt Nam học ở Nga. Tuy nhiên tình cảm cũng hé lộ đôi điều qua trang viết.
“Mùa hè đầu tiên ở nước Nga, Nguyễn Tài Cẩn thường lên nhà nghỉ cuối tuần của Bystrov ở Kavgolovo. Ở đó Nguyễn được tiếp xúc với thiên nhiên và đời sống tự nhiên nước Nga. Tôi cũng thường có mặt ở đó. Chúng tôi thường có những chuyến đi bộ dài trong rừng hay bơi thuyền qua hồ. Trong những chuyến đi ra ngoài vùng ngoại ô Petersburg nổi tiếng cũng như những lần đưa Nguyễn đến các cửa hàng sách trong thành phố, anh mau chóng trở thành khách hàng thường xuyên của các nhà sách. Trong những chuyến đi lúc đó, lúc đầu chúng tôi trao đổi với nhau bằng cả tiếng Hán và tiếng Việt, nhưng về sau tiếng Việt thường xuyên hơn và nhiều hơn”(2).
Kín đáo quá, người viết không lộ nhiều nét riêng tư nhưng phải chăng chính giai đoạn này, những chuyến đi chơi trong rừng, những cuộc bơi thuyền đã tạo nên một quan hệ mới giữa hai người. Thiên nhiên thường là người đưa duyên như cách nói của Xuân Diệu trong bài Thơ duyên. Giữa thiên nhiên tươi đẹp, gợi cảm khiến cho con người không thể vô tâm cho dù bên ngoài có vẻ như thản nhiên.
Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững thững chẳng theo gần
Vô tâm nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần
Thiên nhiên Nga đẹp. Nào rừng Nga thu vàng và mùa tuyết trắng, nào hồ Nga và trai gái bơi thuyền sóng đôi, khung cảnh đẹp đến nao lòng, xóa đi khoảng cách nhân thế nhất là trong tuổi thanh xuân. Không khí ấy dễ quên đi những ràng buộc ở phương trời xa.
Ai hay tuy lặng bước thu êm
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em.
(Thơ duyên)
Và chuyện gì phải đến đã đến, người con gái Nga đã gắn bó đời mình với chàng trai phương xa.
“Thuyền theo lái, gái theo chồng”. Về Việt Nam mấy năm đầu trong điều kiện đất nước hòa bình còn dễ chịu tuy có nhiều bề xa lạ. Chiến tranh bùng nổ, nhà trường sơ tán lên Thái Nguyên, vùng núi Ký Phú, Đại Từ. Bà Nonna không tạm về nước trong thời gian có chiến tranh mà lên vùng sơ tán. Thật khó hình dung hết những khó khăn của vùng quê xa lạ. Có người nhận xét rằng ở Việt Nam rét hơn ở Nga, tuy không có tuyết nhưng phải chịu rét suốt ngày, lại độ ẩm cao và có gió. Tôi không được biết căn nhà dân mà ông bà ở. Vùng quê này chợ búa xa, đi lại khó khăn. Tôi đã một vài lần gặp bà đến nhà bếp của khoa Văn, nơi nấu ăn cho cán bộ và phát gạo cho các gia đình. Bà Tuấn thủ kho thấy Nonna đến liền tươi cười phát gạo và nhu yếu phẩm. Nonna đội nón, mặc quần lụa đen và áo ngắn sẫm màu, chân đi dép cao su, bà đeo ba lô và đựng gạo lãnh được trong ba lô. Trông xa như một bà nông dân, dáng cao cao, rảo bước trên con đường quê. Nghĩ mà phục, mà cảm thương. Bà là người có bản lĩnh vượt qua khó khăn với niềm vui tự nhiên. Trong một lần họp, bà có những ý kiến rất sâu sắc: “Trước những thử thách của hiện tại tôi luôn nghĩ tới những người thầy của tôi ở Saint Petersburg trong chiến tranh chống Đức xâm lược… Họ là những tấm gương cho tôi hôm nay”. Cuộc sống khó khăn ở nơi sơ tán vẫn không hạn chế những nỗ lực của Nonna Stankevich trong nghiên cứu khoa học. Bà được Hội đồng Nhà nước phong tặng danh hiệu giáo sư vào năm 1984. Các công trình nghiên cứu có giá trị được ghi nhận. Nonna được xem là một trong “tứ quý” của khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp cùng với ba chị Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Hoàng Thị Châu. Các chị đều là Nhà giáo nhân dân được phong hàm giáo sư, phó giáo sư. Giỏi ngoại ngữ, kiến thức uyên thâm về chuyên ngành, mẫu mực trong lối sống. Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm và cao hơn thế nữa nhưng vẫn say mê nghiên cứu viết sách. Trong bộ “tứ quý”, bà Nonna có những công trình khoa học. Theo Phó giáo sư ngôn ngữ học Vũ Đức Nghiệu trong bài viết về bà Nonna thì bà vốn có kiến thức sâu về Hán học, ngữ văn Trung Quốc rồi nghiên cứu về văn xuôi tiếng Việt cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Lĩnh vực nào bà cũng thu được những kết quả đáng trọng(3). Hai cuốn sách về ngữ học của bà: Loại hình các ngôn ngữ (viết riêng), Ngữ pháp tiếng Việt (viết chung với Bustrov và Nguyễn Tài Cẩn). Bà Nonna là nhà Việt Nam học người Nga có thâm niên và có đẳng cấp nên các công trình quan trọng dịch thuật từ Việt sang Nga đều được bà chuyển dịch hoặc hiệu đính, từ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bài viết của Chủ tịch Phạm Văn Đồng và các lãnh đạo cao cấp. Công việc nhiều, bà Nonna làm chu đáo không nề hà, GS Nguyễn Tài Cẩn tâm sự chân tình: “Cấp trên giao phó thì phải gắng thực hiện thôi. Cũng là một nhiệm vụ chứ. Nhưng mà ở mình có nhiều việc nó buồn cười lắm. Nhất là những tài liệu làm việc của những đoàn thuộc bộ nọ ngành kia, hội này hội khác. Cứ như bỏ bom. Mai hoặc cách vài ba ngày nữa lên đường thì hôm nay mang đến “nhờ chị giúp cho”. Thế là cô lại phải cố. Thức đêm thức hôm…”(4).
Bận công việc nhiều nhưng bà Nonna vẫn dành thì giờ chăm sóc bố chồng và các con chu đáo. Chuyện kể có lần hai ông bà nghỉ trưa thì có khách đến. Ông không muốn tiếp vào giờ nghỉ trưa và bảo con nói là bố cháu đi vắng, chiều bác lại. Bà Nonna nhắc nhở chồng “Anh không được bảo con nói dối”. Bà cũng quan tâm đến bè bạn, nhất là các chị trong khoa. Nhà ở khu chợ Giời có cây phong lan nhiều hoa, Nonna làm những phong bì nhỏ rồi cho hoa vào và gửi tặng các bạn. Chuyện nhỏ nhưng cũng nói lên tình cảm của bà với mọi người.
Qua nhiều năm không gặp, tháng 5-2002 tôi có dịp gặp lại GS Nguyễn Tài Cẩn và GS Nonna Stankevich nhân dịp Hội thảo Euro Viet V tổ chức ở Saint Petersburg, Nga. Đại biểu ngành ngôn ngữ và văn học họp chung một bàn. Có nhiều nhà ngôn ngữ Nga nổi tiếng và tôi đã nhận ra V.S. Panfilov đã sang Việt Nam từ đầu những năm 1960. Hơn bốn mươi năm rồi, ông đã già nhiều nhưng nét mặt đẹp và hàng ria vẫn gây ấn tượng. Bà Nonna Stankevich có già đi chút ít nhưng dáng người khỏe và đậm hơn. Ông, bà vui vẻ bắt tay được gặp lại bạn cũ từ Việt Nam sang. Vẫn dáng điềm đạm, lặng lẽ như năm xưa nhưng khi trình bày báo cáo khoa học và tranh luận với các nhà ngôn ngữ học Nga, tôi nhận thấy ở bà ý chí mạnh mẽ khẳng định các luận điểm khoa học của mình. Đúng là cuộc đời của bà tập trung vào sự nghiệp khoa học. Tình yêu bắt đầu từ đấy và chính khoa học cũng góp phần nuôi dưỡng bảo vệ tổ ấm gia đình trong suốt nửa thế kỷ. Bà ít nói đến chồng, đến chuyện riêng tư nhưng trong văn mạch ngầm tình yêu ấy bộc lộ kín đáo, thể hiện trong phần cuối bài viết in trên tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư.

