Năm ấy, 1972, sau khi địch chiếm thị xã và thành cổ Quảng Trị đêm 16-9, quân ta phải rút sang bờ bắc Thạch Hãn và thực sự khi đó ta chỉ còn số quân rất có hạn chốt giữ bên này sông.
Tiểu đoàn hỏa lực 14 sư đoàn 325 của chúng tôi khi ấy phải triển khai 3 đài quan sát dọc sông để yểm trợ các trung đoàn bộ binh của sư đoàn vốn quân số lúc đó bị thiếu nghiêm trọng.
Tôi và Nguyễn Văn Cường, cùng là trinh sát viên và Nguyễn Văn Khanh, thông tin viên 2W vốn cùng là sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội nhập ngũ chung một ngày, triển khai đài trên mỏm đất cao rìa sông làng Xuân An, đối diện chợ Sải bờ nam. Khanh, còn được chúng tôi gọi là Khanh “con” vì bé tẹo, mỗi lần di chuyển, nhìn Khanh đeo chiếc máy 2W nặng 20kg lệch hết cả người mà thương!
Làng Xuân An khi ấy cây cối còn xanh, cánh lính bộ binh và trinh sát pháo chúng tôi đào tới gần 2km hào quanh làng, nối 6 hầm bộ binh và đài quan sát của chúng tôi với mức sâu ngập đầu và rộng tới 60cm để phục vụ công việc chốt giữ đảm bảo cố thủ vững chắc!
Sau trận đổ bộ bờ bắc không thành của lữ đoàn Thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa giữa tháng 10, bị pháo cối 120mm của chúng tôi cùng bộ binh trung đoàn 95 tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn tại làng Nhan Biều, thì địch luôn dùng các loại pháo, từ 175mm, 155mm, 105mm và cối 81mm bắn ác liệt vào các khu vực có quân ta. Vì thế, hầm của chúng tôi được thiết kế vững chắc đến mức hai quả pháo nổ trúng nóc hầm một lúc cũng không hề hấn gì!
Vào một chiều cuối tháng 10-1972, khi chúng tôi vừa ăn trưa xong, tôi lên hầm quan sát bờ nam, thì nghe “ríu…” rồi “ùng”, một trái pháo 155mm nổ ngay phía sau đầu. Tôi ngoái đầu thì thấy quả đạn pháo chơm (loại đạn nổ trên không cách mặt đất từ 50m đến 70m) nổ giữa làng Xuân An, khói cuồn cuộn trên phía sau đầu. Tôi hô “Xuống hầm ngay! Nó bắn pháo chơm đấy!” và lập tức cùng Cường, Khanh rút xuống hầm trú ẩn sâu gần 4m và nóc hầm cũng dầy tới 4m. Chỉ 30 giây sau, pháo 155mm của địch bắt đầu giã cấp tập vào làng, và rõ ràng đài quan sát của chúng tôi là mục tiêu ưu tiên của trận pháo chơm kéo dài chừng 10 phút! (Cũng phải nói thêm là trong các trận chiến tương tự, cả ta và địch đều ưu tiên tiêu diệt “mắt pháo” trước vì trinh sát pháo cực kỳ nguy hiểm khi gọi pháo chi viện cho bộ binh bất cứ khi nào!).

Sông Bến Hải và cầu Hiền Lương với màu sơn chia cắt
Chúng bắn loại pháo chơm nhằm gây sát thương cho quân ta nếu đang lộ thiên, kể cả đang di chuyển dưới giao thông hào. Vì thế, sau 10 phút pháo chơm, địch mới tập trung bắn pháo nổ để tàn phá khu vực phòng thủ của chúng tôi. Tôi nghe xen trong tiếng nổ của đạn 155mm, còn có cả đạn 105mm, như vậy có nghĩa là chúng quyết “thịt” làng Xuân An của chúng tôi rồi! Tuy nhiên, đã quen với những trận pháo bầy, chúng tôi ban đầu còn cười nhạo: “Thách chúng mày làm gì được bọn ông đấy!”. Nhưng lần này bọn chúng bắn khá dai, phải gần nửa tiếng mà đạn pháo vẫn gầm thét, bọn tôi bắt đầu hoảng. Khanh mở máy thông tin báo cáo về sở chỉ huy: “Báo cáo tiểu đoàn trưởng, Xuân An bị pháo kích nửa tiếng liền rồi, xin chỉ thị của tiểu đoàn!”. Lập tức chúng tôi nghe loa ngoài của máy, tiếng Tiểu đoàn trưởng Thuận: “Trú ẩn an toàn! Chờ lệnh! Khi ngớt pháo phải quan sát ngay đề phòng địch đổ bộ!”. “Rõ!”, Khanh đáp và nhìn tôi, lúc ấy là tổ trưởng đài. Tôi bảo: “Ta chấp hành thôi, nó nổ dữ quá, chưa lên quan sát được!”.
