Đã mấy chục năm qua, trên bàn viết của tôi luôn có tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh. Tác phẩm này như một thứ bảo bối giúp tôi vượt qua nghịch cảnh, rằng con người ta ngay khi lâm vào nỗi ngặt nghèo vẫn phải giữ được cốt cách, tìm cho mình được một chân trời tự do. Các bài thơ ngắn gọn, bề ngoài như nhật ký, viết nhanh, vậy mà mỗi lần đọc lại thấy mới, nghệ thuật sáng tác ý tại ngôn ngoại. Cảm hứng từ thơ Nhật ký trong tù là bất tận.

Tập thơ Ngục trung nhật ký của Bác Hồ
Cho tới hôm nay, khi được đọc hai tập sách Đi tìm Nhật ký trong tù của nhà văn quê Cao Bằng Hoàng Quảng Uyên tôi mới hay tác phẩm này đã có thời gian dài bị thất lạc. Hóa ra, một tác phẩm văn học cũng như mỗi con người đều có số phận riêng! Chính điều đó đã khiến nhà văn Hoàng Quảng Uyên lặn lội khắp vùng chiến khu cách mạng ở Cao Bằng, sang đến tận tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) gặp các nhà văn Đường Trạch Hoàn, Phùng Nghệ (Chủ tịch Hội Nhà văn Quảng Tây), nhà báo Hoàng Tổ Giang (Tổng thư ký Hội Nhà báo tỉnh Quảng Tây), các giáo sư: Hoàng Tranh (Viện phó Viện Khoa học xã hội tỉnh Quảng Tây), Nông Lập Phu (Viện trưởng Viện Đông Nam Á), nhà nghiên cứu lịch sử Tô Đại Tân, được họ dẫn tới các địa danh có trong tác phẩm. Thú vị và cảm động biết bao khi đến quê ông Dương Đào, người mà Bác đã viết bài thơ Dương Đào bệnh trọng, người anh em kết nghĩa của Bác. Nhiều nơi, Hoàng Quảng Uyên dừng lại tìm hiểu sự ra đời những bài thơ. Đây là một công trình lớn giúp người đọc hiểu thêm về kiệt tác Nhật ký trong tù cùng sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh.
Hoàng Quảng Uyên là nhà văn dân tộc Nùng. Năm 2003, đọc bài báo của tác giả Hồng Khanh đề cập tới việc tập thơ chữ Hán Ngục trung nhật ký - dịch là Nhật ký trong tù - được Bác Hồ viết từ năm 1942 nhưng thất lạc ở Cao Bằng, phải đến năm 1955 mới được tìm trở về với Bác. Chính thông tin ngắn ngủi, đơn sơ ấy khiến Hoàng Quảng Uyên bắt đầu đi tìm ai là người ở Cao Bằng đã lưu giữ tác phẩm ấy!? Nhưng những người hoạt động cách mạng, được hoạt động cùng Bác đã khuất núi cả. Có người khuyên ông nên từ bỏ việc mò kim đáy biển ấy đi. Nhưng với bản lĩnh, tính cách của một người đã làm việc gì là làm bằng được, Hoàng Quảng Uyên không bỏ cuộc.