GS Nonna Stankevich (giữa) với sinh viên khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp (Ảnh của GS Đinh Văn Đức)
“Còn những quan hệ đã hình thành trong quá trình làm việc thời kỳ đó sẽ được chúng tôi giữ mãi trong tâm khảm của mình cho đến khi thời gian chưa cắt đứt sợi dây liên hệ giữa chúng tôi bằng cách cướp đi người này hay người khác trong số những nhà Việt Nam học thời kỳ đó. Nhưng trong lịch sử ngành Việt Nam học, St. Petersburg sẽ mãi ghi nhớ tên tuổi của những người đã đặt nền móng đầu tiên cho chuyên ngành khoa học này. N.A. Andreev, L.S. Bystrov, M.V. Gordina, V.S. Panfilov, Nonna V. Stankevich tác giả của những bài viết này và những người sau đó làm việc ở Moskva như I.P. Zimonina, D. Letpagin và tất nhiên lịch sử chuyên ngành Việt Nam học sẽ mãi ghi nhớ Nguyễn Tài Cẩn, người mà trong dịp mừng thọ 80 tuổi được giới khoa học Việt Nam coi là nhà khoa học nổi tiếng, tác giả của các công trình đặt nền móng cho các chuyên ngành về tiếng Việt, về lịch sử ngôn ngữ, lịch sử văn học và văn hóa Việt Nam”.
Đó là những nhận xét chân tình của Nonna Stankevich về người bạn đời, mà đúng hơn là của một nhà khoa học với một nhà khoa học.
Nói đến GS Nguyễn Tài Cẩn là nói tới một nhà khoa học đầu ngành, sắc sảo, trí tuệ với nhiều công trình ngôn ngữ, Hán Nôm có giá trị. Giới ngôn ngữ học có một đội ngũ đông đảo nhiều tài năng thuộc nhiều thế hệ nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là hai nhà khoa học, hai giáo sư Nguyễn Tài Cẩn và Cao Xuân Hạo. Một lần tôi nói với ông “Ở khoa Ngữ có hai người có tài năng là anh và anh Cao Xuân Hạo”, ông cười và bảo “Hạo là tài năng còn mình là tài cẩn”. Con người thông minh và dí dỏm ấy luôn có những ứng phó bất ngờ và thú vị trong giao tiếp. Sau khi ông mất ở Nga, giới ngôn ngữ học đã tổ chức hội thảo khoa học vào ngày 26-3-2011 với tiêu đề “Tọa đàm khoa học: Tưởng nhớ Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn” với 25 bản báo cáo khoa học, tham luận. Các bản báo cáo khoa học vừa có tính khoa học vừa hàm chứa lòng cảm phục, biết ơn người thầy, nhà khoa học có nhiều cống hiến cho nghiên cứu, giảng dạy. GS Đinh Văn Đức: Vài tiểu khúc về thầy tôi. GS Nguyễn Thiện Giáp: Tôi đã nhớ và làm theo lời thầy dạy. GS Trần Trí Dõi: GS Nguyễn Tài Cẩn với những cống hiến trong nghiên cứu chữ Nôm. GS Phạm Văn Tình: Một khoảng trống mênh mông. GS-TS Nguyễn Văn Lợi: Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt của GS Nguyễn Tài Cẩn - thành tựu và những điều gợi mở…
GS Đinh Văn Đức cho biết, các công trình tiêu biểu của GS Nguyễn Tài Cẩn được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh gồm: Ngữ pháp tiếng Việt (tiếng - từ ghép - đoản ngữ), Lịch sử nguồn gốc tiếng Việt, Nguồn gốc và sự hình thành cách đọc Hán Việt.
