Đêm tháng 6-1964. Gió trời thao thức. Sóng bạc đầu dào dạt vỗ bờ. Mặt biển như tấm thảm sẫm xanh trải tận chân trời. Anh chiến sĩ biên phòng trên trạm gác cửa sông nghe được tiếng đôi chim biển rủ nhau vào trú đêm trong bầu nước ngọt; tiếng chim mẹ “ru con”, rúc rích trong tổ trên cây phi lao… Đêm Nhật Lệ yên bình là thế. Vậy mà vài đêm nay mặt biển xuất hiện những vệt sáng lạ. Anh chiến sĩ hỏi các lão ngư thì được các cụ trả lời: “Lạ lắm. Biển quê mình lâu nay không có như vậy”.
Biển phát sáng
Các tài liệu khoa học trong Bách khoa toàn thư mở, sách Động vật hoang dã diệu kỳ đều cho ta biết rằng: Có lúc màn đêm bao trùm, mặt biển hiền hòa bình lặng đột nhiên nổi cơn thịnh nộ, bùng lên những vùng sáng huyền ảo rồi cuồn cuộn lan rộng ra. Có lúc ánh sáng giống như cánh quạt quay tròn trên mặt biển… Những hiện tượng kỳ thú như vậy là do các sinh vật biển “trình diễn”. Ngoài các vi khuẩn, trong nước biển mặn còn có loài tảo đơn bào phát sáng. Cơ thể chúng nhỏ bé, đôi khi phải dùng kính hiển vi mới nhìn thấy nhưng số lượng chúng nhiều vô kể, mật độ lại rất dày đặc. Mỗi khi biển bị xáo động, chúng đồng loạt phát ra ánh sáng lấp lánh. Trong nước biển còn có vô số loài trùng dạ quang nhỏ bé, đường kính chỉ vài ba milimét. Chúng là những động vật đơn bào thuộc dòng “tiên mao trùng”, cơ thể hình cầu như dịch keo trong suốt. Trong cơ thể chúng có nhiều hạt nhỏ li ti phát sáng. Mỗi khi nước biển bị các loài cá lớn bơi quẫy, mái chèo gạt nước, sóng gió xô đẩy…, bị kích thích chúng đồng loạt phát sáng. Mỗi con là một điểm sáng. Cả bầy dày đặc tạo thành một vùng sáng lung linh lan tỏa. Người đi biển ngồi trên mạn thuyền có thể đọc chữ trong trang sách.
Các nhà nghiên cứu về hải dương học, sinh vật học còn cho ta biết rằng, phương thức phát sáng của các loài động vật thường không giống nhau. Có loài phát sáng bên ngoài tế bào, có loài phát sáng nhờ những vi khuẩn cộng sinh trên cơ thể. Sự phát sáng ngoài tế bào là do các chất nó bài tiết ra ngoài cơ thể phát sáng. Sự phát sáng trong tế bào là từ nguồn năng lượng của nó nằm trong cơ thể. Cũng có những động vật phát sáng nhờ những vi khuẩn cộng sinh trên cơ thể. Trong nước biển có những loài động vật không có khả năng phát quang, nhưng trên mình nó có vi khuẩn phát quang ký sinh. Loài sinh vật đó hút chất dinh dưỡng từ vật chủ để duy trì sự sống và phát ra ánh sáng. Ngược lại con vật chủ nhờ ánh sáng của vi khuẩn ký sinh để săn tìm mồi. Trong biển cả bao la còn có các loài mực, loài sứa, loài cá đuôi dài, đầu to (gan dùng làm nguyên liệu bào chế dầu cá) cũng phát ra ánh sáng. Và, tất cả đó chỉ là ánh sáng huỳnh quang, ánh sáng lạnh không tỏa nhiệt.
