HV146 - Trong 20 năm, cô gái đã vượt qua 5000 năm

Cho dù sinh ra trong hoàn cảnh của thời sơ khai, nhưng nếu được tiếp xúc với giáo dục hiện đại, con người cũng sẽ dễ dàng thích ứng với một nếp sống văn minh.
 

Một nhà bác học người Pháp cùng với toán dẫn đường là người da đỏ mò mẫm đi sâu vào trong mê lộ rừng già ở vùng Nam Mỹ. Họ vừa vượt qua khỏi đỉnh núi Caaguassu khoảng chừng 50km nhưng những thổ dân bộ lạc Guayaki vẫn lần theo được dấu vết, và cuộc săn đuổi lại càng ráo riết. Thỉnh thoảng đoàn người chạy trốn nghe những tiếng rít của các tên độc xuyên qua cây lá rừng già bay trên đầu mình.

Rồi họ đến một dòng suối bị nước lũ cuốn tràn về trở nên chảy xiết. Họ đành bỏ hết hành lý trên bờ để lội qua. Cuối cùng, hoảng sợ vì những đám tên vùn vụt bủa xuống dòng nước ở trước mặt mình, hai người dẫn đường đã bơi ngược lại để trốn vào trong rừng sâu. Đoàn người còn lại bơi được an toàn qua bên kia bờ, và sau khi đi nốt chặng cuối chừng trăm cây số, họ đã tìm lại được nơi cắm trại.

Đối với nhà nhân chủng học Jehan Vellard, chuyến thám hiểm tốn bao nhiêu thời gian nghiên cứu công phu kể như đã kết thúc một cách tuyệt vọng. Người Guayaki, thuộc dân da đỏ, là một lớp người trên đà tuyệt chủng, và nhà bác học đã tìm đến đây nghiên cứu cuộc sống những người cổ xưa. Vốn không giao tiếp với những đồng loại thổ dân nào khác, cuộc sống của họ còn ở thời kỳ đồ đá, và trong nhiều tháng Vellard đã đi sục sạo tỉ mỉ trong từng vùng một, những vùng kể như không có cách nào đột nhập và cũng là nơi ẩn náu cuối cùng của dân Guayaki còn sót trên địa cầu này. Thế nhưng rốt cuộc, nhà bác học chỉ có những sự tiếp xúc hiếm hoi và thật vội vàng. Trước khi bước vào lĩnh vực nhân chủng, J. Vellard đã là y sĩ và là nhà sinh vật học. Ông đã thực hiện nhiều chuyến nghiên cứu cho Bảo tàng Con người và cho Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học, phần lớn là về Nam Mỹ.

Qua ngày hôm sau, khi trở về trại, đột nhiên nhà bác học trẻ giật mình: rõ ràng, không chút hồ nghi, có tiếng trẻ con khóc. Đồng thời ông thấy xuất hiện những người dẫn đường hoảng hốt chạy trốn hôm nào. Họ dắt theo một bé gái chưa tới hai tuổi, thuộc dân da đỏ, và trần như nhộng. Thân hình em bé mảnh mai, với cái bụng ỏng của những đứa trẻ còm cõi cùng những vết đỏ kéo dài trên lớp da vàng cho thấy rất rõ em đã thiếu ăn và bị hành hạ. Em bé nhe răng, rống lên những tiếng hoảng sợ và cứ vùng vẫy tìm đường chạy thoát. Những người dẫn đường giải thích:

- Chúng tôi đã tìm thấy nó trong một trại hoang của người Guayaki.

Các nhà nhân chủng hiểu rằng một đứa trẻ con sinh ra trong hoàn cảnh sơ khai nếu được tiếp nhận giáo dục hiện đại thì sẽ dễ dàng thích nghi với nền văn minh. Đây là cơ hội duy nhất để cho Vellard tham dự vào sự tiến hóa thật hấp dẫn này: ông đang có trước mặt mình một đứa bé con sinh trưởng từ một bộ lạc ở trong thời kỳ đồ đá. 

