Cuối năm 1965, năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du thì Nguyễn Bính làm việc sôi nổi, hào hứng đặc biệt. Anh thuộc lòng Truyện Kiều từ đầu chí cuối. Và vốn coi cụ Tiên Điền như một vị tổ sư nên chuẩn bị năm này, Nguyễn Bính viết không biết mỏi.
Anh viết “Bài thơ quê hương” ca ngợi đất nước mình có nền nhạc, nền thơ, có kho tàng văn học dân gian đồ sộ và “Nguyễn Du có một Truyện Kiều”.
Anh khoe: trong một đêm đã viết được một bài tập Kiều vịnh cụ Nguyễn Du. Anh không cho ai xem, chờ lúc ra hội đồng biên tập đủ mặt mới trịnh trọng mở trang giấy viết công phu, chữ đẹp như xếp, rồi hắng giọng ngân nga:
Kính tặng Nguyễn Du và Truyện Kiều
Cảo thơm lần giở trước đèn
Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa
Trăm năm trong cõi người ta
Một thiên tuyệt bút gọi là để sau
Khen tài nhả ngọc phun châu
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
Mấy lời ký chú đinh ninh
Rằng tài nên trọng mà tình nên thương
Khen rằng đáng giá thịnh Đường
Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai
Ngẫm âu người ấy báu này
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Nặng vì chút nghĩa xưa sau
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay
Thương vui bởi tại lòng này
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Tưởng người nên lại thấy người về đây.
Cả hội đồng duyệt bài báo số Tết hôm ấy cùng lặng đi. Một bài tập Kiều thật hay. Nhưng nghe ra… tuy là đề tài tặng cụ Tiên Điền mà sao cứ như tâm sự Nguyễn Bính tổng kết cái cuộc đời tài hoa, long đong, lận đận của mình! Và những câu sau cùng, sao mà nó sái quá “Một lời là một vận vào khó nghe”.
Nguyễn Bính cười trừ:
- Các ông mê tín quá ! Cứ hay là được rồi. Tôi xin nộp bài. Một chữ cũng không sửa.
Đúng ba mươi Tết năm ấy, Nguyễn Bính ra đi vĩnh viễn…♦