Ngày 27-8-1945, Hồ Chí Minh họp Ủy ban Giải phóng dân tộc, chẳng bao lâu trở thành Chính phủ lâm thời mới, tại Bắc Bộ Phủ. Theo phong cách ăn mặc riêng, ông Hồ xuất hiện tại cuộc họp trong chiếc áo chàm miền núi, quần soóc nâu sờn, dép cao su, mũ cát. Vấn đề bàn trong cuộc họp là thông qua danh sách chính thức tân chính phủ và thảo luận lời văn Tuyên ngôn Độc lập. Ông Hồ từng ngồi làm việc trong căn phòng nhỏ kém ánh sáng phía sau căn nhà trên phố Hàng Ngang, đánh máy nhiều lần sửa đi sửa lại bản thảo. Bây giờ ông sẵn sàng đưa nó cho các đồng chí của ông xem. Như Hồ Chí Minh nói với họ sau này, đây là “những giây phút hạnh phúc nhất” đời ông(1).
Tại cuộc họp, ông Hồ đề nghị chính phủ mới nên mở rộng thành phần cơ bản bao gồm tất cả các tầng lớp nhân dân, nhân sĩ tiến bộ trong nước và chính sách của chính phủ phải nhằm đạt được sự thống nhất rộng rãi trong nhân dân. Đề xuất của ông được nhất trí thông qua, vài ủy viên Việt Minh còn đề nghị từ chức để dành chỗ cho những đảng phái chính trị khác. Sau khi Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông tiếp từng thành viên chính phủ mới và quyết định trụ sở là Bắc Bộ Phủ.
Hai ngày sau, đài phát thanh công bố tên những thành viên chính phủ mới. Ngoài chức vụ chủ tịch, Hồ Chí Minh kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Võ Nguyên Giáp giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Phạm Văn Đồng giữ chức Bộ trưởng Tài chính, Chu Văn Tấn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Trần Huy Liệu giữ chức Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền. Những quan chức cao cấp khác từ Đảng Dân chủ - một đảng đại diện cho trí thức tiến bộ thành lập dưới sự bảo trợ của Mặt trận Việt Minh năm 1944, trong số những người bổ nhiệm có một người theo Thiên Chúa giáo, vài nhân sĩ không đảng phái. Khoảng một nửa bộ trưởng trong chính phủ mới là ủy viên Mặt trận Việt Minh(2).
Suốt mấy ngày sau đó, Hồ Chí Minh làm việc miệt mài tại một phòng nhỏ ở Bắc Bộ Phủ, trau chuốt bản Tuyên ngôn Độc lập dự kiến sẽ đọc vào ngày 2 tháng 9. Ông đã chuyển đến ở một biệt thự nhỏ trên phố Bonchamps, nhưng vẫn tiếp tục ăn với các đồng chí của ông ở phố Hàng Ngang. Giới lãnh đạo đảng quyết định buổi lễ sẽ tổ chức tại quảng trường Puginier, một quảng trường rộng gần Phủ Toàn quyền. Thành phố trở lại vẻ sinh hoạt bình thường, mặc dù những cuộc biểu tình của nhân dân ủng hộ chính phủ mới diễn ra gần như suốt ngày. Cờ đỏ sao vàng bắt đầu tung bay trước nhà và cửa hàng, trong khi những đơn vị tự vệ Việt Minh canh gác công sở. Người ta gỡ bỏ những miếng che đèn đường từng sử dụng để che ánh sáng trong thời gian cuối chiến tranh, khu vực buôn bán trở lại sầm uất thay cho bóng tối. Có ít người nước ngoài trên đường phố, vì đa số người Pháp bị nhốt sau đảo chính tháng 3-1945 vẫn chưa được thả khỏi nhà tù và quân đội Tưởng Giới Thạch vẫn chưa tới. Quân đội Nhật nói chung ở ngoài mắt công chúng, mặc dù trong một vài trường hợp có sự đối đầu giữa những đơn vị Nhật và Việt Minh, nhưng tránh được ở phút cuối cùng qua những cuộc thương lượng kịp thời.

