HV145 - Đóa hồng của Sofia

Năm 1973 khi Mỹ và ta đang ngồi vào bàn đàm phán tại Paris về chấm dứt chiến tranh để Mỹ rút quân trong danh dự, thì 6 phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam và Xưởng phim Giải phóng được Đài phát thanh và truyền hình Sofia (Bulgaria) mời sang để trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực phát thanh và truyền hình. Đúng ra đây là bạn tạo cơ hội để giúp đỡ kinh nghiệm làm nghề, ngược lại bạn sẽ nghe được tiếng nói từ người thật việc thật của đoàn ta từng trải trên chiến trường Việt Nam. 

Ngoài việc được sang Bulgaria coi như một chuyến tu nghiệp thì chúng tôi luôn ám ảnh về một xứ hoa hồng với cánh đồng 700 ngàn mẫu bạt ngàn nơi xứ bạn. 

Quả thật đó như một cánh đồng thần tiên. Trong những tháng đầu năm 1974, chúng tôi được thông báo của Đài truyền hình Sofia về một chuyến tham quan thung lũng hoa hồng. Đó cũng là dịp truyền hình Bulgaria thực hiện một phóng sự tài liệu về hoa hồng Bulgaria theo yêu cầu của nước Pháp - một nước mà lâu nay đã dày công nghiên cứu về thứ hoa hồng vừa to vừa đỏ thắm lạ thường, đặc biệt là mùi hương độc đáo khó tả mà chỉ có Bulgaria mới có được. 

Chúng tôi đến thăm thung lũng hoa hồng bằng trực thăng. Thứ trực thăng gợi chúng tôi nhớ đến bầy “cá lẹp”, “cá rô” của quân Mỹ đầy trời ở chiến trường miền Nam. Chiếc trực thăng với hai cái máy quay chiếm hai cửa hai bên, nâng chúng tôi lên cao độ 300m trên không rồi bay thẳng đến thung lũng hoa hồng Gagaluc. Đạo diễn Paven Pavlov chỉ cho chúng tôi qua cửa sổ trực thăng một con sông màu xanh ngọc bích đang hiện ra bên dưới, đó chính là sông Danube. Dòng sông lượn chảy như một tấm lụa giữa bạt ngàn cây xanh. Và thung lũng hoa hồng Gagaluc dần hiện ra mênh mông một màu đỏ thắm. 

Paven nói rằng cho đến bây giờ đất nước Bulgaria đã qua trên dưới 700 năm với 7 lần dời thủ đô, và thung lũng hoa hồng này đã đi cùng dòng lịch sử của đất nước. Chúng tôi sững sờ nhìn cả trời đất toàn một màu hồng đến tận chân trời, và chợt nhớ tới lời ông Hà Huy Giáp về ước mơ của ông nếu một Đồng Tháp Mười cũng trở thành thung lũng toàn hoa sen thì sẽ kỳ diệu biết bao. 

Rồi Paven bảo: “Nào, chúng ta chuẩn bị để ngửi hương hoa hồng từ trên trời nhé!”. Liền sau đó chiếc trực thăng giảm tốc độ và hạ dần độ cao từ 300m xuống 100m rồi thấp hơn nữa, chúng tôi có cảm giác như mình bước ra sẽ chạm được từng đóa hoa hồng. Nhưng điều hết sức ngạc nhiên là từ dưới cái mênh mông hoa hồng ấy, là rừng, là cánh đồng... hay là biển hoa hồng, từ dưới đó gió trời mang lên một mùi thơm đến choáng ngợp đầu óc, mùi thơm của thung lũng hoa hồng kỳ diệu phả vào chúng tôi. Trong chiếc trực thăng trên cao, thậm chí khi trở về, chúng tôi còn ngửi được mùi hoa hồng trên quần áo mình. Paven còn thú vị nói rằng, người Pháp mấy chục năm qua luôn kiên trì theo đuổi nghiên cứu để đưa giống hoa hồng Bulgaria sang trồng trên đất Pháp nhưng chưa thành công, không hiểu vì sao, vì vậy họ đi đến kết luận là chỉ còn cách bứng cái đất nước Bulgaria này sang nước Pháp mà thôi! 

