Qua hiện vật khảo cổ, ta biết cư dân Việt cổ đã sống liền mạch ở đây từ thời văn hóa Phùng Nguyên 4.000 năm đến tận ngày nay. Làng có di chỉ khảo cổ học được mang tên cho cả một nền văn hóa khảo cổ của Việt Nam và thế giới: di chỉ Gò Mun.

Đền Xa Lộc thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao
Làng phát triển mạnh, đông dân nhất tỉnh Phú Thọ. Vì đông dân nên từ Kẻ Gáp, tên chữ gọi là làng Thạch Cáp lập thành một xã Thạch Cáp với một đình, một chùa dần trở thành bốn xã nên gọi là làng Tứ Xã. Đó là các xã Thạch Cáp, Hùng Lãm, Vân Hùng, Thạch Vĩ. Trước cách mạng, người ta phải rủ nhau xây thêm một ngôi đình mới rồi xin giải quy lập thành xã thứ năm Trân Vĩ nên dân quanh vùng đã gọi là làng Ngũ Xã. Vì Ngũ Xã chưa kịp ghi vào sổ bộ của triều đình nên từ đó đến nay vẫn gọi là làng Tứ Xã. Tứ Xã hiện giờ là một xã “nhất xã nhất thôn”. Do đông dân, ăn ở xen canh xen cư nên làng căn cứ vào đường làng ngõ xóm để chia thành nhiều xóm. Mỗi xóm làm một điếm công có sàn ván để dân xóm hóng mát vui chơi. Tối tối cắt cử nhau ra quán canh gác, vì thế các quán đều được làm ở đầu làng hoặc đầu ngõ. Vì dân trơn của xóm này ở cùng xóm với lý trưởng của xã khác nên tính dân chủ làng xã thời nào cũng được đề cao. Mỗi xã có một đình, một chùa. Chùa Tổng xây đầu tiên của xã Thạch Cáp, ngoài thờ Phật còn thờ Đức Ông, là người khai dân lập ấp theo kiểu thờ “tiền thần hậu Phật” của chùa chiền Việt Nam. Ngôi đình của xã Thạch Cáp còn được coi là đình cộng đồng của cả làng. Mỗi xã có một hội đồng kỳ mục lãnh đạo chung và một hội đồng lý dịch (giống như ủy ban xã bây giờ) dù vậy làng lúc nào cũng có người phụ trách chung: có thời là ông tổng sư, có thời là vị sư thầy trụ trì chùa tổng phụ trách. Vào thời Lê Chính Hòa có ông tiến sĩ Nguyễn Quang Thành, còn bia đá số 80 ở Quốc Tử Giám là ông cha ông Tổng Cóc; làm chủ khảo khoa thi Hội, ông vì tiếc bài văn khá của chàng công tử con trai nhà chúa “con bà chúa Chè”, viết chữ mất một nét ông chữa giúp mà bị phát giác đuổi về quê dạy học.
Ông được làng mời phụ trách cả làng. Một lần tổ chức rào làng, ông ra lệnh trồng tre phải trồng đằng ngọn xuống. Nhưng một anh ương bướng cố ý trồng đằng gốc xuống. Ông phạt đánh mấy roi tượng trưng, sau đó ông đem một súc lụa thưởng cho anh ta với câu nói để đời “Làng ta vẫn còn người dám làm theo lẽ phải”.
Làng còn xây thêm hai ngôi đền công ở gần chùa Tổng và đình Thạch. Một gọi là sở Sắc, chứa mọi sắc phong của làng. Đây cũng là từ chỉ thờ Khổng Tử. Hằng năm hội Tư Văn của làng cầu tế ở đây; một gọi là sở Tranh, thờ Lỗ Ban, tổ sư nghề mộc. Vì Lỗ Ban được thờ bằng tranh vẽ không phải bằng tượng nên gọi là sở Tranh. Nửa làng có nghề mộc. Thợ mộc trong làng được chia thành 7 phe, hay 7 phường. Ruộng công của thợ mộc có một mẫu. Làng bầu hai ông bạ để giữ sổ sách ghi chép mọi chi thu của các phe. Những nhà đến lượt cấy ruộng công, một năm phải nộp 10 cân gạo nếp để làng sửa lễ tế thánh tổ.
Đàn ông bất luận già trẻ nếu xin vào phe (phường mộc) phải nộp 5 hào vào quỹ. Những người giàu có nếu mua ngôi Trưởng phải biện cỗ cho mọi ông Trưởng trở lên ở trong làng đến ăn uống. Nếu được bầu vào ngôi Trùm, ông Trùm ngoài khao làng một bữa còn phải biện cho làng số tiền ngang giá 2 sào ruộng.
Hằng năm vào ngày tế lễ, mọi người đã vào phe đều được ra đình ăn cỗ. Những dân trơn nghèo khó phải ăn cỗ hàng dài, người già ngồi trên. Người trẻ còn phải làm cỗ hầu hạ làng. Những ông Trùm, ông Trưởng được ngồi cỗ trên. Người cao tuổi ngồi chiếu trên. Cỗ trùm to gấp hai cỗ trưởng, cỗ trưởng cũng to gấp đôi cỗ bàn dài. Các ông Trùm được chia phần về nhà.
