HV150 - Lá số tử vi tốt

Làm công tác tình báo thời chiến chủ yếu là kiếm tài liệu, tin tức về địch chuyển về cấp trên để nắm được tình hình và chỉ đạo chiến tranh giành thắng lợi. “Muốn nắm địch thì phải đi sát địch”, Bác Hồ đã dạy như vậy. Do đó mà đi sát địch, luồn vào hậu phương của địch thì việc hy sinh tính mạng, bị địch bắt, bị tra tấn tù đày là điều không tránh khỏi. Suốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, tôi đều được phân công làm công tác tình báo, vào ra vùng địch không biết bao nhiêu lần, ăn ngủ sinh hoạt trong vùng địch, nằm hầm bí mật, địa đạo vùng ven đô không biết bao nhiêu năm, đối diện với cái chết, với chuyện bị giặc bắt không biết bao nhiêu lần, vậy mà ra khỏi hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, tôi vẫn còn toàn vẹn thân thể, chỉ bị vài vết thương trên đầu, giữa bụng, ở mắt cá chân trái. Đi khám thương tật, bác sĩ nói mất sức 61%, được xếp thương binh hạng 2 vĩnh viễn. Nay, tuổi ngoài 90, ngồi suy nghĩ lại cuộc đời, không biết đó là do số phận hay do may mắn.

Đồng chí Phạm Xuân Ẩn, thiếu tướng tình báo, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, điệp viên của Cụm tình báo H.63 mà tôi là Cụm trưởng, một tháng trước khi qua đời tại Quân y viện 175 năm 2006, có thân mật trao đổi với tôi trong một lần tôi vào thăm anh. Nằm trên giường bệnh, cầm tay tôi, anh nói: “Tôi nghĩ chắc lá số tử vi của hai đứa mình tốt lắm nên tôi và anh đi suốt hai cuộc kháng chiến mà không hy sinh, cũng không bị địch bắt lần nào. Tụi mình đâu có giỏi gì hơn anh em mà anh em tình báo hoạt động trong  Sài Gòn hy sinh, bị bắt nhiều quá, còn hai đứa mình thì an toàn cho đến hôm nay, được sống những ngày cuối đời với gia đình…”.

Đồng chí ấy nói vậy cũng có cái lý của đồng chí vì thật ra có nhiệm vụ khi đi thi hành rất có thể bị bắt và hy sinh. Tôi chỉ kể một chuyện sau đây.

Quan trọng nhất đối với người điệp viên là xây dựng bình phong làm vỏ bọc vững chắc cho mình để sống an toàn trong hậu phương địch mà phục vụ lâu dài cho cách mạng. Bình phong của Phạm Xuân Ẩn là làm phóng viên thường trú của tờ Times, một tờ báo lớn của Mỹ. Anh ấy được học về nghiệp vụ báo chí suốt ba năm (1957 - 1960) bên Mỹ. Nhờ bình phong ấy mà anh rất an toàn, thu thập được nhiều tài liệu tin tức có giá trị chuyển ra cho cách mạng. Ấy vậy mà cuối năm 1967 có một nhiệm vụ rất đặc biệt do cấp trên giao: Chuyển một lá thư kèm ảnh của Trung ương Đảng bạn cho một điệp viên của họ hiện đang giữ một chức vụ rất quan trọng trong một đại sứ quán của một nước tư bản tại Sài Gòn. Tất nhiên, khi đưa cái thư đó cho đối tượng, thì người nhận thư sẽ biết rõ anh là điệp viên của “Việt Cộng”, mà phải là điệp viên tầm cỡ mới được cấp trên giao nhiệm vụ đó. Sau khi bàn bạc với Phạm Xuân Ẩn có hai lần tôi về báo cáo cấp trên là nhiệm vụ quá nguy hiểm, có thể xóa lưới tình báo của Cụm H.63 mà điệp viên chủ lực là đồng chí Phạm Xuân Ẩn, người mà Đảng ta đã dày công xây dựng từ nhiều năm và nay đã chui sâu, leo cao đang phát huy tác dụng. Đồng chí cấp trên nói: Đảng bạn phóng điệp viên đi, nay đứt liên lạc nhờ Đảng ta nối lại. Trung ương giao qua tình báo, thủ trưởng tình báo chọn Phạm Xuân Ẩn vì chỉ có anh ấy mới có khả năng tiếp cận đối tượng. Tôi nói: “Thi hành nhiệm vụ này thì có thể hy sinh”. Cấp trên nói: “Phải thi hành bằng mọi giá”. Đồng chí cấp trên động viên: “Đối tượng đang ở một chức vụ cao như vậy, tôi tin rằng người ấy sẽ không có phản ứng tiêu cực đối với các đồng chí. Họ không muốn bị lộ đâu, miễn chúng ta làm cho kín đáo”.

