Ngày 17-3-2020, cho tới 12 giờ trưa, người nào còn kịp nghe tin tức buổi sáng đều hối hả chạy ra siêu thị mua thực phẩm dự trữ cho những ngày tới. Trong sự hốt hoảng, người ta cứ chất đầy xe đẩy. Chẳng mấy chốc các kệ hàng sạch bách... làm cho người đến sau không có mà mua, mang thêm tâm trạng hoảng hốt. Sau 12 giờ là thời điểm cách ly toàn xã hội tại Pháp.
Hôm 16-3, cả nước Pháp ngạc nhiên khi thấy dân Paris kéo va li ra nhà ga hàng loạt, đến tối mịt vẫn còn những đoàn xe từ Paris hấp tấp nối đuôi nhau chạy về hướng nam, hướng tây, làm kẹt xe. Những người trố mắt nhìn cảnh tượng ấy tự hỏi, họ biết từ bao giờ chính phủ sẽ ban hành lệnh cách ly mà tháo chạy khỏi Paris như thời thế chiến thứ hai? Nhờ vào mạng điện thoại đi động xác định được 17% dân số của vành đai lớn Paris đã rời khỏi Paris trong vòng từ ngày 13 đến 20-3-2020, còn dân số tính riêng của nội thành Paris thì có khoảng 600.000 người (tức là 1/4) đã rời khỏi Paris.
.jpg)
Người dân Paris phải cách ly tại nhà, treo băng rôn: “Khẩu trang ở đâu? Xét nghiệm ở đâu?”
Nạn nhân tử vong vì Corona đầu tiên tại Pháp tại bệnh viện Bichat Paris là một người đàn ông 80 tuổi, du khách, đã đi qua Vũ Hán, nhập viện ngày 25-1-2020, mất ngày 14-2-2020. Kể từ đó dịch Corona khởi động tại Pháp, nhưng sự việc tưởng chìm đi so với thời sự chính trị đang nóng bỏng tại Pháp.
Cuối tháng 1, các hãng hàng không quốc tế tại Pháp tạm cắt đường bay đến Trung Quốc và nước này cắt đường bay đến một số nước châu Á trong đó có Việt Nam, nhưng vẫn giữ đường bay của họ với Pháp, du khách Trung Quốc vẫn tiếp tục đến Pháp. Trên báo chí đã thấy xuất hiện câu hỏi, chúng ta có phải đóng cửa biên giới? Điều này có nghĩa là đóng cửa cả khu vực Schengen của cả 28 nước thành viên Liên minh châu Âu, cả một vấn đề khó khăn, đâu phải ngày một ngày hai mà một quốc gia tuyên bố đóng cửa bầu trời của 28 nước được! Nạn dịch Corona hãy còn trong vòng “giả thuyết” và xa xôi ở tận châu Á. Pháp và châu Âu vẫn phớt lờ lời cảnh báo đại dịch của WHO từ ngày 30-1-2020, đến ngày 11-3-2020 thì WHO tuyên bố chính thức đại dịch toàn cầu.
Từ phía Bắc của Paris, chúng tôi đi suốt chiều dọc nước Pháp đi Lourdes hành hương vào giữa tháng 2, vẫn thấy những đoàn du khách Trung Quốc kéo nhau về Lourdes bằng xe buýt. Dọc đường đi, các nơi vẫn còn rất yên bình, không thấy có dấu hiệu gì về dịch cả. Tuy nhiên, trong một nhà hàng ăn, mặc dù đi cùng với chồng tôi là người Pháp, ông chủ nhà hàng vẫn có lời tiếng, với giọng điệu nửa thật nửa đùa, cho rằng người Á châu đem đại họa đến cho toàn thế giới, phải đuổi về châu Á.
Ngày 17-3-2020, dồn dập tin Liên minh châu Âu tuyên bố đóng cửa bầu trời Schengen, nước Đức tuyên bố đóng cửa biên giới với năm quốc gia lân cận là Pháp, Luxemburg, Đan Mạch, Thụy Sĩ và Áo; hãng hàng không VietNam Airlines tuyên bố tạm dừng các chuyến bay đến Pháp, đến châu Âu; thánh địa Lourdes đóng cửa không nhận du khách nữa. Cái tin 18 người Việt lên chuyến máy bay cuối cùng trở về Việt Nam làm cho nhiều người Việt khác kinh ngạc. Làm cách nào mà có người biết để về nước kịp thời, người khác lại không biết một tí gì? Có những thành phần được ưu đãi, nhận thông tin đúng lúc? Những người Việt còn bị kẹt ở lại vì nhiều lý do công ăn việc làm, sức khỏe, gia đình làm sao mà về được Việt Nam đây? Sự chia ly thời chiến tranh của quá khứ lại được dịp sống lại với một sự sợ hãi trong thực tế.