William J. Duiker (sinh năm 1932 tại Chicago, Illinois) là một nhà sử học và là giáo sư cao quý (Professor emeritus, giáo sư về hưu) của Mỹ trong chuyên ngành lịch sử Đông Nam Á tại Đại học bang Pennsylvania (Pennsylvania State University). Nghiên cứu của ông tập trung vào lịch sử Việt Nam, ngoài ra, ông còn được biết đến như là tác giả của một số sách về tổng quan lịch sử thế giới. Từ giữa năm 1964 đến mùa thu năm 1965, ông làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Nam Việt Nam, nơi ông chịu trách nhiệm về các báo cáo kinh tế. Duiker tập trung chủ yếu vào lịch sử của Việt Nam và đặc biệt là Việt Nam trong thế kỷ 20, với các chủ đề của phong trào độc lập của Việt Nam, cuộc chiến tranh Việt Nam và sự phát triển của đất nước sau khi thống nhất năm 1975. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là cuốn tiểu sử “Ho Chi Minh - A life” (12-2000) về Hồ Chí Minh. |
Từ mờ sáng ngày 2-9-1945, nhân dân bắt đầu tập trung đông ở quảng trường Puginier, sau này đổi tên thành quảng trường Ba Đình. Nhiều năm sau Võ Nguyên Giáp mô tả lại không khí ngày hôm đó:
“Hà Nội lộng lẫy trong rừng cờ đỏ. Một thế giới của cờ, đèn lồng và hoa. Những lá cờ đỏ tung bay phấp phới trên nóc nhà, cây và quanh hồ.
Cờ đuôi nheo treo dọc đường phố, mang khẩu hiệu bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Trung Quốc và Nga: ‘Việt Nam của người Việt Nam’, ‘Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp’, ‘Độc lập hay là chết’, ‘Ủng hộ Chính phủ lâm thời’, ‘Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh’, ‘Chào mừng phái bộ Đồng minh’ v.v…
Nhà máy, cửa hàng lớn nhỏ tất cả đều đóng cửa. Chợ búa vắng tanh… Toàn thành phố, già trẻ, đàn ông và đàn bà đổ ra đường… Một dòng người đủ màu sắc chảy tới quảng trường Ba Đình từ tất cả các ngả.
Công nhân trong sơ mi trắng, quần xanh đứng thành hàng ngũ, tràn đầy mạnh mẽ và tin tưởng… Hàng trăm hàng ngàn nông dân từ ngoại thành đổ vào. Tự vệ mang gậy tầm vông, kiếm hoặc hoặc mã tấu. Một số ít người thậm chí mang cả giáo cổ bằng đồng và thanh long đao lấy từ đồ thờ ở chùa chiền. Phụ nữ nông dân ăn mặc quần áo lễ hội, một số mặc áo tứ thân, vấn khăn vàng, thắt lưng màu hoa lý…
Sống động nhất là thiếu nhi… Các cháu hành quân từng bước theo còi của người phụ trách, hát vang những bài ca cách mạng”(3).
Chính giữa quảng trường, đội danh dự đứng nghiêm trong nắng hè chói chang, trước một khán đài bằng gỗ mới dựng lên hôm trước. Đây là khán đài mà chủ tịch sẽ tự giới thiệu bản thân, giới thiệu tân chính phủ và đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Khi giờ lễ đến gần, Hồ Chí Minh băn khoăn về bộ quần áo ông sẽ mặc, đề nghị các cộng sự tìm bộ quần áo thích hợp cho sự kiện này. Cuối cùng ai đấy cho ông mượn bộ quần áo ka ki và chiếc áo vét cao cổ với đôi dép cao su trắng.
