Đêm cuối tháng tối thăm thẳm. Trời đầy sao. Trên con đường nhỏ dẫn vào chùa Bối Khê ba bóng người nhanh nhẹn đi vào chùa. Đến trước cổng tam quan, một người dừng lại. Qua sân rộng có năm ngọn tháp lặng lẽ - nơi yên nghỉ của các nhà sư, một người dừng ở ngoài bái đường. Mùi hương trầm thoang thoảng, có tiếng gõ mõ đều đều từ nhà Tổ vang ra. Nguyễn Tường Tam đi thẳng vào. Dưới ánh nền mờ tỏ, pho tượng Quan Âm bồ tát đầu đội mũ, khuôn mặt phụ nữ trung hậu, mũi thon, tay dài, hai tay chắp trước ngực, một bàn tay mở ngửa đặt trên người. Những cánh tay ở phía sau nhiều tư thế, nhiều dáng ẻ, có tay cầm linh khí, có tay bắt quyết trừ tà… Trên nền gạch, một nữ tín đồ dáng gầy gò đang ngồi xếp tròn, hướng lên pho tượng. Nguyễn Tường Tam đứng sững lại. Mẹ! Không có lời nói trước của Nguyễn Tường Bách, anh khó nhận ra đó là mẹ mình. Một thân hình gầy gò trong bộ quần áo nâu sồng. Anh vụt nhớ những ngày mẹ lặn lội làng trên chợ dưới ở đất Cẩm Giàng mua thóc, bán gạo nuôi bảy anh em - anh Thụy mới mười lăm, chú Sáu (Thạch Lam) mới hai tuổi. Thân hình tròn lẳn, cánh tay cứng cáp, đôi vai tròn trịa gánh cả giang sơn nhà chồng, lo nổi cho mấy anh em Tam vẫn được đến trường. Cánh tay ấy giờ gầy guộc, bàn tay nhỏ chắp lên trước mặt, miệng lầm rầm tụng kinh. Mắt Tam như dán vào mái tóc bạc mờ mờ trong ánh nến, lòng anh thắt lại. Đâu những chiều hè dưới bàng hoàng lan, bên giếng ngọc, mẹ gội đầu, mái tóc dày đen mượt, mấy anh em ngơ ngẩn nhìn? Đâu những ngày vui, mấy anh em ngồi trên những chiếc ghế mây rộng bàn chuyện văn chương, chuyện học hành, thi cử, mẹ đứng nhìn với nụ cười mãn nguyện. Những ngày anh Thụy, rồi Tam sống ở Hà Nội, tìm cách đón mẹ lên chốn đô thành. Hai lần lên, hai lần mẹ quyết trở về: “Mẹ không thể xa Cẩm Giàng, xa căn nhà lộng gió của chúng ta”. Hiểu rõ căn nhà rộng cửa bốn phía trong kính, ngoài chớp giữa bao tán cây Xanh là ước mơ, là công sức, là tình yêu của mẹ, anh em đành để mẹ về. “Cả đời mẹ chỉ có mong muốn được sống yên bình trong căn nhà này, được về với cha con và ông bà trong căn nhà này”. Có lần mẹ đã nói với anh như vậy. Thế mà giờ, mẹ đã bỏ tất cả, bỏ nhà cửa, bỏ cả các con, các cháu, gửi thân vào chốn này. Tam nhìn ra xung quanh: không một bóng người. Theo hướng nhìn của mẹ, anh ngước mắt lên: đức Phật trong tư thế “tham thiên nhận định” đang ngồi trên tòa sen. Có tiếng gà đâu đó sớm cất tiếng gáy như giục giã, Tam vội bước qua chỗ bà ngồi, rồi sụp lạy.
- A di đà phật! Bách đã đi rồi. Con lại đi ư? Em Long đâu?
Tam lặng im. Bà mẹ thở dài:
- A di đà Phật. Nước chưa mất mà nhà đã tan!
Tam nghe nhói trong lồng ngực.
- Mẹ tha tội cho con. Chúng con phải đi.
- Cụ Hồ đuổi con đi à?
- Dạ không. Nhưng chúng con không thể sống cùng họ được?
- Sao vậy? Họ cũng là người Việt, cũng đầu đen, máu đỏ.
- Thưa mẹ. Họ là người Việt, nhưng họ là cộng sản.
Bà mẹ nhìn Tam:
- Con ngồi dậy đi.
Vâng lời mẹ, Tam ngồi dậy. Bà nhìn Tam vời vợi yêu thương. Bà giơ tay chỉ lên nhà trên:
- Con hãy nhìn vào Thượng cung. Trên đó thờ ai?
- Dạ. Thờ Đức Thánh Bối.
Bà lại chỉ lên tượng Phật:
- Còn đây thờ ai?