Các cánh thợ đi làm nhà về phải nộp vào công quỹ như sau:
- Làm nhà soi, trạm: nộp 1 đồng.
- Làm nhà kèo, cầu: nộp 5 hào.
- Làm nhà tre, lá: nộp 3 hào.
Tất cả các thợ cả trong làng họp lại thành hàng hiệu. Mỗi năm hàng hiệu họp một lần, trao đổi việc làm ăn, bàn việc đóng góp ăn uống.
Ngoài 7 phe của nghề mộc, làng còn tổ chức các phường bè (bè vó đánh bắt cá), phường buôn trâu, phường chặn (đơm bắt tôm cá). Các phường này và hội Bản binh hàng đội giống như tổ chức cựu chiến binh ngày nay, hằng năm đều cầu tế ở đền Sa Lộc, thờ ông tướng đời Trần đánh giặc Nguyên Mông. Đền dựng nơi ông hóa ở đồng Dọc, có con đường Dọc, còn gọi là đường Thiên Lý. Thực ra đây là con đường độc đạo, chạy dọc đất nước từ kinh thành Thăng Long lên biên giới, là đường nối liền văn hóa Lạc Việt và văn hóa điền Hoa Hạ. Ngôi đền này mới được nhà đầu tư Nguyễn Văn Liên, một người con thành đạt của làng, cung tiến hàng chục tỉ đồng xây dựng lại thật khang trang. Anh còn cung tiến cho làng cơ man tiền của để xây hai ngôi chùa, một khu miếu Trám, sắp sửa xây dựng lại đình Thạch. Anh đầu tư 400 tỉ đồng xây một khu chợ mới to đẹp như chợ tỉnh. Cạnh đó là bể bơi và sân vận động trải thảm cỏ ngang với sân vận động cỡ hàng tỉnh, bên cạnh một nhà tổ chức sự kiện có chỗ ngồi cho 1.700 người. Trên khu đồng Bưởi khi xưa ngập úng được anh đầu tư một trạm bơm để thành khu trung tâm thương mại, nhiều dãy phố cùng các xí nghiệp mọc lên để Tứ Xã trở thành xã nông thôn mới đợt đầu của tỉnh Phú Thọ.
Nhà doanh nghiệp Nguyễn Văn Liên vốn là tiến sĩ Luật, dạy ở Trường Đảng cao cấp. Anh được cử sang Liên Xô học làm luận án tiến sĩ khoa học. Khi Liên Xô đổ, anh không về nước, ở lại mua hơn 100 ki ốt bán hàng ở Moskva. Có tiền, anh góp vốn làm ăn với một tập đoàn kinh tế người Việt. Khi anh về Việt Nam chịu tang bố, ở Nga những người lãnh đạo tập đoàn định cướp trắng vốn liếng và đuổi anh ra khỏi thành viên ban lãnh đạo. Nhưng là một luật sư nên anh đòi lại được vốn; anh mang tiền về định đầu tư cho Phú Thọ nhưng không thành. Sau đó, anh về đầu tư làm giàu cho tỉnh Vĩnh Phúc. Mãi đến thế hệ lãnh đạo sau có cơ chế thoáng, anh mới về quê Phú Thọ đầu tư phát triển kinh tế ở địa phương. Anh xây cho trường cấp II trong làng một nhà thư viện. Hằng năm anh còn chi rất nhiều tiền làm từ thiện cho dân làng.
Làng Tứ Xã giờ đây nổi tiếng về giàu có và học hành thành đạt. Hồi cả tỉnh mới có 4 tấm huân chương quốc tế của học sinh thi các môn toán, lý, hóa thì đều của con em Tứ Xã. Năm học vừa rồi có một cháu thi 4 môn vào Đại học Y Hà Nội được 4 điểm 10, được báo chí vinh danh cũng là con em thôn Đồng Bồi.
Về truyền thống hiếu học, làng có con bờ Đỗi là di tích truyền đời. Số là một khoa thi Hán học có hai cha con ông họ Chử cùng đỗ Hương Cống một khoa. Theo luật triều đình, làng phải đón hai quan tân khoa vinh quy bái tổ bằng hai con đường vào làng khác nhau. Làng mới có con bờ Dân (đường do dân đắp) nối từ khu Đồng Bồi vào cây đa đầu làng. Làng phải đắp thêm con bờ mới cũng nối từ Đồng Bồi vào làng. Nhưng hai ông Cống về làng bằng đò Lời nên đường làng đắp bị đỗi, vì vậy mới có tên “bờ Đỗi”.
