HV145 - Chuyện con vật diệu kỳ của trái đất

Năm 1940 vào một ngày cuối tháng 8, quân Đức Quốc Xã tấn công chớp nhoáng đánh chiếm Paris - thủ đô nước Pháp. Nhà danh họa Picasso(*) trầm tư u uất ngồi lặng lẽ trong phòng họa của mình. Đột nhiên có một ông già hàng xóm bước vào. Hai tay ông nâng một con chim bồ câu trắng đã chết. Ông vừa khóc vừa nói: “Đứa cháu yêu quý của tôi đang cho chim ăn thì bị một lũ phát xít đánh chết. Ngay cả con chim bồ câu này cũng bị chúng dẫm chết. Thưa ngài Picasso, tôi cầu mong ngài vẽ cho tôi một con chim bồ câu để kỷ niệm đứa cháu tôi và con chim vô tội bị chúng giết chết”.

Picasso vừa an ủi ông già đau khổ vừa phẫn nộ, ông cầm bút vẽ một con chim bồ câu trắng. Năm 1949, Đại hội Hòa bình thế giới họp ở Paris, danh họa Picasso tặng bức tranh này cho đại hội. Cả ngàn người khắp năm châu về dự đều tán thưởng hoan nghênh. Từ đó con chim bồ câu trắng trở thành biểu tượng của hòa bình. Báo chí trên toàn thế giới đã đăng tải thông tin về sự kiện này.

Những năm nước ta kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ của chúng ta ở trên chiến khu Việt Bắc, những con chim hòa bình thân thiện này đã sống trong mái nhà sàn với Bác. Một buổi sáng tháng 5, nhà thơ Tố Hữu được lên thăm Bác, ông đã để lại cho chúng ta những vần thơ hay: “Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn/ Bác kêu con đến bên bàn/ Bác ngồi Bác viết, nhà sàn đơn sơ/ Con bồ câu trắng ngây thơ/ Nó đi tìm thóc quanh bồ công văn/ Lát rồi, chim nhé, chim ăn/ Bác Hồ còn bận khách văn đến nhà…”.


Loài chim bồ câu hiền hòa thân thiện với muôn loài là con vật diệu kỳ của trái đất (sách Động vật hoang dã). Tuy vậy chúng ta chưa biết nhiều điều bí ẩn về nó. Đặc biệt là “đôi mắt thần” của nó. Người xưa đã từng ca ngợi đôi mắt chim bồ câu “Ví có ngọc xanh rơi đáy suối/ Đôi bờ nước đục vẫn nhận ra”.  Đôi mắt “thiên lý” của bồ câu tinh tường đến mức nhìn con chim ưng bay lượn cao vút trên trời xanh xa hàng dặm nó đã nhận ra con nào là chim ăn xác chết, con nào đang săn mồi. Chim xa tổ lâu ngày, lúc trở về nó vẫn nhận biết ngay trong số rất nhiều tổ giống nhau, đâu là tổ cũ của nó. Và, trong đàn bồ câu cả ngàn con đang bay, nó nhận ra ngay con nào là bạn đời của mình. Các nhà khoa học cho ta biết rằng, đôi mắt bồ câu tinh tường được như thế là do cấu trúc trong võng mạc của mắt nó có hàng triệu tế bào thần kinh, có khả năng kiểm tra các điểm đường viền cơ bản của hình ảnh phát hiện định hướng bay và giám định độ đậm nhạt của màu sắc. Võng mạc của chim bồ câu có đến sáu loại tế bào thần kinh mang đặc thù khác nhau để phân biệt kiểm tra toàn diện vật thể như độ tối sáng, sự lồi lõm trong không gian, phương hướng vuông góc hoặc nằm ngang đường bay… Chim bồ câu có sự linh cảm đặc biệt về phương hướng. Vì chim nhìn thấy được tia tử ngoại (tia cực tím) mà mắt người và mắt động vật có xương sống khác không thể nhìn thấy được. 

Các nhà khoa học còn xác định được chim bồ câu có bản năng dùng khứu giác để định hướng bay. Ở vùng phía bắc nước Ý người ta đã thí nghiệm nuôi nhốt những con chim non mới mọc lông cánh trong chiếc lồng kín chỉ thoảng gió nhẹ. Con chim phải đội mũ kín không nhìn thấy thế giới bên ngoài. Sau đó một số lồng để lại vùng Amino, nơi nuôi dưỡng chim. Số lồng còn lại mang tới vùng Mimo, cách xa Amino gần 50km. Số chim trong lồng cả hai nơi đều đội mũ trùm kín đầu, bịt mũi không cho nó ngửi mùi nơi nó đến. Một ngày kia, toàn bộ số chim được huấn luyện mang tới một vùng không gian xa lạ, tháo bỏ mũ cho chúng bay lượn trên bầu trời. Nhóm thứ nhất định hướng chính xác, chỉ trong vòng chưa đầy nửa giờ chúng bay về nhà của chúng ở Amino. Nhóm chim còn lại ngửi mùi trong gió bay thẳng về Mimo. Thực nghiệm đó đã cho các nhà khoa học thấy rằng loài chim bồ câu rất có khả năng dùng “địa bàn” (kim chỉ nam) bằng khứu giác để nhận được mùi đặc trưng nơi nó sinh sống trong hướng gió. Nên dù đến nơi xa lạ nó cũng tìm được về… 