Bữa trưa cuối cùng hạ quyết tâm tại nhà hàng Victory đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần), tôi nói: “Sáng mai tôi sẽ lấy xe đưa anh đến đó. Nếu chúng nó bắt anh thì sẽ xuống sân đại sứ quán bắt tôi. Với khẩu súng ngắn giấu trong xe như anh biết, tôi sẽ khử vài thằng rồi hai anh em mình cùng hy sinh tại đó thôi”. Đêm đó, Ẩn dặn vợ thu xếp việc nhà, chuẩn bị lời khai cho vợ nếu anh ấy bị bắt hay phải hy sinh.

Các cựu chiến binh Cụm tình báo H.63

Đại sứ quán mở một tiệc đứng (buffet) để mừng ngày thành lập nước của họ, chúng tôi nghiên cứu đó là thời cơ thuận lợi để tiếp cận đối tượng. May mà nhiệm vụ trót lọt. Ẩn thuật lại cho tôi nghe, tôi còn nhớ mãi câu sau đây: “Thú thật với anh Tư, tôi làm tình báo từ thời chống Pháp xem như đã 15 năm (1952 - 1967) vậy mà khi tôi chuyển lá thư và tấm ảnh cho anh ta, tự nhiên cái chân trái tôi cứ run mà tôi không kềm lại được”. Tôi rất thông cảm với lời nói thật tình đó của bạn đồng đội, vì đó là phút giây sinh tử của người điệp viên.

Phải đến sau ngày giải phóng miền Nam (304-1975) chúng tôi mới tin chắc là tay đó không phản bội đối với tổ chức anh ta, người đã phóng anh ta đi, chớ suốt những năm anh ta nhận thư, chúng tôi cũng còn hồi hộp sợ anh ta báo cáo riêng với tình báo Mỹ - ngụy để theo dõi ngầm, sát hại chúng tôi. An toàn có thể là nhờ “lá số tử vi tốt” như anh Ẩn nói. Không biết anh có coi số tử vi không, vì anh có tính hài hước, hay nói chơi lắm, chớ còn tôi, ở một làng quê nghèo từ nhỏ đến lớn, tôi không coi tướng, số bao giờ.

Trong cuộc chiến tranh bí mật giữa hai bên, mình tổ chức điệp viên nằm trong lòng địch, chui sâu, leo cao để tìm hiểu bí mật của chúng thì kẻ địch cũng không phải vừa, chúng cũng tổ chức người vào trong chiến khu của mình để diệt mình. Có nhiều chuyện mà đến nay tôi cũng không hiểu nổi, ví dụ như chuyện trận càn của quân đội Mỹ năm 1968. Tại sao tôi vừa từ Sài Gòn ra buổi chiều thì hừng sáng hôm sau giặc Mỹ mở trận càn phối hợp các binh chủng đánh thẳng vào căn cứ Cụm tình báo H.63 chúng tôi, may mà tôi thoát chết trong gang tấc, chỉ có một cán bộ đài trưởng vô tuyến điện bị thương và một chiến sĩ hy sinh. Hay như trận phục kích đánh mìn Claymore mà tôi kể dưới đây, tại sao giặc biết rõ giờ đó tôi từ ấp chiến lược Phú Hòa Đông về khu căn cứ Bến Đình mà cho biệt kích vào sát căn cứ gài mìn để giết hại tôi?

Chuyện xảy ra vào giữa năm 1966. Lúc ấy tôi là thiếu tá Cụm trưởng Cụm tình báo H.63. Một buổi chiều, sau khi đột nhập vào ấp chiến lược Phú Hòa Đông gặp gỡ cô giao thông viên để giao nhiệm vụ, tôi cùng đồng chí Năm Hải, cán bộ đại đội phó trở về căn cứ Bến Đình. Đi đã hơn 3 cây số, đã ra khỏi vùng nguy hiểm, chỉ còn cách 200m là về đến căn cứ với anh em đội võ trang, vì gần đến nhà nên có phần lơ là cảnh giác, hai anh em đi gần nhau trò chuyện. Bỗng nghe “ầm”, một tiếng nổ kinh hồn của hơn chục trái mìn nổ đồng loạt. Theo phản xạ tự nhiên, hai anh em quay trở lại, chạy bán sống bán chết về hướng ấp chiến lược. Được khoảng 1km thì đến bìa sở cao su Bà Hộ. Mệt quá, ngồi núp vào bụi cây chồi nghỉ lấy hơi.

Tôi hỏi: - Cái gì vậy anh Năm?

Năm Hải: - “Mo”. Anh ấy chỉ còn nói được một tiếng “mo”, hơi thở dồn dập nặng mùi thuốc rê. Nói “mo”, tôi ngầm hiểu anh ấy nói mìn Claymore của quân đội Mỹ.

Tôi ngạc nhiên hỏi tiếp: - “Mo”, sao tôi với anh còn chạy được, cả hai đứa mình đều không bị trúng viên nào?

Năm Hải ầm ừ không trả lời.

