HV146 - Trang thơ Chử Văn Long

Đẹp và Buồn. Đó là hai hằng số của thơ Chử Văn Long. Tập thơ Thơ và Mộng mỏng, tuyển từ 1967 - 2020 (NXB Hội Nhà văn, 1-2020). Cũng có nghĩa là một đời làm thơ, in hàng chục tập thơ, giờ chắt lọc ra được chừng ấy. Tôi cho thế cũng là vừa. Vấn đề là chất lượng. Anh cũng biết thế nên lấy câu thơ của Nazim Hikmet làm đề từ “Tập sách mỏng tưởng chừng như rất nhẹ/ Trái tim anh trĩu nặng đồng cân”. 

Tôi đọc đi đọc lại tập thơ mỏng nhẹ (hơn 40 trang) này nhiều lần, xem cái gì trong đó cuốn hút. Đó chắc là tâm sự chân thành của nhà thơ trước thế sự hiện thời. Có biết bao điều muốn nói, nhưng anh chỉ nói những gì đáng nói nhất. Đó chắc chắn là nỗi buồn, nhiều khi mỏng nhẹ, trong trẻo nhưng triền miên day dứt. Nhiều khi trước sự đời bất công, không nén được, anh bi phẫn thốt lên: “Nhân dân làm chủ/ Sao nhân dân phải đến thế này?” (Một nhà văn vừa mất). 

Thơ Chử Văn Long không hề hoa mỹ, từ chương. Anh đi vào cốt lõi sự sống, cố gắng nói lên tiếng lòng xúc động, chân thật, anh gắn với thơ cổ điển. Do đó, giữa vô vàn người làm thơ, thơ họ Chử có một cốt cách riêng. Thơ anh chứa chan bao tình ý của người hôm nay. Có buồn thì cũng nên buồn ít thôi, và đừng nên bi quan. “Người ta có quyền buồn, nhưng không được quyền bi quan”. Nazim Hikmet cũng nói như thế. Nhất là khi chúng ta đang gánh trách nhiệm được ủy thác bởi hàng triệu người hy sinh. Chúng ta phải hy vọng và thắng lợi. 


Mơ giấc mùa xuân

Anh đã chết bao lần trong đau khổ
Lại hồi sinh trong đó bao lần
Không biết còn xảy ra bao nhiêu lần nữa
Để sau cùng mơ trọn giấc mùa xuân


Những vết thương ở bên ngoài dễ thấy
Bất quá chỉ làm thể xác ta đau
Còn vết thương tận trong hồn ta cháy
Ngày mỗi ngày nung mủ có lành đâu


Ở nơi ấy anh nhìn anh rất rõ
Một chút thông minh, đầy những dại khờ
Lòng chất chứa buồn thương vơ vẩn
Những bồi hồi anh thốt giữa dòng thơ


Ở nơi ấy anh nhìn đời rất rõ
Đời khao khát thương yêu, mong chống lại lọc lừa,
Nhưng bắt đầu từ đâu, cuộn chỉ đời rối rắm?
Trong lòng tay tạo hóa cứ bông đùa…

Nhìn anh như chẳng chút gì xa lạ,
Vẫn bên em, bên bè bạn hằng ngày
Ai biết được từng khi anh đã chết
Lại trở về cười mỉm trước em đây.


Thế giới 

Thế giới như thể bàn cờ
Bày ra, dập, xóa
Những bàn tay đeo găng trắng muốt chơi cờ trên số phận nhân dân
Nhưng thế giới vẫn còn bao nhiêu điều khác nữa
Dù muôn vạn đổi thay
Tim tôi như cây đàn xưa cũ
Tháng Mười về vuốt nhẹ lên dây
Câu dân ca Việt Nam mang nỗi buồn trong trẻo
Em dịu dàng bên dáng liễu tóc bay.


Bồ câu nước Mỹ

Nhiều người đã tới thăm nước Mỹ
Về kể chuyện đường phố chim bồ câu
Nhởn nhơ bay, đậu vai khách lạ
Ở đây chim không sợ bị súng đạn săn lùng
Từng sợi nắng thanh bình rải lên nhành cây phiến lá…


Làm ta bỗng quên
Bom đạn từ đây đem rải khắp miền
Bao cuộc chiến tranh đã bắt đầu từ nước Mỹ
Từ nơi các chú bồ câu nằm xòe lông sưởi nắng mắt lim dim…


Nghĩ về đất nước buồn vui

Mỗi khi nghĩ về đất nước, buồn, vui…
Anh cứ thấy như mình đang mắc lỗi
Trước trang giấy anh chưa từng gian dối
Chưa từng tụng ca những xu nịnh thấp hèn
Nhưng đã ngây thơ đem đặt niềm tin
Vào những thứ ngây thơ cùng gian dối
Thời gian trôi qua, đắng cay thêm tuổi
Mới nhận ra sự sống đã muôn đời
Hết giặc giã thương đau lại kẻ khóc, người cười
Bao khát vọng công bằng đổ vỡ
Bao mơ ước tương lai thành nhăng nhố
Chỉ tình người còn lại giữa bon chen
Phải có ánh mắt thật trong, tấm lòng rộng mở
Biết tha thứ lỗi lầm, biết nhìn ra thật giả
Mác rượu quý nhiều khi đóng chai nước lã
Kẻ rao giảng tình người lại thành lũ bất nhân
Biết tin vào đâu, kể cả thánh thần
Thường lấp bóng cho tà ma, quỷ ám,
Chỉ còn những câu thơ an ủi anh
Thơ đã thành trò chơi mua bán
Không chia xẻ cùng ai, không đau xót vì ai
Thà xé phăng đi cho chó gặm, rác vùi
Thơ như nắm xương khô
Thơ nhờ nhờ xác ướp…
Nói như vậy các nhà thơ sẽ nhìn anh căm ghét
Còn hơn lời khen cách tân, đổi mới không hồn
Câu chữ tối mù, ngôn từ vặn vẹo
Trong khi ngoài kia những cánh đồng khô héo
Những dòng sông cạn kiệt từ lâu
Biển đang chết như một niềm oan khuất
Rừng tan hoang treo tai họa trên đầu…
Anh đứng ở chỗ nào mà nhân danh Tổ quốc
Nhân danh nhân dân vĩ đại với anh hùng
Nhìn đoàn người lìa quê xa xứ
Đi gồng thuê gánh mướn khắp Tây, Đông
Ai không thấy bùi ngùi thao thiết
Kiếp gánh mướn làm thuê mà là chủ núi sông?
Có lẽ anh đã trách nhầm thơ
Khi lắng lại lòng mình bao cảnh đời tan nát:
Con từ bỏ mẹ cha, chồng vợ dối gian nhau,
Anh em chia lìa, bạn bầu lừa gạt…
Kẻ quyền bính thì lừa dân hại nước
Cuộc sống trong lành thơ mộng có còn đâu! 

Hà Nội, tháng 10 năm 2016
 

MAI QUỐC LIÊN