Nhà thơ Tú Mỡ, tên thật là Hồ Trọng Hiếu, sinh ngày 14-3-1900 tại Hà Nội, đến nay tròn 120 năm.
Họ Hồ của ông là một chi của họ Hồ ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An - quê của nữ sĩ Hồ Xuân Hương - chuyển ra sống ở Hà Nội đã ba đời.
Năm 1907, lên bảy, cậu bé Hồ Trọng Hiếu là học trò của trường Đông Kinh Nghĩa thục, do các sĩ phu yêu nước ở Hà Nội tổ chức ở Hà Nội dể “khai dân trí”. Có lẽ đây cũng là khởi điểm của cuộc đời làm thơ văn của ông sau này.
Thuở bé, Hiếu là cậu học trò rất nghịch ngợm, hay trêu chọc bạn bè. Phải chăng nhờ năng khiếu bẩm sinh và tự trau dồi kiến thức mà ông trở thành nhà thơ trào phúng tài năng.
Ở tuổi trưởng thành, sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, là công chức, “ông phán Sở Tài chính” ở Hà Nội, sẵn lòng yêu nước nồng nàn, nhìn thấy bộ mặt của thực dân Pháp và tay sai, ông đã phát huy sở trường làm thơ hài hước, châm biếm, đả kích kẻ cầm quyền và các thói hư tật xấu trong xã hội. Ông có ý thức kế thừa và phát triển văn thơ trào phúng vốn được nhân dân Việt Nam ưa thích, ông cũng muốn làm “một Tú Xương” của thời đại. Và thực tế đã trở thành nhà thơ trào phúng rất bình dân, uyên thâm và điêu luyện ở tuổi ba, bốn mươi.
Đến Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược, xây dựng nước Việt Nam độc lập, thống nhất, Tú Mỡ hăng hái tham gia mọi công tác. Ngòi bút trào phúng của ông theo sát thời sự, tinh tế sắc sảo. Có lần ông tâm sự với nhà văn Nguyễn Công Hoan: “Có thể nói đây là thời kỳ tôi tâm đắc nhất trong đời làm thơ của tôi… Tôi có hào hứng mới, mỗi ngày làm được một bài thơ, có ngày làm được hai bài”.
Từ thời Pháp thuộc, ông có bài Tự thuật:
Ở Sở “Phi-năng”(*) có một thầy,
Người cao dong dỏng lại gầy gầy
Mặc thường xoàng xĩnh, ưa lành sạch
Ăn chỉ thều thào, thích tịnh chay
Tom chát quanh năm vài bốn bận
Say sưa mỗi tháng một đôi ngày.
Tính vui trò chuyện cười như phá
Lòng thẳng căm hờn nói toạc ngay
Xiên xỏ vào tay hơi khá khá
Ở ăn thì nết cũng hay hay!
Yêu người chân thật, người hào hiệp
Ghét kẻ chui luồn, kẻ quất quay
Võ vẽ hay làm văn quốc ngữ
Xì xồ ít nói tiếng Âu tây
...
Hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông đã sáng tác một khối lượng tác phẩm đồ sộ, hơn 900 bài thơ, một số vở chèo, nhiều bài nghiên cứu, tiểu luận, với gần 3.000 trang sách. Tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn trong đông đảo bạn đọc qua các thời kỳ cho đến tận ngày nay và có lẽ cả mai sau. Nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ hàng đầu đất nước đã có bài tỏ lòng kính mến, khâm phục tài năng và đức độ của ông.
Với những đóng góp to lớn của ông đối với nhân dân, đất nước, ông đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nhà thơ Tú Mỡ đã từ giã cõi đời ngày 13-71976, hưởng thọ 76 tuổi.
Trong điếu văn vĩnh biệt nhà thơ, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Đình Thi viết:
“… Qua những chặng đường làm việc không mệt mỏi, Tú Mỡ đã để lại 24 tác phẩm chính: thơ ca, độc tấu, vè, chèo, tuồng, kinh nghiệm sáng tác thơ trào phúng, hồi ký. Anh đánh địch mạnh mẽ, đồng thời anh tha thiết xây dựng cuộc sống mới của chúng ta. Trong ánh sáng đường lối văn nghệ của Đảng, thơ anh Tú Mỡ càng đậm đà màu sắc dân tộc… Khi đánh địch, thơ anh mang đầy lòng tin tưởng sảng khoái vào chính nghĩa của dân tộc, của cách mạng; khi phê bình nội bộ và xây dựng xã hội mới, thơ anh luôn luôn yêu đời và nhìn cuộc sống một cách sáng sủa… Tấm gương phục vụ của anh còn đang soi sáng cho những cây bút trẻ nối bước anh, càng ngày càng đông đảo. Những tác phẩm của anh để lại, đã đóng góp quý báu vào sự nghiệp chiến đấu và xây dựng của nhân dân ta, trải qua mấy chục năm cho tới ngày nay…”.
Năm 2000, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tú Mỡ, nhà thơ Tố Hữu đã viết bài Kính tặng gia đình bác Tú Mỡ:
Trăm năm, cụ Tú Mỡ mình ơi!
Trào phúng, tài năng dễ mấy người.
Ông đã đi xa, đời vẫn nhớ
Dại khôn, hay dở, tiếng ông cười.
Tú Xương xưa ngán buồn nhân thế
Tú Mỡ nay vui nhộn đất trời
Ước gì, sống lại thêm trăm tuổi
Nghe tiếng ông cười lũ dở hơi!
(*) Tài chính
| | | | | | | | | |
Chức năng phát âm giới hạn ở 200 ký tự