HV146 - Ánh sáng của chân lý và hương hoa trên đường thơ Tố Hữu

KỶ NIỆM 100 NĂM NĂM SINH NHÀ THƠ TỐ HỮU (1920 - 2020) 

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim... 

Ánh sáng của cách mạng đã đến với Tố Hữu ở tuổi 17 tạo nên sự rung động của con tim và tâm hồn thơ để có được một tập thơ có giá trị: Từ ấy. 57 bài thơ chất chứa lòng yêu nước, ý chí cách mạng, tâm huyết trên từng dòng thơ trang thơ. 

Nhà văn Đặng Thai Mai nhận xét: “Thơ Tố Hữu là bó hoa lửa lộng lẫy nồng nàn kết tinh trên cơ sở của một hiện thực vĩ đại của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ dưới ánh sáng của Đảng, của tư tưởng Mác Lênin”(1). 

Cuộc đấu tranh cách mạng diễn ra trong hiện thực giữa lực lượng cách mạng và phe đối lập trước hết là trong tư tưởng, tình cảm của nhà thơ. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng cho rằng: “Thơ Tố Hữu trước cách mạng trong tâm hồn một người tuổi trẻ yêu nước, yêu đời, yêu những người cực khổ được Đảng chỉ cho thấy con đường cách mạng”(2). 

Cuộc đấu tranh tư tưởng khởi đầu từ sự chọn lựa:

Bâng khuâng đứng trước đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi? 

Từ ý thức tôn trọng và biết ơn truyền thống của cha ông: 

Đã vay dòng máu thơm thiên cổ
Phải trả ta cho mạch giống nòi! 

Và những thử thách cao hơn giữa tự do và ngục tù. Tố Hữu đã bị bắt khi còn trên ghế nhà trường, khi đang làm gia sư ở một nhà. Tự do và tù đày - hai thế giới cách biệt, đối lập. Ngục tù sẽ vùi dập con người trong đau khổ, đói rét, bệnh tật. Nhưng trước tiên với chàng thanh niên là trạng thái cô đơn.
Cô đơn thay là cảnh thân tù!

Trong cảnh tối tăm, cách biệt vẫn lắng nghe tiếng đời lăn náo nức, tiếng chim kêu, tiếng dơi chiều vỗ cánh, tiếng chuông nhà thờ và đặc biệt xúc động là dưới đường xa tiếng guốc đi về. Những ngày đi đày chịu đựng bao thử thách, từ nỗi buồn cô đơn đến nỗi u uất. Đường lên xứ lạ Kon Tum đến Đường lên Đắc Sút, Đắc Pao... ở đâu cũng cảnh hiu hắt. Gọi là Tiếng hát đi đày nhưng lại chan chứa nỗi buồn u uất: 

Muốn gầm một tiếng tan u uất
Hận bỗng tuôn theo gió thổi dài

Và thử thách gay gắt hơn cả là giữa sự sống và cái chết. Trăng trối là bài thơ đinh của cảnh ngục tù. Kề bên cái chết, tác giả có những suy nghĩ sâu sắc về con đường cách mạng. “Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai” nhưng không hề chi. Hai mươi tuổi, “tim đang dào dạt máu”, “hồn quay trong gió bão”. Song người chiến sĩ cách mạng sẵn sàng hiến dâng tuổi trẻ cho cách mạng.

Chế độ cũ sụp đổ, đất nước được giải phóng, nhân dân làm chủ vận mệnh mình. Tố Hữu vui, niềm vui chưa bao giờ có, như bay lên với sông núi thần tiên. 

Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi! 

Một ngày Tổ quốc đã hiện hình. Không phải trong mơ mà là rừng cờ đỏ tung bay, nhân dân làm chủ vận mệnh mình, không còn thực dân, vua quan. Những ý thơ đẹp thăng hoa. 

Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời

Tập thơ Từ ấy kết tinh một chặng đường thơ mà nhà thơ tâm đắc khi được tâm sự với chính mình với bao tình cảm chân thực buồn, vui, mong đợi, hy vọng cho ánh sáng lấn dần bóng tối, khi chồi non đang trở thành cây xanh. Từ đấy với Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Việt Nam máu và hoa... tác giả ít nói về mình mà tâm hồn, tâm trí trong thơ cuốn hút vào cuộc đời lớn của đất nước tươi vui, vất vả, đau thương, tươi sáng.

Nhưng kẻ thù tàn ác muốn tái chiếm quê hương. Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân tham gia kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Thơ của Tố Hữu lại hướng về với cảm hứng ca ngợi tinh thần yêu nước của quân dân, ca ngợi anh bộ đội dũng cảm. Để cảm nhận hết không khí chiến tranh, nhà thơ lại đến với chiến trường. Bài thơ Lên Tây Bắc ghi nhận: 

Sáng nay ra trận lên Tây Bắc
Hai đứa ta cùng đi đánh giặc
Tay dao tay súng, gạo đầy bao
 Chân cứng đạp rừng gai đá sắc.

Từ chiến thắng Việt Bắc, Trung du, Đông Xuân trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, trên quê hương và khung trời Việt Bắc tác giả đã cảm nhận vẻ đẹp của Tổ quốc: 

Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi!
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát.
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca... 

Và đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Bài thơ còn nóng hổi hơi lửa của thời sự và mạnh mẽ sôi nổi, reo vui là tình cảm của nhà thơ với vinh quang của Tổ quốc. 

Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước như huân chương trên ngực

Tố Hữu đã nói lên được niềm vui cho bao tấm lòng chờ đợi. Nhiệm vụ chính của cách mạng lúc này là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước. Trong không khí hòa bình yên vui, Tố Hữu nhắc đến lời thơ của Bác: 
Thơ đã hát, mát trong lời chúc:
Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh

Nhân dân miền Bắc khắc phục hậu quả của chiến tranh từng bước xây dựng phát triển kinh tế “Năm năm mới bấy nhiêu ngày/ Mà trông trời đất đổi thay đã nhiều”. Tố Hữu đã miêu tả những mùa xuân của đất nước trong lao động xây dựng, lắng nghe “tiếng chổi tre” của chị lao công “như sắt như đồng”, niềm vui náo nức của người nông dân trên đồng ruộng quê hương. Tuy nhiên, điều nhức nhối trong lòng là nửa đất nước còn trong cảnh nước sôi lửa bỏng. 

Ôi miền Nam, vì sao mỗi lúc
Mây chiều xa bay giục cánh chim
Đêm khuya một tiếng bầu, tiếng trúc
Một câu hò… cũng động trong tim?

Không chỉ nhớ thương mà là trách nhiệm của người dân trong một nước, máu chảy ruột mềm: 

Hỡi miền Bắc đó, nặng đôi vai
Gánh cả non sông, vượt dặm dài
Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai! 

Và nhà thơ trên đường Nước non ngàn dặm - tác giả không ngại khó khăn hiểm nguy đã đi và đã đến để lại cho mai sau những vần thơ bất hủ. 

Giặc Mỹ xâm lược miền Bắc, ở thời điểm tuyệt vọng chúng đã dùng B-52 rải bom thủ đô Hà Nội và nhiều thành phố. Nhưng câu thơ của Tố Hữu xúc động lòng người mà như xúc động đến cả đất trời, Tổ quốc lâm nguy, Tổ quốc kiên cường… 

Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hóa vàng nhân phẩm, lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm.

Hoa sen lại nở, hương sen lại thơm và ngày vui đã đến. Những bài thơ Toàn thắng về ta, Vui thế hôm nay đánh dấu niềm vui lớn của dân tộc và của riêng nhà thơ: 

Tôi bay giữa màu xanh giải phóng
Tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng
Ôi, Việt Nam! Yêu suốt một đời
Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi! 