Paven nói:
- Đó là hoa hồng của Bulgaria từ lâu được thế giới tôn vinh, nhưng chúng tôi còn có một thứ hoa hồng biết nói. 

Bấy giờ là cuối năm 1974 sang 1975. Đêm giao thừa của Tết Việt Nam là ban ngày của Bulgaria. Điều chúng tôi đang cần là một nơi có thể chứa chỉ độ 12 người. Nhưng chỗ ở của chúng tôi không đáp ứng được, tôi đành phải nhờ sự giúp đỡ của Paven Pevlov. Anh hỏi chúng tôi cần cái phòng như thế để làm gì, tôi cho anh biết là chúng tôi cần cái phòng để tổ chức bữa ăn vào dịp năm mới theo tục lệ của Việt Nam, đồng thời mời anh và bạn bè 6 người ngang bằng với số người của đoàn chúng tôi. 

Paven cười bảo “đó là chuyện nhỏ, tôi sẽ tìm một nơi rộng rãi hơn. Vậy là chúng tôi có dịp được hưởng cái Tết của Việt Nam xem nó ra sao”. Chúng tôi bảo là “phòng ăn thôi, chẳng có nghi lễ gì đâu. Chúng tôi chỉ chiêu đãi các bạn một món ăn mà tin chắc các bạn chưa bao giờ được thưởng thức”. Anh tò mò hếch mũi hỏi cái món ấy tên là gì, tôi bảo nó có tên là chả giò. Anh ta giỏng tai nghe và cố gắng lặp lại rồi phá ra cười: Tr...ã Gò... Nhưng còn thứ không đào đâu ra ở xứ sở châu Âu lúc ấy là bánh tráng để gói, nếu không cầu cứu ở Sứ quán. Chúng tôi được cung cấp thứ bánh tráng hình tròn chỉ bằng chiếc đĩa nhỏ để gói thịt heo xay nhuyễn mua ở chợ thành thứ chả giò chiên với cái chảo đầy bơ. Đạo diễn Paven Pevlov đưa chúng tôi đến một chung cư khá rộng, không quên giới thiệu một cô gái Sofia xinh như mộng là chủ của khu nhà.

- Đây là Romiena, trưởng phòng biên tập nhạc của Đài phát thanh Sofia. 

Và khi cô được biết đoàn của chúng tôi từ Việt Nam sang thì ồ lên rồi ôm chầm từng người chúng tôi. 

- Việt Nam... Việt Nam! 

Trong khi chúng tôi xắn tay áo lên trổ tài làm món chả giò thì cô chủ Romiena bước vào và trố mắt nhìn hai cô gái trong đoàn chúng tôi đang khéo léo cho thịt vào giữa cái bánh tráng, tay thấm vào chén nước lã rồi cuốn cái bánh tráng lại cỡ bằng ngón tay, cho vào chảo bơ sôi sùng sục. Chả giò Việt Nam chiên bơ, ngay lúc còn ở bên nhà và cả khi sang đây ông Phạm Tự Do ở đại sứ quán cho biết nó là một món ngon mà cả châu Âu ưa thích. Ông còn dặn chúng tôi nên ướp thịt đầy đủ gia vị: bột ngọt, tiêu, hành, tỏi và lượng muối sao cho vừa ăn, là bởi dân châu Âu không ăn chả giò cuốn rau chấm nước mắm như Việt Nam. 

Romiena ăn ngay một chiếc chả giò, vừa nhai vừa đưa ngón cái lên kèm theo lời khen “Ô chin kha va cô” (ngon lắm). Ngay sau đó cô như sực nhớ liền nói “Tôi có một người bạn Việt Nam là nhạc sĩ cùng học với nhau ở trường Quốc gia Âm nhạc Bulgaria trước đây”. Chúng tôi hỏi anh ấy tên gì. 