12 giờ trưa, thời gian thoạt đầu như ngừng lại. Những tấm ảnh về thành phố vắng xe cộ, vắng bóng người xuất hiện trên báo chí, trên mạng. Nhưng chẳng được bao lâu. Nhiều người không chịu nổi cảnh tù túng trong bốn vách tường, lại túa ra đường. Năm nay mùa xuân về rực rỡ, người ta kéo nhau ra đường như trẩy hội, người chạy bộ chạy đầy đường, cảnh sát vất vả kiểm soát, giải tán... Tính đến ngày 1-4-2020, cảnh sát đã kiểm soát 5,8 triệu người và lập 359.000 biên bản phạt tiền rất nặng, kể cả phạt tù những ai vi phạm nhiều lần.
Sự cách ly xã hội đến với nhiều người một cách bất ngờ, thế hệ trẻ sau này không có kỷ niệm những năm tháng chiến tranh, họ không quen bị quản thúc tại gia, mất tự do cá nhân, tự do đi lại, đặt nhiều câu hỏi cho thấy tầm mức ý thức của họ còn rất thấp, chỉ biết nghĩ cho riêng mình, cho nhu cầu của gia đình mình, thí dụ như: tại sao đường vắng thế này tôi không được ra đường lâu?!
Sự cách ly xã hội còn làm nổi bật lên những vấn đề... xã hội: chồng đánh vợ, cha đánh con đến chết, áp bức tình dục, trầm cảm, lo sợ, quan hệ hàng xóm láng giềng, săn sóc người già yếu, người cô đơn một mình..., những thảm cảnh khi có người thân qua đời vì dịch COVID-19, những cuộc an táng vội vàng với một ít người thân, người ở lại phải trả nhiều phí tổn vô lý như việc quàn xác trong nhà đông lạnh của tư nhân, vì nhà xác của bệnh viện không còn chỗ trống. Sự cách ly xã hội còn làm cho nhiều quan hệ vợ chồng bỗng chốc trở nên căng thẳng, tính đến ly hôn, nhưng cũng có những đôi xích lại gần nhau hơn, bao cao su trở nên khan hiếm, sau cách ly là đám cưới, và rồi những đứa trẻ “thời Corona” sẽ ra đời…
Không ít người so sánh COVID-19 với bệnh cúm mùa đông hằng năm ở châu Âu. Trong mùa cúm 2018-2019 có 9.900 người chết vì cúm típ A (H1N1 và H3N2) tại Pháp. Nhưng đó chỉ là một so sánh không đúng đắn.
.jpg)
Biểu đồ số người chết vì COVID-19 mỗi ngày ở Pháp tính đến 12-4-2020
Trường hợp tử vong vì Corona của một giáo sư trung học người Pháp, 60 tuổi, ở vùng Oise ngày 26-2-2020 mới đánh động dư luận Pháp qua báo chí. Thêm một trường hợp nữa, một người nam, 55 tuổi, ở thị xã Lacroix-Saint-Ouen, nhân viên phi trường Creil, bị nhiễm Corona và nhập viện trong tình huống nặng. Từ đó vùng Oise được xem là một trong những tâm điểm phát ra dịch bệnh. Nhưng mãi đến ngày 7-3-2020 thì tất cả trường học trong vùng Oise mới đóng cửa, thời điểm mà bệnh dịch bùng phát ở nhiều nước trên thế giới Trung Quốc, Hàn Quốc, Ý, Iran, Pakistan...
Đến ngày 27-2-2020 thì Pháp ghi nhận có 38 ca nhiễm vi rút Corona, lúc này trên thế giới có tổng cộng 82.000 ca nhiễm và 2.813 ca tử vong với khoảng 50 quốc gia bị lây dịch.