Từ niềm vui “Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!” đến “Nay mới được ôm Người trọn vẹn, Người ơi!” tính ra đã ba mươi năm (1945-1975). Ba mươi năm kiên cường dũng cảm với những chiến công thần kỳ, những thành tích to lớn qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, Tố Hữu đã đặt những đài thơ kỷ niệm chiến công chiến tích của dân tộc. 

Tổ quốc là một đề tài lớn có tầm cao, chiều sâu có ý nghĩa linh thiêng mà gần gũi. Thành công lớn của Tố Hữu về đề tài Tổ quốc mang tầm vóc của nhà thơ lớn của thời đại. 

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời 

Từ ấy là bài ca kết nghĩa sắt son với bạn đời nghèo khổ. Từ đây những bạn đời nghèo khổ và nhân dân, quần chúng cách mạng sẽ là người hướng dẫn, người đồng hành, bạn đường trong gian lao đấu tranh. Tố Hữu là một trong số ít các nhà thơ thể hiện thành công nhất người mẹ Việt Nam. Trong thơ Tố Hữu đó là bà má Hậu Giang, mẹ Tơm, mẹ Suốt và các bà bầm, bà bủ, bà mẹ Việt Bắc. Dường như ở cả ba miền đều có các bà mẹ đáng kính yêu với những phẩm chất cao đẹp. Bà má Hậu Giang thét mắng vào mặt lũ giặc Tây:

Tao già không sức cầm dao
Giết bay, có các con tao trăm vùng!
Con tao, gan dạ anh hùng
Như rừng đước mạnh, như rừng tràm thơm!

Cũng sống trong vùng địch chiếm đóng, bà mẹ Tơm âm thầm nuôi cán bộ cách mạng. Trở về thăm mẹ Tơm xưa, mẹ không còn mà qua nén hương gửi tới mẹ lòng biết ơn tôn kính: 

Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi
Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời! 

Và còn đây người mẹ của thời kỳ chống Mỹ. Mẹ Suốt chèo thuyền đưa bộ đội qua sông không ngại bom đạn kẻ thù bắn phá: 

Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
ThI tui cứ việc nắng mưa đưa đò...

Giữa chiến trường có cả mẹ già và các em nhỏ đi tiếp tế, liên lạc cho bộ đội: 

Cháu bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh


Ca-lô đội lệch
Mồm huýt sáo vang
Như con chim chích
Nhảy trên đường vàng...
Và thắt lòng người đọc:
Bỗng lòe chớp đỏ
...
Lượm ơi, còn không? 

Rồi những người anh hùng như anh Trỗi, chị Lý. Tất cả các nhân vật anh hùng, tiêu biểu của thơ Tố Hữu đều có thực và từ mỗi nhân vật đều có thể rút ra một triết lý, một lẽ sống, một bài học giữa sự sống và cái chết, tồn tại và bất tử. “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử" như Nguyễn Văn Trỗi. 

Tố Hữu không hư cấu nhân vật lịch sử. Tác giả không tô điểm mà ánh hào quang tự nó sáng lên cho dù là chân chất giản dị

Này đây anh Vệ quốc quân của những năm đầu chống Pháp, gan dạ, kiên cường nhưng còn vất vả chịu đựng thiếu thốn, ốm đau: 

Giọt giọt mồ hôi rơi
Trên má anh vàng nghệ
Anh Vệ quốc quân ơi
Sao mà yêu anh thế!

Đến anh Giải phóng quân “kính chào Anh, con người đẹp nhất” với chiếc mũ tai bèo “như một bàn tay nhỏ/ Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành/ Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh/ Mà xông xáo, mà tung hoành, ngang dọc”. 

Nhân dân đã làm nên lịch sử và người chỉ huy, vị chủ tướng mang đậm nét người Việt Nam, người anh hùng dân tộc: Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những bài thơ Hồ Chí Minh, Sáng tháng năm, Bác ơi, Theo chân Bác sống theo thời gian và dòng lịch sử là một đóng góp lớn của Tố Hữu. 

