Cuối năm 1966, tôi được Ban Tuyên huấn Khu Sài Gòn - Gia Định (T4) điều về phụ trách điện ảnh. Đơn vị lúc bấy giờ chủ yếu có hai đội chiếu bóng, về sau thêm đội chiếu bên Quân khu nhập về. Lúc này quân Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt khu Tam giác sắt Củ chi - Bến Cát - Dầu Tiếng. Chúng liên tục mở các cuộc hành quân tìm diệt với sự tham chiến của sư đoàn 25 Tia chớp nhiệt đới, sư đoàn 1 Anh cả đỏ, lữ đoàn 173 Kỵ binh bay, trung đoàn Hoàng gia Úc và nhiều trung đoàn xe tăng, xe cơ giới. Ngay sau khi sư đoàn 25 Mỹ đóng chốt ở Đồng Dù, quân và dân Củ Chi lập vành đai diệt Mỹ bao vây Đồng Dù, đánh trả quyết liệt mỗi khi chúng nống ra.
Chiếu phim trên vành đai diệt Mỹ
Đội chiếu bóng T4 cùng bám trụ và phục vụ du kích ngay trên vành đai diệt Mỹ. Dưới căn hầm sâu khoảng 2 mét rưỡi, bề ngang gần 3 mét, dài 4 mét, chúng tôi đặt máy chiếu trên những thùng đạn đại liên, màn ảnh treo trên vách hầm, máy nổ đặt ở hầm trú ẩn kéo dây qua, vậy là có ngay một “rạp” chiếu phim. Du kích thay phiên nhau từ chiến hào vành đai về mỗi đợt tám người xuống hầm xem phim. Với sức nóng từ bóng đèn chiếu 500w và mười người trong hầm, từ người chiếu phim đến du kích xem phim mồ hôi chảy ròng ròng nhưng không ai thấy nóng khi màn hình bật lên những hình ảnh chiến đấu và chiến thắng của quân và dân miền Nam: Đồng Xoài rực lửa, chiến thắng Bình Giã, chiến thắng đường 13…
Nghe tiếng cười reo hồn nhiên thích thú của du kích khi xem cảnh quân Giải phóng băng qua rừng cao su chặn đánh quân tiếp viện, hay chạy ngời ngời trên đường 13 diệt xe tăng địch, khó hình dung nổi là chính những người du kích này vừa trải qua một ngày chiến đấu căng thẳng trên vành đai với bọn Tia chớp nhiệt đới.
Hết tám du kích này lên, tám du kích khác xuống, cứ thế chúng tôi chiếu phim suốt đêm. Rạng sáng, hành quân về Rừng Làng trụ lại để đến đêm lại tiếp tục xuống phục vụ, tiếp lửa cho các đồng chí du kích một ngày chiến đấu mới trên vành đai ác liệt này.
Chiếu phim trong ấp chiến lược
Ấp chiến lược Cây Trôm nằm sát đường số 1 kế cận thị trấn Củ Chi. Để đột nhập vào ấp chiến lược, đội chiếu phim cùng tổ công tác của quận lúc trời sập tối bắt đầu hành quân từ ấp Phước Thạnh xuống vùng ấp Phước Hiệp. Đêm cuối tháng trời tối đen như mực, chúng tôi bắt liên lạc với cơ sở trong ấp chiến lược, lò dò trong đêm tối, băng qua đồng Bàu Điều. Sáu Hiếu và Huỳnh khiêng máy nổ đi bờ ruộng trượt ngã liểng xiểng nhưng cố kềm giữ cho máy không bị va đập. Năm Sơn phụ trách máy chiếu, một mình mang trên lưng chiếc máy Bell Howell nặng mấy chục ký, người lúc nào cũng cong chúi về phía trước. Qua khỏi Bàu Điều, chúng tôi cặp theo lộ 1 tiếp cận vào ấp Cây Trôm. Nghe trên lồng cu bốt gác, tên lính gác thả một câu vọng cổ để tự trấn an.