Một điều thú vị nữa, các nhà nghiên cứu còn cho ta biết thêm rằng trong những vùng biển ấm có loài tép lân tinh mình trong suốt, có đôi mắt kép. Loài tép ấy chứa trong mình những hạt nhỏ “hoàng kim” như những hạt ngọc tạo thành cơ quan phát ra ánh sáng màu hồng. Trong biển đêm loài tép lân tinh thường kết từng đàn bơi lững lờ trên mặt nước. Bị sóng xao động, đàn tép tạo ra một vùng ánh sáng lung linh huyền ảo màu hồng pha màu lam nhạt. Những vùng ánh sáng đó đã đi vào truyền thuyết… Người xưa đã lầm tưởng rằng đó là những vùng biển ngọc ngà có các nàng tiên cá cùng các công chúa của thủy thần tắm mát nô đùa cùng sóng biển…
Vậy là những ánh sáng đất trời tô thêm vẻ đẹp hào hoa hùng vĩ cho biển cả khác xa những vệt sáng lạ trên biển Nhật Lệ mấy đêm nay. Những vệt sáng theo nhịp tay đẩy mái chèo gạt nước. Những vệt sáng lượn lờ có lúc nhanh lúc chậm và thỉnh thoảng lại lóe lên một vệt sáng xanh.
Anh Chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Quảng Bình cùng cán bộ tham mưu, tác chiến đã đến trạm gác cửa sông. Các anh thức qua nhiều phiên gác với chiến sĩ để trực tiếp quan sát những vệt sáng lạ trên biển. Anh Chỉ huy trưởng nói với các chiến sĩ: “Bọn giặc đã nhòm ngó Bầu Tró của chúng ta. Gần đây chúng có những hành động điên cuồng nhằm vào địa bàn tỉnh nhà. Tháng trước chúng tung biệt kích người nhái vào cửa sông Gianh cài thủy lôi, chất nổ hòng phá tàu. Chúng cho bọn “sói điên”, “cóc tía” lẻn vào Đèo Ngang ẩn nấp trong dãy Hoành Sơn hòng phá cầu Khe Lũy, cài mìn trên quốc lộ. Chúng đột nhập vào những xóm chài ven biển chân đèo bắt cóc ngư dân khai thác thông tin… Bầu Tró bên bờ Nhật Lệ là mục tiêu bảo vệ trọng yếu của chúng ta. Ở đó ta có nhà máy bơm lọc nước ngọt, có hệ thống đường ống đưa nước về thành phố Đồng Hới. Bà con dân cư vùng Hải Thanh đang sinh sống bằng nguồn nước ngọt này. Bầu Tró còn là địa danh di tích văn hóa lịch sử nghìn năm của người Việt cổ, là điểm du lịch của chúng ta…”. Anh chỉ huy trưởng quyết định điều một đơn vị cơ động ứng chiến đến tăng cường bảo vệ hồ nước ngọt Bầu Tró.
Hồ huyền thoại
Theo các nhà văn hóa, phương ngữ mang tính cổ xưa của cư dân sống lâu đời ở vùng này thì hồ nước nhỏ gọi là bầu. Bầu Tró rộng 1km2 nằm bên bờ biển Nhật Lệ.
Theo Bách khoa toàn thư mở, tên danh xưng vùng đất bờ biển Nhật Lệ có từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (thế kỷ 17-18). Thời ấy nước ta bị chia cắt thành hai miền. Con sông Gianh là giới tuyến. Những lưu dân người Đàng ngoài sinh sống ở vùng đất Đàng trong thường ngày tụ tập nhau nơi vùng bờ biển này. Họ nhìn về phương Bắc với nỗi lòng nhớ quê hương, ôm nhau khóc, nước mắt thấm cát trắng, chảy thành dòng ra biển nên nơi này được gọi là biển Nhật Lệ. Cũng theo Bách khoa toàn thư mở, trước đó vào năm Kỷ Dậu 1553 có một người con Quảng Bình đã viết sách địa lý Quảng Bình, đó là tiến sĩ Dương Văn An. Ông viết cuốn Ô Châu cận lục trong đó có chương nói về Bầu Tró… Bầu nước trong vắt khuấy không đục, lắng không trong hơn. Bầu nước phẳng lặng nơi tĩnh mịch nằm giữa không gian trùng khơi bao la, vị biển mặn mòi… Bầu nước có hình giống quả bầu hơi eo phần giữa thân hình. Quanh bờ bầu có vẻ đẹp nguyên sơ như trong cổ tích. Song dưới mặt nước trong xanh phẳng lặng ấy như còn ẩn chứa biết bao điều kỳ bí mà gần gũi với cuộc sống con người… Bầu Tró trở thành huyền thoại.