Bờ Dân và bờ Đỗi gặp nhau ở bờ ao Chạ, khi xưa là ao nhà ông Tổng Cóc, nơi đây khi xưa ông làm một cái nhà thủy tạ cho bà vợ lẽ Hồ Xuân Hương dạy học và tiếp khách đàm đạo văn thơ. Tương truyền đây là nơi bà Hồ Xuân Hương thường sai gia nhân bắt cá lên ăn. Ăn cá bà thường chỉ ăn khúc giữa, đầu đuôi vứt xuống ao. Chuyện dân gian trong vùng thường nói xấu bà Hồ Xuân Hương là người hoang tàng, quen ăn trắng mặc trơn lại hay lộng ngôn; trong khi kể về ông Tổng Cóc, là người văn võ toàn tài, tính tình cương trực, điển hình cho tính cách đàn ông Tứ Xã. Những năm 60 của thế kỷ trước, giáo sư Lê Trí Viễn về điền dã ở Tứ Xã, sau đó ông viết bài báo đại ý: mối tình Hồ Xuân Hương và Tổng Cóc là thực. Trong mối tình ấy là có chuyện chữ nghĩa, chứ không phải chồng bà chúa thơ Nôm chỉ là anh trọc phú như người ta tưởng.
Làng cổ Tứ Xã vốn có nhiều hội hè. Rằm tháng 7 hằng năm, làng tổ chức đánh đấm ở trước đình Thạch. Ngày ấy, trai đinh trong làng tề tựu chờ ông từ cúng cáo thành hoàng xong là xông vào đấm nhau chí mạng. Không ai dám bỏ chạy để bị làng cười là thằng hèn.
Ngày 3 tháng 3 âm lịch, ở cánh đồng nơi giáp ranh hai làng Mương, Gáp lại diễn ra tục “ném Quân”. Vì làng Gáp đông trai đinh nên thường thắng trai làng Mương. Duy có năm, làng Mương đông người hơn đuổi trai làng Gáp chạy đến quả gò gần gò Mun. Đến đây một anh làng Gáp nọ đập vỡ tan tành cái bát với lời nguyền “Nếu từ nay còn bị thua thì ta sẽ chết tan tành như cái bát này”. Vì tiếng địa phương nói đập bát là “ẻo bát” nên từ đó quả gò ấy được gọi là gò Ẻo.
Về tổ chức cộng đồng cư dân, điển hình có xóm Trám. Xóm Trám còn được gọi là phường Trám. Trước hết đây là một phường nghề. Toàn dân xóm Trám đều có nghề đánh bắt tôm cá. Phường Trám chính là các phường Lờ (đánh lờ), phường bè vó. Nhưng gọi là phường còn ý nghĩa là phường Trò, như các phường nhà tơ, phường chèo v.v… Một tổ chức của những người làm nghề biểu diễn phải đạt trình độ chuyên môn bán chuyên nghiệp mới được gọi là “phường”. Đội diễn trò Trám đã được Bộ Văn hóa mời đi biểu diễn ở quốc tế. Hội Đền Hùng năm nào họ cũng đem trò xóm mình đi trình diễn. Xóm Trám mỗi người một việc cho lễ hội xóm mình, vì thế mới được cả làng cả vùng gọi là phường. Người phường Trám xưa nay đều có mối quan hệ thực sự gắn bó. Một người dân xóm Trám vì đông con lên Đồng Bồi mua đất dựng nhà, ở ven đường lớn. Cán bộ xã thời ấy thấy miếng đất “ngon”, nghĩ cách thu hồi với cái lý sử dụng đất sai mục đích. Họ cho công an, dân quân đến cưỡng chế phá sập nhà. Thế là dân phường Trám kéo đến. Họ gom gạch xếp thành tường, gác cây que làm mái cho gia đình ấy ở tạm. Viết vôi vào đít nong “nhà tình nghĩa” vì đó là gia đình thương binh. Sau đó dân phường Trám đóng góp tiền gạo về Hà Nội cùng con dân xóm Trám ở Hà Nội vác đơn lên Trung ương kêu cứu. Kết cục lãnh đạo xã thua dân phường Trám.
Lại một thời mấy anh lãnh đạo xã nổi máu tham định “cướp đất” ven đường của dân, đổi trả cho họ bằng đất ruộng ngoài đồng, có nghị quyết của Ban Thường vụ Đảng ủy, anh chủ tịch xã sấn đến định cướp ao rau cần của bố vợ. Không ngờ ông “bố vợ phải đấm” ấy là đại tá nghỉ hưu ra tay chặn lại. Anh chủ tịch tức mượn rượu chửi bố vợ suốt đêm. Cái tiếng chủ tịch chửi bố vợ ầm làng. Khóa ấy anh ta trượt Hội đồng nhân dân, mất chức Chủ tịch xã. Còn một anh chủ nhiệm hợp tác xã thì cầm nghị quyết về cùng con cháu đem cây cọc căng dây, định chiếm cái sân của nhà hàng xóm liền kề để nới rộng mảnh thổ cư của nhà mình. Anh hàng xóm vác dao ra để giữ đất, kết cục nghị quyết “cướp đất” ấy bị vô hiệu hóa…
Tứ Xã là một làng lớn, giàu truyền thống văn hóa lúc nào cũng được phát huy tính dân chủ cổ truyền nên Tứ Xã đang có những bước tiến vượt bậc so với cả tỉnh, cả nước.♦