HV145 - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý - cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý vào đời với tác phẩm Dư âm, một bài hát thuộc dòng lãng mạn. Nhưng rồi ông nhanh chóng đi vào dòng nhạc kháng chiến và cách mạng với những cảm hứng lớn về cuộc kháng chiến vĩ đại thần thánh của cả dân tộc. Ông có nhiều bản nhạc để lại ấn tượng mạnh mẽ được công chúng yêu quý như Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Bài ca năm tấn, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Dáng đứng Bến Tre… Nếu nói về đề tài thì không có gì mới lạ. Nhưng cái mới lạ là nội dung những khúc ca ấy, chất liệu của bài hát lấy từ cuộc sống gian khổ lớn lao của thời đại. Có thể nói ông đã đứng ngang tầm thời đại. Rất lạ lùng, đáng kinh ngạc là dường như ông đã hồn nhiên đi vào những cảm hứng lớn của kháng chiến. Ông quê ở Vinh nhưng Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh với những tình điệu sâu sắc, những lời ca chọn lọc, nồng nàn, Nguyễn Văn Tý đã nói lên tình yêu bất diệt đối với một dải đất miền Trung cát trắng, gió Lào khắc nghiệt. Ông đã đưa vào bài ca ấy những địa danh, những cảnh sắc tiêu biểu ngọt ngào thương yêu và tự hào mà phải gắn bó sâu sắc lắm mới hiện lên thành nhạc thành thơ: “Đường Đồng Lộc, đường Khe Giao, rồi đường Hồng Lam, Đèo Ngang, Linh Cảm, cùng bao nhiêu con đường ra mặt trận. Giặc điên cuồng trút hàng vạn bom rơi…”. Nhạc Nguyễn Văn Tý tiếp nhận và biến hóa âm nhạc địa phương, dân gian vùng Khu 4 đem lại những nốt luyến láy dễ say lòng người. Các bài hát khác như Bài ca năm tấn, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ có thể nói là những khúc ca chính trị của một thời nhưng chắc chắn nó sẽ ở lại mãi mãi trong lòng người. Bởi vì tất cả đều có thể qua đi nhưng những tình cảm thiết tha sâu đậm, lớn lao của một thời không thể nào quên được ấy sẽ bất tử. 

Nguyễn Văn Tý là một tượng đài lớn của âm nhạc kháng chiến và cách mạng. Ông mất đi ở tuổi 95(*), để lại một sự nghiệp, một tên tuổi lớn trong âm nhạc, trong văn nghệ. Mỗi lần nghe lại những bài hát của ông, ta nhớ tiếc ông biết bao nhiêu. Ta không thể hiểu hết là làm sao một nhạc sĩ xuất thân “tiểu tư sản” lại có thể gắn bó sâu xa với cuộc chiến đấu của dân tộc và quan trọng hơn là diễn đạt nó thành nhạc, thành lời ca của cuộc cách mạng ấy dung dị, tự nhiên, sâu lắng đến như thế. Chỉ có thể nói ông là con người của một thời sáng tạo lớn, thời âm nhạc được chính cuộc chiến đấu vĩ đại ấy chắp cánh bay cao cùng thời đại. Nhạc của Nguyễn Văn Tý là bất tử.l 


(*) Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mất ngày 26-12-2019 tại TP.Hồ Chí Minh.

HỒN VIỆT