Buổi lễ dự kiến khai mạc lúc 2 giờ chiều, nhưng vì đoàn người diễu hành đổ về trên các ngả đường cho nên Hồ Chí Minh và nội các đến chậm mấy phút do đoàn xe Mỹ phải khó khăn lắm mới vượt qua được biển người. Sau khi tất cả đã lên khán đài, Võ Nguyên Giáp, tân Bộ trưởng Nội vụ, giới thiệu Hồ Chí Minh với quần chúng. Hồ Chí Minh phát biểu ngắn gọn nhưng đầy xúc động:
“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Sau đó Hồ Chí Minh miêu tả những tội ác mà chế độ thực dân Pháp đã gây ra cho Việt Nam, cuối cùng người Việt Nam đã phải đứng lên đánh đuổi Pháp giành lại độc lập dân tộc. Hồ Chí Minh kết luận: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Giữa bài phát biểu, ông Hồ đã dừng lại hỏi “Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?”. Theo lời ông Giáp kể, hàng triệu người đã reo lên như tiếng sấm “Có”. Buổi lễ kết thúc bằng sự giới thiệu những thành viên chính phủ. Võ Nguyên Giáp và Trần Huy Liệu tóm tắt và tuyên thệ lời thề độc lập. Sau đó mọi người rời khỏi lễ đài, đám đông giải tán, một số người phấn chấn khi phi đội máy bay Mỹ P-38 bay qua đầu. Những lễ kỷ niệm Ngày Độc lập cũng diễn ra tại một ngôi chùa và nhà thờ Công giáo. Tối hôm đó, tân chủ tịch gặp gỡ, tiếp đoàn đại diện các tỉnh.
Những công dân Pháp chứng kiến sự kiện này với vẻ lo lắng. Có khoảng 15.000 người Pháp sống ở Hà Nội lúc cuối chiến tranh và nhiều người đã phòng bị tự vũ trang để chuẩn bị cho những ngày khó khăn sắp tới. Có gần 5.000 tù nhân Pháp đang bị giam ở Hỏa Lò, Patti nói, họ âm thầm chuẩn bị nổi dậy cầm vũ khí khi binh sĩ “Nước Pháp tự do” đổ bộ vào Đông Dương(4).
Ngày 3-9-1945, mặc bộ quân phục ka ki đã sờn, đi đôi giầy vải xanh ông thường dùng ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp nội các đầu tiên tại phòng họp ở tầng dưới Bắc Bộ Phủ. Đại hội Quốc dân tổ chức tại Tân Trào đã thông qua một loạt những biện pháp - mang tên “mười chính sách lớn” - đã được Tổng bộ Việt Minh thảo ra trước đây. Một số điểm đề cập những hoạt động cần thiết phải tăng cường sức mạnh lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu trong tương lai với Pháp hoặc với lực lượng chiếm đóng Đồng minh, một số điểm khác liên quan tới tới vấn đề tạo ra một hệ thống chính trị mới, đưa những biện pháp cải thiện kinh tế quốc dân, xây dựng mối quan hệ với những nước khác trong khu vực và thế giới(5).
Mở đầu, Hồ Chí Minh giải thích vấn đề cấp bách nhất là nạn đói khủng khiếp - đặc biệt, làm sao để giảm bớt được hậu quả nạn đói. Dù khủng hoảng có thể giảm bớt đôi chút từ đầu mùa hè do vụ lúa chiêm được mùa, nhưng tình hình tệ thêm nữa vào tháng 8, khi nước sông Hồng gây ra lụt lội, ngập úng những cánh đồng lúa vùng trũng khắp đồng bằng sông Hồng. Sinh viên các trường đại học Hà Nội tổ chức những đội quân hằng ngày mỗi buổi sáng dậy sớm đem chôn những xác chết chất đống trên đường phố trong 24 giờ qua. Tại cuộc họp, chính phủ mới đưa ra một loạt những biện pháp khẩn cấp chiến đấu với nạn đói, bao gồm một chiến dịch khuyến khích nhân dân tiết kiệm, giảm bớt tiêu thụ thực phẩm. Để làm gương, ông Hồ tuyên bố cứ mười ngày ông nhịn ăn một ngày. Số thực phẩm tiết kiệm chia cho người nghèo. Trong những tuần lễ sau, chính phủ thông qua một số chính sách bổ sung để tiết kiệm gạo và tăng sản xuất. Đất công, chiếm hơn 20% toàn bộ đất canh tác ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, được trưng thu chia đều cho dân nghèo từ 18 tuổi trở lên. Cấm làm bún và nấu rượu, giảm thuế nông nghiệp sau đó bỏ hoàn toàn, mở các trạm tín dụng nông nghiệp tại xã cung cấp cho nông dân tín dụng dễ dàng, đất hoang ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ phải được khai phá, trồng trọt(6).