Theo Bách khoa toàn thư mở, loài chim bồ câu thuộc họ chim có tên Columbidae, gồm nhiều bộ chim: cu gáy, cu nâu, cu xanh… Chúng có giá trị cao về khoa học, về thương mại, và làm cảnh. 

Đến nay các nhà khoa học trên thế giới đã ghi nhận được có 318 loài bồ câu. Nước ta có khoảng 23 loài. Chim bồ câu thường có nhiều biến dị về màu lông: trắng, nâu nhạt, xanh nhạt, xanh thẫm, có vành lông cườm lung linh lốm đốm ở cổ trông đẹp như đeo chuỗi hạt cườm trang sức. Các nhà nghiên cứu cho ta biết một chi tiết hết sức thú vị. Đó là loài chim bồ câu nuôi con bằng “sữa diều”. Vì loài chim này chuyên ăn những hạt ngũ cốc cứng, trong khi chim non mới vào đời dạ dày chưa phát triển hoàn chỉnh không thể tiêu hóa được, do vậy chim bố mẹ phải nuôi con bằng “sữa diều”. “Sữa diều” được tiết ra từ một cơ quan gần phần cuối cuống họng của chim bố mẹ. Trước khi trứng nở con non vài ngày, chim bố mẹ hạn chế ăn để khi mớm cho con tránh những hạt cứng lẫn vào sữa. Và, những ngày đó chim bố mẹ bắt đầu tiết ra “sữa diều”… chờ đón con! “Sữa diều” của chim bồ câu gần giống sữa loài động vật có vú. Đó là một chất sền sệt màu vàng nhạt giống phô mai. Hàm lượng chất béo chứa trong sữa diều bồ câu cao hơn sữa bò và sữa người, thành phần sữa diều bao gồm những chất khoáng, vitamin… và các loại men tiêu hóa giúp con chim non dễ hấp thụ đạm, các chất bổ dưỡng để chóng lớn. Vào tuần thứ hai, chim bố mẹ bắt đầu pha lẫn hạt đã được ủ mềm trong dạ dày vào sữa mớm cho con ăn để nó quen dần. Sau 15 ngày, con chim non hoàn toàn ăn hạt đỗ, vừng, lúa, gạo, lạc, kê… Và, cũng như chim bố mẹ, nó bỏ qua các loài côn trùng, sâu bọ… Nên người đời đã nói rằng bồ câu là loài chim sống “thanh bạch, ăn chay như sư cụ tu hành”. 

Ta cảm ơn tạo hóa đã tạo ra cho trần thế một loài vật đẹp như mơ. Loài vật mỏ hồng tươi, chân son thắm, bốn ngón xòe ra như bốn cánh hoa; đôi mắt khuyên vàng có cái nhìn hiền dịu, có tiếng gáy thanh bình gọi bạn, tiếng gù ấm áp gọi tình, sống thân thiện với muôn loài… Loài chim bồ câu còn có tập tính rất chung tình đôi lứa. Nó sống quấn quýt bên nhau suốt đời. Ca dao Việt Nam có câu: “Đôi ta như chim bồ câu/ Như sông với nước như dâu với tằm…”. 

Trong Sách Đỏ Việt Nam năm 1992-2000, Sách Đỏ chim châu Á năm 2001 đều xếp loài bồ câu vào bậc chim quý. Trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, chúng ta cần nghiên cứu về sinh học, sinh thái, tính chất di truyền của loài chim quý này để bảo vệ nó. 


