HV148 - Thời sự và suy ngẫm

Dịp 19/5 năm nay, kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), chúng ta suy nghĩ về con đường cứu nước của Bắc, và càng thấy lớn lao, lạ thường một con người kỳ diệu. Ra đi từ 1911, với hai bàn tay trắng, Người sang phương Tây xa lạ. Tự mình mưu sinh, quan sát, học tập, khám phá, Người chống chọi lại tên đế quốc hùng mạnh bậc nhất lúc bấy giờ. Giữa Nó và Người, nó là tất cả và Người hầu như chỉ có ý chí và tấm lòng yêu nước. Thế mà qua năm tháng, người sẽ ngang tầm và chiến thắng. Nó phải thất bại, cay đắng và nhục nhã trước con người thư sinh yếu đuối, người thợ, người bồi bàn… ấy. Vì sao? Vì người đã nắm được thời thế, lực lượng nhân dân và quốc tế, đã trở nên vô địch. Tư duy của người là đặc biệt. Giữa lúc các sĩ phu, những bâc đàn anh, cha chú… yêu nước sực sôi nhưng không tìm ra con đường, Người đã đến với thế giới phương Tây tiên tiến, tìm ra con đường mình sẽ đi là vận động, tập hợp nhân dân bị ấp bức, giác ngộ họ, biến họ thành lũy thép thành đồng vô địch. Và Điện biên phủ, và 30-4 sẽ đến.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Người là niềm tin chiến thắng

Trên con đường cách mạng ấy, người tất phải gặp những khó khăn tưởng chừng không vượt qua được. Tù ngục, truy bắt… là việc thường. Nếu năm 1931 ấy ở Hương Cảng, Người không thu hút được tình cảm của luật sư F.H. Loseby thì Anh đã trả Người cho Pháp và cái án tử hình vắng mặt đó được chúng thực hiện. 1941 – 1942, trong tù Quốc Dân Đảng Trung Hoa, Người chịu đựng tất cả, rồi ung dung làm thơ vừa bộc lộ con người mình, để nói với họ: tôi là người tốt, người có thiện cảm với các bạn, bạn hãy chìa bàn tay ra và tôi với bạn sẽ cộng tác. Tướng Trương Phát Khuê đã quí mên Người, vận động thả người ra để cộng tác. Cái bước “giữa đường gặp hổ” thế là qua.

Nhưng không nguy hiểm nào bặng sự nghi ngờ trong nội bộ. Thời Stalin, người ta cho Bác là phần tử “dân tộc chủ nghĩa”. Tám năm (từ 1933 – 1940) người không được giao việc gì ở Mạc Tư Khoa, tức là bị vô hiệu hóa. Các học trò của Người cũng đi con đường quốc tế của Stalin, ngoảnh mặt, phê phán lên án Người! Cái cốt cách, nết ăn ở, tấm lòng trong trắng, ngay thẳng của Người, cuối cùng đã thuyết phục được một số người ủng hộ để Người về Việt Nam qua ngỏ Trung Quốc. Và ngày 28 – 1 -1941, sau 30 năm, Người đã trở về Pác Bó.

Cuối cùng, sau tất cả mọi việc, người ta mới thấy Hồ Chí Minh đúng và chiến thắng, và trở thành bất tử. Chiếc áo vải mong manh mà hơn cả những tượng đồng của những người tham vọng quyền lực. Họ trở thành kẻ “thiên thu công tội”, còn Người sống mãi trong lòng mọi người.

Ở đây cũng nên nói thêm về cách Hồ Chí Minh nhìn người, dùng người. Sự tinh tường, khoan dung, táo bạo mà chính xác thể hiện cái giác quan thứ sáu trong việc nhìn người, và đó cũng là một khía cạnh thiên tài của một bậc vĩ nhân.

Năm 1940, sau 15 năm, gặp lại người học trò của mình ở Quảng Châu 1925, Bác Hồ hỏi Phạm Văn Đồng:

- Thế chú đã vào Đảng chửa?

Phạm Văn Đồng thưa:

- Ai kết nạp cháu mà cháu vào.