Chính phủ cũng chú ý tới một số vấn đề khác. Một trong những lo âu đầu tiên của Hồ Chí Minh, như ông bày tỏ tại cuộc họp ngày 3 tháng 9, trình độ dân trí thấp ở Việt Nam. Theo một nguồn tài liệu, năm 1945, 90% dân Việt Nam mù chữ, là bản cáo trạng chính sách giáo dục của Pháp trong một xã hội nơi tỷ lệ người biết đọc biết viết từng có truyền thống cao nhất ở châu Á. Bây giờ sắc lệnh ban ra đòi hỏi tất cả người Việt Nam phải biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ trong vòng một năm. Sắc lệnh mang ảnh hưởng Nho giáo mạnh mẽ viết: “Ai chưa biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ thì phải học. Vợ học chồng. Em học anh. Già học trẻ. Bố mẹ học con. Con gái và đàn bà đều phải học chăm chỉ hơn”. Các lớp học xóa nạn mù chữ được mở ra để dạy học sinh trong độ tuổi từ thiếu nhi đến người già. Dù thiếu giáo viên và cơ sở học hành (nhiều nơi chùa chiền, bệnh viện và chợ được biến thành trường học), chương trình xóa nạn mù chữ có tác dụng trông thấy: đến mùa thu năm 1946, hơn 2 triệu người Việt Nam đã được xoá nạn mù chữ(7).
Tại cuộc họp nội các, Hồ Chí Minh đưa ra vấn đề chuẩn bị tổng bầu cử để thành lập một chính phủ chính thức dựa trên tự do dân chủ. Ngày 8 tháng 9, ban hành sắc lệnh tuyên bố cuộc tổng tuyển cử bầu ra quốc hội lập hiến sẽ được tổ chức trước, sau hai tháng sẽ ban hành dự thảo hiến pháp mới của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mọi công dân trên 18 tuổi có quyền đi bầu. Các sắc lệnh sau này tuyên bố quyền bình đẳng giữa các dân tộc và tự do tín ngưỡng. Ngày 13-10-1945, ban hành sắc lệnh tuyên bố bãi bỏ chế độ quan lại truyền thống, thành lập các uỷ ban nhân dân và hội đồng nhân dân thông qua bầu cử tại tất cả các tỉnh ở Bắc Kỳ(8).
Chính phủ mới tập trung những nỗ lực giải quyết vấn đề kinh tế như giảm thuế, cải thiện điều kiện làm việc, chia đất cho người nghèo. Bãi bỏ các loại thuế do Pháp đặt ra: thuế đất, thuế thân - những khoản thuế này chiếm 3/4 thuế thu nhập thương niên của chính phủ - bãi bỏ thuế sản xuất muối và rượu, các loại thuế buôn bán khác cũng lập tức bị bãi bỏ, đồng thời chính thức cấm tiêu thụ thuốc phiện và lao động khổ sai. Công bố ngày làm việc tám giờ và người chủ phải cho người làm thuê biết những lý do, báo trước một thời gian cho họ trước khi bị sa thải. Ở nông thôn, việc thuế đất được lệnh cắt giảm 25% và tất cả những món nợ lâu năm được xóa bỏ.
Tuy nhiên, chính phủ không quốc hữu hóa cơ sở công nghiệp hoặc thương mại, không tham vọng chương trình cải cách ruộng đất bằng cách tịch thu ruộng đất của người giàu chia cho người nghèo. Lúc đó, chỉ có ruộng đất của bọn thực dân Pháp và bọn tay sai người Việt mới bị tịch thu. Trong những bài báo và phát biểu trong thời gian chiến tranh Thái Bình Dương, Hồ Chí Minh đã nói rõ, sau khi cuộc tổng khởi nghĩa thành công, xã hội Việt Nam bước vào giai đoạn đầu tiên, tức giai đoạn dân chủ nhân dân theo quá trình cách mạng của Lênin. Giai đoạn đó nổi bật là sự thành lập chính phủ mặt trận thống nhất mở rộng, đại diện cho khối đoàn kết toàn dân và những chính sách cải cách ôn hòa trong kinh tế và xã hội.♦
NGUYỄN HỌC - LÂM HOÀNG MẠNH dịch
* Đầu đề do Hồn Việt đặt. Bản trích trong cuốn Hồ Chí Minh - Chân dung một cuộc đời (dịch từ tác phẩm Ho Chi Minh - A life của William J. Duiker).