Tam không trả lời. Bà nói:
- Con thấy đó. Dân làng vừa thờ Phật, vừa thờ thánh. Al yêu nước thương dân thì dân chúng vẫn thờ. Các con yêu nước, họ cũng yêu nước, sao không hợp tác cùng nhà con lại đi?
- Thưa mẹ, họ là những kẻ độc quyền. Họ không chấp nhận những người khác mình.
- Thế các con có chấp nhận họ không? Ai là người đòi lật đổ họ để giành quyền lực.
- Chúng con lật đổ họ vì họ cướp quyền lực của chúng con.
- Các con có quyền lực nào?
- Da, quyền lực mà người Tàu hứa dành cho chúng con.
- A di đà Phật. Sao chúng sinh lại lầm lạc quá vậy. Giặc Ngô đô hộ chúng ta hàng nghìn năm con không biết sao? Dựa vào Tàu mà đuổi Pháp khác gì đuổi sói mà rước hổ vào nhà. Các con lầm lỡ quá nhiều.
Bà mẹ dừng lại, cố nén một tiếng thở dài. Tam ngẩng đầu lên nhìn mẹ. Dưới ánh nến bập bùng, đôi mắt có nhiều nếp nhăn mênh mông nỗi buồn sâu thẳm. Bà nhìn vào mặt con. Tam cúi đầu.
- Con ở lại đi. Cụ Hồ là người yêu nước. Cụ đang kêu gọi toàn dân đoàn kết. Cụ đang tin ở con, trao cho con cơ hội cứu nước. Cụ đã cố lôi con ra khỏi bến Mê. Bến Giác đã mở đón con. Con ở lại đi.
- Nhưng thưa mẹ, cụ Hồ đã để cho Pháp vào nhà. Cụ đang đi sang Pháp cầu hòa. Nay mai cụ sẽ trao nước ta cho Pháp.
Bà mẹ nhìn thẳng vào mặt Tam, giọng nói trở nên rắn rỏi:
- Mẹ không tin điều đó. Một con người mấy chục năm bôn ba khắp năm châu bốn bể, vào tù ra tội, không vợ con, không có một xu dính túi, để lo chuyện cứu nước, dứt khoát không phải là kẻ bán nước.
- Nhưng bắt tay với Pháp là một sai lầm lớn.
Bà mẹ không biết nói sao. Nhìn lên tượng đức Phật, nhìn đứa con mà bà từng dành bao hy vọng, bà nói:
- Cứ cho là như vậy. Thế mẹ hỏi con: trong gia đình ta, nếu mẹ có điều gì sai, con cũng bỏ mẹ, bỏ anh em, bỏ nhà mà đi ư? Việc nước cũng như việc nhà, con hành động như vậy đúng làm sao được. Họ Nguyễn Tường ta, từ bao đời nay luôn luôn phò vua lo việc nước, luôn luôn làm điều tốt là nay con lại bỏ nước mà đi sao?
- Thưa mẹ, chúng con đi cũng là để tìm đường cứu nước.
- Cứu nước bằng con đường nào? Lại nhớ ngoại bang sao? Bao thất bại, đớn đau mà con vẫn còn cả tin, vẫn còn mơ tưởng hão huyền ư?
Tam lặng im. Bà Sâm lại tha thiết:
- Mẹ biết các con cũng rất yêu nước nhưng các con không đủ tài, đủ sức, lại đi nhờ Tàu - kẻ thù muốn kiếp của người Việt, dân chúng sẽ không theo các con đâu. Thất bại thảm hại rồi mà con lại chạy sang Tàu, sai lạc tiếp sai lạc. Nguy hiểm lắm con ơi. Ở lại đi con! Dựa vào ngoại bang, lầm lạc tiếp lầm lạc con ơi. Ở lại đi con!
Có tiếng chim quốc kêu ở phía ngoài. Người đi cùng làm | hiệu giục lên đường. Bà Sâm biết vậy, vội nắm lấy tay Tam:
- Con ơi, giặc Pháp đã đánh chiếm Phủ toàn quyền. Những người dân đêm ngày đã đến đây cầu nguyện. Mọi người đã quyết bãi công, bãi thị, đã mài dao đánh Pháp. Lúc này mà con nỡ bỏ đồng bào mà đi ư?
Tam òa khóc! Anh úp mặt vào đôi bàn tay già nhăn nheo của mẹ. Đôi vai anh run lên từng chặp. Lại có tiếng chinh quốc vang lên, gấp hơn, giục giã hơn. Tam buông tay mẹ.
- Lạy mẹ. Con khổ lắm. Mẹ tha tội cho đứa con bất hiếu này
Anh sụp lạy mẹ ba lạy rồi vụt đứng dậy, đi ra ngoài. Bàn chân anh nặng trĩu. Tạm ngước mắt nhìn trời. Trời này" thẳm, vô vọng. Tiếng mõ cầu kinh lại vang lên đều đều trong đêm vắng đuổi theo từng bước chân anh...
* Tiểu thuyết lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019.