Hoàng Quảng Uyên đã tới Viện Văn học, lục tìm tài liệu liên quan đến Nhật ký trong tù. Viện Văn học đã lưu giữ các văn bản dịch tác phẩm rất chu đáo. Kiệt tác này được ông Phạm Văn Bình, bí danh là Văn Trực, Trưởng ban giáo vụ của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, một hôm đến phòng lưu trữ Trung ương Đảng đọc tài liệu đã phát hiện từ đống sách chữ Hán cuốn sổ tay bìa xanh đã phai màu có tiêu đề Ngục trung nhật ký, bức tranh vẽ hai tay bị xiềng xích vẫn nâng lên cao với tinh thần quật khởi cùng mấy câu thơ “Thân thể tại ngục trung/ Tinh thần tại ngục ngoại/ Dục thành đại sự nghiệp/ Tinh thần cánh yếu đại”. Đồng chí Bình mang về giao cho ông Văn Phụng là người phiên dịch chữ Hán của trường, dịch nghĩa tới đâu đưa cho ông để ông dịch ra thơ tiếng Việt. Các bản dịch đề là Văn Trực - Văn Phụng. Khi dịch xong 133 bài, đồng chí Bình mang báo cáo với đồng chí Trường Chinh, hồi ấy thường có giờ giảng dạy ở trường. Đồng chí Trường Chinh khuyên nên mang tới đưa cho đồng chí Tố Hữu. Đồng chí Tố Hữu đã giao cho ông Đặng Thai Mai và Hoài Thanh. Hai vị lãnh đạo của Viện Văn học đã giao cho dịch giả Nam Trân cùng làm việc với đồng chí Phạm Văn Bình để sang năm 1960 phát hành vào dịp Bác Hồ 70 tuổi. Dịch giả Nam Trân là người dịch tập Nhật ký trong tù thực sự là thơ, cũng có mấy bài thấy chất lượng Văn Trực - Văn Phụng dịch đã chuẩn, ông Nam Trân để nguyên. Cần nói thêm, trong thời gian tiến hành dịch tác phẩm, khi Viện Văn học dịch xong đã có công văn kính gửi Bác Hồ xin Bác chỉnh lý và cho ý kiến. Bác đọc rồi chép thêm bài Mới ra tù tập leo núi bằng chữ Hán vào chỗ trống ở cuối trang 2 bức thư. Từ đó Nhật ký trong tù có thêm bài thơ ấy. Các dịch giả đã làm việc nghiêm túc, khẩn trương để xuất bản Nhật ký trong tù vào năm 1960. Sau này nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả như Xuân Thủy, Khương Hữu Dụng, Nguyễn Quảng Tuân, Đỗ Văn Hỷ, Nguyễn Sỹ Lâm, Quách Tấn… đã dịch lại một số bài thơ với mong muốn góp phần vào nâng tầm kiệt tác Nhật ký trong tù.
Nhưng từ đâu mà Nhật ký trong tù lại nằm trong kho lưu trữ của Trung ương Đảng, là câu hỏi từ lâu nhiều người đặt ra nhưng chưa có giải đáp thỏa đáng. Hoàng Quảng Uyên đã tìm gặp ông Tạ Quang Chiến, người giúp việc cho Bác Hồ từ tháng 10-1945. Tuy tuổi đã cao nhưng trí nhớ ông Chiến vẫn minh mẫn, nghe nhắc tới Nhật ký trong tù mắt ông cụ sáng lên: “Tôi nhớ là vào khoảng 1955, khi hòa bình lập lại trên miền Bắc được hơn một năm, một hôm tôi soạn lại công văn từ các nơi gửi đến thì thấy một phong bì dày cộm hơn các phong bì khác, không đề người hay cơ quan gửi nhưng theo dấu bưu điện thì biết từ Cao Bằng gửi đến với dòng chữ: Gửi Văn phòng Phủ Chủ tịch, để trình lên Bác Hồ. Bóc phong bì thấy cuốn sổ lớn hơn bàn tay viết bằng chữ Hán. Tôi trình lên Bác, Bác cầm cuốn sổ lật qua một lượt, niềm vui hiện rõ trên gương mặt Người. Bác cầm tay tôi nói: “Bác cảm ơn chú”. Lặng đi giây lát, Bác nói tiếp: “Qua 9 năm kháng chiến, Bác tưởng nó thất lạc đâu rồi. Bác chỉ nhớ mang máng khi ở Cao Bằng, công việc cách mạng khẩn trương, Bác giắt nó trên mái tranh của một nhà đồng bào”. Rồi Bác bảo đề nghị văn phòng nên có thư cảm ơn và thưởng cho người chuyển tài liệu này tới đây. Đó chính là bản thảo gốc Nhật ký trong tù.
Trở về Cao Bằng, Hoàng Quảng Uyên tìm đọc hồi ký của những người hoạt động cách mạng và thấy bài Bác về Lam Sơn của Hoàng Đức Triều lúc ấy là Chủ nhiệm Việt Minh xã Lam Sơn. Hoàng Đức Triều sinh ra và lớn lên ở đây, là người được học chữ Hán, yêu thơ văn và đã sáng tác nhiều bài thơ vịnh non nước Cao Bằng. Điều đặc biệt là các chiến sĩ hoạt động cách mạng thời bấy giờ đều rất yêu văn nghệ. Hồi ký của Hoàng Đức Triều kể rằng, khi về Lam Sơn, Bác ở trong cái lán nhỏ của gia đình ông (lán Pác Tẻng). Người ở cùng Bác là đồng chí Tống, bí danh của đồng chí Phạm Văn Đồng. Những lúc rảnh rỗi, những đêm trăng sáng, Bác thường đàm đạo thơ văn với các đồng chí của mình. Có lần, Bác cháu ra suối tắm đêm, Bác đã ra một vế câu đối cho mọi người đối lại. Một lần, Hoàng Đức Triều đọc cho Bác nghe bài thơ Vịnh Cao Bằng đề ở đền thờ Nùng Trí Cao. Bác bình, thơ tả cảnh Cao Bằng đẹp và con người có chí nhưng quá nhiều điển tích nên hơi nặng nề, khiến người đọc khó hiểu. Hoàng Đức Triều kể rằng, Bác luôn mang bên mình một cuốn sổ thơ giấy mềm, có lần Bác đọc bài Khán “Thiên gia thi” hữu cảm (Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi”) từ cuốn sổ tay ấy: “Cổ thi thiên ái thiên nhiên mỹ/ Sơn, thủy, yên, hoa, tuyết, nguyệt, phong/ Hiện đại thi trung ưng hữu thiết/ Thi gia dã yếu hội xung phong”, nghĩa là: “Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp/ Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông/ Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Vậy là, khi ở Lam Sơn - Cao Bằng Bác vẫn giữ tập thơ Nhật ký trong tù. Nhà văn Hoàng Triều Ân, con trai ông Hoàng Đức Triều, lúc ấy đã hai mươi tuổi, nhớ lại: “Bác đi được mấy hôm thì bố tôi thấy cuốn sổ còn giắt trên mái tranh nên lấy cất đi. Sau đó ông Hoàng Đức Triều gửi lên cho ông Dương Công Hoạt, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Ông Dương Công Hoạt cất giữ sau này gửi về Phủ Chủ tịch để trả lại Bác. Có lẽ lúc ấy ông Hoạt nghĩ đây là cuốn sổ tài liệu quý chứ không biết là tập thơ”.
Hoàng Quảng Uyên đã thực hiện chuyến đi dài ngày sang Tịnh Tây (Trung Quốc), nhờ sự chỉ dẫn của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, cán bộ Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh trên đất bạn mà Hoàng Quảng Uyên hiểu được nguyên nhân Bác Hồ bị giam cũng từ một sự hiểu nhầm. Chuyến đi sang Trung Quốc của Bác là để liên lạc với Đảng Cộng sản Trung Quốc, trực tiếp là Chu Ân Lai. Đoàn có ba người: Bác Hồ; Lê Quảng Ba, người bảo vệ; Dương Đào, người dẫn đường. Nhưng trên đường đi Lê Quảng Ba bị đá lăn trúng chân bị thương phải nằm lại. Ngày 27-8-1942, Dương Đào đưa Bác tới thôn Túc Vinh, thuộc huyện Thiên Bảo thì bị hương cảnh Hướng Phúc Mậu bắt giữ, giải lên trình trưởng thôn Mã Hiển Vinh, ở đây hai người bị giam một đêm, hôm sau giải lên nhà lao Thiên Bảo. Từ Thiên Bảo, Bác và Dương Đào bị giải trở lại Tịnh Tây. Lúc ấy, Lê Quảng Ba mới hay tin Bác bị bắt, dù chân còn đau ông vẫn băng đường đến nhà lao Tịnh Tây thăm Bác. Bác đã trao cho Lê Quảng Ba lá thư và dặn cách hành xử để cứu Bác ra khỏi tù. Nội dung thư ngắn gọn: “Lập tức