Vùng đất của những cù lao
Mới đây một người bạn văn thấy tôi hay đi Bến Tre, bất ngờ hỏi: “Mình đố ông, Bến Tre có bao nhiêu cù lao?”. Tôi ngạc nhiên nhìn anh bạn, tự đắc đáp chắc lụi: “Bến Tre làm gì có cù lao, cha nội? Chỉ có mấy cái cồn ai chả biết”. Anh bạn tôi cười khần khật, giọng ra vẻ uyên thâm: “Đến Bến Tre không hiểu hết vùng đất, con người Bến Tre coi như bỏ!”, nói xong còn lấy một tờ giấy đặt lên bàn, dùng bút vẽ lên đó ba cái cù lao và miệng nói hào sảng: “Cù lao Bảo này, cù lao Minh và cù lao Hóa. Cồn là cồn, cù lao là cù lao, khác nhau chớ”. Tôi ú ớ nhận ra, đi nhiều nhưng chưa chắc đã hiểu. Ví như An Giang có vùng Thất Sơn (Bảy Núi) nổi tiếng, có chùa Bà linh thiêng dưới chân núi Sam, có văn hóa Óc Eo vương quốc Phù Nam từng tồn tại hưng thịnh hơn 7 thế kỷ trước khi sụp đổ. Về Kiên Giang, một tỉnh duyên hải, ngoài phần đất liền còn có nhiều hòn đảo đẹp như Phú Quốc, Thổ Chu, có thành phố Hà Tiên mộng mơ như một thiên đường. Xa hơn chút là đất mũi Cà Mau, một vùng đất có dáng hình mũi một con tàu đang chạy ra biển lớn. Cà Mau có bến Vàm Lũng, trong chiến tranh chống Mỹ là nơi tiếp nhận những con tàu không số, bí mật vận chuyển đưa vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Còn Bến Tre rất đặc biệt, nếu không nói chỉ có Bến Tre mới có, nằm trên ba cái cù lao, nổi lên giữa những dòng sông Hàm Luông, Ba Lai và sông Tiền. Ba cái cù lao, như ba con cá voi xanh khổng lồ đang bơi ra biển lớn, đẹp quyến rũ.
Xứ sở của dừa đẹp mộng mơ
Tôi cũng có cơ hội đi nhiều vùng miền đất nước, biết nhiều nơi có dừa như Tam Quan tỉnh Bình Định, nhưng so với Bến Tre cũng chỉ là “vườn” mà thôi. Bến Tre đúng là xứ sở của dừa, không một chút khoa trương hay phóng đại, dừa nhiều đến mức làm tôi mất đi cái cảm giác vùng đất có nhiều cù lao như bao nhiêu vùng miền khác. Dừa miên man, ngút ngát nối tiếp nhau như rừng, chỉ cần một cơn gió nhẹ thổi qua đã nghe lao xao dạt dào như sóng vỗ ngoài biển xa… Dừa trở thành biểu tượng tự hào của tỉnh Bến Tre, vùng đất với những cù lao tuyệt đẹp tạo nên một Bến Tre khác biệt là vì thế. Lại lần khác, tôi đưa một anh bạn từ miền Bắc vào đi du ngoạn Bến Tre; sau một tuần đi hết ba cái cù lao, nhìn dừa, nhìn sông nước làm anh ta ngập tràn cảm xúc, bỗng thốt lên “đẹp tuyệt vời”, nhưng rồi bất ngờ hỏi tôi một câu: “Vì sao một tỉnh nhiều dừa, sao không đặt tên ‘tỉnh dừa’ mà gọi là tỉnh Bến Tre?”. Tôi ngớ người, nhưng câu hỏi của anh bạn không phải là không có lý. Rồi bằng sự hiểu biết của mình tôi nói với anh bạn, cách nay ít nhất vài trăm năm, Bến Tre có nghề đan lát làm ra những sản phẩm từ cây tre rất phát triển, nhưng vì lý do nào đó cây tre ở đây không trồng được nhiều và để có nguyên vật liệu sản xuất, người ta phải mua tre ở nhiều tỉnh khác chuyển bằng thuyền về. Có thuyền thì phải có bến, cái bến đó nối ráp từ sông Hàm Luông qua sông Ba Lai, những người lao động ngày đêm bốc xếp tre tấp nập, đông vui, ồn ã, vậy là cái tên Bến Tre ra đời như thế! Tiếc là nghề đan lát ấy dần mai một không còn nổi tiếng như xưa nữa, nhưng thay vào đó là dừa. Dừa Bến Tre ngày nay vẫn là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn kinh tế quan trọng của tỉnh Bến Tre. Cây dừa được sử dụng gần như không bỏ bất cứ một thứ gì, quả dừa ngoài làm đồ uống giải khát tuyệt vời vào những ngày nắng nóng, còn dùng làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cao khác như bánh kẹo, các loại dầu mỹ phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ, điêu khắc... Chính dừa tạo ra thương hiệu du lịch sinh thái đặc trưng của Bến Tre, theo thống kê mỗi năm Bến Tre đón tiếp trên dưới hàng triệu du khách trong và ngoài nước. Chẳng thế mà cảm xúc trước vẻ đẹp của cây dừa, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhìn cây dừa liên tưởng tới vóc dáng người con gái có mái tóc dài bay bay, viết nên ca khúc Dáng đứng Bến Tre bằng những ca từ ngọt ngào nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ: “Ai đứng như bóng dừa, tóc dài bay theo gió/ Có phải người còn đó là con gái của Bến Tre/ Con gái của Bến Tre năm xưa đi trong đạn lửa...”. Bài hát ra đời làm say đắm bao thế hệ không chỉ ở Bến Tre, mà còn vang xa ra khắp mọi miền đất nước, đến nỗi ngày nay gần như nó trở thành “tỉnh ca” của Bến Tre. Phải thôi, cây dừa đẹp và xứng đáng được như thế!
Người Bến Tre làm nên Đồng khởi
Ngày nay thì hầu như ai cũng biết, đến Bến Tre là đến với vùng đất làm nên Đồng khởi! Nói cách khác, chúng ta đến với vùng đất có nhiều khác biệt. Sự khác biệt này lịch sử đã chứng minh, nếu không phải là Bến Tre chưa chắc một tỉnh nào đó ở miền Tây Nam Bộ vào giai đoạn ấy, thời kỳ ấy của cuộc chiến tranh chống Mỹ làm nên một cuộc Đồng khởi (lúc đầu chỉ gọi là nổi dậy)! Sự khác biệt đó đến từ ba yếu tố mới nghe như chẳng ăn nhập gì, thậm chí có phần khập khiễng, nhưng xem ra hoàn toàn thực tế. Đất Bến Tre như đã nói có nhiều cù lao, dọc dài theo những dòng sông lớn là địa hình có lợi cho phong trào nổi dậy nổ ra. Tiếp theo là xứ sở của dừa, dừa như rừng, như lũy chở che nhiều cho lực lượng cách mạng khi nổi dậy, đặc biệt từ nông thôn. Cuối cùng là yếu tố con người Bến Tre, kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo mới làm nên Đồng khởi lịch sử?! Ta biết năm 1954, sau khi người Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ, buộc chúng phải ký kết Hiệp định Genève, sau hai năm (1956) sẽ tổ chức tổng tuyển cử, thống nhất hai miền Nam - Bắc. Trong nhiều điều khoản, có một điều khoản quan trọng là hai bên phải tuân thủ lệnh ngừng bắn, không được phép bên này dùng vũ lực để tấn công bên kia, duy trì hòa bình, giữ nguyên hiện trạng. Tiến hành trao đổi lực lượng hai bên, phía cách mạng ở miền Nam rút hết lực lượng ra miền Bắc và ngược lại những người dân ở miền Bắc muốn theo Ngô Đình Diệm di chuyển vào miền Nam, trong số đó phần lớn là người Thiên Chúa giáo. Nhưng Diệm - Mỹ sau đó đơn phương phá bỏ hiệp định đình chiến. Ở miền Nam, Ngô Đình Diệm điên cuồng thực hiện nhiều chính sách cực kỳ phản động, bức ép, dồn dân vào các “khu trù mật”, “ấp chiến lược”, ra “luật 10/59” lê máy chém đi khắp miền Nam, khủng bố giết người vô tội. Chúng cũng tăng cường bắt thanh niên đi lính, tịch thu ruộng đất dân cày chia cho địa chủ. Căm phẫn trước tội ác của Mỹ - Diệm, người Bến Tre đã đứng lên nổi dậy, chống lại sự tàn bạo, chống lại bè lũ tay sai bán nước, chống lại kẻ thù xâm lược. Đồng khởi trở thành bão táp cách mạng, như sóng cồn ngoài biển lớn, quyết giành chính quyền về tay nhân dân và phong trào đó kéo dài gần như suốt cả năm 1960. Kết quả Bến Tre bức rút hàng loạt đồn bốt, phá tan nhiều công sở chính quyền địch ở địa phương, cơ bản sau nổi dậy ta đã làm chủ hầu hết ở vùng nông thôn. Đồng khởi sau đó lan sang nhiều tỉnh thành ở Nam Bộ, rồi cả miền Nam nêu gương Bến Tre làm cho kẻ thù khiếp sợ, nhân dân nức lòng vui sướng, tin tưởng, ủng hộ cách mạng mạnh mẽ hơn. Đồng khởi Bến Tre năm 1960 thực sự tạo ra một cú hích lớn, giúp Trung ương rút ra nhiều bài học trong chiến lược kết hợp đấu tranh ba mũi giáp công, chính trị, vũ trang và binh địch vận. Đồng khởi còn như một cuộc tập dượt, để cách mạng miền Nam mở Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân năm 1968 và tiếp theo suốt cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước giành thắng lợi cuối cùng ngày 30-4-1975.
Bến Tre vùng đất của những cù lao quyến rũ, xứ sở của dừa mênh mang tuyệt đẹp và Bến Tre vùng đất con người làm nên lịch sử. Năm 2020, Bến Tre tổ chức kỷ niệm 60 năm phong trào Đồng khởi (17-1-1960 – 17-1-2020), 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-41975 – 30-4-2020) và 59 năm (1-6-1961 – 1-62020) ngày những con thuyền vượt biển ra miền Bắc từ bến Cồn Tra, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, mở đường cho một chiến lược quan trọng để Trung ương quyết định thành lập đoàn tàu vận tải trên biển (Đoàn tàu không số), đưa vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam, viết nên bản anh hùng ca huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.
TP.HCM, tháng 10-2019
| | | | | | | | | |
Chức năng phát âm giới hạn ở 200 ký tự