HV148 - Ăn sao cho đủ vitamin và khoáng chất để tăng đề kháng?

Nâng cao sức đề kháng để tăng đề kháng? của bản thân chính là biện pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất, đặc biệt là trong mùa dịch này. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp chúng ta nâng cao sức đề kháng.


 


                                                                                                                  Ảnh minh họa

Vitamin và khoáng chất là chìa khóa quan trọng trong tăng cường sức đề kháng. Những vitamin và khoáng chất cần thiết cho hệ miễn dịch bao gồm vitamin A, B2, B6, B9 (folate), B12, C, E, kẽm, selenium.

Để cung cấp đủ vitamin và khoáng chất, với chế độ ăn của người Việt Nam hiện tại cũng tạm ổn, nhưng cần lưu ý 3 vấn đề: dùng sữa và chế phẩm từ sữa đều đặn hơn, dùng đậu hạt cho thức ăn phụ nhiều hơn và dùng ngũ cốc nguyên hạt thường xuyên hơn.

Sữa và chế phẩm từ sữa: Ngoài cung cấp canxi, phospho, các acid amin thiết yếu, sữa và chế phẩm từ sữa còn là nguồn cung cấp vitamin B2 cho hệ miễn dịch. Một chế độ ăn ít sữa và chế phẩm từ sữa thường thiếu vitamin này.

Nhiều người Việt hay bị rối loạn tiêu hóa khi uống sữa, thì có thể sử dụng các loại chế phẩm sữa khác như sữa chua, phô mai, hoặc uống một lần lượng sữa nhỏ 50-100ml lúc bụng no hoặc sử dụng sữa không lactose sẽ giảm khó chịu này.

Theo khuyến nghị, người trưởng thành nên tiêu thụ 3 đơn vị sữa mỗi ngày. Một đơn vị sữa tương đương 1 hũ sữa chua, 1 viên phô mai và 100ml sữa tươi.

Đậu hạt (ví dụ hạt điều, đậu phộng, đậu nành, hạt óc chó, hạt hướng dương, hạt bí, hạt dẻ, hạt mè) là nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng, đặc biệt là kẽm, vitamin E, vitamin nhóm B. Do đó một ít hạt điều rang, đậu phộng rang, đậu phộng luộc, hạt đậu nành rang, đậu phộng rang với mè... là những thức ăn phụ lý tưởng. Nhưng lưu ý nhóm này có nhiều chất béo nên ăn vừa phải để hạn chế tăng cân.

Cạnh đó, nên chuyển sang dùng thêm cơm gạo lứtbánh mì nâu để có được các vitamin và khoáng chất trong lớp vỏ cám còn lại.

Những ai dễ bị thiếu vitamin và khoáng chất?

Về cơ bản, chỉ cần áp dụng chế độ ăn cân đối, đa dạng đã đủ cung cấp vitamin và khoáng chất cơ thể cần. Chế độ ăn này bao gồm ít nhất 3 phần trái cây, 3-4 phần rau mỗi ngày; phân bổ đều thực phẩm giàu đạm trong tuần: thịt, cá, gia cầm, hải sản, đậu hũ. Lưu ý hạn chế đường, muối, chất béo để tránh tăng cân và tăng huyết áp.

Vitamin và khoáng chất chỉ thiếu ở một số đối tượng do thiếu cung cấp (kén ăn, biếng ăn, ăn kiêng), tăng nhu cầu (trẻ em, phụ nữ mang thai, người nghiện rượu), giảm hấp thụ (người cao tuổi, người có bệnh lý viêm nhiễm, cắt đoạn ở dạ dày và ruột non).

Ngoài ra, stress, mất ngủ, hút thuốc, uống nhiều rượu bia, vận động thể lực quá mức cũng làm hao hụt nhiều vitamin và khoáng chất trong cơ thể. Tiếp xúc ánh nắng mặt trời và bổ sung bằng thuốc là nguồn cung cấp vitamin D chính cho cơ thể.