Ngày 28-3-2020, một cô y tá không chịu đựng nổi những thiếu thốn thiết bị y tế và sự cực nhọc trong bệnh viện đã thốt lên tiếng kêu báo động “Emmanuel Macron, hãy hành động ngay, mẹ kiếp!”. Bà bác sĩ Amelie Charbon làm chứng trên tờ Le Figaro ngày 10-4-2020: “Tôi mặc một cái áo trắng của thợ sơn, đeo một cái mặt nạ của thợ hàn và mang găng tay của công việc nhà”. Hai công đoàn của cảnh sát cũng đệ đơn kiện lên tòa vì chính họ cũng không có khẩu trang. Người viết bài này không mua được một cái khẩu trang và nước cồn rửa tay, dù đã ghi tên trong danh sách chờ đợi ở tiệm thuốc tây thị xã.
Những người già trên 60 tuổi là thành phần chịu đựng cách ly kiên trì nhất vì họ biết rằng một khi nhiễm phải vi rút Corona là cầm chắc cái chết trong tay, họ sẽ không được cứu. Nhiều bác sĩ, y tá đã công nhận sự sàng lọc mà theo họ là một sự bắt buộc vì thiếu thốn thiết bị, thiếu giường, thiếu người săn sóc, nên họ ưu tiên cho người trẻ, người có khả năng chữa khỏi trước hết. Một giường bệnh hồi sức tốn 3.000 euro/ngày cho bảo hiểm xã hội và bảo hiểm tư nhân, phần phí tổn còn lại do người bệnh gánh chịu. Nếu một người già nằm một giường hồi sức 22 ngày thì phí tổn lên đến 66.000 euro, mà chưa chắc người đó thoát khỏi bệnh, họ tính toán như thế. Tính đến ngày 7-4-2020 đã có 3.237 người già tử vong vì COVID-19 trong các nhà dưỡng lão, trong tổng số 10.328 người chết.
Trách cái xã hội này là một xã hội bất nhân phi nghĩa cũng bằng thừa, vì người ta càng ngày càng tin chắc rằng mục đích của những người ở địa vị lãnh đạo trước hết là vì tiền, con người chỉ là thứ vắt chanh bỏ vỏ. Đến tuổi hưu, chưa được ăn lương hưu mà đã khiêng chân ra trước thì quỹ hưu được lợi, không phải trả lương hưu cho những người đã lao động cả đời, đóng góp phần mình cả đời cho xã hội. Nếu
Nếu có một ngành phải tăng tốc thay vì thất nghiệp trong đại dịch thì đó là công ty sản xuất quan tài. Công ty OGF phải tăng sản xuất lên tới 15% trong ngày, tức là phải làm ra 420 hòm trong ngày để cung cấp cho khoảng 1.000 khách hàng (nhà táng). Cũng vì bệnh dịch mà 10.000 tù nhân trong các nhà tù của Pháp được trả tự do. Đã có 60 tù nhân nhiễm vi rút Corona và gần 900 người quản tù phải cách ly tại gia, 1 người quản tù và 2 tù nhân tử vong vì dịch.
Trên những đường phố Paris trống trải, nổi rõ những bóng hình cô đơn của những người vô gia cư. 3.500 người vật vờ, bị cảnh sát xua đuổi, thậm chí có người còn bị cảnh sát phạt vì không có lý do, giấy tờ trên đường phố. Bệnh dịch cũng làm cho nhiều con chó, mèo bị bỏ hoang, vì chủ nhân của chúng sợ chúng mang mầm bệnh về. Những học sinh, sinh viên phải đi làm thêm, người nghèo làm việc này việc kia để kiếm sống bỗng dưng mất việc, lao đao, đói ăn
Ngày 14-4-2020, nước Pháp thông báo là đã đi vào giai đoạn suy thoái kinh tế với con số tổng sản lượng quốc dân nội địa giảm 8% trong quý I-2020, con số thấp nhất kể từ 1945. Bộ trưởng Bộ Lao động đánh giá phí tổn chi tiêu cho thất nghiệp sẽ vượt quá 24 tỉ euro, con số thất nghiệp tạm thời hiện nay đã lên đến thêm 8,5 triệu người lao động, và còn tăng nữa.