Nhà bác học đem em bé về giao cho mẹ sống ở thủ đô Paraguay. Những kỷ niệm đầu tiên của đứa bé nhuốm đầy sợ hãi: em sợ cha nuôi, sợ bà nội mới, sợ mất những gì mình có, và khi đi ngủ em mang tất cả đồ chơi vào giường, ôm chặt những con búp bê cả trong giấc ngủ. Em bé được đặt tên là Marie Yvonne. Nhiều tuần lễ liền người ta đã cố gắng một cách tuyệt vọng để dạy em đọc tiếng Pháp. Mặc dù đã phải cổ vũ hết lời để em lặp lại những tiếng mới mẻ và lạ lùng này, nhưng em không chịu nói theo. Rồi một hôm nọ, em bé tưởng mình đơn độc chẳng ai nghe biết, đã ngồi lặp lại đi lặp lại mỗi một ngôn từ. Và vài giờ sau, em bước vào phòng bà nội kêu lên cái ngôn từ ấy đầy niềm tự hào. Em đã kêu lớn: “Bà nội!”. 

Kể từ ngày đó, em tự tập luyện một mình trong vòng bí mật để rồi lại phô bày ra những gì mình biết với niềm tự hào. Càng ngày em càng quen dần với ngôn ngữ mới thì nỗi sợ hãi chung quanh cũng tan biến đi. Em không rời khỏi cha nuôi một bước, theo ông đến những lớp dạy, những nơi mà ông diễn thuyết. Những nhà bác học và những giáo sư đông đảo trong cái thế giới mới mẻ của cô gái bé đã thành những người bạn tốt của cô. 

Gần được 6 tuổi, cô học thêm một sinh ngữ thứ hai, tiếng Tây Ban Nha. Và khi gia đình Vellard đến ở Brasil, cô lại có dịp làm quen tiếng Bồ Đào Nha. Nhờ bà nội đã tận tình chỉ dẫn, cô học đọc và viết mau chóng lạ thường. Càng ngày những cuộc nghiên cứu khoa học đã đưa cô bé đi khắp Nam Mỹ. Cô đã thích nghi với nhiều loại trường khác nhau, nhưng ở trường nào cô cũng xếp vào hạng những học sinh giỏi nhất. 

Khi lên 14, cô được đi theo cha nuôi trong một chuyến thám hiểm dài ngày. Nhà bác học muốn nghiên cứu những người da đỏ Aymara sống ở ven bờ hồ Titicaca, trên cao nguyên Andes với những đỉnh non tuyết phủ, ở độ cao 3.850m. Vellard có thói quen sống cùng những thổ dân mà ông nghiên cứu nhưng những người Aymara không chịu tiếp ông, vì họ nghi ngờ. Khi ông đến gặp, họ đứng lặng yên nơi ngưỡng cửa của chiếc lều, không nói một lời, ném những cái nhìn nghiêm khắc. Đêm đến, nhà bác học gợi ý cho cô gái nuôi là nên cắm trại ngoài làng để tránh bất trắc. Cô nói:

- Chúng ta hãy cứ chờ thêm. 

Cô cảm nhận được thái độ kiêu hãnh của người da đỏ, cảm nhận được sự sợ hãi tiềm ẩn của họ, và ở nơi cô có một ý chí khẳng định là không muốn để những người anh em cùng chung nòi giống gạt bỏ ra ngoài. Cô bèn đi tới đám người Aymara mặt mày cau có nhìn cô với vẻ hoài nghi, và cô giải thích với họ, trộn lẫn tiếng Tây Ban Nha với những thổ ngữ ở đó mà cô học được, rằng cô đã được sinh ra trong một bộ lạc da đỏ ở chốn rừng hoang xa xôi mãi về phương Nam. Cô nói thêm rằng những người trong chủng tộc cô thảy đều sợ hãi, cũng như căm thù những người da trắng. Tuy nhiên, người da trắng cùng đến với cô tìm hiểu phong tục dân làng, đó là cha cô. Rồi cô kể lại cô được nuôi dưỡng, dạy dỗ ra sao. 