- Hoàng Việt - Romiena cố phát âm cho đúng cái tên Hoàng Việt một cách khó khăn, và cô hỏi chúng tôi có biết Hoàng Việt không.
- Rất biết, đó là một nhạc sĩ tài hoa của Việt Nam và rất đẹp trai. 

Nhạc sĩ Hoàng Việt

Cô lại có vẻ xao xuyến nói rằng đã lâu rồi không liên lạc được với Hoàng Việt, không biết anh ấy đang ở đâu. Tôi xúc động nói cho cô biết là Hoàng Việt đã hy sinh rồi. Anh ấy chết năm 1967 trên đường từ chiến khu về thăm quê nhà ở Cái Bè tận miền Nam Việt Nam. Tôi hoàn toàn không ngờ lúc ấy Romiena tay đang nhón cầm cuốn chả giò thì cô như rụng rời, cuốn chả giò rơi xuống sàn nhà. Mặt cô ửng đỏ có lẽ vì xúc động, và hỏi chúng tôi:
- Thật thế sao? Hoàng Việt đã chết rồi sao? 

Tôi gật đầu vì không dám lên tiếng. Vừa lúc ấy đạo diễn Paven Pevlov từ ngoài bước vào, anh ta thấy không khí tự nhiên lặng lẽ và Romiena đang ôm lấy mặt… 

- Gì vậy… Gì vậy?... - Paven lo ngại hỏi.

Không ai nói nên lời và ngay lập tức Romiena bỏ chạy về phòng đóng sầm cửa lại. Chúng tôi linh tính biết đó là sự chấn động tâm lý của cô gái Sofia với người bạn đáng yêu là Hoàng Việt, nhưng không biết phải làm sao. Riêng tôi cảm thấy mình như người có lỗi đã gây ra nỗi đớn đau đó cho cô. 

Paven chạy theo, một lát sau anh ta trở lại liền hỏi tôi “anh nói những gì làm cho Romiena xúc động như thế?”. Tôi kể lại câu chuyện báo tin người bạn học của cô là nhạc sĩ Hoàng Việt đã hy sinh trên chiến trường miền Nam Việt Nam, vì cô muốn biết hiện Hoàng Việt đang ở đâu. 
- Ồ!... - Paven nhún đôi vai bất lực.
Đến khi nhập tiệc, khi các bạn Bulgaria đang thú vị với những cuốn chả giò giòn rụm của Việt Nam, thì sau một ngụm rượu Romiena đứng lên rời khỏi bàn tiệc, cô ta đi về phía đầu kia nơi đó có một chiếc piano. Tất cả bàn tiệc đều ngừng lại và dõi theo cái bóng trong chiếc váy màu đen đang đứng lặng trước cây đàn như một sự chiêm ngưỡng nghiêm trang đến thiêng liêng. Sau đó Romiena ngồi xuống và nàng như một nốt lặng trước khi một giọt âm thanh trong trẻo như từ thinh không rơi xuống thế gian... để rồi tiếp theo là những hạt buồn tê tái từ đâu, từ đâu vọng về cuốn mọi người về nơi nào xa lắm. 

Chúng tôi không hiểu được đó là bản nhạc gì nên cứ dõi theo. Nhìn những ngón tay trắng ngần của Romiena trên phím đàn, mười ngón tay ấy không hề có chiếc nhẫn nào cả.
Hai bàn tay thanh lịch nõn nà ấy ngưng lại. Một giây lặng... rồi bùng lên... bùng lên những giai điệu mà chúng tôi dần dần cảm nhận nó gần gũi với tâm hồn mình một cách lạ thường, đậm màu sắc Việt Nam. 

“Em đi cắt lúa trên ngàn. Còn anh chiến đấu sa tràng... Kháng chiến nhất quyết thành công...”. Chao ôi! Đó là giai điệu của một bài hát đầy mồ hôi và nước mắt... Nó nhấn chìm cả núi rừng miền Đông trong cơn bão lụt 1952, một cơn lụt đến voi cũng bị trôi đi vì lũ. Đó là trận lụt miền Đông năm 1952 mà ngay trong bão tố điêu linh ấy với cây guitar thùng người nhạc sĩ trẻ Hoàng Việt đã gởi hết lòng mình, gởi hết sự thông cảm khổ đau của mình cùng bão tố. Ôi! Thì ra Romiena đang đánh bài Lên ngàn của Hoàng Việt. 

