HV149 - Thời sự và suy ngẫm

“Chiến lược quốc gia chính của Trung Quốc từ nay đến năm 2045 là tăng cường sức mạnh mềm, hiện đại hóa quân đội và trở thành một nước có sức mạnh trên trường quốc tế. Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ nỗ lực làm giảm ảnh hưởng và sự hiện diện của Mỹ, làm suy yếu đồng minh của Mỹ, bắt nạt các nước láng giềng và giành quyền kiểm soát trên biển Đông” (bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), 27-5-2020).

Theo đó, tình hình biển Đông trở nên căng thẳng trong thời gian gần đây. Hai hàng không mẫu hạm Liêu Ninh và Sơn Đông tập trận trên biển Đông, lập các quận huyện hành chính mới vùng Trường Sa - Hoàng Sa, đưa tàu uy hiếp vùng đặc quyền khai thác dầu của Malaysia, và vấp phải sự phản ứng của Mỹ (đưa tàu tuần tra đi lại tự do), phản ứng của Malaysia, Philippines, Indonesia… Philippines thì rút lại việc hủy hiệp ước tập trận chung với Mỹ, điều rất có ý nghĩa. Indonesia nhắc lại tuyên án của Tòa trọng tài quốc tế về đường lưỡi bò phi pháp. Malaysia kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế không có tranh chấp gì với Trung Quốc… Cuộc chiến thương mại, kinh tế, chính trị Mỹ - Trung lên đến điểm cao khi Mỹ nhận thức đây là cuộc đối đầu toàn diện và áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn (như đối với Huawei, đối với sinh viên Trung Quốc vào học tại Mỹ…). Nghĩa là Mỹ đã thức tỉnh, cảnh giác và có biện pháp đối phó trước đối thủ đang lên, và có thể đang lợi dụng tình hình sau COVID-19.

Trung Quốc đang vấp phải tình hình kinh tế u ám sau đại dịch - năm nay Trung Quốc chưa tính đến chỉ tiêu tăng trưởng và nó có thể bằng không. (Thành phố Bắc Kinh đang bị đe dọa vì dịch quay lại, Bắc Kinh nay cũng phòng dịch như chống giặc, nhiều quận áp dụng luật thời chiến). Về vấn đề Hồng Kông, một khi Trung Quốc áp dụng Luật an ninh đối với Hồng Kông để chống nổi dậy, cũng có nghĩa là hy sinh lợi ích kinh tế của Hồng Kông để đổi lấy an toàn cho Bắc Kinh. Trong khi đó Đài Loan luôn cảnh giác trước tuyên bố của các tướng lĩnh Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để chiếm Đài Loan - thống nhất Trung Quốc. Máy bay, tàu chiến Trung Quốc áp sát eo biển Đài Loan, và việc bắn hạ một tàu chiến hay máy bay Đài Loan sẽ là mở màn cho một tình huống đầy kịch tính. Đài Loan mua thêm những ngư lôi hạng nặng của Mỹ để phòng thủ… Thái Anh Văn, người đứng đầu Đài Loan, tuyên bố không chấp nhận công thức “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh, và 900.000 phiếu bầu đã buộc Hàn Thế Du, thị trưởng Cao Hùng đại diện cho phái thân Trung Quốc, mất chức… Những diễn biến đó không thể không làm Bắc Kinh lo ngại.

Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra trên vùng biển chủ quyền Việt Nam​

Việt Nam luôn luôn cảnh giác trước các diễn biến ở biển Đông, bình tĩnh ứng phó để giữ vững trạng thái hòa bình, vừa thoát dịch, vừa khôi phục và phát triển kinh tế. Thắng lợi của xuất nhập khẩu (xuất siêu), triển vọng tăng đầu tư của các hãng nước ngoài vào Việt Nam, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua (9-6-2020) và sẽ được thực thi từ 1-8-2020, mở ra “cao tốc” cho Việt Nam vào một thị trường 18.000 tỉ USD, sẽ là một triển vọng tăng trưởng kinh tế cho Việt Nam.

Tình hình khá là sáng sủa, mặc dù biến động của hạn hán, thiếu nước, cháy rừng vẫn là những đe dọa gay gắt cho bà con…


Trong khi đó, tình hình Mỹ cũng rất đáng quan tâm. Mỹ đang lọt vào giữa hai gọng kìm: đại dịch COVID người chết nhiều quá, kinh tế suy thoái và sẽ giảm sâu sắp tới; lại “họa vô đơn chí”: vụ biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở khắp các thành phố trong cả nước và lan ra châu Âu… Tổng thống Mỹ D. Trump đang đứng trước những vấn đề đau đầu về tranh cử Tổng thống một khóa nữa vào đầu tháng 11 tới. Thăm dò ở nhiều bang, D. Trump sụt phiếu so với Biden - ứng viên đảng Dân chủ; đã thế, các cựu Tổng thống, cựu Bộ trưởng Quốc phòng lại đồng loạt chỉ trích, lên án Trump trong vụ ứng phó với biểu tình (điều quân đội, nay lại thêm một cảnh sát bắn chết một người da màu nữa). Ông Trump nổi cáu, chửi một nhân vật cựu Bộ trưởng Quốc phòng là “con chó điên”. Twitter là một công cụ tai hại của D. Trump. Nó bị nhiều chỉ trích, “Đa ngôn đa quá” là vậy. Mất bình tĩnh trong tình hình nguy nan này sẽ tạo ra thêm khó khăn. Các trợ lý, tham mưu của ông đang toan tính lật ngược thế cờ (cũng còn cơ hội), không biết cuối cùng ngã ngũ ra sao?

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người có nhiều tuyên bố gây sốc trên Twitter​

Bàn cờ thế sự rối tinh. Thế giới vốn không yên, chứa chất đầy mâu thuẫn, nhân kỳ đại dịch COVID này mới bộc lộ ra một số, còn cái gì ở phía trước ta chưa thể dự đoán hết.


Quảng Ninh được thí điểm bầu cử trực tiếp Bí thư Tỉnh ủy - Đây được xem là một bước đột phá về dân chủ trong Đảng. “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi” (Di chúc Bác Hồ). Chừng nào trong Đảng chưa thực hành dân chủ rộng rãi thì tình hình dân chủ trong toàn xã hội còn gay. Nhất là khi Đảng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng đứng đầu chống tham nhũng có hiệu quả, nhưng dù sao cũng còn nhiều vấn đề phải quan tâm, như còn nhiều vụ việc lâu nay được nhân dân rất chú ý, đòi hỏi giải quyết còn chưa được liệt vào danh sách “đốt lò” - chưa nói đến cái gọi là “tham nhũng vặt”, thực ra nó không “vặt” chút nào, mà nó làm người dân bình thường, lương thiện khốn khổ (như con vào lớp 1, nhiều nơi phụ huynh phải “chạy” 15-30 triệu đồng, thậm chí hơn; còn có bằng rồi đi xin việc phải mất hàng trăm triệu). Dân vẫn thấp cổ, bé miệng; trong khi các quan tỉnh nhà lầu, trang trại, xe con, con đi học nước ngoài...

Một lần khác ta sẽ bàn vấn đề này: vấn đề thể chế thế nào để không còn tham nhũng. Đây là vấn đề lớn rất cơ bản, nếu muốn tận diệt vi rút tham nhũng để đất nước tiến lên - “Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam” như lời một bài hát của Văn Cao đầu những năm cách mạng.l

HỒN VIỆT