Theo dòng lịch sử nhân loại, con người đã biết tận dụng thiên bẩm trời ban cho loài chim câu đưa nó làm nên những kỳ tích phi thường. Con người đã tạo nó thành những “sứ giả thông tin quân sự” chuyển đạt lệnh của vua chúa trong cung cấm, của tướng lệnh chỉ huy trận mạc xa hàng trăm dặm rồi bay trở về. Thời Ai Cập cổ đại, chim bồ câu đã biết định hướng quen mùi trong làn gió. Chúng bay dọc theo các con đường lớn, chuyển hướng bay theo các giao lộ, bay dạo vòng theo các bùng binh mà nó ghi nhớ được dấu ấn của thế giới bên ngoài để tìm tới đích. Đó là đặc trưng sinh tồn và khả năng bẩm sinh của loài động vật. Rồi khả năng trời ban ấy ngày càng được hoàn thiện hơn trong quá trình thúc đẩy của sự tiến hóa. Và, đặc biệt khi nó được tiếp nhận sự huấn luyện của con người. Loài chim bồ câu đã nắm bắt được các đặc điểm của những con đường khi chúng bay có đôi. Nếu có bạn đồng hành, chúng có đủ thông minh để làm chặng đường bay ngắn lại hơn khi bay một mình. Vậy là sự thông minh “trời cho” loài chim câu đã được nâng cao khi được con người nuôi dạy luyện rèn. Nó có thể nhớ cả chục tuyến đường, cả trăm khuôn mặt đến vài trăm bức ảnh. Bộ não của chim bồ câu có kích cỡ chỉ bằng hạt đậu nhưng nó thông minh vượt trội trong việc nhận dạng, phân biệt các loài vật thể và thậm chí nó nhớ được tên nó, tên con chim bạn nó. Bộ não của chim bồ câu có khả năng tốt gần bằng bộ não trẻ em khi học các môn thức mới. Còn thị lực của nó tốt gần bằng thị lực của con người. Lực lượng tuần duyên của quân đội Hoa Kỳ có thời đã huấn luyện, sử dụng chim câu bay tìm kiếm áo phao màu da cam của người bị trôi thất lạc trên biển. Chim câu đã tìm được nhanh hơn cả một đơn vị hải quân tìm kiếm. Để thực nghiệm cách thức hoạt động của bộ não thông minh và đôi mắt tinh tường của chim câu, các nhà khoa học đã chọn ba nhóm chim, cho chúng xem 128 bức ảnh đen trắng và các vật thể của 16 phân mục khác nhau rồi trưng bày lộn xộn làm rối loạn sự phân biệt: trẻ sơ sinh, vỏ chai, bánh, xe ô tô, pháo, chó, cá, vịt, hoa, mũ, chìa khóa, bút máy, điện thoại, giày, dép, cây cối. Sau đó người điều hành hỏi từng con. Chim câu đã trả lời bằng cách dùng mỏ mổ vào ảnh và mổ vào hiện vật tương ứng rất chính xác. Những con chim câu trong cả ba tốp chim đã thành công mỹ mãn trong môn học và trò chơi tinh tế này. 


Trong thế chiến II (1939-1945) nhiều nước tham chiến đã sử dụng “đội quân” bồ câu chuyển thông tin và mang thiết bị do thám trận địa bố phòng của đối phương. Quân đội Mỹ đã dùng nhiều “phi đội” bồ câu mang máy ghi âm, quan sát, chụp hình thả xuống vùng địch chiếm đóng để thăm dò lực lượng của chúng. Trong cuốn sách Đội quân bồ câu bí mật của tác giả Gordon Corena có viết về con chim bồ câu mang tên Nurp 39 của tình báo quân đội Anh trong thế chiến II. Con chim đã được tặng thưởng Dic Kin Medal (huân chương cao quý nhất của Hiệp hội động vật nước Anh). Cuốn sách kể về một câu chuyện vô cùng ly kỳ và thú vị. Trong chiến dịch Columba, quân đội nước Anh do Thủ tướng Winston Churchill chỉ huy có một cánh quân bị lính Đức Quốc Xã bao vây. Con chim câu Nurp 39 “chiến sĩ giao liên” đã thực hiện một sứ mạng tuyệt mật của cơ quan tình báo Anh (MI6) đã vượt qua vòng vây dày đặc trên vùng trời và cả dưới mặt đất của quân Đức. Con chim mang được mảnh giấy bé nhỏ đặt trong hộp nhựa chỉ lớn 
Chim hơn nắp bút bi về sở chỉ huy chiến dịch (chim câu mang được khối lượng nặng không quá 100gr, bay tốc độ 120km/g). Thông tin trên mảnh giấy nhỏ đó chứa đựng tình hình chiến sự cực kỳ quý giá. Bộ chỉ huy quân đội Anh căn cứ vào đó biết rõ lực lượng và trận địa của quân Đức, đã vạch kế hoạch chiến đấu dài đến 12 trang giấy. Trận đánh “giải vây” được vị Thủ tướng nước Anh chỉ huy tiêu diệt quân phát xít Đức, giải cứu thắng lợi cho đội quân của nước Anh. 


