Nhật Bản rất yêu thích chim trĩ xanh. Lông vũ chim trĩ đực rất đẹp, lông đuôi của nó được các võ tướng cổ đại dùng làm đồ trang sức cắm lên đầu mũ chiến. Năm 1947, nhân dân Nhật Bản coi chim trĩ xanh là “quốc điểu” của mình.
.jpg)
Trĩ xanh
Ấn Độ rất quý chim công. Chim công có bộ lông rất đẹp, nó thông minh, cảnh giác nhưng lại nhút nhát. Người Ấn Độ đã khắc hình tượng chim công vào các đồ kim khí, đồ gỗ và dệt hình nó trên tơ lụa, đắp hình nó ở các đền chùa. Nhà thơ nổi tiếng Ấn Độ Kalidasa gọi chim công là chim của nhân dân Ấn Độ. Nhân dân Ấn Độ thường cho nó có mối liên hệ với thần, nó là loài chim thần kỳ, người hầu của Thượng đế. Trong lịch sử Ấn Độ từng có một vương triều tự xưng là “Vương triều Khổng tước” (khổng tước: chim công). Tương truyền, những đốm ở đuôi công là những “con mắt” do thượng đế ban cho. Mỗi lần công xòe đuôi, hàng nghìn “con mắt” phát ra ánh sáng rực rỡ, đẹp đẽ.

Chim công
Chim đa đa là sản vật của đất nước Mauritus và cũng là vật tượng trưng của nước này. Tính nó dịu dàng, thịt rất thơm, trứng rất ngon, do đó thường là đối tượng săn bắt của bọn đi săn, sau này đã tuyệt chủng. Nhân dân Mauritus muốn hậu thế không quên được tội ác của những kẻ tàn phá thiên nhiên, sau khi giành được độc lập đã đưa hình chim đa đa lên quốc huy của mình. Họ coi chim đa đa là tượng trưng cho hòa bình; trong các đồ quảng cáo, vật kỷ niệm và tác phẩm nghệ thuật đều có hình tượng sinh động của nó.

Chim đa đa
Bạch hạc là giống chim yêu quý của nhân dân Đức. Nó thích làm tổ ở trên mái nhà hoặc trên ngọn cây cao. Tổ của nó rất to, hằng năm đều được gia cố thêm, nên to đến kỳ dị, có khi đường kính lên tới 2,5m, cao 2m, nặng 500kg - 900kg. Ở trên cây ít khi thấy có tổ chim nào lại to đến thế. Do đấy, người châu Âu thời trung thế kỷ coi tổ chim bạch hạc là tượng trưng cho sự tốt lành. Người Đức coi nó là quốc điểu có lẽ là vì vậy

Bạch hạc
Vân tước là loài chim yêu của người Đan Mạch. Nó còn có tên là tiểu bạch linh, tiếng hót rất hay. Nó có tài bay thẳng từ mặt đất lên không trung,vừa hót vừa bay, cho đến khi chỉ nhìn thấy bằng cái chấm nhỏ mà tiếng hót vẫn còn vang vọng, do đấy, thường chỉ nghe tiếng hót mà không thấy hình bóng nó đâu. Sau đó, nó lại vừa hót vừa sà xuống mặt đất, hễ chạm đất thì ngừng tiếng hót. Người Đan Mạch coi nó là niềm tự hào của dân tộc mình.

Vân tước
Cò tì bà được nhân dân Hà Lan rất yêu quý. Nhìn hình dáng nó giống con hạc, nhưng tính rất “kiêu kỳ”, rất khó đến gần. Mỏ nó giống đàn tì bà, đôi cánh phớt hồng, khi bay trông rất đẹp, nên được mệnh danh là “người đẹp biết bay”. Trước kia chúng bay từng bầy rất đông, do nạn săn bắt bừa bãi, nay còn rất ít. Hiện đã được pháp luật Hà Lan bảo vệ.
Gà trống: Người Pháp không những yêu thích vẻ đẹp, giá trị kinh tế và có khả năng báo giờ của nó mà còn thích tính cách dũng cảm, ngoan cường của nó. Gà trống thích chọi. Trò chơi chọi gà, từ lâu rất thịnh hành ở châu Á, còn ở châu Âu mãi đến năm 525 trước Công nguyên mới phổ biến. Tương truyền tướng quân Hy Lạp Tamistok trong thời kỳ dẫn quân đi đánh quân Ba Tư, trên đường hành quân ông nhìn thấy hai con gà trống đang chọi nhau kịch liệt, ông liền lấy cảnh đó khích lệ sĩ khí quân lính. Quả nhiên quân Hy Lạp chiến thắng trong trận đó. Để kỷ niệm thắng lợi này, mỗi năm dân Athens tổ chức lễ hội chọi gà một lần. Về sau, tục chọi gà phổ biến ra toàn châu Âu. Vua nước Anh Carlos đệ nhị từng làm quốc vương nước Pháp là người rất mê chọi gà. Ngoài nước Pháp ra, nước Kenya cũng coi gà trống là “quốc điểu”.

