Hiện nay ngày càng có nhiều nơi bán thuốc mà người bệnh có thể dễ dàng mua thuốc mà không cần phải có đơn của bác sĩ, chính vì điều này càng khiến cho việc lạm dụng thuốc trở nên phổ biến. Và bộ phận phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất là gan - nơi chịu trách nhiệm chính trong việc chuyển hóa tất cả các thuốc vào cơ thể.
Tất cả các thuốc dùng đường uống khi vào cơ thể đều được hấp thụ tại đường tiêu hóa và phân phối đến các bộ phận thông qua mạch máu để phát huy tác dụng. Sau quá trình phân phối thì sự chuyển hóa thuốc sẽ diễn ra tại một số bộ phận như: niêm mạc ruột, phổi hay huyết tương… nhưng thuốc chủ yếu vẫn được chuyển hóa tại gan. Trong quá trình thuốc được chuyển hóa sẽ có một số loại thuốc gây hại cho gan, chúng chuyển hóa thành chất độc với tế bào. Nếu như lượng thuốc này được nạp vào cơ thể với số lượng lớn thì gan không đủ khả năng đào thải các chất độc, sẽ ảnh hưởng tới tế bào gan.
1. Paracetamol
Loại thuốc được biết đến nhiều nhất có thể gây hại cho gan là Paracetamol (hay là Acetaminophen - thuốc giảm đau hạ sốt), thuốc này có sẵn rộng rãi có thể mua mà không cần toa bác sĩ. Paracetamol có mặt trong nhiều liều trị cảm lạnh và cúm, đau đầu cũng như trong các loại thuốc giảm đau theo toa. Paracetamol khi được sử dụng theo chỉ dẫn, cực kỳ an toàn ngay cả đối với những người mắc bệnh gan. Tuy nhiên, uống quá nhiều Paracetamol cùng một lúc, hoặc dùng liều cao liên tục trong vài ngày có thể gây tổn thương gan. Những người khỏe mạnh không nên dùng quá 1g Paracetamol mỗi liều và không nên dùng quá 4g trong một ngày. Ngoài ra, ngay cả những người khỏe mạnh cũng nên tránh dùng 4g Paracetamol mỗi ngày trong hơn 3 ngày. Đối với người nghiện rượu, khi dùng rượu kết hợp Paracetamol làm nguy cơ tổn thương gan trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Nhóm thuốc hạ mỡ máu (statin)
Một nhóm thuốc phổ biến khác có thể ảnh hưởng đến các kết quả xét nghiệm gan là các loại thuốc giảm cholesterol máu thường có mặt trong các toa điều trị mỡ máu cao. Những thuốc này được sử dụng ở hàng triệu người với một hồ sơ an toàn rất ít bằng chứng về tổn thương gan. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc khuyến cáo là có thể làm rối loạn chức năng gan, làm tăng men gan SGOT/SGPT, dẫn tới hoại tử tế bào gan. Khi các men gan SGOT/SGPT tăng lên gấp 3 lần bình thường, bệnh nhân buộc phải ngừng thuốc đang sử dụng. Việc tự ý mua đơn lẻ theo các toa thuốc cũ hoặc mua thuốc không cần đơn theo chỉ định của bác sĩ và dùng với thuốc gây tương tác có thể khiến bệnh nhân tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc. Bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên các xét nghiệm gan khi bắt đầu dùng nhóm statin.
3. Vitamin A
Vitamin A (tên khác là Retinol) là một chất thiết yếu cho con người và được dự trữ chủ yếu ở gan. Do vitamin A hòa tan trong chất béo, việc thải lượng dư thừa đã hấp thụ vào từ ăn uống khó hơn so với các vitamin hòa tan trong nước. Vì vậy, dùng quá liều có thể dẫn tới ngộ độc vitamin A.Tuy nhiên, ngộ độc ở gan có thể diễn ra với các mức thấp tới 15.000 IU/ngày, với liều gây ngộ độc trung bình là 120.000 IU/ngày. Nhiều bệnh nhân có bệnh gan do vitamin A gây ra có khi không nhận thấy, chỉ khi khám lâm sàng và đo các chỉ số mới phát hiện bệnh. Các triệu chứng ngộ độc chỉ xảy ra khi dùng thuốc có vitamin A để uống, còn các dạng carotenoid (như beta carotene trong cà rốt) thì rất an toàn.
Tất cả các thuốc trước khi đào thải ra ngoài cơ thể theo đường mật xuống ruột hoặc theo đường tiết niệu thì đều phải vào máu và đi qua gan. Chính vì vậy, nếu gan bị suy giảm, chức năng chuyển hóa, giải độc và bài tiết các thuốc cũng bị ảnh hưởng. Sự tích tụ thuốc do không được chuyển hóa và giải độc có thể gây ngộ độc thuốc và có khi tấn công vào gan gây tổn thương gan. Việc sử dụng thuốc không đúng cách, lạm dụng thuốc hoặc tự ý uống thuốc là những nguyên nhân chính góp phần làm cho tổn thương gan do thuốc gây ra.♦