HV150 - Tôi gặp lại em gái

Tôi theo cha tập kết ra Bắc năm lên chín tuổi. Má và các em tôi ở lại miền Nam, cháy lòng đợi chờ đất nước thống nhất để gặp lại người thân. Tôi nhớ hôm ra đi, Tâm, em gái tôi mới lên 4 tuổi, đầu đội chiếc mũ vải trắng chạy theo ôm tôi khóc ngằn ngặt: “Không cho Haiđi, không cho Hai đi”. Hình ảnh em, tôi mang theo trong lòng suốt những năm dài trên đất Bắc...

Vào năm 1969, tôi trở về miền Nam, công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5, đứng ở miền Tây Quảng Nam. Những năm ấy, Quảng Đà và Quảng Ngãi là những chiến trường điểm của Khu. Anh chị em văn nghệ chúng tôi thường đi công tác về các nơi ấy. Nhưng đi đâu, lúc nào tôi cũng mong muốn được một lần về Phú Yên để được thăm quê, thăm má và các em. Mãi đến cuối năm 1971, tôi mới được về Phú Yên công tác.

Hồi ấy từ Khu về Phú Yên phải đi bộ ròng rã suốt một tháng trời. Chúng tôi cứ đi 4 ngày lại nghỉ một ngày ở trạm để lên rẫy lấy sắn tươi về nạo ra thành bột, gói như bánh tét, luộc chín mang theo để ăn những ngày sau.

Đến đường 19, con đường từ Quy Nhơn đi Pleiku, chúng tôi phải vượt vào ban đêm. Đêm ấy không hiểu có bị lộ hay không mà địch bắn pháo rất dữ. Chúng tôi phải phóng nhanh qua đường rồi chạy lúp xúp trên cánh đồng cỏ để vào núi. Vì tối trời, không rõ đường, tôi đã ngã dúi dụi, bị trặc chân phải đi tập tễnh suốt mấy ngày sau. Tôi nhớ khi vượt qua một dòng suối, có ai đó nói: “Ta đã tới Phú Yên rồi”, tôi đã vịn vào thân một cây rừng, đứng khóc nức nở...

Đến Ban Tuyên huấn Phú Yên, vừa nghỉ được một ngày, tôi đã nôn nao xin về xã tôi công tác để tìm cách gặp gỡ người thân. Anh em ở đó rất thông cảm hoàn cảnh của tôi nên đồng ý ngay. Vả lại, xã tôi là một xã có phong trào du kích nổi tiếng trong tỉnh.

Căn cứ của xã là những mái lán lợp ni lông nằm dưới rừng cây nhìn ra một dòng suối, cách đường số 1 khoảng nửa tiếng đi bộ. Nơi đây, ngày nhỏ tôi đã cùng bè bạn đi lấy củi và hái trâm, hái sim. Bây giờ bom pháo dội nhiều, cây cối có thưa đi nhưng vẫn còn những cây trâm, bãi sim như vẫn đợi chờ tôi trở về hái quả.

Biết tôi về, anh chị em cán bộ, du kích, những người đồng hương, có những người cùng trang lứa, còn nhớ tôi, cũng có những em trẻ chỉ nghe tên tôi mà chưa gặp mặt, đã tíu tít đến bên thăm hỏi, nghe tôi kể chuyện miền Bắc và kể cho tôi nghe chuyện quê nhà. Tôi như được sống lại tuổi thơ mình và sống tiếp cùng quê hương những năm tôi xa cách. Tôi gặp những du kích đốt cháy những chiến thuyền chở đầy quân trang quân dụng của địch. Tôi như thấy Lục, người bạn thuở nhỏ, sau này vào du kích, trong một trận đánh không cân sức, lúc địch xông đến bắt sống, đã đập gãy súng cho địch không lấy được và tung mìn để mình và địch cùng chết... Giữa chừng câu chuyện, anh Bốn, Bí thư xã, một người bị đau mắt hột nặng (vì quê tôi là vùng biển, gió cát bay nhiều vào mắt) nháy nháy mắt, vỗ vào đùi tôi:

- Hồi nãy giờ nói chuyện đâu đâu chắc mày nóng ruột muốn biết tin tức gia đình mày lắm hử. Tao nói gọn vầy: Hai cha con mày ra Bắc, má mày ở lại bị địch nó bắt tra tấn dữ lắm, giờ đau yếu ở nhờ nhà cậu mày trong thị xã. Con Nga em út mày ở với bả để chăm sóc bả. Thằng Chi, thằng Nam em mày công tác trên tỉnh bị thương, bị đau được đưa ra Bắc chữa bệnh, có lẽ cùng lúc mày vô, anh em bay đi vuột nhau không gặp. Bây giờ còn con Tâm làm y tá ở đội du kích xã...