Tuy vậy cho đến ngày nay chưa thấy có thư tịch nào nói về sự tích của bầu huyền thoại ấy. Nhiều người và cả người viết bài này cũng chỉ hiểu Bầu Tró qua truyện thơ Bầu huyền thoại của nhà thơ Văn Lợi (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Bình). Bầu Tró như một thiên tình sử bi hùng.
… Chuyện kể rằng, thủa ấy nàng công chúa ngọc ngà thứ 9 của Long Vương một buổi chiều thơ mộng lên ngắm cảnh tà dương thì gặp chàng công tử khôi ngô tuấn tú con trai của Thổ thần. Hai người phải lòng nhau nồng nàn say đắm. Long Vương biết chuyện đã nổi trận lôi đình bắt công chúa về giam vào thủy cung dưới Thủy phủ. Công tử nhớ nhung nàng. Chàng cầu khẩn Thần đất gọi người đào cái bầu sâu hun hút xuyên đáy biển thông đến nơi người tình bị giam giữ. Nàng công chúa đã lượn theo làn sóng xanh, luồng nước biếc lên với chàng công tử. Nhưng nàng vốn là dòng dõi vẩy ngọc vây vàng của thần cá sống nơi biển rộng sông dài, đâu có quen vùng nước ngọt đất rừng. Nàng lịm dần trong vòng tay của chàng.
Cảm thương cuộc tình của đôi trai gái, bàn dân thiên hạ gọi bầu nước ngọt là “Bầu trớ trêu”. Qua nhiều năm tháng, tên bầu nước ngọt được gọi chệch dần thành “Bầu Tró”. Long Vương chưa nguôi cơn thịnh nộ, hằng năm làm bão tố xua sóng lừng, sóng bổ dâng nước mặn tràn vào bầu. Nhưng Thổ thần đã bồi cao bãi cát trắng ngăn lại nên nước trong bầu vẫn trong vắt, ngọt lành như nước giếng thơi, như nước suối non ngàn.
Và, bao đời nay cư dân ở vùng này vẫn còn lưu truyền câu chuyện kỳ bí như một dã sử. Chuyện rằng, từ ngày xửa ngày xưa có ông khổng lồ bơi thuyền ra giữa bầu, buộc sọt đá vào đầu dây thả xuống để đo lòng bầu. Nhưng ông nối hết cả thuyền dây mà sọt đá vẫn không chạm đáy. Vậy là bầu không có đáy, bầu nước lơ lửng giữa đất trời (!). Rồi một ngày tháng 8, vùng Vực Troóc, Kẻ Bàng tận trên rừng xanh ngút ngàn xa thẳm có trận lụt lớn. Nước từ đó chảy ngầm trong lòng đất trôi về bầu những ngọn lá rừng, những quả bưởi và nhiều hạt lúa. Thời cổ sơ ấy cư dân ở đây gọi lúa là ló. Nên bầu nước được đặt tên là Bầu Ló. Nhưng rồi các thế hệ người sau nói chệch dần thành Bầu Tró (cũng như tên gốc của Đồng Hới là Đông Hải, nhưng từ khi người Pháp đến đây họ không nói được từ đó mà chỉ gọi là “Doong Hơ”, rồi người Việt ta cũng gọi chệch dần thành Đồng Hới).