Vào trong ấp, các đồng chí vũ trang tỏa ra trấn áp những tên thám báo. Các má, các chị cơ sở mừng rỡ thăm hỏi, mời nước, mời bánh như đón người thân đi xa về, không khí căng thẳng bỗng biến mất. Chúng tôi chọn một vách tường trắng của căn nhà tường làm màn ảnh, đặt máy nổ dưới hầm chống pháo, máy chiếu để ngay trước hiên nhà. Bà con trong ấp được cơ sở thông báo, hớn hở kéo tới đầy sân. Đêm hôm đó chúng tôi chiếu bộ phim Chiến thắng Tây Ninh. Vì rất gần bốt giặc nên không mở tiếng phim trực tiếp, tôi phải thuyết minh cho bà con hiểu. Kiểu chiếu phim này hóa ra lại hay, bà con có thể hỏi và trao đổi thành cuộc thảo luận, phát động quần chúng. Một ông già khoa khoa tay cho mọi người im lặng, bảo:
- Tháng rồi tụi nó tuyên truyền cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti quân Mỹ đã tiêu diệt tổng hành dinh Việt Cộng ở rừng Tây Ninh, tui nghi ngờ lắm, vì dạo đó ngày nào cũng thấy trực thăng Chữ thập đỏ chở thây tụi nó bay ì ì ngang qua đây. Nay xem phim tận mắt thấy đích xác rồi. Mấy chú quay được hình Mỹ chết bị thương, khiêng lên trực thăng hay thiệt!
Một bà má họa theo:
- Đám thằng Rắc(1), thằng Lịnh(2) ngoài chợ láo khoét huyênh hoang tụi nó sắp xóa sổ Việt Cộng.
Mọi người cười ồ. Bà má vuốt vuốt tay tôi cười hỏi:
- Phải vậy hôn con?
Má cười nhưng má lại lấy đuôi khăn rằn chặm nước mắt. Tôi biết nhiều gia đình ở đây bị địch dồn từ các xã giải phóng vào các ấp chiến lược, một số dạt về ấp này. Nhiều má có con đi cách mạng ở R (Trung ương Cục) hoặc các đơn vị T4. Lúc ra về các má đã rót sẵn cà phê vào bình toong, nhét mấy bịch bánh ngọt vô bồng, dặn theo:
- Nhớ mai mốt về chiếu phim nữa nghe các con.
Hôm chiếu phim ở trường học ấp chiến lược Thái Mỹ, nửa chừng địch bắn pháo hú hú qua đầu nổ ầm ầm gần bìa ruộng, miểng pháo rơi lịch bịch, một miểng pháo xuyên thủng cả góc màn ảnh. Bà con chạy tán loạn tìm chỗ nấp. Sáu Hiếu từ dưới chỗ máy nổ lom khom chạy lên hỏi:
- Sao anh Tư?
Tôi vừa kềm giữ dây điện máy biến áp sợ bà con chạy vướng dây đổ máy, vừa bảo với Sáu Hiếu và Năm Sơn:
- Đừng tắt máy! Cứ tiếp tục chiếu, kéo bà con lại xem tiếp!
Mỗi lần nghe tiếng pháo bắn, tôi và Năm Sơn chỉ hơi thụp xuống nhưng vẫn bám giữ máy chiếu cho chạy liên tục. Trên sân trường, guốc dép rải đầy. Ngớt đợt pháo, thấy màn ảnh vẫn đang chiếu phim Du kích Củ Chi. Trong phim, Ba Nì, Bảy Mô đánh cháy xe tăng Mỹ ì xèo, bà con reo hò rủ nhau tụ tập lại xem phim tiếp. Một anh du kích ngồi gần bàn máy chiếu bảo:
- Mấy cha chiếu phim này gan thiệt!
Năm Sơn cười rang rảng:
- Hổng gan cũng phải gan, mình mà chạy thì bà con cũng chạy luôn, có mà hạ màn về sớm!
.jpg)
Chiếu phim cho cán bộ, du kích Củ Chi dưới hầm địa đạo
Chiếu phim giữa hai đợt bom B-52
Sau đợt tổng công kích và nổi dậy Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam, Mỹ cho B-52 đánh bom điên cuồng vào vùng Tam giác sắt, cửa ngõ phía tây bắc Sài Gòn. Cứ cách hai tiếng đồng hồ, hai đợt sáu máy bay B-52 ì ì bay tới trút xuống hàng trăm tấn bom trên một vạt dài hàng cây số. Trung đoàn 16 - đơn vị chủ lực của Quân khu Sài Gòn - Gia Định, sau đợt tổng công kích rút về hậu cứ để tập huấn và bổ sung quân số. Ban chính trị trung đoàn liên hệ với Điện ảnh T4 tổ chức buổi chiếu phim phục vụ đơn vị. Đồng chí Thêm, chủ nhiệm chính trị trung đoàn, hỏi:
- Các đồng chí dám chiếu phim giữa hai đợt bom B-52 không?