Những năm đầu cách mạng, một số nhà thơ đều cảm thấy rất khó khăn khi viết về Bác. Người vĩ đại, lồng lộng trên cao lại quá gần gũi ân cần với cuộc đời. Tố Hữu đã viết về Bác: 

Hồ Chí Minh
Người lính già
Đã quyết chiến hy sinh
Cho Việt Nam độc lập
Cho thế giới hòa bình!

Và mạnh mẽ hơn, sắc bén hơn: 

Làm tên quân cảm tử đi tiên phong
Đánh trăm trận, thề trăm phen quyết thắng!
Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời. 

Với Việt Bắc, hình ảnh Người giản dị gần gũi. Tuy tuổi đã cao nhưng vẫn năng hoạt động với tinh thần của người chiến sĩ cách mạng, với vẻ đẹp như một huyền thoại:

Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người... 

Năm tháng đi qua, nỗi đau đã ập đến. Người đã đi xa. Tố Hữu đã nói lên tấm lòng và nỗi đau của toàn dân tộc khi Người qua đời:

Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch, chẳng vàng son
Mong manh áo vải, hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Thơ Tố Hữu là dòng thơ cách mạng của thời kỳ hiện đại. Tác giả tiếp cận và chịu ảnh hưởng của thơ ca phương Tây kể cả phong trào Thơ mới. Tuy nhiên quan niệm thơ Tố Hữu thoát thai từ Thơ mới là không chính xác. Thơ Tố Hữu đồng hành với thời cuộc. Tính thời sự tạo cho thơ tác giả sức mạnh và gần gũi với quần chúng. Có những bài thơ như tác giả nói với cán bộ và sinh viên khoa Báo chí “tôi làm báo bằng thơ”. Tuyên truyền nhưng giàu tính nghệ thuật mà biểu hiện rõ nhất là đậm tính dân tộc. Giữa lúc có khuynh hướng thơ ca sùng ngoại lệ thuộc vào thơ phương Tây hoặc lưu giữ lại ảnh hưởng của thơ Tàu, Tố Hữu vẫn giữ bản lĩnh và sức sáng tạo riêng. Tố Hữu đã miêu tả thành công có giá trị nghệ thuật những đề tài lớn như viết về Tổ quốc, về nhân dân, về Bác Hồ. Thơ Tố Hữu bắt nguồn từ sự thực của cuộc đấu tranh cách mạng và từ thực tế chân thực, giản dị, nhân văn đã được sáng tạo thành những nhân vật có phẩm chất anh hùng, cao thượng. Không khó khăn gò bó, ước lệ mà nhiều khi bay bổng chất chứa suy nghĩ. Những câu thơ tạo chiều sâu suy nghĩ và giàu liên tưởng: 

Không nỗi đau nào riêng của ai
Của chung nhân loại chiến công này,
Việt Nam ơi, máu và hoa ấy
Có đủ mai sau, thắm những ngày? 

Năm 2020, kỷ niệm 100 năm năm sinh của Tố Hữu. Người đã đi xa nhưng còn để lại cho đời một di sản văn hóa đặc biệt là thơ ca, những bài thơ là chấm son điểm tô cho từng giai đoạn cách mạng, những đài thơ kỷ niệm cho những sự kiện vinh quang của đất nước.


Hôm nay nhân kỷ niệm 100 năm năm sinh của ông, tôi chân thành tưởng niệm, tưởng nhớ anh, nhà thơ lớn, người anh mà từng kỷ niệm với anh là một khích lệ cho tôi trong đời cũng như trong trang văn.

Tháng 1-2020


(1) Tố Hữu - nhà thơ cách mạng - NXB Khoa học Xã hội,  tháng 11-1980.
(2) Hà Minh Đức, Tố Hữu - cách mạng và thơ (nghiên cứu, trò chuyện và ghi chép về thơ Tố Hữu), NXB Văn học, 2008.
GS HÀ MINH ĐỨC