Mìn Claymore là loại mìn định hướng, khi bị kích nổ, một loạt viên bi cùng bay về một hướng với sức mạnh kinh hồn. Mỗi trái mìn chứa 230 viên bi sắt, dồn nén trong thuốc C4 là loại thuốc nổ cực mạnh (mạnh hơn thuốc TNT thông thường). Vì kích thước quả mìn nhỏ, trọng lượng nhẹ so với mìn định hướng ĐH5-ĐH10 của ta nên mỗi tên lính địch khi đi phục kích có thể mang theo vài ba trái, đến nơi chỉ ghim mấy chân bằng kim loại của quả mìn xuống đất, mặt sát thương hướng về kẻ thù sẽ đi tới rồi nối với mạch điện. Chúng nằm yên trong bụi rậm chờ cho chiến sĩ ta đến gần độ 4 đến 5 mét mới chập mạch điện cho nổ. Bị mìn nổ gần như vậy nên thông thường người bị phục kích sẽ bị gãy mất hai xương ống chân, té ngồi tại chỗ, máu tuôn ra một lúc thì chết. Du kích xã Phú Hòa Đông những năm ấy phần đông chết vì mìn Claymore. Trong cụm tôi cũng có 4 đồng chí hy sinh vì mìn Claymore (đến năm 1968, chính đồng chí Năm Hải cũng hy sinh vì trúng mìn Claymore tại ngã ba Ông Tới,  xã Phú Hòa Đông).

Mìn “mo” nổ mà mình không bị sát thương! Cả hai người không ai lý giải nổi, tôi nói với Năm Hải: - Ta trở ra xóm dân kiếm cơm ăn chiều nay, tối xem bụi tre nào rậm rạp mình chui vào ngủ qua đêm, sáng mai mình theo mé sông lội về căn cứ, không trở lại đường sở cao su nữa.

Nghỉ một chút lấy sức, hai anh em lần ra xóm, đồng bào hỏi: “Trong đó, mấy ông đánh cái gì nổ dữ quá, tụi giặc vừa khiêng xác vừa chạy như bị mất hồn”. Năm Hải nói: “Tụi nó đánh mìn, hai đứa tôi chạy gần chết đây, chớ tụi này có đánh chác gì đâu”. Tôi hỏi: “Khiêng mấy khiêng?”. Đồng bào nói: “Sáu, bảy khiêng, còn một số què quặt phải dìu nhau chạy”. Tôi cũng chưa nghĩ ra là việc gì.

Sáng ra, y theo kế hoạch, hai anh em lần ra mé sông hụp lặn trở về căn cứ. Đường dài hơn, mệt hơn, chịu lạnh nữa, nhưng chắc ăn. Đến căn cứ, vạch gai ô rô, cốc kèn, lội lên dòm thấy tiểu đội võ trang của cụm đang ăn cơm sáng. Thằng Ẩn, thằng Phương, thằng Đạo xoay trần ra vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Thấy tôi và Năm Hải từ dưới biền sông lóp ngóp đi lên, quần áo ướt sũng, anh em ngạc nhiên.

Tám Phương nói: - Anh Tư ơi! Chiều hôm qua bọn địch vào phục kích trong chồi trên sở Mi-sơlanh nhưng đặt mìn ngược nên khi cho nổ, chúng bị thương vong dữ lắm, bây giờ chỗ đó còn đầy bông băng dính máu...

Sáu Ẩn nói: - Không biết chúng đánh ai, có chạy thoát được không?  

Tôi nói: - Đánh hai đứa tao chớ đánh ai. Mà tụi bây có coi kỹ chưa đó?

Thằng Đạo nói: - Nghe nổ một tiếng lớn, tụi tui chuẩn bị chiến đấu. Đợi một lát không thấy chúng tấn công, tụi tui ra trinh sát thì tụi nó rút hết rồi.

Tôi nói: - Đâu, tụi bây đưa tao ra xem!

Ra đến trận địa phục kích của giặc. Trước mắt tôi, cây chồi, cỏ dại bị tiện cụt đổ nát trên một khoảnh rộng, còn những vệt máu đã khô, bông, băng vương vãi khắp nơi. Đúng là bọn giặc đã đặt mìn ngược. Khi bị kích nổ, hàng chục trái mìn định hướng đã đánh vào đội hình chúng tan nát, còn hai chúng tôi thì an toàn quay lại chạy. Đúng là trời cứu.

Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi không còn nghe giặc đặt mìn ngược ở đâu nữa. Cũng có nghe chúng đặt mìn Claymore ngoài hàng rào quanh đồn bót đề phòng Việt Cộng đột nhập, nhưng chiến sĩ đặc công của mình lẻn bò vào quay ngược mìn lại rồi ra ngoài bắn vài phát súng. Chúng tức thì chập điện cho mìn nổ, tưởng gây sát thương bên ngoài đồn, ai dè bao nhiêu sức mạnh của mìn tung vào tàn phá bên trong.

Chuyện của tôi và Năm Hải còn sống sau loạt mìn Claymore chỉ cách 5 mét là chuyện hi hữu.♦


* Bí danh Tư Cang, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân

Đại tá NGUYỄN VĂN TÀU*