(1) Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, tr.24-25.
(2) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập II, tr.272; Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, tr.25-26.
(3) Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, tr.27-28. Quảng trường mang tên Puginier - Giám mục Pháp ở Đông Dương thế kỷ 19. Hồ Chí Minh đề nghị đổi tên chỗ này thành quảng trường Ba Đình để vinh danh ba làng ở Thanh Hóa đã nổi dậy chống xâm lược Pháp cuối thế kỷ 19 - xem Kobelev, Hồ Chí Minh, tr.174. Về việc ông Hồ thay đổi chỗ ở, xem Georges Boudarel và Nguyễn Văn Kỳ, Hà Nội, 1936-1996: Màu cờ Đỏ và Xanh (NXB Autrement, Paris, 1997); XP-99.
(4) NR 63 từ XUF, ngày 2-9-1945, hộp 199, Thư mục 3373, RG 226, Lưu trữ quốc gia Mỹ (College Park, Md). Về số lượng đám đông, xem Marr, Việt Nam 1945, tr.530, 239; Marr ước tính đám đông không đúng, vượt quá 400.000, trong bối cảnh dân chúng Hà Nội lúc bấy giờ khoảng 200.000. Theo một số quan sát viên, khi máy bay Đồng minh bay qua quảng trường, quan chức Việt Minh tuyên bố một cách tự hào “Máy bay của chúng ta”. Tôi có bản dịch bản Tuyên ngôn Độc lập từ Hồ Chí Minh - Tuyển tập (NXB Ngoại văn, Hà Nội, 1977), tr.55-56. Archimedes Patti có bản dịch sang tiếng Anh sau này (tr.250). Một cựu trào Việt Minh gần đây kể, khi đài phát thanh phát lời ông Hồ, dân làng Tân Trào mở radio - thứ mà họ chưa hề nhìn thấy trước đó - để xem liệu họ có thể tìm thấy người nói bên trong radio - ý kiến của Trần Minh Châu, tại Hội nghị OSS - Việt Minh, ngày 23-9-1997.
(5) Xem Lịch sử một cuộc cách mạng, tr.120-121. Theo Georges Boudarel, bộ quần áo ka ki của ông Hồ được may riêng theo ý ông. Khi thư ký riêng của ông, Vũ Đình Huỳnh, đề xuất mua bộ quần áo tốt hơn và giày da, ông Hồ từ chối và yêu cầu quần áo giản dị, chắc chắn và thuận tiện, hơn là đắt và xa hoa - xem những phát biểu của ông Hồ trong Georges Boudarel và Nguyễn Văn Kỳ, Hà Nội, 1936-1996: Màu cờ Đỏ và Xanh (NXB Autrement, Paris, 1997), tr.99-100. Ông Hồ nhấn mạnh với Huỳnh, ông chưa từng thắt cà vạt, nhưng điều đó chắc chắn không đúng, như một số bức hình chứng thực.
(6) Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, tr.39-41, và Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử (NXB Houghton Mifflin, Boston, 1987), tr.39. Một nguồn Việt Nam cho biết, 15 tỉnh đồng bằng sông Hồng thu hoạch gạo vụ hè-thu năm 1945 chỉ 500.000 tấn, so sánh với 832.000 tấn của năm trước - xem Nguyễn Kiên Giang, Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám (NXB Sự thật, 1961), tr.140-141, trích dẫn báo Sự thật ngày 12-12-1945.
(7) Nguyễn Kiên Giang, Việt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám (NXB Sự thật, 1961), tr.153-154, trích dẫn báo Sự thật ngày 13-9-1946.
(8) Philippe Devillers, Lịch sử Việt Nam, 1940 - 1952 (NXB du Seuil, Paris, 1952), tr.189; Nguyễn Công Binh, Bàn về tính chất cuộc cách mạng tháng Tám, trong tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 17 (tháng 8-1960), tr.4.