Đội nữ biệt động Tỉnh đội Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ

Tôi đưa mắt nhìn quanh để tìm trong số con gái đứng gần đó ai là em tôi, mà mọi người “giấu kín”, chưa cho “ra mắt” nhằm thử thách trí nhớ tôi, như vẫn thường xảy ra trong những cuộc gặp gỡ. Anh Bốn hiểu ý tôi, cười nói:

- Nó không có ở đây. Nếu ở đây nó đã chạy đến ôm mày khóc kể từ hồi nãy. Nó với mấy đứa du kích đang ở dưới làng. Mày muốn tao gọi nó lên hay tối nay cùng tụi tao xuống làng thăm luôn...

- Xuống làng đi - tôi sốt sắng.

- Được, nghỉ đi. Tối đi. Xuống làng kiếm chút gì tao đãi mày luôn. 17 năm rồi không gặp nhau chứ ít gì.

Đêm ấy, tôi cùng anh Bốn và hai du kích nữa xuống làng. Làng tôi sát biển, một nửa là đất rộc trồng khoai, trồng đậu phộng, một nửa là những cồn cát. Trên những cồn cát là rừng bàn chải. Đơn vị du kích của em tôi đào hầm bí mật, sống trong những lùm bàn chải cháy bỏng ấy để đêm đêm mọc lên hoạt động...

Muốn xuống làng, từ cứ phải qua một cánh đồng sau đó vượt đường số 1. Hai du kích đi trước, tới anh Bốn rồi đến tôi. Khi gần tới đường số 1, anh Bốn quay lại nói:

- Hễ có địch phục, mọi chuyện tụi tao lo, mày cứ men theo bờ ruộng chạy ra suối rồi về cứ nghe.

Vừa nói xong, anh đẩy tôi ngã nhào xuống bờ ruộng. Ngay lúc ấy anh và hai du kích nổ súng. Thì ra, địch phục ở bên kia đường. Tôi bò theo mấy bờ ruộng rồi phóng ra phía suối dưới làn pháo cối của địch nổ ầm ầm. Một lúc sau, anh Bốn cùng một cậu du kích cõng cậu kia bị thương ở đùi trở về...

Suốt mấy ngày sau, địch vẫn phục trên đường số 1. Tôi không thể xuống làng gặp em gái tôi. Nếu em tôi có được tin tôi về cũng không lên cứ gặp tôi được. Tôi sốt ruột vô cùng nhưng đành phải quay về tỉnh rồi đi công tác ở một huyện phía Bắc.

Nửa tháng sau, khi quay về tỉnh, các anh ở Ban Tuyên huấn bảo:

- Cô Tâm em cậu lặn lội từ dưới vùng sâu lên đây để thăm cậu. Nó đợi mấy ngày mà cậu chưa về nên nó về lại dưới rồi. Nó có gởi quà và thư cho cậu đây.

Các anh đưa cho tôi một gói ni lông, mở ra thấy có áo len, một bộ đồ ni phăng xanh, mấy hộp thịt, một tút thuốc lá Bastos đỏ. Tôi lật đật mở thư. Em tôi viết chữ to, tròn và rất ngắn:

“Anh Hai.

Em nghe anh vô, xuống làng gặp em mà địch ràng quá nên không xuống được. Em lên đây tìm anh, anh lại đi công tác xa. Chuyện gia đình mình chắc anh Bốn nói hết rồi. Em xin không viết dài. Mười mấy năm rồi chưa gặp lại, không biết anh giờ ra sao. Em hỏi anh Bốn, ảnh nói người anh cũng nhỏ con nên em mua cái áo len và may đại bộ quần áo cho anh. Chẳng biết anh mặc có vừa không. Má và tụi em nhớ ba và anh lắm. Chẳng biết lúc nào anh em mình được gặp nhau hả anh.

Thôi em về nghe anh Hai. Em xin dừng bút”.

Hai ngày sau, tôi lại xin phép các anh ở Ban Tuyên huấn về xã công tác kết hợp gặp em gái tôi luôn.

Về đến gần căn cứ xã tôi gặp mấy anh cán bộ Kinh tài cõng hàng hối hả đi ngược lên. Khi biết tôi về xã, họ bảo:

- Địch đang càn căn cứ xã An Chấn. Tụi tui ở dưới lên đây, chạy thí chết, anh về làm chi. 