Sau này các nhà địa chất học cho ta biết rằng, từ xa xưa vùng đồng bằng ven biển Quảng Bình vốn được dịch chuyển từ nền đá gốc đã bị biển bào mòn. Đồng thời trong quá trình kiến tạo, nơi đây đã được đóng khung trong lớp trầm tích biển dày và cứng. Và, trong thời kỳ nội sinh địa chất có xu hướng chuyển dịch các dòng sông ra gần biển. Theo đó tại các điểm giao nhau chỗ thấp trũng sẽ đọng thành những vùng nước ngọt trong lành. Rồi những vùng nước đó được kết hợp thêm với những nguồn nước dồi dào từ nước mưa, nước nơi cao ngấm về đã tạo nên những hồ nước xanh trong sâu thăm thẳm vẻ hoang sơ nguyên dạng. Bầu Tró được hình thành như thế.
Năm 1925 có hai người Pháp ở Trường Viễn Đông Bác Cổ đến Bầu Tró, họ phát hiện ra dấu tích của người xưa. Rồi nhà địa chất - khảo cổ học Étienne Patte, người Pháp, đã tổ chức khai quật. Ông tìm thấy nhiều hiện vật đồ đá mới: rìu đá, bàn nghiền mảnh gốm vỡ, mảnh nồi niêu, bình vò, bàn mài, mũi nhọn… Các hiện vật đều có niên đại trên 5.000 năm… Tháng 3-1980, khoa Lịch sử - Khảo cổ Trường đại học Huế cùng Viện Khảo cổ học Việt Nam mở rộng việc khai quật di chỉ Bầu Tró đã thu thêm nhiều hiện vật. Bộ Văn hóa đã chính thức công bố Bầu Tró là di chỉ văn hóa hậu kỳ đá mới ở vùng ven biển miền Trung nước ta.
*
Đêm 30-6-1964, P45 - cơ quan trùm chỉ huy tình báo gián điệp biệt kích của giặc điều hai chiếc tàu thủy cỡ nhỏ ra bờ biển Nhật Lệ - Quảng Bình. Hai chiếc tàu đỗ cách bờ biển chừng 3 hải lý (1 hải lý = 1.852m) rồi thả thuyền cao su đưa một phân đội biệt kích 31 tên vào bờ(*). Các chiến sĩ công an vũ trang và dân quân lặng yên trên trận địa chờ thuyền cao su tiếp cận bờ. Lúc lũ biệt kích bắt đầu lần mò trên bãi cát tiến vào Bầu Tró thì các trận địa của ta đồng loạt nổ súng. Làn đạn đan dày như tấm lưới lửa sáng rực vùng biển đêm Nhật Lệ trùm lên đầu lũ giặc. Bị đánh phủ đầu, lũ giặc đứa ngã gục trên bãi cát, đứa bò trở lại thuyền cao su, kéo xác đồng bọn bơi ra biển. Những tên sống sót giơ tay hàng. Mấy đứa run rẩy chui đầu vùi mặt vào cát bị dân quân tóm gọn. Chúng bỏ lại bên mép sóng ba khẩu súng Bazooka, hai súng tiểu liên AR-15, thuốc nổ, thuyền cao su, các phương tiện gián điệp và một túi thuốc độc. Tên giặc bị bắt khai rằng, chúng được lệnh đột nhập vào đánh phá nhà máy bơm nước, và bức tử Bầu Tró…
Lúc ấy hừng đông vừa rạng. Màu hồng bừng lên rực rỡ phía chân trời, và mặt biển cũng lung linh màu đỏ thắm. Ngôi sao mai nhú lên sáng vàng lấp lánh ánh kim cương. Đứng ở trạm gác bên Bầu Tró, anh chiến sĩ biên phòng ngắm nhìn vùng trời phía trước đẹp như lá cờ Tổ quốc.♦
(*) Tư liệu bài này trích trong Lịch sử Bộ đội biên phòng.