.JPG)
Cán bộ, chiến sĩ Điện ảnh T4 tại căn cứ Lộc Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh năm 1966
- Chuyện đó tụi tôi làm hoài mà anh Thêm, mấy anh dám xem thì tụi tôi phục vụ hết mình - Năm Sơn nhanh nhảu trả lời.
Anh Thêm phổ biến luôn:
- Theo quy luật, chiều nay 5 giờ B-52 đánh hai đợt cách nhau 15 phút, tối 7 giờ đánh hai đợt, 9 giờ đánh hai đợt… Ta sẽ tổ chức chiếu phim cho bộ đội xem xen giữa các đợt B-52, cụ thể là: chiếu từ 7 giờ rưỡi tới 8 rưỡi thì tạm ngưng, tất cả xuống hầm. Qua đợt bom B-52, 9 giờ 15 ta chiếu tiếp. 10 giờ rưỡi hành quân về căn cứ để tránh đợt B-52 lúc 11 giờ.
Đúng như dự đoán, sau khi chiếu hai bộ phim tài liệu Đầu sóng ngọn gió và Chiến đấu trên đường phố Sài Gòn, tất cả tổ điện ảnh và bộ đội xuống công sự, tiếng B-52 rù rù bay tới, tiếng bom nổ đùng rầm miệt sông Thị Tính. Đợi dứt đợt bom thứ hai, bộ đội nhảy lên công sự reo hò đòi xem tiếp. Lúc này trời bắt đầu mưa to. Bỗng đồng chí Huỳnh phụ máy nổ chạy lên báo:
- Anh Ba Đức bị ngộp xăng đang ngất xỉu!
Hóa ra Ba Đức chạy máy nổ đặt dưới công sự, trời mưa đồng chí đứng trùm ni lông che cho máy nên bị ngộ độc hơi xăng. May có y sĩ trung đoàn cấp cứu kịp. Mất hết gần mười phút, để Huỳnh canh máy nổ, chúng tôi chiếu tiếp bộ phim truyện Liên Xô Anh hùng Ma-tơ-rô-xốp. Bộ đội ngồi ngay hàng say sưa chăm chú xem phim bất kể trời mưa nặng hạt, bất kể đợt bom B-52 sắp tới sẽ ra sao.
Chiếu phim xong, hành quân về căn cứ bộ đội ở rừng Thị Tính, tôi và Năm Sơn xuống một hầm tránh pháo, Sáu Thanh xuống hầm khác. Vừa lúc đó, đồng thời với tiếng máy bay B-52 là tiếng bom xé không khí và tiếng nổ ầm ầm trên mặt đất. Căn hầm chao qua chao lại như đưa võng, khói bom xộc vô hầm khét lẹt ngột ngạt, ngực như bị bóp nghẹt. Tôi và Năm Sơn nắm tay nhau, biết rằng đã vượt qua đợt bom thứ nhất. Hồi hộp chờ đợi mấy phút nữa tới đợt thứ hai không biết nó sẽ đánh kiểu nào. Xoạt! Một thân người tuột ào xuống hầm, hóa ra là Sáu Thanh!
Tôi la lên:
- Sao dồn qua đây? Muốn chết chùm hả?
- Một mình bên đó ớn quá! Qua đây có chết, chết chung cho vui - Sáu Thanh phân bua.
Chờ đợi đợt B-52 thứ hai, không khí im phăng phắc, căng như dây Mí. Tôi đọc câu vè của ông Hải Lý trên báo Khởi nghĩa cho quên bớt sợ: “Mấy đời cò ỉa miệng chai/ Hầm ta kiên cố B-52 sợ gì”. Vừa nói dứt, đợt B-52 thứ hai ù ù tới, may quá nó đánh nối tiếp mấy chục mét lên phía trên.
Trèo qua những cây đổ, đất đá ngổn ngang, hố bom sâu hoắm, mùi khói bom trộn với mùi cây lá bị băm nát tanh ói, gặp lại các đồng chí trong đơn vị điện ảnh và bộ đội bình an, chúng tôi ôm nhau nhảy tưng tưng, mừng vui như vừa lập một kỳ tích ghê gớm.
Chiếu phim trong quận lỵ Dầu Tiếng
Quận Dầu Tiếng, chính quyền Sài Gòn gọi là quận Tri Tâm, có khu đồn điền cao su thời Pháp với hãng cao su Michelin nổi tiếng. Đồn điền có 22 làng trong đó có 10 làng giải phóng. Sau năm 1968, địch lùa hết dân bo (công nhân cạo mủ) vào quận lỵ. Hằng ngày hãng cho xe chở dân bo bung ra các làng để cạo mủ.