Gà trống
Chim ưng: Người Mexico coi chim ưng đực là niềm kiêu hãnh. Họ ví dân tộc họ như chim ưng vậy. Tương truyền, thế kỷ 16, dân tộc Mexico tiến hành cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Tây Ban Nha. Có một thủ lĩnh trẻ được mệnh danh là “chim ưng từ trên trời bay xuống” bị quân xâm lược giết chết. Người Mexico tôn vinh anh là anh hùng và dựng tượng kỷ niệm anh. Qua đó, thấy trong con mắt của người Mexico, chim ưng là hóa thân của anh hùng, là thần thánh, không được xâm phạm. Hình chim ưng được đưa lên quốc kỳ của Mexico.

Chim ưng
Hồng hạc: Trong hơn 200 loài chim, người Bahamas thích nhất là hồng hạc. Nó là một trong những giống chim quý hiếm của thế giới, nó thuộc họ chim nước, còn có tên là “hỏa hạc”. Mình chim cao khoảng 1,2m, hình dáng rất đẹp, tao nhã, đi đứng nhẹ nhàng. Đặc điểm nổi bật của nó là toàn thân có bộ lông phớt hồng, xa trông như quả cầu lửa. Nếu như chúng đậu thành đàn, trông giống như tấm thảm đỏ. Có khi chúng đậu liền mấy cây số, giống như sóng đỏ, đẹp vô cùng. Nước Bahamas đến nay vẫn còn lưu truyền một thần thoại, kể rằng hồng hạc có thể sống lâu 500 năm, trước khi chết dùng cánh quạt lên một ngọn lửa, khi lửa tàn, từ trong đám tro, hồng hạc liền sống lại, giống như truyền thuyết về phượng hoàng tái sinh vậy, vì thế dân địa phương gọi là “chim thần”.

Hồng hạc
Anh vũ (con vẹt) là loại chim quý hiếm. Nó không những hiền lành mà còn bắt chước tiếng nói của con người. Nó là loài chim trường thọ, có thể sống được từ 60 năm trở lên. Nước Dominica bị bọn thực dân đô hộ lâu ngày, năm 1978 tuyên bố độc lập và chế định ra lá cờ của riêng mình. Giữa lá cờ có một hình tròn, trong hình tròn có hình 10 ngôi sao năm cánh màu lục vây quanh con vẹt rất đẹp.

Anh vũ
Chim ưng đầu trọc: Trên quốc kỳ của nước Ecuador có hình giống chim này. Nó còn được gọi là “thần châu Mỹ”. Trong các loài mãnh cầm nó là loại chim to nhất, mình dài 1,5m, hai sải cánh rộng 4m. Dáng nó xấu, nhưng rất dũng cảm, dám đánh nhau với cả sư tử và hổ báo. Có lẽ vì thế, nhân dân Ecuador đặc biệt yêu quý nó. Nước Mỹ gọi chim ưng đầu trọc này là “vua của các loài chim”. Để tránh tình trạng tuyệt chủng, năm 1872 Quốc hội Mỹ quy định nó là “quốc điểu”. Tổng thống Reagan thời đó còn tuyên bố ngày 20-6-1982 là “ngày chim ưng đầu trọc” của nước Mỹ.
.jpg)
Chim ưng đầu trọc
Chim cực lạc: Giống chim này sống trong rừng rậm của nước Papua New Guinea. Người ta chỉ nhìn thấy nó bay ở trên không trung, do đó người địa phương đồn rằng nó là chim thần sống ở thế giới cực lạc và chỉ ăn sương trời và mật hoa, do đấy nó còn có tên là “chim thiên đàng”. Chim cực lạc rất sợ gió thổi từ phía sau làm tung lông vũ của nó, do đấy bao giờ cũng bay ngược chiều gió, nên còn gọi là “chim gió”. Lông đuôi của chim rất dài và sặc sỡ, người dân địa phương dùng nó để trang sức trong hôn lễ. Chim cực lạc là một trong ba thứ nhân dân nước này sùng bái nhất (hai thứ kia là cá sấu và tượng khắc người đàn ông gồng gỗ), nó tượng trưng cho tự do, độc lập, và được đưa lên quốc kỳ và quốc huy. Hiện nay chính phủ nước này có lệnh cấm xuất khẩu chim cực lạc. Tên khoa học của chim cực lạc là Paradisea apoda.♦