HV145 - Tú Mỡ - Tiếng cười xuân bất tận

Chẳng rõ bằng cách nào mà ở một vùng quê nghèo cát trắng và rơm rạ ở miền tự do Quảng Nam trong khánh chiến chống Pháp, anh em tôi có được một tập báo Phong hóa – Ngày nay, cuốn Giòng nước ngược và những cuốn sách khác. Tôi bắt gặp Tú Mỡ trong tuổi thơ của mình, sau này lớn lên tôi mới thấm thía câu nói của Gorki: “Tiếng cười là thuộc tính tốt đẹp nhất của con người”. Gorki nói thêm: “Người nào không biết đùa, không biết cười, con người ấy thường ác”. Tôi nghĩ rằng Tú Mỡ là một tài năng hiếm, môt tài năng lớn trào phúng.

Ông đã cười một chuỗi cười bất tận từ tuổi trẻ cho đến lúc ra đi. Tiếng cười và mùa xuân trong ông là một. Còn sống là còn cười, còn châm biếm, chế giễu, đùa nghịch… nhưng cái đó nó thể hiện khả năng sống và khát vọng sống ở trong ông.

            Ông tự nhận mình là học trò của Tú Xương. Và ông đã viết về bậc thầy ấy: “Giả sử ông thi đỗ làm quan lớn, thì có lẽ văn học Việt Nam đã không có thi hào trào phúng Tú Xương với những vần thơ hiện thực sâu sắc, những tiếng cười thuần túy Việt Nam, khi nhẹ nhàng, dí dỏm, khi thì mỉa mai, chua chát, cay độc, đã văng vào mặt ai thì để lại dấu vết gột không phải, mài không nhẵn; khi thì là những tiếng cười gằn, cười ra nước mắt, hoặc những tiếng khóc nấc, khóc lên tiếng cười”.

Và về phần mình, học bậc thầy ấy, ông cũng sáng tạo ra thế giới cười của riêng mình:

Ở Sở Phinăng có một thầy
Người cao dong dỏng lại gầy gầy…

            Con người ấy từ hồi còn ngồi trên ghế trường Bưởi đã có thơ trào phúng và lội Giòng nước ngược cười cái xã hội thực dân phong kiến 1930-1945. Nhưng hay nhất là kháng chiến chống thực dân Pháp, ông đã tung hoành ngòi bút của mình “Trào lộng công đồn địch, khoái hoạt tâm can ngón sở trường”. Ông trở thành Bút Chiến Đấu, viết Nụ cười kháng chiến, cùng toàn dân đánh giặc. Nhân dân thích thơ ông, Bác Hồ khen thơ ông, ông trở thành một nghệ sĩ kháng chiến, và về điểm này, ông có cái hân hạnh khác các bậc tiền bối. Chống Mỹ, ngọn bút của ông vẫn dẻo dai, đem đến tiếng cười và niềm tin cho những người đang chiến đấu chống một siêu cường xâm lược cùng bọn tay sai. Tiếng cười và niềm tin ấy, tư thế cười trên đầu thù ấy là cần thiết biết bao cho những người xông trận.

            Ông là một nhà thơ trào phúng phản ánh thời đại của mình, phản ánh bằng trào phúng, bằng tâm huyết, khí phách, văn hóa… Đương thời và hậu thế biết ơn tiếng cười của ông. Hôm nay đọc lại ông, ta sẽ thấy đó là mùa xuân của một tài năng lớn, một chuỗi cười bất tận nhưng nhất quán. Trong những người đáng yêu của một thời đại, Tú Mỡ là một người đáng yêu. Và ta tự hỏi: “Đằng sau tiếng cười dài ấy, có lúc nào, có bao giờ ẩn chứa một giọt nước mắt không?”.

