Khi đến viện để trực đêm, tôi thường đi khắp các hành lang và dừng chân lại trước từng khung cửa, trao đổi vài lời với các cụ. Tôi không còn nhớ đã bao nhiêu lần gặp vợ chồng cụ bà Kate và cụ ông Chris ngồi sát bên nhau, cúi nhìn tập an bum mở ra trên đầu gối hai người. Cụ bà hãnh diện cho tôi xem hình ảnh những ngày qua: một chàng trai tóc vàng, cao lớn, một cô gái tóc nâu duyên dáng và rạng rỡ. Họ đấy. Hết xuân lại thu, ngày tháng trôi qua vẫn không làm cho nụ cười họ trở màu ảm đạm. Tôi lây niềm vui sướng, thấy họ ngồi kề nhau, bên khung cửa sổ, hai mái đầu bạc phau phau phản chiếu ánh sáng như tỏa hào quang, cùng nhau cúi nhìn những kỷ niệm ngày xanh.
Trong viện, hai cụ không hề rời nhau nửa bước. Họ nắm tay nhau vào phòng ăn, trong phòng khách, trên sân thượng, ngoài bãi cỏ. Tôi nghĩ thầm: “Tuổi trẻ biết được gì về tình yêu nhỉ? Chỉ có tuổi già mới hiểu được tình yêu, tuổi trẻ giỏi lắm cũng tưởng tượng ra nó mà thôi. Có điên khùng mới lầm tưởng tuổi xuân nắm độc quyền tình ái”.
Cụ ông Chris là trụ cột của “cộng đồng” này. Cụ bà Kate sống vì ông cụ và nhờ ông cụ. Bọn đồng nghiệp chúng tôi vẫn tự hỏi: “Nếu chẳng may cụ ông mất trước thì cụ bà sẽ sống ra sao?”.
Đến giờ ngủ, tôi có nhiệm vụ mang thuốc vào phòng cho hai cụ. Cụ bà luôn luôn ngồi trong ghế phô tơi và cố nhiên, cụ ông vẫn ở đấy. Tôi giúp cụ bà uống viên thuốc xong thì ông đưa bà lên giường nằm, âu yếm khép tấm chăn quanh người bà, cúi xuống đặt chiếc hôn và vỗ nhẹ bên má bà… rồi cùng nhau trao đổi nụ cười cuối cùng trong ngày. Chỉ sau đó, cụ Chris mới quay lại nhận viên thuốc trên tay tôi và “chiêu” bằng một ngụm nước. Tôi bước ra khỏi phòng còn nghe cụ ông nói thêm lần chót: “Kate ngủ ngon nhé” và cụ bà đáp lại: “Chúc Chris cũng ngủ ngon”.
Sau hai ngày nghỉ phép tôi trở lại nhiệm sở và được tin:
- Cụ Chris mất sáng hôm qua, sau một cơn mệt tim.
- Còn cụ bà… khỏe chứ?
- Không được khỏe.
Tôi vội đến thăm cụ. Lúc ấy bà lão như dán chặt vào ghế phô tơi, đôi mắt đăm đăm xa vắng. Tôi cầm tay cụ, thì thầm: “Cháu đây, Phyllis đây mà”. Đôi mắt hết thần sắc không có một phản ứng nào. Tôi đưa tay nâng cằm, giúp cụ quay đầu lại phía tôi: - Cụ Kate, cháu vừa được biết việc xảy ra với cụ Chris. Cháu buồn lắm. Tiếng “Chris” vừa được nói ra, mắt cụ bỗng nhiên sống động. Thế là cụ bà đã thấy tôi: cụ chan hòa nước mắt, những giọt nước mắt do kho kỷ niệm khơi nguồn.
Cụ thì thào, giọng tan nát:
- Chris không còn nữa, cháu à.
- Vâng, cháu biết, cụ ạ. Thời gian sau đó, chúng tôi tìm cách cưng chiều cụ bà Kate, để cho cụ ăn một mình trong phòng, để ý từng tí đến cụ. Dần dần chúng tôi đã dẫn dắt cụ thích nghi lại lối sống trong viện. Nhưng mỗi khi đi ngang qua phòng, tôi thường thấy cụ ngồi ở phô tơi, buồn bã ngắm nhìn mấy tấm ảnh của cụ ông.
Giờ ngủ nay hóa ra khó khăn với cụ. Chúng tôi hoài công kể cho cụ nghe đủ chuyện và tìm cách làm cho cụ mỉm cười, nhưng không có cách gì làm cho cụ ra khỏi vòng im lặng buồn rầu. Nhiều tuần lễ trôi qua mà đêm nào cũng như đêm nào, cứ đến giờ ngủ là cụ có vẻ căng thẳng không yên. Không hiểu được vì sao cụ lại như thế nào vào giờ ấy, chứ không vào giờ khác.
- Cụ Kate à, có phải cụ nhớ nụ hôn của ông không?
Nói xong, tôi đột nhiên hôn lên má cụ. Có thể nói là tôi vừa phá vỡ một con đê. Mặt cụ đầm đìa nước mắt, tay cụ nắm tay tôi siết chặt:
- Tối nào Chris cũng hôn bà, luôn luôn như thế cháu ạ.
Tôi nghẹn ngào:
- Cháu biết.
- Bà nhớ cụ ấy lắm…
Và cụ mỉm cười ngước đôi mắt ướt đẫm nhìn tôi nói tiếp:
- Cám ơn cháu. Nhưng cháu không biết là Chris còn hát cho bà nghe nữa đấy?
- Thế ư cụ?
- Ừ, tối đến ta thường nghĩ đến bài hát ấy.
- Bài hát nói gì vậy cụ? Bà lại mỉm cười, vẫn nắm chặt lấy tay tôi rồi đằng hắng lấy giọng.
Thế rồi bằng một giọng rè rè nhưng dìu dặt đúng âm điệu, cụ khẽ hát: Em ơi, hôn anh một chiếc Trước lúc dời chân Vì đôi môi em tha thiết Sẽ sưởi ấm lòng anh Khi tuổi quá cao, anh không mộng nữa Mà chỉ còn ấp ủ tình em…(*)
VŨ HẠNH dịch