HV148 - Những cái “đầu tiên” của báo chí Việt Nam

Tờ báo quốc ngữ đầu tiên:

Khai sinh sớm nhất trong làng báo quốc ngữ Việt Nam là Gia Định báo. Tờ báo tổng hợp này có khuôn khổ 32 x 25cm, ra hằng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau khi phát hành số đầu vào ngày 15-4-1865.

Tờ báo cách mạng đầu tiên:

Tuần báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập rồi trực tiếp chỉ đạo, trở thành cơ quan ngôn luận trung ương của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, là tờ báo cách mạng đầu tiên. Số báo thứ nhất phát hành ngày 21-6-1925 và ngày đó được vinh dự chọn làm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Tờ báo phụ nữ đầu tiên:

Báo Nữ giới chung (Tiếng chuông của nữ giới) xuất bản vào thứ sáu hằng tuần tại Sài Gòn, là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ. Số 1 ra ngày 1-2-1918. Tờ báo thiếu niên, nhi đồng đầu tiên: Báo Cậu ấm cô chiêu phát hành hằng tuần tại Hà Nội là tờ báo đầu tiên dành cho đối tượng thiếu niên, nhi đồng. Số 1 ra ngày 8-5-1935.

Tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên:

Nguyệt san Thông loại khóa trình (báo kiểu sách đọc thêm, giải trí mang mục đích giáo dục) do Trương Vĩnh Ký chủ trì, khuôn khổ 23,5 x 16cm, phát hành hằng tháng tại miền Nam trong những năm 1888-1889, là tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên. Số 1 ra vào tháng 5-1888.

Tờ báo kinh tế đầu tiên:

Báo Nông cổ mín đàm (ngồi uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn) khuôn khổ 30 x 20cm, phát hành vào thứ năm hằng tuần tại Sài Gòn, là tờ báo kinh tế đầu tiên với số 1 ra ngày 1-8-1901.

Tờ báo khoa học kỹ thuật đầu tiên:

Tờ Khoa học tạp chí do Nguyễn Công Tiễu sáng lập và làm chủ nhiệm kiêm chủ bút xuất bản tại Hà Nội là tờ báo đầu tiên chuyên sâu vào lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Số 1 ra ngày 1-7-1929.

Tờ báo tôn giáo đầu tiên:

Tạp chí Pháp âm do Thượng tọa Thích Khánh Hòa làm chủ nhiệm là tờ báo tôn giáo đầu tiên, truyền bá đạo Phật ở Việt Nam. Số 1 ra ngày 13- 8-1929.

Tờ báo văn học đầu tiên:

Tờ An Nam tạp chí do nhà thơ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) sáng lập là tờ báo đầu tiên chuyên về văn học. Số 1 ra ngày 1-7-1926.

Tờ báo Tết đặc biệt đầu tiên:

Đầu năm 1918, tờ Nam Phong tạp chí với ấn phẩm đặc biệt ghi ngoài bìa: “Số Tết 1918” trở thành tờ báo đầu tiên, mở màn cho truyền thống làm báo Xuân trong làng báo Việt Nam.

Tờ báo song ngữ đầu tiên:

Tờ Đại Việt tân báo với hai phần: một bên là chữ quốc ngữ Việt Nam, một bên là chữ Hán, trở thành tờ báo song ngữ đầu tiên. Số 1 phát hành năm 1905.

Tờ nhật báo đầu tiên:

Gần bốn năm sau khi thành lập, báo Trung Bắc tân văn ở miền Bắc tăng tần số phát hành và trở thành nhật báo (báo ra hằng ngày) đầu tiên vì từ tháng 1-1919, mỗi ngày báo xuất bản một số mới.

Tờ báo trào phúng đầu tiên:

So với những lĩnh vực khác, báo chí trào phúng ít hơn và ra đời muộn hơn. Tờ báo trào phúng đầu tiên mang tên Duy tân xuất bản tại Hà Nội với số 1 ra vào năm 1931.

Nữ tổng biên tập đầu tiên:

Danh hiệu này thuộc về Nguyễn Thị Xuân Khuê (1864-1921), bút danh Sương Nguyệt Anh, con gái thứ tư của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, quê ở Ba Tri (Bến Tre). Nhận lời mời của các đồng nghiệp, năm 1918, bà lên Sài Gòn làm Tổng biên tập tờ Nữ giới chung và phụ trách tờ báo này trong suốt thời gian tồn tại của nó.

Phóng sự đầu tiên trên báo:

Năm 1932, tờ Hà Thành ngọ báo đã khởi đăng thiên phóng sự nổi tiếng nhan đề Tôi kéo xe của nhà báo Tam Lang (Vũ Đình Chí), mở đầu cho thể loại phóng sự trong làng báo Việt Nam.

Cuộc bút chiến trên báo đầu tiên: Báo Hữu thanh là nơi xảy ra cuộc bút chiến (tranh luận gay gắt với những người có quan điểm đối lập) đầu tiên trên báo chí. Đó là cuộc bút chiến giữa Phạm Quỳnh và Ngô Đức Kế về Truyện Kiều diễn ra vào cuối năm 1921.

Trang quảng cáo trên báo sớm nhất:

Khó có thể biết chính xác mẩu quảng cáo đầu tiên xuất hiện khi nào trong lịch sử báo chí Việt Nam. Nhưng chắc chắn trang quảng cáo xuất hiện sớm nhất hiện diện đầu năm 1882. Ở số báo thứ nhất của năm 1882, Gia Định báo dành toàn bộ trang cuối để đăng quảng cáo cho nhà thuốc Pharmacie Reynaud. Từ đó quảng cáo trở thành một trang cố định, xuất hiện thường kỳ trên Gia Định báo và hoạt động quảng cáo cũng dần phổ biến ở nhiều nơi khác.

HOÀNG SA VIỆT sưu tầm