Thủ tướng Édouard Philippe than thở: “Không có một hệ thống y tế nào mà lại được nghĩ ra để đối phó với một tình trạng giông bão như thế”. Từ các đời tổng thống tiền nhiệm Giscard d’Estaing, Sarkozy, Hollande qua tới Macron, việc cắt giảm mọi chi phí xã hội đều dẫn tới việc cắt giảm trong lãnh vực y tế. Tình trạng thiếu bác sĩ tổng quát, bác sĩ chuyên khoa đến thuốc men, thiết bị y tế, nhất là ở vùng quê, vùng tỉnh, ngày càng tăng sự phụ thuộc vào Trung Quốc cung cấp, trong khi dân chúng thất nghiệp ngồi không. Theo lời một dược sĩ, 80% thuốc men phụ thuộc vào sự cung cấp của Trung Quốc, tạo ra một tình trạng khan hiếm, khi có thuốc, khi không có. Một phương cách tái thiết lại quốc gia mà không phá vỡ mô hình toàn cầu hóa kinh tế đã bắt đầu được suy nghĩ, nghiên cứu.
Khẩu trang cũng là một vấn đề. Thoạt đầu, ở Paris, những ai đeo khẩu trang, thường là người châu Á, bị nhìn với ánh mắt hằn học, bị tấn công, nhổ nước bọt, khi làn sóng kỳ thị người châu Á nổi lên, gây tâm lý bất an ngay cả cho người nhập cư đã ở cả đời. Người phương Tây xem việc đeo khẩu trang là yếu đuối, bệnh hoạn, và cũng để phòng chống nạn khủng bố, cấm che mặt nơi công cộng. Cho nên, chính phủ Pháp phát động chiến dịch “chỉ đeo khẩu trang y tế khi có bệnh” dán đầy trong các bệnh viện. Nay thì những tấm bảng hiệu này đã bị tháo gỡ, dân chúng được kêu gọi nên làm quen với việc mang khẩu trang. Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp cho biết đã đặt Trung Quốc 250 triệu khẩu trang nhưng thời gian giao hàng mãi tận đến tháng 6, ngày 28-3 ông lại tuyên bố thêm là một tỉ khẩu trang đã được đặt ở nước ngoài. Hiện tại, nước Pháp cần mỗi tuần 40 triệu khẩu trang y tế mà chỉ sản xuất được 8 triệu. Dân chúng kêu ca đã bị chính phủ đánh lừa trong việc cung cấp khẩu trang và mất niềm tin vào lãnh đạo. Cho tới nay, 28 lá đơn khiếu nại chính phủ về việc giải quyết nạn dịch đã được nộp lên tòa án.
Sự kiểm soát, theo dõi sự di chuyển của dân chúng qua điện thoại di động cũng đang gây tranh cãi. Theo một cuộc thăm dò của báo Le Figaro, chỉ có 46% người dân chấp nhận, người ta lo ngại rằng tự do cá nhân ngày càng bị siết chặt trong tầm kiểm soát của chính phủ.
Tính cho tới ngày 20-4-2020, tại Pháp đã có 152.894 người nhiễm COVID-19, 19.718 người tử vong(*). Giải pháp “miễn nhiễm cộng đồng” từng gây nhiều tranh cãi đã được Tổng thống Macron bác bỏ trong diễn văn ngày 13-4-2020. Phương thức cách ly xã hội là biện pháp duy nhất trong đại dịch để hệ thống y tế của một xã hội không bị sụp đổ hoàn toàn. Tổng thống quyết định việc cách ly toàn xã hội sẽ kéo dài thêm một tháng cho đến ngày 11-5-2020, sau đó các trường học sẽ được mở cửa lại, đại học vẫn đóng cửa, các nơi vui chơi giải trí như quán ăn, quán cà phê, quán bar, rạp chiếu phim, lễ hội văn hóa... vẫn tiếp tục đóng cửa sau 11-5, ít nhất cho đến giữa tháng 7, nhóm những người yếu đuối già cả vẫn phải tiếp tục cách ly sau 115, biên giới Pháp vẫn tiếp tục đóng cửa, và hứa hẹn mỗi người dân sẽ có một khẩu trang sau ngày 11-5, đồng thời tăng thêm việc xét nghiệm cho những ai có triệu chứng. Thủ tướng Pháp đã công bố một gói cứu trợ đại dịch lên tới 110 tỉ euro.
20-4-2020