Tôi nói vừa dứt lời thì… “ríu… uỵch”, một quả nổ chậm có vẻ sát hầm chúng tôi khoan mạnh khiến hầm chao đảo. Tôi thét “Pháo khoan rồi!” và ba anh em ngồi sát vào nhau, căng thẳng lắng nghe. “Ríu… uỵch” liên tiếp, hẳn là chúng muốn xơi sạch bọn tôi trong các hầm cố thủ đây bởi không còn nghe tiếng nổ nữa mà chỉ ríu uỵch, ríu uỵch liên hồi. Là lính pháo, chúng tôi biết uy lực khủng khiếp của các loại đạn khoan. Loại này nổ chậm, xuyên qua các nóc hầm hễ gặp khoảng không trong hầm mới nổ. Và vì vậy chúng tôi bắt đầu hãi! Cường gào giọng Nghệ An: “Chúng mày ơi, khéo đi cả chuyến ni chừ!”. Tôi thét: “Không nghĩ bậy! Cò ỉa miệng chai, nóc hầm dày, trúng chưa chắc đã xuyên nổi!”. Nhưng Khanh “con” thì rên: “Mẹ nó, tao nghe tiếng rít khủng khiếp quá!”. Tôi động viên các bạn: “Từ đầu đến giờ đạn khoan nó đã trúng hầm quân ta bao giờ đâu! Kệ mẹ chúng nó!”. Miệng nói cứng nhưng trong lòng tôi cũng đã thấy chờn! Ba anh em tôi ban đầu ngồi sát nhau, được mươi phút thì ôm lấy nhau thì thầm “Nếu trúng, ta cùng chia nhau!”. Và lúc ấy, do chịu đựng căng thẳng quá mức, quần áo chúng tôi cùng ướt đầm đìa vì mồ hôi...
Chừng nửa tiếng sau, tiếng rít thưa dần rồi im. Tai chúng tôi đều ù đi, chỉ lắng tiếng động và độ rung của hầm mà đoán địch đã ngừng bắn. Đợi tai bớt ù, tôi chậm rãi bò lên hầm đài quan sát, thì cha mẹ ôi, ngoài hầm đài chúng tôi, toàn bộ làng Xuân An đã bị san phẳng, chỉ vài ba cây mít cổ thụ trụi lá cành và bị cưa cụt ngang thân, toàn bộ giao thông hào bị san phẳng! Mùi thuốc đạn tràn ngập không gian. Cùng lúc ấy, mấy lính bộ binh trung đoàn 95 cũng lóp ngóp bò lên. Thấy tôi, một cậu gào lên: “Sợ các bố trinh sát pháo quá! Các bố làm chúng tôi vạ lây đấy! Mẹ nó, giờ đào lại giao thông hào thì ốm cả tháng rồi!”. Tôi cười mếu đáp: “Ông chửi bọn Thủy quân lục chiến ấy! Lũ chó đến là lắm đạn! Các bố mà nhiều đạn như chúng mày thì chúng mày chết với bố!...”.
Cũng may, hôm ấy, chúng chỉ bắn tàn sát và tiêu hao chứ không đổ bộ sau đó, vì sông đoạn này rộng hơn trăm mét, bơi xuồng sang hẳn chúng không dám!
Tối ấy, chúng tôi được lệnh rời Xuân An về sở chỉ huy nhận lệnh mới vì đài quan sát đã lộ, không thể tiếp tục dùng lại được nữa! Chúng tôi chia tay cánh bộ binh lúc hoàng hôn bởi địa hình không cho phép đi lại khi bọn Thủy quân lục chiến bên An Tiêm quan sát bờ bên này rất rõ vì làng Xuân An đã thành một mặt bằng!
Đó là một trong những trận chịu pháo địch mà suốt đời tôi không thể nào quên, bởi mức ác liệt ngoài sức tưởng tượng và ngoài sức chịu đựng của người lính trinh sát dày dạn trận mạc như tôi…
Quảng Trị, nơi ấy chúng tôi đã chiến đấu nhiều trận không cân sức như vậy. Và, may thay, cả ba chúng tôi đều còn sống trở về, còn tiếp tục chiến đấu nhiều chiến dịch cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn.