Một Ngô Thanh Vân (Việt kiều Na Uy) dũng cảm đưa kịch bản Song lang vào sản xuất dù biết chắc 100% sẽ không lấy được vốn, đã đồng hành cùng đạo diễn Lê Nhật Quang (Việt kiều Mỹ) với tình yêu cháy bỏng cùng sân khấu cải lương đã làm nên một Song lang khoắc khoải, thiết tha như gõ vào trái tim người xem một tình cảm day dứt về một loại hình nghệ thuật dân tộc đang dần phôi pha… Và một Lương Đình Dũng tâm huyết với phim Cha cõng con, lấy bối cảnh từ một vùng quê nghèo Việt Nam ở ven sông luôn đối mặt với lũ quét hằng năm. Đó chính là tâm huyết của những người trẻ, luôn hướng về cội nguồn dân tộcI.
.jpg)
Mẹ và con trong phim Hạnh phúc của mẹ
Và bây giờ Hạnh phúc của mẹ kể câu chuyện của người phụ nữ đơn thân ở một vùng biển, nơi có đồng ruộng muối mênh mông chỉ có gió, cát và nắng cháy. Tại đây, những người dân làm việc quần quật ngày đêm, dù che kín người cũng không khỏi đen sạm đi vì nắng gió. Hạnh phúc của mẹ như mang chính thực tại khắc khổ của những người dân nghèo miền biển lên màn ảnh rộng. Chính vì thế, hình ảnh người mẹ nghèo làm việc quần quật trên chiếc xe lam xuôi ngược, vừa khuân vác giao hàng vừa còng lưng giữa ruộng muối nắng cháy để kiếm đủ tiền cho đứa con trai mắc bệnh tự kỷ đến trường đã gây xúc động mạnh đến khán giả… Hai mẹ con Tuệ sống trong ngôi nhà nát, đơn côi, và đứa con trai nhỏ chỉ biết nói với mẹ một từ duy nhất “Tuệ”, vui hay buồn bé chỉ có thể nói một từ duy nhất. Nhưng người mẹ chưa bao giờ ngừng hy vọng bằng tình yêu thương của mình sẽ đưa bé trở về là bé Tim hồn nhiên, sôi động như bao đứa trẻ khác. Và từ khi biết mình bị ung thư giai đoạn cuối, niềm hy vọng ấy càng trỗi dậy hơn bao giờ hết. Tuệ phát hiện bé yêu âm nhạc, bé thích ánh sáng di động trên cao và những điệu nhảy sôi động trên ti vi, chị đã cố gắng đưa bé đến môi trường ấy, dù biết có thể là vô vọng. Nhưng tất cả đã như phép lạ, một phép lạ không hề khiên cưỡng, bởi sự thành công của bé Tim trên sân khấu chính là từ tác động của thị trường. Ông bầu sô chấp nhận một đứa bé tự kỷ và người mẹ bị ung thư giai đoạn cuối đứng trên sân khấu của ông, vì ông tin đó là một cách làm cho rating(*) chương trình của ông sẽ tăng lên cao ngất. Tim đứng được trên sân khấu và đi theo cái vòng sáng mà em yêu thích, tự tin với những bước nhảy đầu đời, đó chính là phương thuốc kỳ diệu nhất mà mẹ Tuệ đã để lại cho đứa con nhỏ bé của mình trước khi ra đi. Đứa con trai nhỏ được chị trao lại cho người đàn ông yêu chị hết lòng mà trước nay chị luôn cố chống lại vì chị chưa thể tìm cho mình hạnh phúc nào khác hơn là hạnh phúc khi nhìn thấy con vui sống như một đứa trẻ bình thường.

Phim Truyền thuyết về Quán Tiên
Hạnh phúc của mẹ không dành cho những ai ra rạp để cười, để nín thở trước các cảnh quay hành động kịch tính. Song, tác phẩm của đạo diễn Huỳnh Đông vẫn lặng lẽ ra rạp, mang theo câu chuyện nhẹ nhàng và sâu lắng về người mẹ đơn thân, đó là một sự lặng lẽ đầy cứng cỏi, mạnh mẽ, cũng giống như tình yêu của mẹ Tuệ dành cho con trai, tình yêu ấy đã đánh động vào trái tim con người với một nỗi ám ảnh không nguôi… Hạnh phúc của mẹ gần như dành toàn bộ thời lượng để nuôi dưỡng cảm xúc khán giả, khiến người xem khóc cười cùng nhân vật. Đó là nụ cười xót xa, nụ cười hạnh phúc khi nhìn bé Tim - cùng với sự nâng niu, che chở của mẹ Tuệ để có thể tự vượt qua chính mình, chạm tay đến đam mê và ước mơ nghệ thuật. Cát Phượng khi vào vai bà mẹ đơn thân, cô sẵn sàng rũ bỏ lớp trang điểm cầu kỳ thường ngày để trở thành người mẹ nắng gió của làng chài ven biển. Đó là một Cát Phượng hoàn toàn khác với một Cát Phượng trên sân khấu hài, cô như trở thành một người khác, đen nhẻm, hốc hác, lao động như điên trên đồng muối, trong các phiên chợ, để chắt chiu từng đồng cho con trai được đến trường. Cảnh cô cào bằng tay một cách tuyệt vọng trên từng đống muối giữa khuya để tìm lại túi tiền rơi mất vì đánh nhau với người đã gọi con trai cô là “Khùng”, đã thực sự làm lay động lòng người. Diễn xuất của bé Huy Khang cũng rất tốt, lần đầu tiên trên màn ảnh rộng Việt Nam, một diễn viên nhí có thể đảm đương vai diễn cậu bé tự kỷ một cách chân thật đến thế.
Phim Truyền thuyết về Quán Tiên dựa trên truyện ngắn của cố nhà văn quân đội Xuân Thiều viết về những năm tháng lửa đạn trên tuyến đường Trường Sơn. Nội dung phim kể về một binh trạm giữa Trường Sơn trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước khốc liệt với một thế hệ thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, những đoàn xe và những đoàn quân hối hả ra mặt trận. Phim Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, một đạo diễn tuổi 30, cho ta hình dung được câu chuyện 3 nữ thanh niên xung phong mở một quán ăn ngay trong một hang động trên cung đường Trường Sơn, cũng là nơi dừng chân cho các chiến sĩ lái xe đang lao về chiến trường. Câu chuyện như thế tìm đâu ra trên thế giới này? Bom đạn đỏ rực phía trước, đoàn xe vẫn đi và các cô gái vẫn vừa nhào bột làm bánh vừa hát vang… Đó chính là điều ta phải khai thác và làm phim, bởi vì chất liệu ấy trên thế giới chỉ có ta độc quyền, tại sao ta lại đi vay mượn kịch bản nước khác làm phim trong khi chất liệu trong nước thì ngồn ngộn với biết bao đề tài từ lịch sử đến đời sống xã hội, văn hóa?
Qua bộ phim này, đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ cho rằng, không hẳn là những người trẻ không mặn mà phim về chiến tranh, chỉ có điều những người làm phim phải làm ra những bộ phim chiến tranh có chất lượng đủ khiến giới trẻ yêu và thích dòng phim này. Truyền thuyết về Quán Tiên đó là một sự kỳ ảo, một sự lãng mạn của chiến tranh cách mạng. Để thế hệ trẻ ngày nay biết trân trọng hơn tất cả sự hy sinh mà một thời cha ông đã cống hiến tuổi trẻ và sức lực vì một nền hòa bình, thịnh vượng của dân tộc...
Phim Hai Phượng là hành trình cứu con nghẹt thở của bà mẹ đơn thân khi phải đối đầu với những tay giang hồ cộm cán trong đường dây tội phạm chuyên bắt cóc trẻ con, buôn bán nội tạng xuyên quốc gia. Để cứu được cô con gái bị bắt cóc, Hai Phượng chỉ có 14 tiếng đồng hồ rượt đuổi từ Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh cho đến Phan Thiết. Bất kỳ một sơ suất nhỏ nào cũng sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình và con gái (bé Mai). Điểm nhấn quan trọng của bộ phim là những pha hành động của “đả nữ” Ngô Thanh Vân. Hai Phượng có bảy trận giao đấu lớn và nhiều cảnh hành động lẻ. Trước bi kịch ấy, cô dấn thân vào chuyến phiêu lưu lành ít dữ nhiều, và thậm chí phải đối đầu với nhiều băng đảng đáng gờm để tìm lại con.
Cả hai phim Hạnh phúc của mẹ và Hai Phượng đều có nội dung ca ngợi tình mẫu tử, nhưng được làm bằng hai phong cách khác nhau và có doanh thu hoàn toàn cách biệt nhau. Hai Phượng của Lê Văn Kiệt chú trọng vào những màn võ thuật rất Hollywood, còn Hạnh phúc của mẹ chỉ đi sâu vào tâm lý nhân vật… Cả hai phim, một nơi là đồng bằng sông nước, một nơi là vùng biển nắng cháy, nhưng đều thể hiện cuộc sống của người lao động Việt Nam, tinh thần và phẩm giá của người phụ nữ Việt Nam: Vì con họ có thể vượt qua hết tất cả mọi chông gai, bão tố…
Sau thất bại doanh thu của hai phim nghệ thuật Song lang và Cha cõng con, và bây giờ Hạnh phúc của mẹ cũng đi chung một con đường. Nhà sản xuất Bá Cường đã lên nhận 7 Giải vàng cho 7 hạng mục: Phim, Đạo diễn, Biên kịch, Quay phim, Âm thanh, Diễn viên nữ chính và Diễn viên triển vọng với lời tâm sự rằng từ khi anh vào trường điện ảnh học lớp Diễn viên, anh đã có xu hướng muốn trở thành nhà sản xuất phim. Bởi vì chỉ có nhà sản xuất mới chọn được đề tài mình yêu thích. Đây là bộ phim đầu tiên anh sản xuất, và khi nhận được kịch bản đầy tính nhân văn này, anh đã gạt bỏ hết những ưu tư mà nhiều nhà sản xuất khác đã lo ngại, bởi chắc chắn phim sẽ không thể có doanh thu như những bộ phim giải trí thông thường. Với anh, mỗi bộ phim đều phải có thông điệp riêng và phải là gương mặt của chính dân tộc mình… Nhưng đồng thời anh cũng tâm sự rất thật là nếu phim không có sự cân bằng giữa yếu tố doanh thu và nghệ thuật, thì túi tiền tư nhân sẽ không thể gánh nổi, dù tâm huyết tới đâu!!
Từ sự kiện này, tôi lại mơ ước có một chính sách rõ ràng đối với lực lượng làm phim trẻ tài năng được đào tạo từ nước ngoài hoặc trong nước cộng với sự nỗ lực tự thân của những người trẻ đam mê nghề. Rất mong sao chúng ta sớm có Quỹ phát triển điện ảnh và có chính sách rõ ràng để đầu tư hiệu quả vào những tài năng. Bởi vì nếu Nhà nước thả nổi những nhân tài vào cơ chế thị trường thì thị trường dần dần sẽ giết chết tài năng. Muốn toàn tâm toàn ý làm phim nghệ thuật mà cứ bị phân tán bởi những chi tiết hấp dẫn theo hướng thị trường thì khó có được những bộ phim nghệ thuật đúng nghĩa. Thực ra, cũng chẳng nên phân biệt phim nhà nước hay tư nhân, bởi với điện ảnh, ta chỉ nên phân biệt phim hay và phim dở, phim đứng đắn hay phim nhảm nhí mà thôi. Và phim được làm từ túi tiền nào không quan trọng, vấn đề là gương mặt điện ảnh Việt Nam hiện nay sẽ như thế nào khi không còn có sự tài trợ từ ngân sách nhà nước?l
Giải thưởng về phim truyện điện ảnh
Cánh diều vàng:
Phim Hạnh phúc của mẹ - Đạo diễn: Phạm Huỳnh Đông - Đơn vị sản xuất: Công ty TNHH Diệp Cơ Entertainment
Cánh diều bạc:
1. Phim Hai Phượng - Đạo diễn: Lê Văn Kiệt - Đơn vị sản xuất: Công ty TNHHMTV Cung cấp Tài năng Việt
2. Phim Truyền thuyết về Quán Tiên - Đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ - Đơn vị sản xuất: Công ty TNHHMTV Truyền thông Nam Phương (HONGNGAT FILM) - Công ty CP Sáng tạo DV & H
Bằng khen:
1. Phim Anh trai yêu quái - Đạo diễn: Vũ Ngọc Phượng
2. Phim Gái già lắm chiêu - Đạo diễn: Bảo Nhân, Namcito
Giải cá nhân:
1. Biên kịch xuất sắc: Nguyễn Thị Ngọc Bích và Lương Kim Liên, phim Hạnh phúc của mẹ
2. Đạo diễn xuất sắc: Phạm Huỳnh Đông, phim Hạnh phúc của mẹ
3. Quay phim xuất sắc: Võ Thanh Tiền, phim Hạnh phúc của mẹ
4. Thiết kế mỹ thuật xuất sắc: Nguyễn Minh Đương, phim Hai Phượng
5. Âm nhạc xuất sắc: Trần Mạnh Hùng, phim Truyền thuyết về Quán Tiên
6. Âm thanh xuất sắc: Vũ Thành Long, phim Hạnh phúc của mẹ và Mắt biếc
7. Nam diễn viên chính xuất sắc: Kiều Minh Tuấn, vai Phong trong phim Anh trai yêu quái và vai bác sĩ Tùng Sơn trong phim Nắng 3
8. Nữ diễn viên chính xuất sắc: Cát Phượng, vai Mẹ Tuệ trong phim Hạnh phúc của mẹ
9. Nam diễn viên phụ xuất sắc: Isaac, vai Lâm trong phim Anh trai yêu quái
10. Nữ diễn viên phụ xuất sắc: NSND Hồng Vân, vai Mệ nội trong phim Gái già lắm chiêu
11. Diễn viên triển vọng: Ngân Chi vai Hồng Ân trong phim Nắng 3 - Huy Khang, vai Tim trong phim Hạnh phúc của mẹ
(*) Số lượng người xem