            Khi chúng ta đọc Tú Mỡ toàn tập (4 tập – khoảng 3000 trang in), chung ta kinh ngạc trước sức làm việc, sáng tạo của ông trên nhiều lĩnh vực. Tú Mỡ viết tiểu luận, nghiên cứu, hồi ký, bút ký, dịch thơ (dịch ngụ ngôn La Fontaine và tự dịch thơ mình sang tiếng Pháp). Bấy nhiêu sáng tạo chứng tỏ sự uyên bác của ông, tầm cỡ văn hóa của ông. Có điều ông làm các công việc ấy một cách tự nhiên, nhẹ nhàng , theo cái cách của Tú Mỡ không phải để tỏ ra mình “đứng lại văn chương một tú tài” còn để các “ông nghè, ông thám vô mấy khói”!

            Với Tú Mỡ, tất cả nghĩa đời là ở chỗ tận tụy phục vụ nhân dân mình, đất nước mình, phục vụ lý tưởng cuộc đời mà mình đã chọn. Và ở đây, nhiệt huyết của ông, sự thủy chung kiên cường của ông làm ta cảm động. Sống một cuộc đời thanh đạm theo truyền thống của dân tộc ta, ông học theo Bác Hồ cái phương châm mà ông cho là phương châm sống của họ Hồ (Hồ Trọng Hiếu là tên thực của Tú Mỡ): “Tự cung thanh đam tinh thần sảng – Tố sự thung dung nhật nguyệt trường” (Uống ăn thanh đạm nhẹ người – Việc làm ngày rộng tháng dài thung dung). Ở trong ông kết tinh một cốt cách nhà nho, nghĩa là của những trí thức dân tộc thời xưa; kết tinh cái cốt cách dân dã nhưng lại được nâng cao trong cái hiện đại của văn hóa châu Âu. Lời thơ của ông, thi pháp của ông cũng bao gồm tất cả đặc tính ấy của con người ông. Người ông và văn ông là một, ở ông không có chuyện văn cao hơn người.

            Thơ văn ông nhiều, đa dạng, phong phú, trích dẫn vài câu vài bài rất khó. Chỉ xin nhắc vài câu làm lúc cuối đời, kể ra lúc cuối đời, lúc đã nghe xao xác cơn gió lạnh của thiên thu thổi đến, con người hay nghĩ ngợi này khác, có khi “nghĩ quẩn nghĩ quanh”. Tú Mỡ thì không: ông trước sao sau vậy. Nằm trong bệnh viện nhiều lần, giáp mặt cái chết nhiều lần, ông vẫn vui vẻ, trẻ trung, hài hước, yêu đời. 75 tuổi hay theo cách nói của Tú Mỡ: tuổi “xóa xăng keng” (soixante-quinze). “xứ Trời” muốn giục Tú Mỡ “lên tiên”, nhưng đời vui quá, chưa đi vội: “Trời giục mặc trời, lão cứ trây. Trời đành phải chịu lão bài bây. Lão làm kế hoạch năm năm nữa. Rồi có thua trời bấy hãy hay” (Thơ vui). Ở trong bệnh viện, ông làm thơ tặng bác sĩ hoặc làm thơ theo yêu cầu của các chị hộ lý. Đặc biệt Tú Mỡ có làm thơ tặng Nguyễn Công Hoan và Song An Hoàng Ngọc Phách. Tuy là thơ làm chơi, “thù tạc” mà nghệ thuật thơ cao, lời thơ thân mật, hóm hỉnh, tự nhiên lại thể hiện cái nhân sinh quan tích cực, cao cả của Tú Mỡ:

            Mấy lời thăm hỏi bác Song An/ Có phải va li đã sẵn sàng/ Công việc trần gian đã trọn vẹn/ Đường về tiên giới rất xênh xang?/ Đây thằng bố lếu thơ tinh nghịch/ Đấy bạn Côle nghĩa cũ càng/ Bác thượng thọ rồi tôi cũng thượng/ Bác ra tàu trước, đệ còn khoan.

            Vâng, cả với Tú Mỡ, “công việc trần gian” thế là “đã trọn vẹn”; ông đã “lên tiên” về thế giới của “Người Hiền; nhưng trần thế vắng ông, xiết bao tưởng nhớ.

Nguồn: Tú Mỡ Tổng Tập

MAI QUỐC LIÊN