Dĩ nhiên là chỉ có đoàn Việt Nam mới cảm nhận được bản nhạc Lên ngàn từ thời chống Pháp của Hoàng Việt. Romiena như trao hết nỗi niềm vào bản nhạc Việt Nam, nó như có một sức lay động phi thường trái tim chúng tôi, bởi một bài hát của cuộc kháng chiến vô cùng gian nan của Việt Nam bỗng nhiên được trổi lên từ đáy lòng một cô gái Bulgaria tận trời Tây! 

Trong chúng tôi một vài giọng ồ ồ vịt đực ca theo... và dường như nó có sức thôi thúc không còn chịu đựng nổi, Tuyết Mai, cô gái trong đoàn chúng tôi vụt đứng lên và đi nhanh đến bên cạnh Romiena. Tuyết Mai cất tiếng hát lượn theo tiếng đàn da diết của cô gái Bulgaria. “Kháng chiến nhất quyết thành công... kháng chiến nhất quyết thành công... Bao giờ kháng chiến thành công... anh về em thỏa ước mong...”. 

Và phòng ăn trở thành một khán phòng với những tiếng vỗ tay tán thưởng đầy xúc động của tất cả mọi người...

Sau khi bản nhạc chấm dứt và sau cái ôm của Romiena với Tuyết Mai, cô đi về phía chiếc tủ đầy sách và cầm trên tay một bức ảnh, chúng tôi nhận ra trong đó có hai người, một là Romiena còn trẻ và đẹp đến mê hồn, và một kia chính là khuôn mặt đẹp trai của nhạc sĩ Hoàng Việt. Không để chúng tôi kịp hỏi điều gì, Romiena nói rằng “Hoàng Việt thường đến đây cùng tôi tập những bản nhạc của nhà trường trên chiếc piano của mẹ tôi”, nói xong nàng như một đóa hoa hồng từ từ buông xuống chiếc ghế... ôm mặt…


Nguyễn Kế Nghiệp sinh năm 1931, quê Vĩnh Long, theo kháng chiến từ năm 1945, gia nhập Tiểu đoàn 307, sau đó tập kết ra Bắc, thuộc lính Sư đoàn 330. Về sau, ông được chuyển học Đại học Kinh tế từ những năm 60 nhưng ông lại mê nghề điện ảnh và làm việc ở Xưởng phim Giải phóng tại Hà Nội. Ông được đi tu nghiệp nghề phim ở Liên Xô, Nam Tư rồi theo học lớp đạo diễn phim truyện truyền hình ở Bulgaria từ năm 1973 đến ngày miền Nam giải phóng. 

Với vốn sống, vốn hiểu biết và thu thập thêm những hồi ký, tư liệu của các nhà cách mạng lão thành, ông chuyên trách mảng phim tài liệu thời chống Pháp ở hãng TFS. Bắt đầu bằng bộ phim về NSƯT Khương Mễ: Ông Lumière Tháp Mười, sau đó là một loạt phim: Tướng Lê Chân, Giấy bạc cụ Hồ ở Nam Bộ, Tiểu đoàn 307, Hồi ức về anh Hai Phạm Hùng, Cuộc không chiến lịch sử, Ông đặc phái viên của cụ Hồ, Biệt động Sài Gòn, Hoàng - Mai - Lưu, những nghệ sĩ tiên phong, Hồn cố quốc, Những năm 40 - chuyện bây giờ mới kể…

Ông là cộng tác viên thân thiết của Hồn Việt, đây là bài viết ông gửi trước Tết, nhưng tòa soạn chưa kịp đăng thì ông đã mất ngày 25-12-2019, hưởng thọ 89 tuổi. Hồn Việt xin đăng bài viết của ông với lời chia buồn sâu sắc cùng gia đình ông.

NGUYỄN KẾ NGHIỆP