Ở Việt Nam ta, từ năm Canh Tý 1420 đến năm Mậu Thân 1428, nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh. Với khí thế “Voi uống nước, sông khô/ Gươm mài đá, núi khuyết” (Bình Ngô đại cáo), ông cha ta cũng đã dùng chim bồ câu đưa chiến thư qua các vùng trận mạc. Sử sách và nhiều giai thoại còn lưu truyền thời đó ta có hai vị tướng khai quốc công thần là Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Chích. Hai ông  đã nuôi dưỡng và huấn luyện chim bồ câu để nó chuyển mật báo đến chủ tướng Lê Lợi và các cánh quân vây đánh giặc Minh ở Cổ Lộng, Chí Linh, Đông Quan, Chi Lăng… Nhiều trận nhờ bồ câu đưa tin kịp thời mà quân nhà Lê đã đánh thắng giặc. Tướng quân Trần Nguyên Hãn và những chú bồ câu đã được lịch sử suy tôn “Thánh tổ của lực lượng truyền tin”. Dưới lá cờ của nghĩa quân Lam Sơn còn có vị tướng công thần Nguyễn Chích. Ông tướng với vợ là Nguyễn Thị Bành đã có công lớn luyện rèn bầy chim câu. Dưới chân hoặc trong cổ các chú chim mới ra ràng, bà tướng cũng đeo cho nó một cái hộp nhỏ bằng quả sung hoặc quả vả để làm hộp thư. Chuyển quân đến vùng nào bà tướng cũng mang nó đi theo. Đội quân bồ câu đó được mang phiên hiệu “Đội động vật chuyển thư” biên chế trong nghĩa quân Lam Sơn. 

Những năm 1958-1959, Tiểu đoàn 927 chúng tôi canh giữ vùng biên cương hoang vắng Cầu Treo - Nước Sốt (Hà Tĩnh) đã được thí điểm dùng chim bồ câu đưa thư. Tiểu đoàn trưởng Lý Đình Phầu giao nhiệm vụ cho Đội tuần tra chúng tôi phối hợp với tổ nuôi “chim câu chiến đấu”. Trong một chuyến tuần tra đường biên, chúng tôi mang theo chiếc lồng và hai “chiến sĩ nhỏ” này đi. Khi phát hiện dấu vết kẻ gian vượt biên, anh đội trưởng Trần Uy viết báo cáo vào mảnh giấy nhỏ bỏ vào hộp thư đeo ở chân chú chim. Chúng tôi vuốt ve đôi cánh nó, hôn vào cái đầu mượt mà lông của nó như gửi gắm lòng tin. Tìm khoảng trống cây rừng trên đầu suối, chúng tôi thả hai chú chim bay đi. Hai chú chim tung cánh vút lên cao lượn vài vòng trên đầu núi Ba Mụ để nhận hướng rồi bay về đơn vị bên suối Nậm Tuồng. Bỗng một con cú mèo mỏ quặp, vuốt nhọn, mắt ánh lên như con đom đóm trong rừng chiều trông gớm ghiếc như con quỷ đen xuất hiện. “Con quỷ” nghênh ngang lao tới sải rộng cánh chặn đường hai chú chim câu. Một chú chim bay dập dờn, lượn lờ trước “con quỷ” như ngáng đường nó. “Con quỷ” réo lên một tiếng rùng rợn giương móng vuốt quặp gọn chú chim câu rồi hạ thấp dần đậu vào mô đá. Còn chú chim kia thì bay vút lên cao lẩn vào đám mây chiều… Đội tuần tra chúng tôi với “tổ nuôi chim chiến đấu” nhìn nhau ngơ ngác…

Thật bất ngờ, chiều hôm sau chúng tôi gặp các mũi truy lùng. Các anh chặn đường mòn, sục vào các hẻm núi bắt gọn bốn tên gian vượt biên. Các anh cho biết “Phương án thường trực chiến đấu 24/24” được triển khai ngay khi nhận được thông tin chim câu đưa về. 

Thế có phải một chú chim câu đã hiến mình chặn “con quỷ” để “đồng đội” được bình yên chuyển thông tin về đơn vị? Tất cả chúng tôi đều nghĩ thế!

Vậy là rừng chúng ta có quá nhiều ác điểu. Và nữa, chiến tranh phá hoại xảy ra. Vùng rừng biên cương Cầu Treo - Nước Sốt, con đường số Tám nối liền hai nước Việt - Lào dày đặc bom đạn, lửa khói mịt mù, đơn vị chúng tôi không còn biên chế tổ “nuôi chim chiến đấu” nữa. Tuy vậy, hình bóng hiền hòa, tiếng gáy thanh bình, tiếng gù ấm áp của loài chim câu trong rừng biên cương vẫn làm ấm lòng những người lính biên phòng chúng tôi trên các chặng đường tuần tra. Những lúc ấy miệng chúng tôi lẩm nhẩm câu hát, chân chúng tôi bước đi theo giai điệu bài Nhạc rừng của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Cúc cu, cúc cu! Chim rừng ca trong nắng/…Có anh chiến sĩ đi qua khu rừng vắng/ Lắng nghe nhạc rừng tâm hồn vui phơi phới…” 

TRẦN HỮU TÒNG