- Thế thì Bác kết nạp chú

Hóa ra là, trong 15 năm hoạt động ấy, Phạm Văn Đồng từng bị tù Côn Đảo cùng với các lãnh đạo của Đảng, nhưng với xuất thân con nhà quan lại – địa chủ, chẳng ai kết nạp ông. Sau 1945, ông vào Trung Ương, sau đó mấy năm làm Phó Thủ Tướng rồi làm Thủ Tướng, như ta biết. Trong dịp (7/4/1946) tiếp vợ chồng tướng Raoul Salan dùng cơm ở Hà Nội, có mặt Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Minh Giám…, Bác chỉ vào Phạm Văn Đồng và nói “Ç'est mon fils spirituel” (Đây là đứa con tinh thần của tôi) (1) Thân yêu, tin tưởng như thế!

Với Võ Nguyên Giáp cũng thế. Cùng Phạm Văn Đồng sang Trung Quốc gặp bác 1940, ông đã được Bác kết nạp Đảng. Năm 1948, Bác phong ông làm Đại tướng, “Hôm nay, chúng ta họp tại Hội Đồng Chính Phủ tại đây để phong chú Giáp làm Đại Tướng”. Các phóng viên nước ngoài thắc mắc vì sao phong vượt bậc như vậy, Bác trả lời đại ý: đánh thắng Đại tướng thì phong Đại tướng!.


Dịch Covid19 bộc lộ những mặt trái, mặt mâu thuẫn của thế giới ngày nay. Nhân dân lao động, những người vô gia cư, những người nhập cư da màu… sẽ là những người bị tổn thất đầu tiên, chịu chết trước tiên. Còn những ông chủ tỉ đô có lẽ cũng bị thiệt về lợi nhuận, nhưng không sao cả.

Tình hình đó càng làm cho chúng ta thấy chế độ ta là ưu việt. Chúng ta còn nghèo, nhưng chúng ta đùm bọc nhau, và ở trên lo chăm sóc, bảo vệ người lao động, người yếu thế để không một ai bị bỏ rơi. “Định hướng xã hội chủ nghĩa” của kinh tế thị trường là ở đó.


Cũng trong đại dịch Covid19 này, Mỹ và Trung Quốc căng nhau tới đỉnh. Mỹ (và nhiều nước khác) cho Trung Quốc về trách nhiệm khi không thông báo sớm về Covid, thậm chí còn có nghi ngờ Trung Quốc để sổng virus ở phòng thí nghiệm Vũ Hán, thậm chí là Trung Quốc chơi chiến tranh sinh học,… Mỹ, châu Âu thiệt hại quá lớn, bệnh rất nhiều, chết rất nhiều (hiện con số người nhiễm trên toàn thế giới đã gần 5 triệu và khoảng 320.000 người). Có nơi đã kiện Trung Quốc.

Quan hệ thương mại Mỹ - Trung căng thẳng vì đại dịch COVID-19

Tình cảm phẫn oán đó làm Mỹ mới đây ra lệnh không bán phụ kiện bán dẫn do Mỹ sản xuất cho Huawei, 1 công ty điện tử hàng đầu của Trung Quốc, bị Mỹ nghi làm gián điệp (đó là lẽ thường, có gì mà nghi!). Rồi dọa sẽ đánh thuế cao hơn nữa vào hàng Trung Quốc, thậm chí D.Trump còn muốn cắt đứt quan hệ với Trung Quốc (báo Trung Quốc cho là “điên”, sau xuống giọng gọi là “vô lý”). Ngoài biển Đông, tàu Mỹ chạy qua eo biển Đài Loan, chạy đến biển Đông, “hành động vô hại” để cảnh báo Trung Quốc. Khi nước này tăng cường quân sự ở đó (Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ đang bị trói tay bởi nhiều thứ trong dịch, nên muốn “tiên thủ chế nhân” (ra tay trước, chế ngự đối phương). Mỹ cũng chả phải tay vừa. Tình hình này còn dai dẳng, kéo dài.

Việt Nam ta tăng cường cảnh giác, không để bị động, bất ngờ; một mặt lo dập dịch, một mặt lo khôi phục kinh tế, đón luồng đầu tư mới… Hi vọng năm nay, kinh tế sẽ hồi phục, không thua năm trước.


(*) Hồi ký của R. Salan, t.I, tr.360
HỒN VIỆT