Những người này nghe cô nói, trao đổi rất nhanh những cái liếc mắt, phớt qua một vài cử chỉ, lộ vẻ bối rối. Cuối cùng, một trong những người phụ nữ có mặt ra dấu cho cô lại gần. Bà nói:

- Hãy vào trong nhà. 

Marie Yvonne và người cha nuôi suốt mùa hè ấy sống với những người bạn mới và thích nghi dần đời sống thường ngày của người Aymara, tham dự vào các cuộc vui, vào các lễ hội của tín ngưỡng họ. Đối với cô gái, giai đoạn này có ý nghĩa quyết định vì ở nơi cô hình thành con đường mình đi. Cô cũng có sự hiếu kỳ nhiệt tình, bền bỉ của người cha nuôi và quyết định đem áp dụng những khả năng ấy để nghiên cứu các chủng tộc. Khởi đầu, cô học hỏi cách quan sát theo tinh thần khoa học tất cả sự kiện với một ý thức khá cao và học hỏi cách ghi chép tư liệu. Rất có khả năng về các sinh ngữ, cô đã tiếp xúc dễ dàng với các thổ dân mà cô nghiên cứu phong tục. Cuối cùng, sau bốn năm học xuất sắc tại viện Riva Aguero thuộc trường đại học ở thủ đô Lima (Peru), cô đã có đủ khả năng đi vào sự nghiệp của một nhà nhân chủng học. Bấy giờ cô 21 tuổi. 

Rồi một tai nạn suýt xảy ra: nhiều ký giả của các báo muốn làm phóng sự giật gân đã đến bủa vây cô bé và người cha nuôi. Vellard chỉ nói đơn giản như sau: 

- Đó là một cô bé lạc loài đã được tìm thấy. Tôi đã giúp cô học hành vững vàng và giờ đây cô làm việc. Chẳng có gì khác để nói thêm nữa.

Một số ký giả thất vọng bắt đầu sáng tác nhiều chuyện lạ lùng về người thiếu nữ, thậm chí có kẻ viết rằng cô được một con sói cái nuôi trong hang đá và lớn lên bằng sữa của con vật ấy. Vốn hiền lành, trong sáng và giản dị, cô gái hoảng sợ trước những luận điệu quái gở và cô thấy bị xúc phạm, tủi nhục. Cái phần thừa kế ở trong huyết quản của các thiếu nữ Guayaki đột nhiên vùng dậy và cô suýt đã bỏ trốn, ẩn mình ở một nơi khác. Cuối cùng, với nhiều cố gắng cô đã ở lại Lima, nơi người cha nuôi định cư và thành lập viện nghiên cứu vùng Andes. 

Với ý muốn mình trở nên hữu ích cho nhiều người khác, cô đã theo học các lớp của Hồng Thập Tự đào tạo những nữ hộ sinh lành nghề. Buổi chiều, cô đến làm việc tại viện, buổi sáng cô đến bệnh viện. Chẳng bao lâu cô có nhiều bạn thân, không chỉ trong lớp đại học mà trong tất cả tầng lớp xã hội ở các khu phố của đô thị này. Đi dạo với cô, qua khắp thủ đô, nhìn thấy không biết bao nhiêu nụ cười và những lời lẽ thân ái đón chào trên khắp ngả đường. Ở khu phố cô - nơi thường có nhiều cảnh nghèo - cô dừng lại chuyện trò với những người bệnh trước đây được cô chăm sóc. Một người chuyên bán hàng rong quay lại bảo tôi như sau: 

- Thưa ông, tôi phải nói cho ông rõ chúng tôi yêu quý cô y tá này như thế nào. Cứ mỗi buổi mai, ai cũng ngong ngóng đợi chờ cô đến. Cô đã chịu khó, chịu khổ với biết bao người, và ai cũng yêu thích cô là vì lẽ đó. Rồi cô nhảy múa, ca hát, cô đàn để giúp chúng tôi được vui. Ngày nào cô cũng mang lại cho những người bệnh một niềm vui sống. 