thông báo cho mọi người biết Hồ Chí Minh bị bắt ở Quảng Tây; hai là Đoàn đại biểu Việt Nam do Hồ Chí Minh dẫn đầu sang Trung Quốc gồm có ba người; ba là Hồ Chí Minh là đảng viên cộng sản nhưng không có liên hệ nào với Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Sau này, các nhà nghiên cứu hiểu tầm suy nghĩ xa rộng của Bác là thông báo sâu rộng để mọi người biết để tìm cách giải cứu nhưng căn bản để bọn Tưởng biết mà không dám thủ tiêu lén lút, khẳng định cho bọn Tưởng biết Đoàn đại biểu Việt Nam sang Trung Quốc để hội đàm chứ không phải là Hán gian (Trong Nhật ký trong tù có tới 17 lần Bác tự bào chữa khẳng định như thế). Viên cai ngục Vương Chi Ngũ trực tiếp điều tra nhiều lần, có lúc diễn ra rất căng thẳng nhưng phần thắng luôn thuộc về Hồ Chí Minh. Có mấy tên giữ ngục tỏ ra nóng, bực muốn khảo đả (tra tấn) nhưng Vương Chi Ngũ đã ngăn lại: “Người này già lắm, không thể khảo đả được, chi bằng giải lên trên lĩnh thưởng. Êm chuyện”. (Sau này, năm 1945, Vương Chi Ngũ đóng lon đại tá của đoàn Hoa quân nhập Việt đến Hà Nội và được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đãi ân cần khiến ông ta tỏ ra ân hận). Bác là người không có kẻ thù riêng, lấy lòng bao dung và rộng lượng thu phục kẻ đối nghịch để có lợi cho dân, cho nước.
Từ nhà lao Tịnh Tây bắt đầu cuộc giải đi qua 13 huyện, thị nhưng không nơi nào lấy được khẩu cung để khép tội Hồ Chí Minh. Bác luôn kiên trì với sách lược, đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù để chiến thắng.
Chuyến lần theo dấu chân Bác bị lưu đày qua các nhà tù, Hoàng Quảng Uyên đến tận nhà ông Dương Đào, người Bác kết nghĩa anh em, trao quà của Hội Nhà văn Việt Nam và bản chụp nguyên tác bài thơ Dương Đào bệnh trọng tặng gia đình ông:
Vô đoan bình địa khởi ba đào,
Tống nhĩ Dương Đào nhập tọa lao;
“Thành hỏa trì ngư” kham hạo thán,
Nhi kim nhĩ hựu khái thành lao.
Hoàng Trung Thông dịch:
Sóng dậy đất bằng hỏi cớ sao
Đẩy anh vào ngục, anh Dương Đào:
Cháy thành lây vạ, buồn khôn xiết,
Nay lại thương anh mắc chứng lao.
Hoàng Quảng Uyên được nhà nghiên cứu lịch sử, giáo sư Ôn Kỳ Châu đưa lên thăm Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh ở Liễu Châu, cách trụ sở Đệ tứ chiến khu khoảng 3km nằm trên đường Ngư Phong. Tại đây có ngọn Tây Phong Lĩnh, nơi khi mới ra tù Bác luyện tập bằng việc leo lên đỉnh núi này. Rồi Hoàng Quảng Uyên đến các địa danh khác như huyện Lai Tân, địa danh Bác sáng tác bài thơ mang ý vị trào lộng, châm biếm:
Ban trưởng nhà lao chuyên đánh bạc
Giải người, cảnh trưởng kiếm ăn quanh
Chong đèn huyện trưởng làm công việc
Trời đất Lai Tân vẫn thái bình.
Sau đó Hoàng Quảng Uyên đi đến các huyện Điền Đông, Long An, Đồng Chính… tới đâu cũng được đón tiếp nồng hậu, chu đáo. Đó là nhờ nhân dân bạn kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bộ sách Đi tìm Nhật ký trong tù của Hoàng Quảng Uyên thuộc thể tài ký sự xen lẫn nghiên cứu văn học cuốn hút độc giả với nhiều chi tiết, sự kiện lịch sử chân thực, những lý giải bình luận sắc sảo. Đây còn là tư liệu quý cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy thơ Hồ Chí Minh.