Tôi đành nghỉ lại giữa rừng. Đêm hôm ấy, nằm trên võng, tôi thấy người nao nao khác lạ. Lúc lúc tôi lại ngồi dậy đốt thuốc. Vào khoảng nửa đêm tôi thiếp đi. Một cô gái rất trẻ, khuôn mặt từa tựa em Tâm hồi nhỏ, mặc bộ đồ bà ba đen, đứng khoanh tay, vừa khóc vừa nói với tôi: “Em đi nghe anh Hai” rồi bóng cô xa dần. Tôi tỉnh dậy, toát mồ hôi lạnh, nhìn quanh thử ai vừa nói với mình, chỉ thấy đêm sáng trăng vằng vặc...

Sáng hôm sau, tôi gặp mấy anh bộ đội cõng gạo đi lên. Hỏi tin, tôi biết địch đã rút. Tôi vội vàng đi xuống căn cứ xã. Đến nơi, tôi gặp một khu rừng cháy lam nham, cây cối đổ ngã, không một bóng người, gây cho tôi một cảm giác ớn lạnh chẳng lành. Tôi đang ngơ ngác thì một cậu du kích tre trẻ đi qua:

- Ai như anh Hai? Địch đánh lên đây đốt phá hết rồi. Cứ lộ rồi. Tụi em phải dời vào hang Hổ...

Cậu ngừng lại, nhìn tôi, mắt đỏ hoe rồi tiếp:

- Chị Tâm chết rồi anh ơi. Sáng hôm qua, lúc địch càn lên cứ, tụi em đánh lại. Anh Bảy bị thương, chị Tâm ra băng bó rồi dìu vô suối. Chị lại chạy ra băng bó cho anh em khác thì địch phát hiện, bắn chị bị thương ở bụng và ở đùi. Chiều qua địch rút. Tụi em lo băng bó, tiêm thuốc cho chị. Nhưng vết thương nặng quá, máu ra nhiều, tới khuya thì chị chết. Trước khi chết, chị khóc, chị nói chị buồn lắm, vì không được gặp lại anh với ba chị. Vào phút cuối, chị nói mê như có anh đang đứng trước mặt vậy: “Em đi nghe anh Hai”, rồi chị đi luôn... Tụi em vừa chôn chị sáng nay...

Tôi đứng lặng, nước mắt trào ra...

Cậu du kích cầm tay tôi lắc lắc:

- Thôi anh... đừng khóc nữa anh... chiến tranh mà anh...

Nói rồi, cậu dắt tôi băng qua suối, qua rừng về căn cứ mới ở trong một hang đá. Vừa thấy tôi, anh Bốn, Bí thư xã đã chạy ra ôm chầm lấy, khóc nức nở:

- Tội cho hai anh em mày quá. Mày xuống làng bị địch phục không gặp được nó. Nó lên tỉnh tìm mày thì mày đi công tác xa. Giờ mày xuống đây chỉ còn gặp nắm đất nó nằm mà thôi...

Anh Bốn đưa tôi đến một gốc trâm cách đó chừng 300 mét, nơi có mộ em gái tôi. Nấm mộ đất đỏ tươi và ướt như máu vừa mới thấm xuống đó. Máu của em gái tôi...♦



Ảnh minh họa

Chiều mưa ở nghĩa trang Trường Sơn

NGUYỄN HƯNG HẢI

Chiều mưa trắng cả nghĩa trang

Nén hương tắt giữa dọc ngang im lìm

Áo tơi chị vẫn đi tìm

Gọi tên anh giữa sấm rền, nước xô

Giống nhau quá những ngôi mồ

Nghĩa trang bóng chị cũng mờ trong mưa

 

Gọi mà chẳng thấy anh thưa

Nén hương ai thắp mới vừa tắt xong

Thì đây thắp ở trong lòng

Bao năm mình chị tìm chồng thắp lên

Thắp cho đâu đó đừng quên

Vô danh sao được tuổi tên bao người

Ở đâu anh giữa mưa rơi

Hàng hàng bia mộ trắng trời Trường Sơn

 

Quờ tay ra nhặt nén hương

Bàn tay chị ngỡ đang ôm lấy mồ

Ở đâu anh, đã bao giờ

Anh nhìn thấy chị trong mưa đi tìm

Khôn thiêng thì giữa sấm rền

Hiện lên cho chị được nhìn thấy anh

Đang lần theo những vô danh

Tuổi tên thì có mà đành… chiều nay...

Hùng Đô, chiều 7-7-2020

 

THANH QUẾ