Sự nghiệp khoa học của cô Marie Yvonne dẫn cô đi khắp các vùng xa xôi trên địa cầu này cùng với cha mình, từ vùng đất lửa ở sát Nam Mỹ đến những làng Eskimo ở gần Bắc cực. Rồi một mùa xuân cô đã thực hiện những cuộc khảo sát một mình, và lần đầu cô đơn độc đi sâu vào những rừng già, những vùng hết sức hoang dã, xa xôi. Trên chiếc máy bay nhỏ bé lượn sát những khu rừng rậm, cô đã đến Iquitos ở vùng thượng nguồn sông Amazon. Từ đó, có người da đỏ dẫn đường cho cô đi thuyền độc mộc chèo dọc theo các phụ lưu của con sông này và tiến sâu vào vùng rừng hoang. Rồi chỉ một mình trên những con đường mờ mịt, ở trong bóng tối rừng sâu - khu rừng nhiệt đới lớn nhất địa cầu - cô lại tiếp tục hành trình tìm đến một làng da đỏ vô cùng hẻo lánh. 

Và ở nơi đó, cô giải thích cho người dân hiểu rằng những cách riêng biệt trong nghề dệt vải, làm bếp, nung lò sẽ sớm mất đi nếu không được ghi chép lại. Cô cũng nói rằng cô có hy vọng được ghi nhận hết những hiểu biết ấy. Vốn là người da đỏ, cô hiểu tinh thần và phong tục học, còn họ thì rất sung sướng được đón tiếp cô cùng chung sống ở trong nhà. 

Trong các chuyến đi, cô chưa quay lại xứ Paraguay và cũng không mong quay trở về đó. Những người da đỏ Guayaki kể như đã bị tuyệt chủng, và cô Marie Yvonne không còn có mối liên hệ nào nữa với bộ lạc mình. Cô đã ra đời ngày nào, chẳng ai còn giữ dấu vết, từ một người mẹ mà cô không còn nhớ mặt. Cô chỉ nhớ mỗi ngày tháng quan trọng cho cuộc đời mình, là ngày tháng cô được ném vào nền văn minh thế kỷ 20, từ một thế giới sơ khai - thế giới đã chết từ 5.000 năm trên đất châu Âu. 

Mới đây chúng tôi có dịp gặp gỡ được cô và mời cô dùng bữa tối cùng vợ chồng tôi trong một tiệm ăn nổi tiếng tại Lima. Khi cô bước vào, tất cả đều quay lại nhìn. Chiếc áo màu bạc làm tăng màu da sáng ửng như đồng cũng như mái tóc bồng bềnh đen tuyền màu quạ. Cô rất thoải mái tiếp nhận mọi sự chào đón một cách hồn nhiên, và cô đoán biết tất cả những gì cần phải làm vui thực khách chung quanh nên khéo dẫn chuyện trong chiều hướng ấy. 

Những người tiếp viên, nửa da đỏ, nửa Tây Ban Nha đã xoay quanh cô với sự hiếu kỳ. Khi tôi bước vào phòng bên để trả tiền, một người đã hỏi tôi rằng: 

- Xin lỗi, thưa ngài, cô thiếu nữ da đỏ ấy là ai thế? 

- Đó là một nhà bác học trẻ tuổi làm việc tại một trong những đại học ở đây. 

- Nhưng cô ấy là người da đỏ mà.

Tôi đã nói thêm vài lời cho rõ ràng hơn, và những người này trở nên yên lặng, cặp mắt long lanh, kiêu hãnh về sự thành công của cô thiếu nữ xuất thân như họ từ một giống nòi đã có truyền thống lâu đời.

VŨ HẠNH dịch

REESE WOLFE