Sau đợt 1 tổng công kích năm 1968, Tuyên huấn phân khu 1 (lúc này Khu Sài Gòn - Gia Định chia thành 6 phân khu; Củ Chi, Gò Môn, Trảng Bàng, Bến Cát, Dầu Tiếng thuộc phân khu 1) tổ chức đội chiếu phim đột nhập vào thị trấn Dầu Tiếng phục vụ cho công nhân, hỗ trợ phong trào công nhân diệt ác phá kềm, làm tan rã lực lượng dân vệ. Anh Hai Nhuyễn, Bí thư thị trấn, bố trí du kích mật, chặn xe Volkswagen của tên quản đốc hãng cao su Michelin ở làng 6, bắt tài xế lái xe ra làng 14 đón đội chiếu phim về làng 6BIS, đây là khu vực nhà thương của công nhân cao su nằm trong thị trấn Dầu Tiếng. Chúng tôi mượn tạm một dãy phòng bệnh nhân, kéo hết màn cửa làm thành rạp chiếu phim. Khoảng 4 giờ chiều, các xe chở công nhân chạy về thị trấn đều được du kích chặn đón hướng dẫn vào nhà thương làng 6BIS để xem phim. Lúc đầu bà con hơi lo lắng nhưng được một số cán bộ cơ sở giải thích thì tỏ ra rất thích thú, nhất là những công nhân trẻ. Sau khi chị cán bộ tuyên huấn nói vài nét về thắng lợi tổng công kích Mậu Thân và phong trào diệt ác phá kềm của các làng 2, 4, 6, chúng tôi chiếu bộ phim truyện Nổi gió.
- Vân và Phương là hai chị em quê ở Bến Tre…
Tôi vừa giới thiệu phim vừa quan sát. Bà con bắt đầu dồn lên gần bàn máy chiếu để nghe cho rõ. Năm Sơn bật công tắc máy chiếu Bell Howell, mọi người im phăng phắc. Khi cảnh xe Jeep của trung úy Phương chạy qua cổng đồn, một chị nào
.jpg)
Phút thư giãn chơi đánh bài quẹt lọ
đó buột miệng:
- Giống ở Hậu Nghĩa quá hả! Mọi người bắt đầu thoải mái xì xào bàn tán, nào là trung úy đẹp trai quá, hiền quá… Tới khoảng giữa phim, một đồng chí du kích len vào nói nhỏ với tôi:
- Tụi chi khu không thấy dân bo về, đang cho máy bay L-19 đi tìm. Không sao đâu, cứ chiếu bình thường nhưng đồ đạc gọn gọn lại, có động thu gom cho lẹ.
Tiếng máy bay lúc đầu quần đảo xa xa, về sau quần lại gần và rà rất thấp trên đọt cao su. Vài chị công nhân bồn chồn nhìn ra phía cửa. Một cô trẻ trẻ bảo:
- Yên tâm đi, gần tối rồi tụi nó hổng dám làm gì đâu.
Đến cảnh trong phim chị Vân bị tên Mỹ đốt hai bàn tay, lửa phừng phừng, mọi người rú lên, không ai để ý tới tiếng máy bay quần đảo tìm kiếm trên đầu. Gần cuối phim, trung úy Phương bắn chết tên Mỹ, cùng chị Vân và chiến sĩ Giải phóng, đồng bào nổi dậy phá ấp chiến lược, bà con xem phim vỗ tay rần rần bất kể trong khuôn viên nhà thương sát chi khu của địch. Đến hết phim, nhiều người còn nấn ná hỏi han về các cảnh quay trong phim.
Ngày hôm sau bà con ra cạo mủ cao su kể lại, lúc về chi khu, tụi lính hỏi, bà con vui vẻ kể:
- Giải phóng cho xem phim “trung úy Phương” hay lắm. Họ quay trung úy cộng hòa mà đẹp trai hết sảy, dám bắn chết cố vấn Mỹ cứu chị ruột theo Việt Cộng cùng bà con nổi dậy phá ấp chiến lược.
Một cô gái còn xía vô, diễn lại cảnh trong phim. Cô bảo với tên dân vệ:
- Mai mốt hưu chiến, Giải phóng vô chiếu nữa, xin mời mấy anh ra coi, hay lắm.
Bà con gần như công khai tuyên truyền giáo dục đám dân vệ bỏ ngũ mà chính quyền ngụy không làm gì được!♦
(1), (2) Những tên sĩ quan chỉ huy địa phương quân ở Củ Chi.
Số 148 ♦ Tháng 6-2020