Stress, mất ngủ cũng làm hao hụt nhiều vitamin và khoáng chất trong cơ thể

*

Súc miệng bằng nước muối thường xuyên có thể diệt vi rút gây dịch COVID-19 không?

Như những gì cộng đồng mạng chia sẻ thì việc súc nước muối thường xuyên mỗi ngày 3 lần có thể giúp diệt được vi rút gây dịch COVID-19. Súc xong để 5 phút sau hãy uống nước, nếu không khát thì để lâu hơn hãy uống nước thì càng tốt. Vì con vi rút này có thể tấn công ở vùng cổ họng rồi mới xuống phổi. Nên khi bị nước muối tấn công thì con vi rút này hoặc là sẽ chết, hoặc là sẽ chạy xuống dạ dày và nó sẽ bị axit trong dạ dày tiêu diệt.

Chia sẻ về vấn đề này, TS-BS Phạm Lê Duy, bác sĩ tại phòng khám dị ứng và miễn dịch lâm sàng, giảng viên bộ môn sinh lý - sinh lý bệnh - miễn dịch của Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Chưa có nghiên cứu can thiệp nào cho tới hiện tại để khẳng định hiệu quả của phương pháp này”.

Theo bác sĩ Duy, các phương pháp súc miệng bằng dung dịch chứa chlorhexidine hoặc povidone-iodine đã được nghiên cứu là có thể làm bất hoạt một số vi khuẩn, vi rút trong đó có nhóm vi rút Corona nhưng chưa có nghiên cứu nào trên SARS-CoV-2 cả. Chính vì thế, phải kết hợp nhiều phương pháp bảo vệ sức khỏe được khuyến cáo bởi WHO và Bộ Y tế như rửa tay đúng cách, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh tụ tập đông người... để hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

Phân tích cặn kẽ về tác dụng của việc súc nước muối, bác sĩ Trần Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM, cho rằng nước muối khi súc sẽ tạo ra môi trường ưu trương, thì các vi sinh vật sẽ không có cơ hội tăng trưởng và cũng như là bị giết. Kể cả những tế bào bình thường của chúng ta, nếu súc nước muối với nồng độ quá cao thì cũng sẽ bị tổn thương. Nên nhìn chung mọi sinh vật sống, khi súc nước muối với nồng độ càng cao thì khả năng tiêu diệt càng nhiều. Tuy nhiên, bác sĩ Ngọc khẳng định: “Súc nước muối chỉ là cách để hỗ trợ một phần nào đó thôi chứ không phải là điều trị dứt điểm dịch bệnh”. Vì theo bác sĩ Ngọc thì nước muối chỉ sát khuẩn được trong lớp niêm mạc chứ trong tế bào thì không bị ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, những vi rút này thì tăng sinh trong những tế bào của cơ thể. Nên việc súc nước muối chỉ sát trùng ở bề mặt, chứ không thể sát trùng vào sâu trong tất cả các phần dưới niêm mạc được.

“Chính vì thế, việc súc nước muối không giúp trị bệnh khi bị nhiễm rồi, mà nó chỉ làm giảm được lượng vi rút trong dịch nhầy (phần niêm mạc), chứ không thể nào tiêu diệt được số vi rút trong tế bào”, bác sĩ Ngọc nói và dẫn chứng thêm là việc súc nước muối có thể súc nhiều lần trong ngày, nhưng giữa những lần đó (tức những lúc không súc) không có nước muối thì vi rút vẫn tăng sinh, nảy nở. Nên không phải lúc nào cũng có nồng độ cao nước muối ở trong niêm mạc đường hô hấp của mình. Vì vậy việc súc nước muối chỉ làm yếu hoặc làm giảm số lượng vi rút tại thời điểm súc miệng. Và cũng giống như súc tất cả các dung dịch sát trùng khác, thì súc nước muối cũng chỉ là một trong những cách để hỗ trợ một phần nào đó trong việc phòng dịch bệnh COVID-19.♦

DUY VIỆT (sưu tầm)