.jpg)
GS Nguyễn Tài Cẩn (1926 - 2011)
Đối với các công trình ngôn ngữ tôi là người ngoại đạo, nhưng GS Nguyễn Tài Cẩn nhà khoa học đời thường tôi lại có dịp tiếp xúc và chuyện trò. Ông cởi mở, vui tính, chân tình. Làm chủ một gia đình có một ông bố nho phong, một bà vợ Nga và hai con đòi hỏi cách xử sự khôn khéo linh hoạt. Điều may mắn là bà Nonna là người phụ nữ giản dị, không chưng diện hình thức nên GS Cẩn và người bạn đời dễ hòa hợp với nhau trong cuộc sống. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải làm sao giải quyết các mối quan hệ gia đình, xã hội chu đáo. GS Nguyễn Tài Cẩn là người khéo tay. Ông gò những chiếc hộp đựng bánh to thành các hộp nhỏ để đựng thuốc lá, thuốc viên. Ông cũng là tay câu sát cá. GS Nguyễn Tài Cẩn và Hoàng Xuân Nhị đều là người câu cá giỏi, có nghề, thu hoạch tốt. Ông chăm làm để chiều chuộng vợ trong hoàn cảnh sống chật vật, khó khăn. Giáo sư kể là ông thường được bạn bè ở sứ quán Nga chiêu đãi mỗi lần lên có công việc hoặc thăm bạn. Đáp lại bằng cách gì? Một buổi thưởng thức trà với các loại trà ngon. Bếp đun nước sôi, bộ ấm trà gan gà và mấy chiếc chén nhỏ. Ông chỉ dẫn cho người bạn Nga cách uống trà của các cụ ngày xưa. Bên cạnh là các cuốn Vũ trung tùy bút rồi Vang bóng một thời với những trang sách về trà kể cho bạn nghe. Không nghi thức cầu kỳ như kiểu trà đạo của Nhật, mà thanh cảnh, có chất văn hóa, đậm sắc thái dân tộc. Bạn Nga khen và cảm thấy thú vị. Lại một buổi tiếp khách bằng món trứng vịt lộn. Theo GS Cẩn kể lại cũng không kém phần cầu kỳ. Ba quả trứng vịt luộc trong xoong nước sôi được vớt ra cho nguội dần. GS Cẩn bóc và lấy dao cắt quả trứng bình thường lòng trắng ôm lòng đỏ, bóc vỏ và cắt quả thứ hai, quả trứng đã chuyển và bắt đầu có mầm của vịt con. Đây là quả trứng để đãi bạn. Quả thứ ba được bóc ra đã hình thành con vịt. Khách nhìn sẽ lắc đầu. GS Cẩn cho biết người Việt Nam quen ăn quả trứng lộn nửa chừng. Ông lấy cho khách một chút gừng, rau răm, chút muối, hạt tiêu. Khách ăn dè dặt, gật gật đầu và tỏ ra ưng ý vì món quà của ít lòng nhiều này. GS Cẩn cũng là người chu đáo với gia đình ngoại. Trong những chuyến đi thực tế ở vùng rừng núi ông chọn các vật có thể làm quà kỷ niệm. Ông tặng cho bố vợ một dây đeo chiếc móng hổ nạm bạc. Ông mua những con tò he có hình thù hấp dẫn về đặt trong các hộp làm bằng bìa cứng trên dán giấy bóng, không quên đề hàng chữ tặng các em và ghi chú không được ăn vì có chất hóa học. Ông là người chu đáo tỉ mỉ, tạo cho không khí gia đình êm ấm để làm khoa học. Sự say mê khoa học không có giới hạn và như quên hết thời gian cho công việc. Đó cũng là đức tính chung của các nhà nghiên cứu lâu năm thành danh. Dường như lúc nào ông cũng cầm bút ghi ghi chép chép ngay cả trong cuộc họp. Ông cười và bảo “Mình có mẹo của mình”. Vào họp phải nắm nhanh vấn đề và phát biểu một ý gây ấn tượng, rồi còn lại toàn bộ thời gian là của mình làm việc riêng. Không thể lãng phí. Hội nghị thường là nơi dễ bàn chung chung mất thời giờ. Ông là người của công việc, tận tụy và hiệu quả trong công việc. Thời gian cứ thế trôi qua chẳng mấy chốc ông đã vượt tuổi tám mươi, tuổi của mệt mỏi, bệnh tật. Không ngoài quy luật, sau một thời gian đau ốm ông qua đời tại Nga ngày 25-2-2011. Một thời gian sau gia đình ông đã đưa ông về quàn tại quê hương để lại ở nơi phương trời xa một người vợ Nga nhân từ, chung thủy, hai người con trai và một cháu đích tôn - Tình yêu khoa học và tổ ấm gia đình GS Nguyễn Tài Cẩn và bà Nonna Stankevich là tấm gương gần gũi với thầy giáo và sinh viên trong trường.
Gần hai năm sau ngày mất của GS Nguyễn Tài Cẩn, bà N.V. Stankevich viết bài “Nguyễn Tài Cẩn như tôi tưởng nhớ” Ôn lại những kỷ niệm của thời gian qua nhất là những năm sơ tán ở Việt Bắc, bà có những cảm nghĩ chân thực, nhân hậu của người phụ nữ có bản lĩnh: “Thời sơ tán mới thấy được thầy Cẩn dạy học trò như thế nào, nghiêm túc nhưng rộng lượng thương người. Học trò cũng trọng và thương thầy. Khi thầy bị “đấu”, bị phê bình oan, học trò không tham gia vụ đấu ấy, đa số bạn đồng nghiệp ủng hộ thầy. Riêng đối với tôi thời gian sơ tán ở Đại Từ, Bắc Thái rất bổ ích. Lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với thiên nhiên Việt Nam, được thấy bốn mùa thay nhau ở vùng trung du, có núi, thung lũng, có suối chảy giữa đồng ruộng, được tiếp xúc với đời sống nông thôn, nhà tranh cạnh đồng ruộng, bác nông dân đi cày hoặc gieo mạ, ăn tết ở làng quê. Trước đây khi ở thành phố tôi phiên dịch văn xuôi thật khó hình dung thực tế nhà văn nhà báo miêu tả hoặc khó hiểu cách so sánh, cách ví của tác giả, nay được tai nghe mắt thấy mới hiểu được những cảnh trâu đực húc nhau trông sợ thật, trâu điên ví với xe tăng cũng được. Tiếng máy bay B-52 bay xa cũng giống tiếng cối xay thóc. Mùi thơm lúa chín ngoài đồng, mùi hương cau, hoa bưởi trong vườn. Vị nhạt nước vối, vị chát nước chè xanh”.
Và cuối cùng là những dòng đằm thắm nói về người bạn đời của mình: “Nghĩ đến cuộc đời của Nguyễn Tài Cẩn thì thấy được một con đường thẳng, vượt nhiều khó khăn vật chất và tinh thần khó khăn chung cho cả nước và khó khăn riêng tư, một con đường tìm tòi đi lên cao. Nghĩ đến con người Nguyễn Tài Cẩn, thì lại sực nhớ tới câu thơ của nhà thơ Nga nổi tiếng Sergei Esenin: Thường chẳng nhận ra nhau khi đối diện, Xa ngoảnh lại nhìn mới thấy lớn lao”(5)
(1), (2) N.V. Stankevich: “Những năm tháng khởi đầu tuyệt vời của chuyên ngành Việt Nam học”, tạp chí Từ điển văn học và Bách khoa thư, tháng 5-2011.
(3), (4) Vũ Đức Nghiệu: “Cô Nonna - Giáo sư N.V. Stankevich”, ussh, vnu.edu.vn
(5) N.V. Stankevich: “Nguyễn Tài Cẩn như tôi tưởng nhớ”, tạp chí Từ điển văn học và Bách khoa thư, tháng 11-2012.